Trung Quốc mặc sức vẽ ‘đường lưỡi bò’ – nguy hiểm hơn sức mạnh quân sự
Hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc có thể được lưu lại trong trí óc của bất cứ ai. Để đối phó, các nước liên quan cần liên tục có hình thức quảng bá chủ quyền ngược lại.
Đầu tháng 11, Philippines cho đóng dấu thị thực có hình vẽ bản đồ và vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên biển lên hộ chiếu Trung Quốc. Đây là động thái Philippines đối phó với việc hộ chiếu Trung Quốc in bản đồ có “đường lưỡi bò” – tuyên bố chủ quyền phi lý và đã bị bác bỏ của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vào tháng 10, Philippines cũng đã rút bộ phim Abominable (do hãng DreamWorks của Mỹ và công ty Pearl Studio từ Trung Quốc hợp tác sản xuất) sau khi phát hiện có hình ảnh “đường lưỡi bò” trong một phân cảnh.
Thoạt nhìn, những động thái vừa rồi có thể tạo ấn tượng rằng Philippines đang rất cương quyết trước các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Thế nhưng, từ bên trong, điều khiến người dân Philippines khó hiểu hơn cả là các phản ứng và phát ngôn trái chiều của chính phủ về các vấn đề liên quan đến chủ quyền.
Điều khiến người dân Philippines khó hiểu hơn cả là các phản ứng và phát ngôn trái chiều của chính phủ về các vấn đề liên quan đến “đường lưỡi bò”.
Điểm mấu chốt: chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang cho thấy thái độ, cách ứng phó thiếu nhất quán đối với một vấn đề rất cần sự nhất quán xuyên suốt, trong bối cảnh Trung Quốc đang huy động mọi nguồn lực và phương tiện để tuyên truyền tư tưởng của mình khắp thế giới.
Một trong những dẫn chứng rõ nhất là Bắc Kinh đang vung tiền khắp nơi để quảng bá hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Nhìn cách Trung Quốc trắng trợn tuyên bố chủ quyền của mình trên khu vực Biển Đông – không chỉ trên các phát ngôn chính thức từ phía chính phủ mà còn qua các kênh tuyên truyền gián tiếp khác – không một quốc gia có quyền lợi liên quan nào không quan ngại.
Đó là nguyên do tại sao quyền lực mềm đang được tận dụng tối đa và có khả năng gây ra nhiều tác động hơn cả sức mạnh quân sự. Và cũng chính từ đây, phản ứng có phần hời hợt, thiếu nhất quán của chính phủ Philippines đang là nguồn cơn của nhiều mối lo.
“Lừng khừng” với Trung Quốc
Khi một phân cảnh trong phim Abominable bị phát hiện trực tiếp miêu tả hình ảnh “đường lưỡi bò” tại Philippines, nhiều khán giả cũng lên tiếng đòi tẩy chay bộ phim. Tuy nhiên, trái với mong đợi của công chúng, chính phủ nước này thể hiện thái độ hời hợt.
Trả lời bên dưới bài đăng của một chuyên gia luật biển nổi tiếng, người kêu gọi tẩy chay bộ phim, ngoại trưởng Philippines đưa ra hai đề xuất. Đầu tiên là cắt cảnh gây tranh cãi, tương tự với cách Malaysia đã làm. Đề xuất thứ hai có phần hơi cực đoan: tẩy chay tất cả các bộ phim do DreamWorks sản xuất.
Điều quan trọng là phản ứng này mang nhiều tính cá nhân hơn vì Bộ Ngoại giao Philippines không có bất kỳ thẩm quyền nào trong việc xử lý việc cắt bỏ phân cảnh hay cấm một bộ phim. Thẩm quyền này thuộc Ủy ban Đánh giá và Phân loại Phim điện ảnh và truyền hình, do Văn phòng Tổng thống trực tiếp quản lý.
Thế nhưng, trả lời báo chí, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống lại chỉ quy trách nhiệm cho Ủy ban Đánh giá và Phân loại phim, không đưa ra thêm bất kỳ bình luận nào khác. Rõ ràng, các phương án kể trên không thể là câu trả lời thỏa đáng mà người dân Philippines trông chờ.
Văn hóa không phải là mặt trận duy nhất chính quyền Tổng thống Duterte cho thấy thái độ “lừng khừng” trong cách ứng phó với Trung Quốc.
Video đang HOT
Sự hiện diện ngày càng đông đảo của cả lao động lẫn những con bạc khát nước đến từ Trung Quốc khiến nhiều người dân Philippines không khỏi “nhăn trán”, “lắc đầu” nghi ngại.
