Trung Quốc muốn gì từ COC?
Trung Quốc gần đây nói rằng nước này và các thành viên ASEAN đã đạt được “tiến triển lớn” trong đàm phán tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một lễ kỷ niệm của hải quân nước này ở khu vực gần thành phố cảng Thanh Đảo ngày 23/4. Ảnh: AP
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan, nhân dịp hội nghị ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc vào cuối tháng 7, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng tiến triển này đạt được là nhờ “sự chân thành và quyết tâm của tất cả các bên”, nhằm tiến tới mục tiêu hoàn tất COC trong 3 năm.
Thực tế là Trung Quốc vẫn tiếp tục phô trương và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển Đông, ngay cả khi đàm phán đang diễn ra. Một ví dụ là Trung Quốc bắn thử 6 tên lửa đạn đạo chống hạm trên vùng biển này từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, trước khi Diễn đàn khu vực ASEAN diễn ra ở Thái Lan.
Ngày 24/7, Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng đầu tiên trong 4 năm, trong đó nói biển Đông là một phần “không thể thay đổi” của nước này, và rằng họ “thực thi chủ quyền quốc gia của mình để xây dựng hạ tầng và triển khai những năng lực phòng vệ cần thiết trên các đảo và bãi đá ở Nam Hải (tức biển Đông)”.
Bắc Kinh chưa thể hiện dấu hiệu gì cho thấy sẽ thôi cải tạo và xây dựng các cơ sở quân sự trên biển Đông. Một trong những sự việc gần đây nhất là việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7.
Nhiệm vụ của COC là tạo cơ sở giải quyết những tranh chấp và vụ việc như vậy thông qua đối thoại.
Video đang HOT
ASEAN kêu gọi sớm hoàn tất đàm phán COC trong bối cảnh biển Đông căng thẳng. Bắc Kinh cố kéo dài thời gian, cho đến gần đây. Trung Quốc giờ có vẻ quan tâm đến COC hơn cả ASEAN. Vì sao vậy?
Theo bài phân tích trên Asian Nikkei Review hôm 14/8, Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu khắp biển Đông, dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn”. Nhưng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế năm 2016 khẳng định đòi hỏi này hoàn toàn không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Trung Quốc phớt lờ phán quyết. Nhưng là một bên ký kết UNCLOS, Bắc Kinh không muốn bị nhìn là kẻ đứng ngoài pháp luật. Trung Quốc rõ ràng tin rằng họ có thể dùng COC để giải thoát mình khỏi phán quyết, bài phân tích nhận định.
Dù Trung Quốc rõ ràng đã thay đổi thái độ với COC, vẫn còn quá sớm để coi đây là điều đáng mừng. Những động cơ thầm kín của Trung Quốc được phản ánh trong phần khung của COC.
Trước tiên, không phải Trung Quốc đang đàm phán với ASEAN với tư cách một khối mà với 10 nước ASEAN riêng biệt. Trong giai đoạn đàm phán đầu tiên, Trung Quốc và 10 nước ASEAN đưa ra 11 đề xuất riêng biệt, chứ không phải 2 đề xuất từ Trung Quốc và ASEAN.
Asian Nikkei Review dẫn các nguồn tin ngoại giao nói rằng Trung Quốc đã gây áp lực để có được cơ chế đàm phán này. Điều đó phản ánh quan điểm của Trung Quốc rằng tranh chấp lãnh thổ là vấn đề song phương giữa họ với từng nước trong 4 thành viên ASEAN liên quan. Cách làm này của Bắc Kinh sẽ khiến họ chiếm thế thượng phong trong đàm phán hoặc sử dụng cơ bắp nếu cần thiết, để có thể đi theo cách của mình.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc có 3 đòi hỏi cơ bản đối với COC: Không dựa trên UNCLOS 1982 ; tập trận chung với những nước ngoài khu vực phải có sự đồng thuận trước của các bên tham gia COC; không được hợp tác với các nước ngoài khu vực để khai thác tài nguyên trên vùng biển này.
