Trung Quốc muốn nói điều gì qua tàu sân bay đầu tiên?
“Việc Trung Quốc theo đuổi tàu sân bay sẽ không thay đổi bản chất phòng vệ trong chính sách quốc phòng hay ngoại giao hoà bình của mình” – Trung Quốc tuyên bố, trong khi dư luận lo ngại ý nghĩa vụ thử lần đầu tiên tàu sân bay đầu tiên của nước này.
Tàu sân bay Varyag của Trung Quốc.
“Trước Trung Quốc, đã có 9 nước sở hữu tàu sân bay, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Nga, Ấn Độ, Thái Lan và Brazil”, hãng tin chính thức của Trung Quốc Xinhua viết.
“Trong số 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc là nước sau cùng sở hữu tàu sân bay. Tàu sân bay là rất quan trọng với Trung Quốc, nước có vùng lãnh hải rộng lớn cần được bảo vệ”.
Đó là những biện minh “quen thuộc” của Trung Quốc. Các giới chức Trung Quốc cũng đã tìm cách làm giảm nhẹ tầm quan trọng của con tàu, tuy nhiên nó đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự đang tăng của Trung Quốc tại một thời điểm căng thẳng đang leo thang với một số nước láng giềng về những tranh chấp chồng chéo trên các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc.
Ý định thực sự của nước này với động thái tàu sân bay là gì?
Hôm qua, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã được hạ thủy. Về mặt chính thức, chiếc tàu này chỉ mới được cho chạy thử, mặc dù theo các chuyên gia, chiếc tàu đã hoàn toàn sẳn sàng tham gia tác chiến.
Chiếc tàu sân bay mang tên Varyag, dài 300 mét, được chế tạo từ thời Liên Xô, được Trung Quốc mua lại của Ukraine từ năm 1998, rồi sau đó được tu sửa và trang bị toàn bộ ở Trung Quốc.
Theo các nguồn tin quân sự Trung Quốc do Xinhua trích dẫn, Varyag sẽ được cho chạy thử trong thời gian ngắn, vì sau đó, chiếc tàu sân bay này sẽ trở lại cảng Đại Liên để tiếp tục được tu sửa.
Video đang HOT
Trong tình hình nhiều người Trung Quốc nóng lòng trông chờ việc khánh thành chương trình tàu sân bay, có tin tức bình rằng chuyến chạy thử lần này sẽ giúp thỏa mãn ước muốn của công chúng được chứng kiến Trung Quốc đạt được thành tích có tính bước ngoặt này.
Tuy nhiên, theo ông Rick Fisher, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, điều đáng nói là tàu Varyag sẽ được cho chạy thử nhiều lần và sẽ được sử dụng để đội máy bay tập luyện, nhưng chiếc tàu sân bay này coi như đã sẵn sàng yểm trợ tác chiến.
Việc có tàu sân bay, với Trung Quốc, mang nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, đối với Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc, sở hữu một chiếc tàu sân bay là vấn đề danh tiếng, để không bị thua kém một số nước láng giềng như Ấn Độ và Thái Lan, hiện đã có tàu sân bay. Trung Quốc nay có thể tự hào rằng kể từ nay, họ có một trong những quân đội hiện đại nhất thế giới.
Thứ hai, sở hữu một tàu sân bay còn là một sự cần thiết về mặt chiến lược đối với Bắc Kinh, vì hiện nay, quyền lợi Trung Quốc trải rộng khắp thế giới, nước này cần phải can thiệp xa hơn, đặc biệt là trên các tuyến hàng hải vận chuyển dầu khí cung cấp cho Trung Quốc.
Các chuyên gia độc lập tin rằng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuy không nói ra, nhưng đã tiến hành xây thêm một, thậm chí hai chiếc tàu sân bay nữa.
Thứ ba, Bắc Kinh cũng hy vọng rằng việc hạ thủy chiếc tàu Varyag sẽ gây một tác động tâm lý trong khu vực, nhất là đối với những nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc như Nhật Bản và Việt Nam.
Theo lời ông Fisher, Trung Quốc muốn hù dọa các đối thủ trên Biển Đông. “Đây rất có thể sẽ là vùng biển tuần tra lớn đầu tiên của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc và việc bảo vệ những tàu ngầm này sẽ là một trong những nhiệm vụ của các tàu sân bay Trung Quốc” chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải lường trước những hiệu ứng phụ của những ý nghĩa trên.
Vấn đề là tàu sân bay đầu tiên có thể ảnh hưởng đến hình ảnh mà Trung Quốc tự tạo cho mình, đó là hình ảnh một quốc gia hiện đại hóa quân sự chỉ để nhằm tự vệ, chứ không có ý đồ bành trướng.
