Trung Quốc mơ phát triển máy bay chở khách loại lớn
Trung Quốc đang tìm kiếm các nhà cung cấp để phát triển chiếc máy bay chở khách thân rộng của riêng mình trong thập niên tới, đẩy mạnh tham vọng và sự cạnh tranh với các “ông lớn” Boeing và Airbus.
Mô hình một chiếc C919 của hãng COMAC.
Chiếc máy bay tương lai – dự kiến có tên gọi C929 – sẽ là chiếc máy bay lớn nhất của Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước, các nhà cung cấp vốn đã có các cuộc thảo luận với công ty này, cho biết.
Đó sẽ là một bước tiến quan trọng dựa trên chiếc máy bay chở khách thân hẹp 158-168 ghế tên gọi C919 mà COMAC đang phát triển và chiếc ARJ21, hiện đang trải qua các chuyến bay thử nghiệm.
Mục tiêu của COMAC là C929 – có thể chở vài trăm hành khách trên các chuyến bay xuyên châu Á- sẽ cất cánh sau năm 2020, có thể là vào năm 2023.
Các tham vọng của COMAC sẽ được thể hiện tại triển lãm hàng không Chu Hải, vốn khai mạc tại thành phố Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam Trung Quốc vào ngày 11/11 tới, với một gian hàng trưng bày lớn về C919 và một nguyên mẫu ARJ21.
Các thách thức công nghệ đối với Trung Quốc nhằm chế tạo máy bay chở khách của riêng mình là rất lớn, một số người đã so sánh chúng với khó khăn nhằm đưa một sứ mệnh lên Mặt trăng. Nhưng chính phủ Trung Quốc coi việc phát triển một ngành công nghiệp máy bay chở khách là ưu tiên quốc gia, vốn có thể đưa nước này vào câu lạc bộ thượng hạng chỉ gồm một số nước.
Cùng lúc đó, Nga đã xích lại gần Trung Quốc, trong bối cảnh Mátxcơva đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây về Ukraine. Và sau 2 năm thảo luận, hai nước đã ký kết một thỏa thuận hồi tháng 10 nhằm phát triển điều mà truyền thông nhà nước gọi là “một máy bay lớn”.
Video đang HOT
Đối tác chiến lược của COMAC cho C929 là Tập đoàn máy bay thống nhất (UAC) của Nga.
“Nga và Trung Quốc đang hợp tác cùng nhau, tính toán các vấn đề, và giờ đây họ sẵn sàng khởi động đàm phán và nhận các ý tưởng từ các nhà cung cấp”, Briand Greer, người đứng đầu mảng hàng không vũ trụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty Mỹ Honeywel, vốn đã cung cấp các thiết bị và hệ thống cho cả các máy bay C919 và ARJ21, cho hay.
COMAC đang nung nấu các ý tưởng về thiết kế của C929 trước khi đưa ra thông tin chính thức nhằm chuẩn bị cho tiến trình đấu thầu, các nguồn tin trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay cho hay.
“Chúng tôi đã thảo luận về dự án mới này, chiếc 929″, một nhà cung cấp khác cho C919 cho hay. “Họ đã bắt đầu với thiết kế mới của máy bay. Họ đang nói về việc ra mắt nó ngoài năm 2020″.
Một khả năng là chiếc máy bay thân rộng – có 2 lối đi – có thể bay trong nội địa châu Á với các hành trình lên tới 5 giờ, nhưng không dành cho các chuyến bay xuyên lục địa dài từ 12-14 giờ.
Một dự án như vậy có thể cạnh tranh với phiên bản Airbus A330, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm tới. Các máy bay trong họ A330 có từ 200-400 ghế. Các phiên bản thân rộng của Boeing gồm 767 và 787.
Trung Quốc đã mơ ước phát triển máy bay dân sự của riêng mình kể từ những năm 1970 khi bà Giang Thanh, vợ của ông Mao Trạch Đông, đích thân ủng hộ nỗ lực nhằm phát triển chiếc Y-10. Chỉ 3 chiếc Y-10 được chế tạo. Nhưng với các nguồn vốn lớn hiện nay, Trung Quốc giờ đây có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài, một số trong đó là các nhà cung cấp cho Boeing và Airbus.
C919, có tầm xa tới 5.555 km, theo kế hoạch sẽ có chuyến bay thử đầu tiên vào cuối năm tới, và dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2018, theo truyền thông nhà nước, mặc dù một số người hoài nghi về khả năng COMAC có thể đáp ứng mục tiêu.
Động cơ của C919 do CFM International, một liên doanh giữa tập đoàn Safran của Pháp và General Electric (GE) của Mỹ, chế tạo. COMAC đã nhận được 400 đơn đặt hàng cho C919, hầu hết từ các khách hàng nội địa. Trong khi đó, ARJ21 nhận được 253 đơn đặt hàng nhưng dự án đã bị trì hoãn nhiều năm, khi thời điểm bàn giao ban đầu dự kiến vào năm 2009.