ASEAN không thể chấp nhận những đòi hỏi đó vì sẽ vô hiệu hóa phán quyết của tòa trọng tài về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, và cũng sẽ làm mất ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu ở khu vực. “ASEAN không vội, và không có ý định chốt COC bằng cách thỏa hiệp một cách kỳ lạ”, một nguồn tin ngoại giao nói với Asian Nikkei Review.
BÌNH GIANG
Theo tienphong
Nhiều Thượng Nghị sĩ Mỹ lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc trên Biển Đông
Theo thông tin từ trang web của Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch và Thượng nghị sĩ Bob Menendez, cùng Chủ tịch tiểu ban về Đông Á và Thái Bình Dương Cory Gardner, Thượng nghị sĩ Edward Markey, đã đưa ra những tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch. Ảnh: AP
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ gặp các đối tác khu vực ASEAN tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Bangkok, Thái Lan trong tuần này.
Thượng Nghị sĩ Risch cho biết các hoạt động khảo sát dầu của tàu Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời việc triển khai tàu cảnh sát biển là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp cưỡng chế để khẳng định các yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông.
Ông Risch nhấn mạnh: Việc xác định biện pháp cụ thể để đẩy lùi các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông nên được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Mỹ trong các cuộc họp với các nước ASEAN tại Bangkok trong tuần này.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng, ngoài vai trò của Mỹ, điều quan trọng là các đối tác của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, phải sát cánh và đứng vững trước sự áp bức của Trung Quốc. Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với hành vi của mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn ở Biển Đông, gây bất lợi cho lợi ích chung của chúng ta trong việc thúc đẩy một Ấn Độ-Thái Bình Dương thực sự tự do và cởi mở và tôn trọng luật pháp.
Các tàu của hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Manila Journo
"Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình ở Biển Đông", Thượng nghị sĩ Bob Menendez nói. Ông cho biết thêm, cần phải một chiến lược phản ánh lợi ích sâu sắc và lâu dài của Mỹ khi hợp tác với các đồng minh và đối tác để giúp xây dựng Biển Đông là nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải được đảm bảo, các luồng thương mại tự do, các tổ chức khu vực đa phương là trung tâm và các nước trong khu vực không bị áp bức.
Còn theo Thượng Nghị sĩ Gardner, việc quân sự hóa của Trung Quốc và các hành động thù địch đối với các quốc gia láng giềng khác là bất hợp pháp, gây bất ổn và trái với luật pháp quốc tế. "Tôi mong rằng Ngoại trưởng Pompeo sẽ sử dụng cơ hội này để khẳng định rằng Mỹ sẽ luôn sát cánh với các đối tác ASEAN, đồng thời kêu gọi một chính sách phối hợp với các đồng minh trong khu vực nhằm đối phó với sự hiếu chiến của Bắc Kinh", ông nói.
Thượng Nghị sĩ Markey thì cho rằng, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông - một trong những vùng biển quan trọng nhất trên thế giới - đang gây bất ổn sâu sắc. "Tôi rất ủng hộ các nỗ lực ngoại giao để duy trì hòa bình ở Biển Đông và ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á, đối tác của Mỹ trong việc thực hiện những nỗ lực đó, bao gồm cả việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong tuần này tại Bangkok", ông nói.
Thượng Nghị sĩ Markey cũng nhắc lại, nhiều năm trước, Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hague đã tuyên bố rõ ràng rằng việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và yêu cầu tất cả các quốc gia phải tôn trọng tự do hàng hải. "Mỹ nên phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nhưng từ giờ cho đến lúc đó, chúng tôi vẫn sẽ hành động theo nó và hy vọng tất cả các quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy", Thượng Nghị sĩ Markey nhấn mạnh.
An Nhi
foreign.senate.gov
Theo thoidai
Hải cảnh Trung Quốc đe dọa Biển Đông Trong số tàu hải cảnh hộ tống nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN, có một tàu vũ trang lớn. Tàu CCG 3901 và tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động trái phép tại khu vực bãi Phúc Tần - Tư Chính...