“Cho nên hôm nay, sự kiện này diễn ra khá kín đáo.Xinhua chỉ phát một bản tin rất ngắn gọn. Có lẽ Bắc Kinh ngại rằng chiếc tàu sân bay làm nổi rõ một hình ảnh hiếu chiến của Trung Quốc”, hãng tin AFP bình luận.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh không muốn tỏ ra tự mãn với chiếc tàu Varyag, đó là vì Trung Quốc cần có thêm thời gian để có thể đưa vào hoạt động một đội tàu sân bay và nói chung trong lĩnh vực này, Trung Quốc còn thua rất xa Mỹ.
“Trung Quốc biết rằng sẽ có lợi cho họ hơn nếu không làm lớn chuyện này, do đó chúng ta cần chờ xem vụ việc được suy diễn như thế nào tại các nước láng giềng. Nhưng không ai nghi ngờ gì là trong dài hạn, ai cũng biết là Trung Quốc có tham vọng trở thành một cường quốc có lực lượng hải quân hoạt động xa bờ, nhưng muốn thế còn phải mất một thời gian lâu dài nữa”, Taiwan Times dẫn lời một nhà bình luận khu vực nói
Theo Dân Trí
Trung Quốc chạy thử tàu sân bay đầu tiên
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vừa rời xưởng tại cảng Đại Liên ở vùng đông bắc sáng nay để thực hiện hành trình trên biển.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc gần hoàn thiện. Ảnh: Xinhua.
Xinhua dẫn nguồn tin trong quân đội Trung Quốc cho biết chuyến hành trình đầu tiên này diễn ra đúng theo tiến trình của dự án cải tạo tàu và sẽ không kéo dài lâu. Sau khi kết thúc chuyến đi, tàu sẽ tiếp tục được cải tạo và thử nghiệm.
Con tàu này có nguyên bản là tàu Varyag, được Liên Xô khởi công đóng tại Ukraina năm 1985. Khi hoàn thành được 70% với phần khung sườn hoàn chỉnh nhưng chưa gắn động cơ và các thiết bị khác thì Liên Xô sụp đổ. Do đó tàu Varyag được chuyển giao cho Ukraina sở hữu.
Nhưng do không có kinh phí hoàn thiện, năm 1998 Ukraina bán thanh lý vỏ tàu Varyag và một khách hàng Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc đấu giá. Sau đó vỏ tàu được kéo về cảng Đại Liên của Trung Quốc và thay vì biến thành một khách sạn nổi, nó được hoàn thiện thành chiếc tàu sân bay như thiết kế ban đầu.
Bắc Kinh tháng trước cho biết tàu sân bay này sẽ chỉ được dùng cho các mục đích huấn luyện và nghiên cứu. Các nước láng giềng gần đây tỏ ra quan ngại về sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc cũng như thái độ của nước này về chủ quyền biển đảo, AFP nhận định.
Trên thực tế, tàu sân bay này là tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay, không thể so sánh với các tàu sân bay truyền thống của hải quân Mỹ, Anh hay Pháp hiện nay. Tàu sân bay của Mỹ có trọng tải trên 100.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi tàu của Trung Quốc có thiết kế 67.500 tấn chạy bằng năng lượng thường.
Việc triển khai con tàu này sẽ giúp Trung Quốc trở thành quốc gia Đông Bắc Á đầu tiên triển khai tàu sân bay kể từ thời phát xít Nhật trong Thế chiến II. Tuy nhiên tại châu Á, trước đó đã có Thái Lan sở hữu tàu sân bay hạng nhỏ trọng tải 11.000 tấn Chakri Naruebet từ năm 1997. Hải quân Ấn Độ cũng đã sử dụng một tàu sân bay mang tên INS Viraat và đang có kế hoạch đưa vào khai thác chiếc thứ hai cuối năm 2011 và chiếc thứ ba năm 2015.
Trung Quốc hôm 28/7 khẳng định họ theo đuổi một chương trình tàu sân bay. Bắc Kinh cũng đang đóng thêm hai tàu sân bay nữa ở cảng tại Thượng Hải, Reuters dẫn nguồn tin thân cận với bộ máy lãnh đạo Trung Quốc cho biết.
Quân đội giải phóng Trung Quốc (PLA) - lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới - thường bí mật về các chương trình quốc phòng của họ, vốn được hỗ trợ bởi nguồn kinh phí khổng lồ nhờ bùng nổ kinh tế. Hải quân nước này cũng nằm trong PLA.
Theo VNExpress
"Trung Quốc đang tự đóng tàu sân bay đầu tiên, không phải chiếc Varyag" Trung Quốc đã bắt đầu tự đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên và đó không phải là chiếc Varyag hay còn gọi là Shi Lang mà nước này mới đây "úp mở" - nguồn tin ngoại giao Trung Quốc và nguồn tin chính phủ Mỹ vừa tiết lộ. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tên gọi Shri Lang. Trung Quốc...