Trung Quốc mập mờ trong lý giải buộc máy bay Lào quay đầu
Việc Trung Quốc phủ nhận việc chặn máy bay dân dụng Lào mới đây liên quan đến vùng Nhận dạng phòng không ( ADIZ) ở Hoa Đông cho thấy Bắc Kinh đang có những tính toán mới.
Trung Quốc phủ nhận việc chặn máy bay Lào ở Hoa Đông liên quan đến ADIZ có thể là chiến thuật mới của Bắc Kinh. Ảnh: AFP
“Có thể gần đây bị các nước phản đối quyết liệt với hành động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc đang tỏ ra mềm mỏng hơn. Bắc Kinh muốn đo phản ứng của thế giới, không đẩy ASEAN về phía Mỹ nhưng họ vẫn có thể kiểm soát Biển Đông”, Thạc sĩ Hoàng Việt, trường Đại học Luật TP HCM nhận định khi trao đổi với VnExpress.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm 30/7 cho biết chuyến bay của Lao Airlines, đi từ Hàn Quốc đã cố bay qua “không phận Trung Quốc” vào ngày 25/7, mà không được giới chức hàng không nước này cấp phép hợp lệ. Máy bay của Lao Airlines đã phải quay đầu trở về Hàn Quốc. Tuy nhiên ông Dương lý giải việc này “không liên quan đến ADIZ ở biển Hoa Đông”.
Máy bay Lào khi đó đang trên đường từ Busan, Hàn Quốc về Vientiane, Lào. Tạp chí Air Transport World dự đoán máy bay Lào có thể đã bay trên vùng biển Trung Quốc có tranh chấp với nước khác. Tại Hoa Đông, Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Tokyo đang quản lý.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, hiện chưa rõ đường bay của máy bay Lào từ Busan về Vientiane, nhưng cũng không loại trừ khả năng máy bay này đi qua ADIZ ở Hoa Đông.
“Ý của Trung Quốc là kể cả khi không có ADIZ thì máy bay Lào vẫn phải báo cáo Trung Quốc vì sẽ bay qua không phận trên đất liền của nước này. Trong trường hợp này thì máy bay đó cũng bay qua ADIZ. Cho nên Bắc Kinh vin vào việc chuyến bay có ý định bay vào không phận trên đất liền để buộc quay đầu. Ở đây có sự mập mờ như vậy”, ông Hiệp nói.
Bắc Kinh hồi năm 2013 đơn phương thiết lập ADIZ trên Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tháng 11 năm ngoái, nước này ra thông báo yêu cầu tất cả các máy bay đi qua khu vực này phải gửi trước kế hoạch bay và các thông tin khác.
Video đang HOT
Ông Việt cảnh báo cần xem xét kỹ lời nói và hành động của Trung Quốc, bởi nước này đã có nhiều tiền lệ “nói vậy mà không phải vậy”. Bắc Kinh tuyên bố trỗi dậy hòa bình nhưng luôn đe dọa và cưỡng bức các nước nhỏ hơn cùng có tranh chấp ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng khẳng định luôn tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng lại từ chối việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trước các tòa án quốc tế.
Lý giải về việc lần đầu tiên Trung Quốc chặn máy bay dân dụng và là của Lào, ông Việt cho rằng Lào là nước không liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông hay Hoa Đông nên không có lợi ích trực tiếp.
“Lào cũng là quốc gia nhỏ, phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều và dường như mức độ phụ thuộc ngày càng lớn nên phản ứng của Vientiane trước trường hợp này khá yếu ớt. Do đó Trung Quốc có thể nhân đà này lấn tới, tạo một tiền lệ “đã rồi” và sẽ tiếp tục yêu cầu máy bay của nước khác tuân thủ các quy định của mình. Họ sẽ nói rằng đã có yêu cầu từ lâu mà không nước nào phản đối”, ông Việt nói.
Nguy cơ ADIZ ở Biển Đông
Ông Hiệp nhận định việc Trung Quốc chặn máy bay Lào ở Hoa Đông có thể là “động tác” thử phản ứng của các nước liên quan như Nhật Bản, Hàn Quốc, trước khi lập ADIZ ở những khu vực gây tranh cãi hơn, chẳng hạn như ở Biển Đông.
Dựa trên những thông tin về Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng trên một số đảo nhân tạo ở Trường Sa mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng bước tiếp theo của Trung Quốc là quân sự hóa các đảo và tuyên bố ADIZ trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của mình.
Ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Australia, dự báo Trung Quốc sẽ thiết lập một ADIZ tương tự ở Biển Đông sau chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 tới. Giáo sư Andrew Erickson, Đại học Hải chiến Mỹ, thì tin rằng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông trong vòng 2 năm tới.
