Trung Quốc mua 300 máy bay Airbus
Theo CNN, trong chuyến công du Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã ký 15 hợp đồng thương mại trị giá hàng tỷ EUR và hợp đồng trị giá 1 tỷ EUR để triển khai một dự án điện gió ngoài khơi ở Trung Quốc.
Trong số này, có hợp đồng đặt hàng mua 300 máy bay của hãng Airbus trị giá khoảng 30 tỷ USD.
Trung Quốc ký hợp đồng mua 300 chiếc Airbus nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Pháp. Ảnh: New Daily
Trị giá đơn hàng giữa Airbus và Trung Quốc tương đương với thỏa thuận mà Trung Quốc từng ký với Boeing khi đặt mua 300 máy bay từ nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Bắc Kinh năm 2017. Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại nổ ra giữa 2 bên, Trung Quốc không ký thêm hợp đồng lớn nào với Boeing.
Trong khi đó, phát biểu sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Macron đã kêu gọi xây dựng mối quan hệ đối tác châu Âu – Trung Quốc bền vững hơn. Ông Macron từng bày tỏ ý định tìm cách tiếp cận thống nhất giữa các nước châu Âu đối với sức ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của Trung Quốc.
PHƯƠNG NAM
Theo SGGP
Châu Âu tăng cường hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông
Nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Hà Lan... sẽ đẩy mạnh các hoạt động hải quân tại tuyến đường biển huyết mạch của thế giới, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về diễn biến trên Biển Đông gần đây. Đây là sự thay đổi đáng chú ý về chính sách của châu Âu đối với Biển Đông.
Các nước châu Âu không còn đứng ngoài cuộc
Video đang HOT
SCMP ngày 19/3 đưa tin, các quốc gia châu Âu sẽ tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, trong đó có các hoạt động hàng hải, nhằm đối trọng với các diễn biến khó lường trong khu vực, một nguồn tin và các nhà phân tích cho hay.
Các tàu hải quân USS McCampbell và HMS Argyll tham gia cuộc tập trận chung của Anh - Mỹ tại Biển Đông hồi tháng 1/2019 (Nguồn: Reuters)
Liên minh châu Âu (EU) "đã khởi động để ghi dấu ấn tại châu Á - Thái Bình Dương", bà Liselotte Odgaard, chuyên gia từ Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu tại Washington (Mỹ), cho biết trong một cuộc thảo luận hôm 18/3 về vai trò của EU trong khu vực.
Bà Odgaard cho rằng EU đã có chính sách chung như phản đối Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải, nhưng khối này cần đi xa hơn trong các sáng kiến chính sách cụ thể, "vốn sẽ cần một nhóm quốc gia cùng làm và đó cũng là điều chúng tôi nhận thấy đang ngày càng gia tăng".
Biển Đông là một vùng biển quan trọng nơi lượng hàng hóa trị giá trị 3 nghìn tỷ USD của thế giới đi qua mỗi năm - tương đương 1/3 thương mại toàn cầu. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển này, chồng lấn lên các vùng biển của các quốc gia trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Các hoạt động quân sự và xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đã gây ra các lo ngại đối với Mỹ và đồng minh. Ấn Độ cũng lo ngại về sự hiện diện ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương. EU và một số quốc gia thành viên của khối cũng đã liên tục bày tỏ lo ngại về các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hải quân và Không quân Mỹ đã tăng cường các cuộc tuần tra trên biển và trên không nhằm đảm bảo một Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, trong khi Pháp đã tiến hành các hoạt động hải quân qua Biển Đông từ năm 2014.
Bà Odgaard cho hay một số quốc gia đã điều quân tham gia cùng các tàu của Pháp trong những năm gần đây để ủng hộ lời kêu gọi của EU đối với các quy tắc quốc tế về tự do hàng hải trong khu vực.
"Ví dụ, năm nay, Đan Mạch sẽ điều một tàu khu trục nhỏ và Pháp sẽ điều một nhóm tàu sân bay tới Ấn Độ - Thái Bình Dương", bà nói. "Do đó, có sự gia tăng dần trong nỗ lực này, vốn được một nhóm các quốc gia ủng hộ, khi tất cả đều nhất trí rằng chúng ta nên tiến hành các hoạt động để ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông".
Theo chuyên gia trên, một số quốc gia EU có thể tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, vì vậy, không chỉ EU mà một nhóm lớn các quốc gia đều nhận được thông điệp rằng sẽ là cả EU hành động chứ không chỉ các quốc gia đơn lẻ.