Gần đây, một cuộc chạm trán khác xảy ra trên Biển Đông giữa lực lượng tuần duyên Trung Quốc và tàu Hy Lạp với toàn bộ thủy thủ đoàn là người Philippines. Theo truyền thông, Hải quân Trung Quốc ra yêu cầu con tàu rời khỏi khu vực, mặc dù vị trí này nằm trong lãnh hải của Philippines và hiển nhiên thuộc quyền tài phán của nước này. Đáp lại, thuyền trưởng Philippines khẳng định tàu mình vẫn đang di chuyển trong đúng hải phận nước mình.
Trong khi công chúng ca ngợi thuyền trưởng người Philippines khi nhất quyết không nhún nhường trước phía Trung Quốc, chính phủ nước này lần nữa thể hiện thái độ thờ ơ với hành động bảo vệ lãnh thổ của chính công dân nước họ.
Người phát ngôn của tổng thống tuyên bố tranh chấp xảy ra không phải mối quan tâm của chính phủ với lý do con tàu thuộc sở hữu của Hy Lạp và cờ được treo trên tàu là cờ Liberia. Theo quan điểm của chính quyền ông Duterte, do có nhiều bên liên quan đến cuộc chạm trán này nên sẽ có các cơ quan có thẩm quyền khác nhau bày tỏ quan điểm, không riêng gì Philippines.
Phát ngôn này khiến chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Philippines buộc phải thốt lên: “Một con tàu Liberia di chuyển trên vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines và bị chính quyền Trung Quốc gây khó dễ mà Philippines lại không hề liên quan?”
Sau hơn nửa nhiệm kỳ của ông Duterte, nhiều thỏa thuận với Trung Quốc mới chỉ nằm ở trên bàn giấy và chưa được triển khai.
Với tư cách là người đứng đầu đất nước, tổng thống tất nhiên là người có tiếng nói quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại. Thế nhưng, bất chấp nhiều ý kiến phản đối từ các quan chức khác của chính phủ, Tổng thống Duterte vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ theo chiều hướng thân với Trung Quốc.
Ông Duterte một mực cho rằng việc tranh chấp, mâu thuẫn với Trung Quốc – một cường quốc về cả chính trị lẫn kinh tế trong khu vực – là tự chuốc họa vào thân khi chắc chắn Philippines sẽ nhận lấy phần thua.
Đây là một quan điểm cực đoan và thiếu hiểu biết.
Trên thực tế, Trung Quốc bày tỏ rõ sự ủng hộ với các dự án xây dựng của ông Duterte và có lẽ vị tổng thống quan niệm bất kỳ hành động hay tuyên bố phản bác nào từ phía Philippines sẽ gây phương hại và làm hỏng các thỏa thuận chung giữa hai nước. Tuy nhiên, sau hơn nửa nhiệm kỳ của ông Duterte, nhiều thỏa thuận mới chỉ nằm ở trên bàn giấy và chưa được triển khai.
Không thể đồng lõa
Chính phủ của một nước không những phải đặt vấn đề chủ quyền lên hàng đầu mà còn phải có những động thái phản ứng phục vụ lợi ích quốc gia. Việt Nam và Malaysia đã cho thấy sự cứng rắn của mình về vấn đề Biển Đông, điều mà Philippines vẫn chưa làm được.
Phim Abominable cuối cùng cũng bị cấm chiếu tại Philippines, song lần này chính quyền Duterte thật sự bị động và hành động chậm chạp. Nếu chính phủ Philippines luôn coi vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là câu chuyện có thể gạt đi dễ dàng, sẽ còn rất nhiều trường hợp như Abominable xảy ra. Mối nguy này hoàn toàn có cơ sở khi Trung Quốc đang ngày càng tăng cường ảnh hưởng lên Hollywood để nhào nặn những thông điệp chủ quyền theo ý mình.
Phim ảnh thuộc khía cạnh nghệ thuật và hầu hết tình tiết được hư cấu để cuốn hút khán giả. Tuy nhiên, việc chèn những phân cảnh nhằm mục đích tuyên truyền chính trị, đặc biệt nếu chi tiết đó đi ngược lại lợi ích đất nước, nó có thể trở thành một mối nguy đáng lo ngại.
Hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” thể hiện tham vọng của Trung Quốc có thể được lưu lại trong trí óc của bất cứ ai nếu không có gì tác động làm thay đổi suy nghĩ.
Phần lớn ý niệm của con người dựa vào các hình ảnh. Như cách nhà xã hội học Joel Migdal phân tích, các quốc gia sử dụng hình ảnh để củng cố lợi ích, vị thế và ranh giới lãnh thổ của họ.
Hình ảnh một quốc gia nói lên nhiều điều về cách mà quốc gia đó muốn hiện diện trên chính trường quốc tế và muốn các nước khác nhìn nhận về mình dưới con mắt nào.
Hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” thể hiện tham vọng của Trung Quốc có thể được lưu lại trong trí óc của bất cứ ai và sẽ vẫn mãi ghi nhận theo cách đó nếu không có gì tác động làm thay đổi suy nghĩ. Đây là trận chiến trên mặt trận tuyên truyền và các phương tiện truyền thông hoặc giá trị văn hóa là những công cụ sẽ được tận dụng tối đa.
Nhưng làm thế nào để cân bằng giữa một bên là lợi ích kinh tế, với phần lớn đến từ Chính sách Vành đai Con đường của Trung Quốc, với một bên là độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước?
Để đối phó, các nước liên quan cần liên tục phản bác những thông điệp tuyên truyền từ Bắc Kinh và có hình thức quảng bá chủ quyền ngược lại. Quốc gia nào để để nước khác tự do tuyên truyền quan điểm không những thua trên mặt trận tư tưởng mà còn tự biến mình thành kẻ đồng lõa với thế lực bên ngoài.
Philippines đã đặt mình vào thế yếu trong suốt ba năm kể từ Tổng thống Duterte lên nắm quyền.
Jan Robert R Go
Illustration: Phượng Nguyễn Biên dịch: Lân Y
Theo news.zing.vn
"Đòn hiểm" của Mỹ đối phó với sức mạnh đang lên của Hải quân Trung Quốc
Chuyên gia Mỹ vừa hiến kế hiểm cho Bộ Quốc phòng nước này để đối phó với sức mạnh đang lên của Hải quân Trung Quốc, nhất là sức mạnh đổ bộ.
Sức mạnh Hải quân Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ
Việc hạ thủy tàu đổ bộ tấn công lưỡng thể lớp 075 đã mở ra một cao trào mới trong việc chế tạo "hạm đội" tàu đổ bộ tấn công của Trung Quốc. Cùng với việc hạ thủy các tàu chiến lưỡng thể mới, tàu đổ bộ lưỡng thể lớp 071 đang được chế tạo cũng là lực lượng chính của hoạt động đổ bộ của Trung Quốc. Gần đây, tại xưởng đóng tàu Hỗ Đông, Thượng Hải, Trung Quốc đã hoàn thành chế tạo tàu vận tải đổ bộ lớp 071 thứ 7 và mang số hiệu 986, và chuẩn bị được đưa vào biên chế.
Tàu lớp 071 mới hạ thủy được đánh số hiệu 986 chuẩn bị được đưa vào phục vụ. Nguồn: Sohu
Tàu lớp 071 từ lâu đã là một phần quan trọng của lực lượng đổ bộ của Trung Quốc. Lớp 071 là tàu đổ bộ đầu tiên của Trung Quốc với lượng giãn nước hơn 20.000 tấn. Trong giai đoạn từ 2007-2012, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 3 tàu đổ bộ lớp 071, đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc được biên chế số lượng ít tàu hiện đại, có thể nhanh chóng vận chuyển 1 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Trung Quốc với 20 xe tăng tấn công lưỡng thể và 16 trực thăng đến bất cứ vùng biển nào trên thế giới. Cùng với sự phát triển của Hải quân Trung Quốc, 3 tàu đổ bộ lớp 071 đã không còn đủ để đáp ứng yêu cầu tác chiến trong thời đại mới.
Do vậy, Hải quân Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch chế tạo thêm 5 tàu lớp 071, và sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tiếp theo sau đó. Ba tàu lớp 071 mang tên Nghi Mông Sơn, Long Hổ Sơn và Ngũ Chỉ Sơn lần lượt được đưa vào sử dụng tháng 2/2016, tháng 9/2018 và tháng 1/2019, tàu lớp 071 thứ 7 và thứ 8 cũng đang được đẩy nhanh quá trình chế tạo để đưa vào biên chế. Theo tính toán của Hải quân Trung Quốc, chỉ cần 8 tàu đổ bộ lớp 071, Trung Quốc có thể tùy thời điều động 2 lữ Hải quân và hơn 60 xe tăng đến bất kỳ khu vực nào trên các vùng biển trong khu vực châu Á, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu chi viện, tác chiến đổ bộ.
Chỉ cần 8 tàu đổ bộ lớp 071, Trung Quốc có thể tùy thời điều động binh lực hùng hậu đến các vùng biển châu Á. Nguồn: Sohu
Điều đáng chú ý là thời gian đóng tàu trung bình của mỗi tàu lớp 071 là khoảng 24 tháng, thời gian thử nghiệm và hoàn thành các công đoạn kỹ thuật khoảng 6 tháng. Tàu lớp 071 thứ 8 đã được hạ thủy vào tháng 6/2019, tàu này được hoàn thành đóng và chạy thử nghiệm từ tháng 12/2018, đến đầu tháng 11/2019, tàu này đã được đánh số và chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, tàu tấn công lưỡng thể lớp 075 cũng đang được hoàn thiện trong Nhà máy đóng tàu Hỗ Đông, mặc dù tàu lớp 075 có yêu cầu cao hơn tàu lớp 071 về mặt kết cấu và thân tàu, tuy nhiên, theo như tiến độ hiện tại của con tàu, đến quý II năm 2020 là đã có thể đưa vào sử dụng, thậm chí là quý I nếu đẩy nhanh tiến độ. Tàu lớp 075 đầu tiên của Trung Quốc đã được hạ thủy vào ngày 25/9.