“Khả năng Trung Quốc lập ADIZ ở khu vực này rất cao, nếu nhìn vào tham vọng của họ cũng như những hành động gần đây”, ông Việt nói.
Tuy nhiên, ông Hiệp lại loại trừ khả năng xuất hiện vùng nhận dạng mới ở Biển Đông trong năm nay sau một loạt căng thẳng liên quan đến việc cải tạo và xây đảo và giàn khoan Hải Dương 981 năm ngoái.
“Căng thẳng ở Biển Đông sẽ rất lớn nếu Trung Quốc lập ADIZ ở đây. Không chỉ các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp mà những quốc gia có lợi ích trong duy trì tự do hàng hải sẽ phản đối quyết liệt”, ông Hiệp nhận định.
Theo ông Hiệp, nhìn vào cách Nhật phản ứng với ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông có thể mang lại cho các nước một vài gợi ý. Việt Nam và các nước liên quan cần đoàn kết và phối hợp với nhau để thách thức, bác bỏ ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông nếu có. Các nước này cũng có thể cùng nhau hướng dẫn các máy bay của mình phớt lờ quy định liên quan đến ADIZ của Bắc Kinh. Họ cũng có thể sử dụng các công cụ pháp lý, tuy nhiên bằng hình thức cụ thể như thế nào thì cần xem xét kỹ thêm. Ngoài ra, nếu ADIZ của Trung Quốc gây căng thẳng cao và có các sự cố đe dọa hòa bình khu vực thì họ có thể mang vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ. Đương nhiên, các biện pháp ngoại giao thông qua các cơ chế như ASEAN sẽ vẫn luôn giữ vai trò quan trọng.
Trong bất cứ tình huống nào thì căng thẳng đều tăng cao, Việt Nam và các nước liên quan cũng sẽ lâm vào thế khó xử. Vì vậy tốt nhất là thông qua các phương thức ngoại giao, kết hợp răn đe, nhất là từ những cường quốc có lợi ích liên quan, cần thuyết phục để Trung Quốc không thiết lập ADIZ ngay từ đầu. Hiện nay trong nội bộ Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên thiết lập ADIZ ở Biển Đông.
Ông Việt bày tỏ lo ngại Biển Đông đang như một “thùng thuốc súng”, chứa đầy các nguy cơ, “ADIZ rất có thể sẽ khiến thùng thuốc này bùng nổ”.
“Việt Nam và các nước cần tránh hết sức việc xảy ra xung đột quân sự, nhưng mặt khác cũng phải kiên quyết phản đối ADIZ nếu Trung Quốc cho thực hiện. Bởi vì Biển Đông là một khu vực biển thuộc về nhiều quốc gia, bất cứ âm mưu chiếm đoạt nào cũng đều không thể chấp nhận được”, ông Việt nói.
Trung Quốc chặn máy bay Lào ở Hoa Đông có thể để thăm dò để lập ADIZ ở Biển Đông. Ảnh: Stewardslaw
Việt Anh
Theo VNE
Trung Quốc nêu lý do buộc máy bay Lào quay đầu
Bắc Kinh tuyên bố nước này không cho phi cơ Lao Airlines bay qua vùng mà Trung Quốc cho là "không phận" vì không tuân thủ luật, trong vụ việc đầu tiên kể từ khi nước này lập vùng Nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.
Đường bay của máy bay Lao Airlines vào ngày 25/7. Ảnh: Flightradar24
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm qua cho biết chuyến bay của Lao Airlines, đi từ Hàn Quốc đã cố bay qua "không phận Trung Quốc" vào ngày 25/7 mà không được giới chức hàng không nước này cấp phép hợp lệ. Máy bay của Lao Airlines đã phải quay đầu trở về Hàn Quốc.
Việc xin phép của Lao Airlines qua khu vực không rõ ràng và nỗ lực liên lạc không thành công, ông Dương nói và cho biết chính quyền Trung Quốc không chấp nhận việc này.
"Sự kiện này không liên quan đến Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông", ông này lý giải, nhưng không cho biết rõ đường bay của phi cơ.
Giới chức Lào hiện chưa có bình luận về vụ việc.
Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013, một động thái cả Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều không chấp thuận. Vùng ADIZ được lập bao trùm cả vùng trời trên chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật.
Đây là lần đầu tiên một máy bay thương mại bị buộc quay đầu sau khi Trung Quốc lập ADIZ.
Trọng Giáp
Theo PTI
Quan ngại vụ Trung Quốc chặn máy bay Lào Hành động buộc máy bay Lào quay đầu trên vùng biển Hoa Đông làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh thực thi vùng nhận dạng phòng không tại khu vực. Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Trung Quốc trong một chuyến bay qua vùng biển Hoa Đông - Ảnh: Globalaviationreport.com Vụ một máy bay của Hãng hàng không...