Trung Quốc “mở lòng” với Mỹ mặc cho sự đe dọa từ TT Trump
Theo hãng tin CNN, Trung Quốc đã chấp nhận lời đề nghị đàm phán từ chính quyền Trump mặc dù Mỹ vừa đe dọa sẽ áp đặt thêm mức thuế mới đối với một khối lượng hàng nhập khẩu khổng lồ từ Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết, chính phủ hai nước đang thảo luận để bắt đầu các vòng đàm phán mới. “Sự leo thang căng thẳng thương mại không hề có lợi cho bất kỳ bên nào”, ông Gao trả lời trong cuộc họp báo tổ chức hàng tuần của bộ.
Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể sẽ tiếp tục đàm phán để tìm tiếng nói chung.
Khả năng Mỹ và Trung Quốc đàm phán cấp cao trở lại diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tuyên bố rằng các mức thuế mới đối với 200 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc sẽ được áp dụng “trong thời gian tới” và rằng một biện pháp đánh thuế ở mức độ cao hơn “sẽ sẵn sàng được thực thi nếu muốn”.
Cố vấn Kinh tế Tổng thống Mỹ Larry Kudlow trả lời phỏng vấn cho hay, chính phủ Mỹ đã nhận được thông tin rằng “các quan chức cấp cao trong chính phủ Trung Quốc muốn tiếp tục thảo luận”. Ông nói, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã gửi thư mời cho Bắc Kinh. Ông Kudlow không tiết lộ thêm chi tiết về cuộc đàm phán.
Trước đó, báo Wall Street Journal thông báo, ông Mnuchin đã gửi thư mời cho một nhóm quan chức dẫn đầu bởi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đóng vai trò là cố vấn kinh tế hàng đầu cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Bộ Tài chính không đưa ra bất kỳ phản hồi nào trước thông tin trên.
Video đang HOT
Trong năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã áp đặt mức thuế 25% đối với hơn 50 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu của nhau. Đợt đánh thuế tiếp theo mà Mỹ thực hiện nhiều khả năng sẽ khiến hàng ngàn mặt hàng các loại, từ máy rửa chén cho đến gia vị thực phẩm, trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh vào thêm 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm thịt, cà phê, đồ gia dụng và linh kiện xe hơi.
Các cuộc đàm phán thương mại diễn ra giữa các quan chức cấp thấp hơn của hai nước đã diễn ra vào tháng trước nhưng không đạt được bất kỳ kết quả đột phá nào. Các cuộc đàm phán trước đó có sự tham gia của ông Mnuchin, Kudlow và các quan chức kinh tế khác cũng bị đổ vỡ do ông Trump áp đặt thuế.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại và đợt đánh thuế mới của Mỹ sẽ khiến xuất khẩu của nước này tiếp tục gặp khó khăn. Thị trường tài chính của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi chiến tranh thương mại với Mỹ.
Dù vậy, các nhà phân tích đều không tin rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ trước những quan ngại của chính quyền Trump, trong đó bao gồm việc nước này được cho là đã đánh cắp công nghệ của Mỹ cũng như những chính sách công nghiệp đầy tham vọng của Bắc Kinh.
Theo infonet
Ông Trump: Gói thuế đánh lên 267 tỉ đô hàng TQ đã sẵn sàng
Nếu thực hiện hết các gói thuế quan đang đe dọa cộng với các gói đã áp dụng thì xem như Mỹ đánh thuế lên mọi mặt hàng Trung Quốc.
Ngày 7-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đã chuẩn bị xong gói thuế quan đánh lên 267 tỉ đô hàng Trung Quốc, sẵn sàng áp dụng bất cứ lúc nào. Gói 267 tỉ đô này khác với gói thuế quan đánh lên 200 tỉ đô hàng Trung Quốc mà Nhà Trắng đe dọa hồi đầu tuần.
Ngày 7-9, ông Trump cũng nói gói thuế đánh lên 200 tỉ đô hàng Trung Quốc "sẽ được áp dụng rất sớm tùy vào điều gì sẽ xảy tới".
"Tôi ghét phải làm điều này nhưng đằng sau đó còn có gói thuế quan đánh lên 267 tỉ đô sẵn sàng đi vào thực hiện nếu tôi muốn" - ông Trump nói với các nhà báo đi cùng trên chiếc Không lực Một từ bang Montana trở về thủ đô Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đe dọa thêm gói thuế quan đánh lên 267 tỉ đô hàng Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Theo Bloomberg, nếu thực hiện hết gói 267 tỉ đô mới vừa đe dọa và cả gói 200 tỉ đô đe dọa đầu tuần này, cộng với gói 50 tỉ đô đã thực hiện - thì xem như Mỹ đánh thuế lên hết mọi mặt hàng mua từ Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ thì năm ngoái Mỹ nhập khẩu 505 tỉ đô hàng Trung Quốc.
Hạn cuối Mỹ tuyên bố ngày áp dụng gói thuế đánh lên 200 tỉ đô đã qua (6-9), nhưng Mỹ vẫn im lặng. Và theo cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow thì ông Trump vẫn chưa có quyết định cuối cùng về thời điểm áp dụng.
Không chỉ bất mãn với sự mất cân bằng thương mại hai nước, ông Trump còn bất mãn với nhiều chính sách thương mại của Trung Quốc. Chẳng hạn chính sách buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ bí mật thương mại như một cái giá phải trả để được làm ăn ở Trung Quốc.
Nói với CNBC ngày 7-9, ông Kudlow cho biết ông Trump đang trong quá trình đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cởi mở với khả năng thỏa hiệp. Cũng theo ông Kudlow, ông Trump thậm chí sẵn sàng gặp trực tiếp ông Tập. Một khả năng là hai lãnh đạo sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thường niên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tháng này, hoặc trong khuôn khổ hội nghị G20 ở Argentina tháng 11 tới, theo ông Kudlow.
Phần mình, ngày 7-9, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp trả đũa nếu Mỹ áp gói thuế đánh lên 200 tỉ đô hàng mình.
"Nếu Mỹ áp các biện pháp thương mại mới chống lại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ có các biện pháp đáp trả cần thiết. Mọi biện pháp gây áp lực lên Trung Quốc đều sẽ vô hiệu, cũng như chiến tranh thương mại không thể giải quyết được điều gì" - người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói trong cuộc họp báo ngày 7-9.
ĐĂNG KHOA
Theo PLO
Mỹ-Trung trước bước ngoặt 200 tỉ USD Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tiếp tục kế hoạch đánh thuế với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ tuần tới. Trả lời Bloomberg tại Phòng Bầu dục hôm 30-8 (giờ Mỹ) về việc liệu kế hoạch đánh thuế khủng lên hàng hóa Trung Quốc (TQ) lần áp thuế thứ ba có sắp thành hiện thực...