Trung Quốc muốn Ấn Độ im về biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị chìa ra “cây gậy và củ cà rốt” trong chuyến thăm Ấn Độ cuối tuần trước.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 17-8 đã đăng bài viết với đầu đề “Trung Quốc có thể giữ Ấn Độ thinh lặng về biển Đông hay không?”.
Bài viết đánh giá hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu vào tháng 9 tới là lần đầu tiên Trung Quốc đứng ra chủ trì một diễn đàn hợp tác kinh tế thế giới.
Về đối nội, chính quyền Bắc Kinh muốn nhân cơ hội này để củng cố quyền lực. Về đối ngoại, Trung Quốc muốn tôn vinh hình ảnh một quốc gia Trung Quốc có trách nhiệm. Chính vì thế Bắc Kinh chuẩn bị kỹ càng cho hội nghị G20.
Trung Quốc đã chi gần 100 triệu USD để xây dựng khán đài, tổ chức các chuyến công tác quốc tế, bố trí an ninh và xây dựng đô thị để chào đón G20.
Đối với quốc tế, Trung Quốc cần tìm kiếm sự ủng hộ, tránh va chạm dẫn đến hình ảnh Trung Quốc mất giá.
Ấn Độ thuộc các nước G20 xem Trung Quốc là đối thủ về kinh tế và chính trị trong khu vực và quốc tế. Vấn đề nhạy cảm nhất giữa hai nước là biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tiếp người đồng cấp Vương Nghị tại New Delhi ngày 13-8. Ảnh: PTI
Ấn Độ cùng với Mỹ nhấn mạnh tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải và thương mại ở biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc lại là nước phản đối phán quyết trọng tài về biển Đông.
Trung Quốc đánh giá một số nước, đặc biệt là Mỹ, sẽ tìm cách nêu vấn đề biển Đông tại hội nghị G20. Trung Quốc cần Ấn Độ hứa không nói đến biển Đông trong hội nghị G20 sắp tới. Vì lẽ đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị mới sang Ấn Độ hồi cuối tuần trước.
Video đang HOT
Theo tạp chí The Diplomat, ông Vương Nghị đi Ấn với chính sách ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt”.
Ông Vương tỏ ý muốn chơi trò “mắt đền mắt, răng đền răng”. Nếu Ấn Độ thinh lặng về biển Đông tại hội nghị G20, Trung Quốc sẽ ủng hộ Ấn Độ chủ trì hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Goa vào tháng 10 tới.
“Củ cà rốt” của ông Vương là Trung Quốc cam kết ủng hộ Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân.
Thật ra như tạp chí The Diplomat đánh giá, “cây gậy và củ cà rốt” của ông Vương có thể không bảo đảm Ấn Độ sẽ làm thinh vì:
“Cây gậy” của ông Vương chìa ra vô ích bởi nếu hội nghị BRICS đổ vỡ, Trung Quốc cũng mất cơ hội quan trọng đánh bóng hình ảnh quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc không có giải pháp hiệu quả để tác động đến các lợi ích sống còn của Ấn Độ. Ấn Độ cần Trung Quốc trong vấn đề xung đột ở Kashmir với Pakistan. Ngược lại, Trung Quốc càng cần Ấn Độ trong nhiều vấn đề từ Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương đến đấu tranh chống khủng bố.
“Củ cà rốt” của ông Vương không hấp dẫn. Gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân là tham vọng lớn của Ấn Độ, tuy nhiên quan sát thấy rất ít quốc gia ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, có thể Ấn Độ sẽ nói đến vấn đề biển Đông trong hội nghị G20 sắp tới một khi Mỹ hoặc nước khác nêu ra.
Báo Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 17-8 đã đăng bài viết ca ngợi chính phủ Ấn Độ giữ quan điểm trung lập về vấn đề biển Đông dù bị Mỹ và Nhật o ép sau khi tòa trọng tài công bố phán quyết. Báo vuốt ve rằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc có mâu thuẫn và bất đồng nhưng quan hệ song phương vẫn phát triển êm đẹp. Báo chỉ trích báo chí Ấn Độ đã “đi quá xa” vì tố Trung Quốc cản trở Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân và gắn liền chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị với vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Hãng tin First Post (Ấn Độ) ghi nhận trong bài viết trước đó vào ngày 15-8, Thời Báo Hoàn Cầucũng đã tố báo chí Ấn Độ kích động tình cảm tiêu cực khi vạch ra các bất đồng trong quan hệ song phương Ấn-Trung. _______________________________ Đối với Ấn Độ, G20 là dịp quan trọng để quy tụ liên minh khu vực ngăn chặn dự án bành trướng “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
PH.QUỲNH
Theo PLO
Trung Quốc lại giở trò ngụy biện mới
Sau khi tòa trọng tài bác lập luận về "chủ quyền lịch sử", cái mà Trung Quốc dùng làm bảo chứng cho đường lưỡi bò phi pháp, nước này lại tiếp tục bày trò mới để đòi chủ quyền cho các đảo bên trong nó.