Anh có kế hoạch triển khai một trong số các tàu sân bay tới Thái Bình Dương và đang cân nhắc thiết lập một chuỗi các căn cứ quân sự mới trong khu vực. Pháp đang thảo luận khả năng tiến hành các cuộc tập trận với Nhật Bản.
"Tôi nhận thấy một câu hỏi về các chính sách ưu tiên (liên quan tới các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc) đang được Trung Quốc thúc đẩy, đi ngược với luật pháp quốc tế, và đây đang là một trong những thách thức hàng đầu mà chúng tôi phải đối mặt ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và trên toàn cầu", ông Patrick Cronin nói.
Tàu chiến Mỹ từ đầu năm 2019 đến nay cũng có hai lần tiến hành tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. (Nguồn: Reuters.)
"Đó là lý do tại sao châu Âu có thể giúp ích trong việc nhắc nhở tất cả mọi người rằng chúng ta phải hành động theo luật pháp quốc tế, không chỉ một số lĩnh vực gây ảnh hưởng đặc biệt, nơi các quy định được áp dụng khác biệt", ông Cronin nhấn mạnh.
Đã có những lo ngại ngày càng gia tăng tại châu Âu về những thách thức đối với nền kinh tế và an ninh của khối này từ phía Trung Quốc.
Trong một tài liệu của EU công bố tuần trước, Ủy ban châu Âu đã lần đầu tiên xác định Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và "đối thủ có hệ thống nhằm thúc đẩy các mô hình điều hành thay thế".
10 đề xuất mới của EU nhằm đối phó Trung Quốc
Theo SCMP, Ủy ban châu Âu đã đưa ra 10 đề xuất để tìm kiếm một mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc và củng cố sự đoàn kết của EU nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng của Bắc Kinh - đối tác thương mại hàng đầu của khối.
Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận các đề xuất tại một hội nghị thượng đỉnh trong tuần này, hội nghị đầu tiên trong nhiều năm trong khuôn khổ một loạt các cuộc gặp cấp cao, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Italy và Pháp trong tuần này và khối dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc vào tháng 4.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 18/3 cho biết tại Brussels trong đối thoại an ninh với các ngoại trưởng EU rằng Trung Quốc và EU có các khác biệt về một số vấn đề, nhưng hợp tác vẫn là chủ đạo trong mối quan hệ.
Nguồn tin cho hay các hoạt động hải quân của các thành viên EU sẽ gia tăng ở Biển Đông. Anh đã nhiều lần khẳng định ý định tăng cường các hoạt động trong vùng biển châu Á và đã tiến hành các hoạt động chung với Mỹ. Hải quân Anh đã đưa một tàu chiến tới gần các khu vực mà Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền ở Biển Đông hồi tháng 8 năm ngoái, khiến Bắc Kinh nổi giận. Anh cũng tiến hành 2 cuộc tập trận hải quân với Mỹ ở Biển Đông trong năm nay.
John Hemmings, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á và cũng là Phó Giám đốc Henry Jackson Society, một tổ chức nghiên cứu tại Anh, cho hay Anh đang xem xét bình thường hóa một chính sách chia sẻ thông tin với Nhật Bản, một động thái được cho là nhằm đối phó Trung Quốc.
Ông Hemmings cho biết khoảng 124 tỷ USD hàng hóa thương mại, chiếm 12% trong tổng thương mại của Anh - đi qua Biển Đông mỗi năm, "một con số khá lớn trong thương mại của chúng tôi, vì vậy chúng tôi lo ngại bất kỳ ai, dù là Trung Quốc hay bất kỳ nước nào, đang muốn kiểm soát tuyến đường biển này".
Anh "sẽ không dẫn đầu, nhưng chắc chắn sẽ theo sát, tham gia và trở thành một đối tác có trách nhiệm của cộng đồng các quốc gia có lợi ích ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông Hemmings nói.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Hà Lan cho biết sẽ cử một tàu chiến tới tham gia cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trong cuộc triển khai hoạt động đầu tiên ở Ấn Độ -Thái Bình Dương vào năm 2021.
"Chúng ta sẽ thấy điều đó nhiều hơn", ông Hemmings nhấn mạnh, cho biết thêm rằng Anh, Canada, Australia và các quốc gia châu Âu khác sẽ "hợp tác cùng nhau và hoạt động theo các nhóm như thế này".
Theo Thegioi&VietNam
Thách thức mới của tiến trình hòa bình Trung Đông Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đứng trước sức ép từ các nước châu Âu cũng như các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về những vấn đề liên quan cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin. Một kế hoạch hòa bình cho Trung Đông có thể sẽ gặp không ít thách thức khi người đứng đầu Nhà trắng phải đưa...