COMAC có kế hoạch đề nghị cơ quan hàng không dân sự Trung Quốc cấp chứng nhận cho ARJ trước cuối năm nay, nhưng nó cũng cần sự phê chuẩn từ Cơ quan hàng không vũ trụ liên bang Mỹ (FAA) trước khi có thể bay tới hầu hết các quốc gia trên thế giới.
C919 đã bắt đầu được lắp ráp tại nhà máy rộng lớn nằm cạnh sân bay Phú Đông của Thượng Hải, nơi các nhân viên mặc đồng phục xanh lắp ráp các bộ phận vào thân máy bay.
Cũng tại địa điểm đó, các nhà hoạch định của COMAC đã để dành chỗ cho nhà máy chưa được xây dựng để chế tạo C929 trong tương lai.
An Bình
Theo AFP
Mỹ cản trở tham vọng kinh tế của Trung Quốc
Báo Wall Street Journal của Mỹ ngày 2-11 (giờ địa phương) tiết lộ Mỹ đã ngăn chặn ý đồ Trung Quốc (TQ) sử dụng tư cách nước chủ nhà hội nghị APEC ở Bắc Kinh sắp tới (ngày 10 và 11-11) để khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Báo dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết trước sức ép của Mỹ, TQ đã buộc phải bỏ hai điều khoản liên quan đến FTAAP trong dự thảo tuyên bố chung của hội nghị APEC sắp tới. Hai điều khoản đó là kêu gọi nghiên cứu tính khả thi của FTAAP và ấn định mục tiêu hoàn tất FTAAP vào năm 2025.
Đối với TQ, FTAAP sẽ bảo đảm cho TQ tiếp tục được ưu đãi tiếp cận thị trường một số đối tác thương mại lớn. FTAAP từng nhiều lần được đưa ra thảo luận tại APEC. Mỹ là nước đầu tiên kêu gọi thảo luận thành lập FTAAP, tuy nhiên sau đó tạm gác FTAAP để tập trung đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với 11 nước, trong đó không có TQ.
Mỹ lo ngại đàm phán FTAAP vào thời điểm hiện tại sẽ làm hỏng nỗ lực đàm phán hoàn tất TPP vốn đang gặp trở ngại ở một số điểm như vấn đề bảo hộ nông nghiệp ở Nhật và cải cách doanh nghiệp nhà nước ở các nước đang phát triển.
Các quan chức thương mại Mỹ cho biết cách đây ba tháng, không khí thảo luận giữa Mỹ và TQ về FTAAP trở nên gay gắt. Tại một cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng 8, một quan chức thương mại Mỹ khẳng định Mỹ không đồng ý đưa vào dự thảo tuyên bố chung của hội nghị APEC nội dung về khởi động đàm phán FTAAP. Tuy nhiên, TQ vẫn cứ thúc ép.
Đến ngày 14-10, hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin nội dung liên quan đến FTAAP vẫn được giữ nguyên trong tuyên bố chung APEC. Một số nền kinh tế trong APEC phản đối mạnh mẽ và TQ buộc phải nhượng bộ. Dự thảo tuyên bố chung gửi cho các nước thành viên APEC hôm 16-10 đã không còn nội dung về FTAAP.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Alan Bollard cho biết dù không đưa vào tuyên bố chung nhưng chủ đề FTAAP vẫn được thảo luận tại hội nghị APEC.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), TPP sẽ khiến TQ mất khoảng 100 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vì các đối tác trong TPP sẽ trao đổi thương mại ít hơn với TQ. Còn nếu FTAAP được thiết lập, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của TQ vào năm 2025 sẽ đạt 1.590 tỉ USD trong khi mức tăng của Mỹ chỉ đạt 626 tỉ USD.
Báo Wall Street Journal ghi nhận đây là lần thứ hai Mỹ ngăn cản tham vọng kinh tế quốc tế của TQ. Trước đó, Mỹ đã quyết liệt vận động hành lang để phản đối kế hoạch lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á của TQ. Mỹ lập luận AIIB đặt ra ít tiêu chuẩn hơn so với các ngân hàng phát triển khác và chủ yếu làm lợi cho các công ty phát triển hạ tầng của TQ. Đến nay đã có 21 nước ký thỏa thuận thành lập AIIB nhưng một số nước lớn ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Indonesia không tham gia.
Theo Lê Linh
Pháp luật TPHCM
Trên nóc nhà thế giới, Trung - Ấn cạnh tranh từng tấc đất Hoàng hôn buông xuống, những người chăn thả gia súc kéo nhau về khu làng trên dãy Himalaya, mang theo tin tức đáng lo ngại. Họ phát hiện có lính Trung Quốc ngụy trang bên trong lãnh thổ Ấn Độ. Quân đội Trung Quốc tiến đến "chỉ cách vài mét, hoặc 1 km, vào cùng thời điểm", Gurmet Dorjay, thành viên Hội đồng...