Trung Quốc mạo hiểm với Pakistan
Các dự án của Trung Quốc ở Pakistan phải đối mặt với hàng loạt rủi ro lớn, cả về hiệu quả kinh tế lẫn an ninh.
Vét túi cho Pakistan
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pakistan vừa qua, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở và năng lượng với kinh phí dự trù lên tới 46 tỷ USD ở Pakistan.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kế hoạch đầu tư của Trung Quốc cũng như các công ty chịu trách nhiệm thực thi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn khi đầu tư vào Pakistan.
Ông Tập Cận Bình cùng với Tổng thống Pakistan Mamnoon Husain (trái) và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại Islamabad hôm 20/4
Video đang HOT
Trung Quốc đang phải vét túi để bành trướng các mối quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại.
Đầu tháng 4/2015, Bắc Kinh đã phát động thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) với vốn điều lệ 100 tỷ USD, thu hút sự tham gia của khoảng 56 quốc gia khác.
Trung Quốc cũng quyết liệt quảng bá một dự án gọi là “Vành đai và Con đường” nhằm thúc đẩy thương mại qua châu Phi, Trung Đông, Trung Á và châu Âu. Kế hoạch này sẽ giúp xây dựng các cơ sở hạ tầng như hải cảng, đường bộ và đường sắt xuyên qua hàng chục nước nhằm nỗ lực thúc đẩy các nền kinh tế địa phương cũng như của chính Trung Quốc.
Trong chuyến công du Pakistan của Chủ tịch Tập Cận Bình tuần này, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tài trợ cho việc xây dựng “Con đường tơ lụa” xuyên qua Pakistan. Đây là tuyến đường trực tiếp, ngắn hơn, dẫn tới các giếng dầu tại vùng Vịnh, thay vì phải phụ thuộc vào eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia.
Cảng Gwadar đã được Pakistan “nhượng” cho Trung Quốc
Đổi lại việc cho Trung Quốc “mượn” đất, Pakistan sẽ được nhận 33,8 tỉ USD đầu tư cho lĩnh vực năng lượng.
Nhà lãnh đạo hai nước đã ký biên bản ghi nhớ 11 thỏa thuận khác liên quan tới việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện, năng lượng mặt trời hay năng lượng gió. Tám trong tổng số 11 dự án trên sẽ được phía Trung Quốc thực hiện.
Các dự án này sẽ giúp Pakistan khắc phục tình trạng tại một số thành phố vẫn diễn ra cảnh mất điện 10 tiếng mỗi ngày. Thiếu điện cũng kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của nước này, mà theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đạt mức tăng 4%.
Đánh quả liều
Bắc Kinh đã tăng cường viện trợ và đầu tư ở nước ngoài trong thập niên vừa qua. Tuy nhiên, trong khi các con số tăng lên, một rủi ro lớn mà Trung Quốc phải đối mặt, theo các chuyên gia, là theo dõi tất cả khoản tiền đó. Trong trường hợp của Pakistan thì rủi ro này càng cao khi nạn tham nhũng ở cả hai nước luôn là một yếu tố không thể bỏ qua.
Chắc chắn Bắc Kinh sẽ xem xét rất kỹ cả các công ty Trung Quốc lẫn các đối tác phía Pakistan để bảo đảm là tiền được chi tiêu đúng chỗ.
Phần lớn công cuộc đầu tư ồ ạt cho “Vành đai và Con đường” cùng các khoản tiền đầu tư vào Pakistan đều được nhiều người trông đợi là sẽ giúp các công ty Trung Quốc, vốn thiếu kinh nghiệm ở những nơi như Pakistan, giành được nhiều hợp đồng kinh doanh, nhưng giới phân tích cảnh báo Trung Quốc phải chuẩn bị cho kịch bản một số kế hoạch đầu tư này có thể thất bại.
Thi thể của một trong ba kĩ sư Trung Quốc bị sát hại ở Pakistan hồi năm 2006 được đưa về nước
Trong những năm gần đây, Mỹ đã cấp nhiều tỷ USD viện trợ phát triển cho Pakistan, nhưng việc giải ngân các khoản tiền này không hề dễ dàng. Các vấn đề về an ninh, tham nhũng, khả năng hạn hẹp của các đối tác địa phương và thiên tai, tất cả đều gây khó khăn cho việc chi tiền theo đúng kế hoạch.
Để giảm “áp lực” Trung Quốc luôn tuyên bố rằng viện trợ phát triển của họ khác với Mỹ ở chỗ không “kèm theo những ràng buộc chính trị”, có nghĩa là sẽ có ít luật lệ hơn về việc ai sẽ hợp tác với họ và cách thức tiêu tiền.
Một số công ty Trung Quốc đã gây dựng được kinh nghiệm thông qua các hoạt động làm ăn ở Afghanistan. Điều này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty Trung Quốc làm ăn ở Pakistan, nhưng vẫn có rất nhiều rủi ro. Bằng chứng là đã có nhiều vụ những người mang quốc tịch Trung Quốc bị bắt cóc và hành quyết.
Trung Quốc chắc chắn biết trước những rủi rõ này, song buộc phải chấp nhận nếu như muốn biến Pakistan thành “sân sau”. Hiện vẫn còn quá sớm để nói về khả năng thành công của Trung Quốc. Ngoài những rủi ro về hiệu quả kinh tế, an ninh…Trung Quốc cũng cần nhớ lại bài học ở Myanmar hay Sri Lanka bởi tiền không mua được tất cả.
Theo Đất Việt