Một ngày sau khi tòa trọng tài vụ kiện Philippines - Trung Quốc (TQ) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử cùng với tuyên bố đường lưỡi bò của TQ là vô giá trị, ngày 13-7, TQ đã giới thiệu tài liệu mới của nước này có tiêu đề "TQ giữ vững quan điểm giải quyết tranh chấp giữa TQ với Philippines về Nam Hải thông qua đàm phán" (Nam Hải là cách TQ gọi biển Đông).
Sự bào chữa vụng về
Đáng chú ý là tài liệu này nêu ra luận điệu mới để đòi hỏi chủ quyền đối với các thực thể ở biển Đông. Theo đó TQ cho rằng chủ quyền toàn vẹn các thực thể đất trên quần đảo Trường Sa không thể do Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quyết định vì công ước này chỉ có hiệu lực ở vùng biển lân cận các thực thể này.
Ts Trần Thăng Long, Đại học Luật TP.HCM
Phán quyết của tòa trọng tài vụ kiện Philippines - TQ đã phản bác một cách trực diện, rõ ràng các lập luận về quyền lịch sử của TQ mà xưa nay vẫn được coi là luận điểm cốt lõi nhằm đòi hỏi chủ quyền đối với các thực thể địa lý tại biển Đông cùng với các vùng biển phụ cận. Bằng lập luận về quyền lịch sử này, TQ cho rằng đường lưỡi bò đóng vai trò là ranh giới biển, ranh giới chủ quyền cho phép nước này độc chiếm hơn 85% vùng biển Đông. Tuy nhiên, với thất bại của yêu sách đường lưỡi bò về mặt pháp lý, luận điểm mới nói trên vừa là sự bào chữa vụng về cho thất bại của yêu sách các vùng biển, vừa nhằm đánh lạc hướng dư luận bằng việc thay thế khái niệm này bằng một khái niệm khác. Nói cách khác, TQ đang cố tình cho rằng UNCLOS chỉ giải quyết vấn đề vùng biển, còn vấn đề chủ quyền đối với các đảo thì là một câu chuyện khác.
Vậy lập luận này của TQ "lủng" tiếp chỗ nào?
Lưỡi bò bị bác, sao có chủ quyền các đảo bên trong?
Trước hết TQ - với tư cách là một quốc gia thành viên Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 và đã tham gia quá trình đàm phán công ước này - cần phải hiểu rõ nguyên tắc cơ bản trong luật biển quốc tế, đó là "đất thống trị biển" (the land dominates the sea). Theo đó, việc xác định các vùng biển kế cận kể từ bờ trở ra và quy chế pháp lý của các vùng biển này dựa trên chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ đất liền cũng như các đảo mà quốc gia có chủ quyền. Trên cơ sở đó, một quốc gia có thể có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định từ bờ biển và các đảo. Trong trường hợp các đảo (island), tùy thuộc vào tính chất của chúng mà các đảo có thể có đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa riêng hoặc chỉ có vùng lãnh hải tối đa là 12 hải lý. Điều này đã được tòa trọng tài vụ kiện Philippines phân tích cụ thể. Nói cách khác, chủ quyền đối với lãnh thổ là cơ sở để xác lập quy chế pháp lý của các vùng biển. Do đó hai khái niệm chủ quyền đối với các thực thể trên biển không thể tách bạch với khái niệm các quyền pháp lý đối với các vùng biển một cách máy móc được.
Phán quyết của tòa trọng tài đã khẳng định rõ rằng khi các vùng biển không thể được TQ tuyên bố một cách hợp pháp bằng việc vẽ đường lưỡi bò thì các thực thể bên trong nó mà TQ trước đây đòi hỏi chủ quyền, kết hợp với yêu sách về quyền lịch sử để lập luận cho đường lưỡi bò cũng sẽ được hiểu là không thuộc chủ quyền của nước này, khi mà đường cơ sở kia không có giá trị pháp lý.
Trung Quốc ra sức cải tạo các bãi cạn thành đảo nhân tạo, trong đường lưỡi bò phi pháp đã bị tòa trọng tài bác trong phán quyết ngày 12-7. Ảnh: LÊ PHI
Không có chủ quyền cho việc chiếm hữu bất hợp pháp
Mặt khác, nếu đã khẳng định đất thống trị biển là một nguyên tắc nền tảng trong luật biển quốc tế thì cũng phải nói đến nguyên tắc quan trọng khác liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Đây là nguyên tắc tồn tại từ cổ xưa về xác lập hợp pháp chủ quyền đối với lãnh thổ đó là: Một sự chiếm hữu bất hợp pháp không thể tạo ra một quyền sở hữu hợp pháp và vì thế vô hiệu ngay lập tức (Void ab initio). Nguyên tắc này được áp dụng không những trong luật pháp quốc tế mà còn trong các lĩnh vực pháp lý khác.
Ví dụ, trong quan hệ dân sự chẳng hạn như hợp đồng, một vật có được do chiếm hữu trái phép thì không làm phát sinh quyền sở hữu hợp pháp, kéo theo đó là sự vô hiệu của quyền sở hữu đối với vật này. Trong luật quốc tế, việc chiếm hữu và tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp đối với một lãnh thổ đương nhiên không thể tạo ra bất kỳ quyền hợp pháp nào cho quốc gia có hành vi chiếm hữu lãnh thổ trái luật đó. Luật quốc tế về xác lập chủ quyền lãnh thổ kể từ cuối thế kỷ 19 đã công nhận nguyên tắc chiếm hữu thực sự (effective control) là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để khẳng định chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ. Về vấn đề này, Việt Nam là quốc gia có đầy đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý để khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam kể từ lúc chiếm hữu cho đến ngày nay thông qua các hành động chiếm hữu thực tế của Nhà nước, sự thực thi chủ quyền một cách hòa bình, công khai, liên tục và thực tế chủ quyền quốc gia. TQ cũng phải biết rằng kể từ khi LHQ ra đời, việc chiếm đoạt lãnh thổ thông qua vũ lực hoàn toàn không được coi là cơ sở để xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ đó.
Mặt khác, lập luận "quyền lịch sử" của TQ mà nước này xưa nay vẫn đưa ra để phục vụ cho cả yêu sách về các vùng biển và yêu sách về chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể trên biển Đông vừa bị tòa trọng tài phủ nhận, tồn tại rất nhiều vấn đề bất ổn. Đường cơ sở chín đoạn - đường lưỡi bò mà nước này cho là có cơ sở pháp lý từ quyền lịch sử đã thiết lập từ trước đó và có từ trước khi Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 ra đời.
Lúng túng và mâu thuẫn
Các tài liệu và bằng chứng mà TQ đưa ra luôn đi liền với hai vấn đề: Một là sự phát hiện, khai thác, sử dụng của ngư dân TQ trong vùng biển Đông, đây là cơ sở để đòi quyền chiếm hữu các vùng biển; hai là sự phát hiện, lưu lại các bằng chứng hiện vật và hiện diện của người TQ... từ xưa, đây là cơ sở để đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo tại đây. Cả hai yếu tố này kết hợp với nhau để tạo thành luận cứ mũi nhọn của TQ nhằm đến hai mục tiêu không tách rời nhau là chủ quyền lãnh thổ và quyền đối với các vùng biển. Chính vì vậy, việc tách bạch hai vấn đề khác nhau càng cho thấy sự lúng túng và mâu thuẫn của TQ trong các lập luận của nước này khi đối mặt với các vấn đề pháp lý về biển Đông sau phán quyết trọng tài vụ kiện Philippines - TQ.
Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 đã quy định rất rõ ràng rằng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo, đồng thời việc các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình mà một quốc gia xây dựng không thể thay đổi quy chế pháp lý của chúng. Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực cũng đã khẳng định rõ ràng rằng công ước phân loại các thực thể này dựa trên điều kiện tự nhiên của nó mà không phụ thuộc vào hiện trạng sau này của nó nhằm ám chỉ các hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình. Giả sử TQ muốn lập luận đòi hỏi các vùng biển xuất phát từ các thực thể mà họ cải tạo thành "đảo" thì chính điều này đã đi ngược lại với nội dung của công ước.
Rõ ràng các quan điểm mà TQ đưa ra dựa trên quan điểm ngang ngược và đơn phương của nước này nhằm chứng minh và hợp thức hóa đường lưỡi bò. Với sự thất bại của yêu sách đường lưỡi bò và quyền lịch sử, TQ dường như đang cố gắng tìm ra hướng biện bạch mới của mình. Mặc dù vậy, các lập luận của TQ dù ở khía cạnh nào đi nữa cũng vừa thiếu cơ sở lý luận vừa thiếu sự nhất quán và tính thuyết phục.
Ngày 23-7 tới đây, ĐH Luật TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về "Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của tòa trọng tài". Những vấn đề về phán quyết, giá trị pháp lý và vấn đề thực thi phán quyết sẽ được thảo luận đầy đủ tại hội thảo này...
Theo Pháp Luật
"Đường lưỡi bò" Biển Đông: Trung Quốc sẽ thua kiện, mất hết thể diện Đa Chiều ngày 2/6 cho rằng, kết quả phán quyết của vụ kiện trọng tài Biển Đông sắp được công bố. Có chuyên gia phân tích được dẫn lời cho rằng, Trung Quốc sẽ bị thua kiện, Bắc Kinh sẽ mất hết thể diện quốc gia. Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan sắp đưa ra phán...