Tàu lớp 075 đầu tiên của Trung Quốc dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2020. Nguồn: Sohu
Tàu đổ bộ tấn công lớp 075 là dự án lớn và phức tạp thứ hai do Trung Quốc chế tạo, sau dự án tàu sân bay. Tàu lớp 075 có lượng choán nước khoảng 40.000 tấn, tương đương với tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ. Giới phân tích phương Tây từng bày tỏ sự lo ngại đối với dự án tàu đổ bộ tấn công lớp 075 của Trung Quốc, đặc biệt khi xem xét các mục tiêu chiến lược và tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh với các nước trong khu vực.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc ca ngợi tầm quan trọng của tàu lớp 075 là "kỷ nguyên mới cho sự phát triển của các tàu chiến ở Trung Quốc". Tàu lớp 075 có thể mang theo khoảng 30 trực thăng các loại như trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9D, hạng trung Z-20, vận tải hạng nặng Z-8; hàng trăm thủy quân lục chiến; phương tiện chiến đấu; 2 tàu đổ bộ đệm khí Type-726.
Tàu lớp 075 là "kỷ nguyên mới cho sự phát triển tàu chiến Trung Quốc". Nguồn: Sohu
Trung Quốc đang đầu tư mạnh để xây dựng năng lực đổ bộ chỉ đứng sau Mỹ, trong tương lai, có thể thấy rằng, sau khi 8 tàu lớp 071 đưa vào hoạt động, Trung Quốc sẽ chắc chắn chế tạo thêm 4 tàu lớp 071 để thay thế các tàu cũ chuẩn bị nghỉ hưu. Đối với tàu lớp 075, tốc độ chế tạo sẽ tương tự tàu 071 để nâng cao toàn diện sức mạnh đổ bộ của Hải quân, Trung Quốc đang chế tạo thêm 2 tàu lớp 075 và 3 tàu phiên bản nâng cấp lớp 075B.
Tàu lớp 075 khi kết hợp với tàu lớp 071 hoàn toàn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ chi viện, tiếp tế cho các đảo nhân tạo trong một cuộc khủng hoảng, hoặc trong tình huống cầu cảng trên đảo bị phá hủy, trong dài hạn sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Những tàu đổ bộ này sẽ đi cùng với tàu hộ tống được vũ trang mạnh mẽ để bảo vệ nhóm tàu trước cuộc tấn công từ trên biển, trên không và dưới nước.
"Đòn hiểm" của Mỹ để kiềm chế Hải quân Trung Quốc
Để kiềm chế sức mạnh Hải quân đang lên của Trung Quốc, mới đây một số chuyên gia Mỹ "hiến kế" Bộ Quốc phòng Mỹ bán hoặc cho Austraylia và các đồng minh trong khu vực châu Á khác thuê 10 hoặc 12 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia, điều này sẽ trở thành "ác mộng" của Hải quân Trung Quốc. Hành động này sẽ cho phép Mỹ hạn chế tác động từ việc Trung Quốc tăng cường xây dựng lực lượng hàng hải, đồng thời khiến mạng lưới chống tiếp cận, chống xâm nhập của Trung Quốc ở Thái Bình Dương trở nên lỗi thời.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia John Warner của Mỹ. Nguồn: Sohu
Các chuyên gia quân sự Nga cũng tranh cãi về vấn đề này, nếu Mỹ tiến hành hành động trên, chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh và nghiêng về phương Tây ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok nói rằng việc coi điều này có thể trở thành thảm họa cho Trung Quốc là sự thổi phồng quá mức.
"Hải quân Trung Quốc đang được tăng cường với tốc độ ấn tượng đến mức nước này sẽ trở thành một cường quốc trên biển mạnh nhất không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới trong tương lai gần. Các bạn sẽ không thể làm Trung Quốc kinh hãi chỉ với 10 hay 12 chiếc tàu mà sẽ chỉ đặt họ vào tình trạng cạnh tranh", ông Khodarenok nhận xét.
Đức Trí (lược dịch)
Theo infonet.vn
Lí do thực sự khiến TQ ngày càng 'mạnh tay' Bất kỳ quốc gia nào từng tích lũy nợ, suy giảm năng suất hoặc già hóa dân số ở mức gần với tình trạng của Trung Quốc hiện nay đều mất ít nhất một thập kỷ tăng trưởng kinh tế hầu như bằng 0. Câu chuyện địa chính trị định hình thời đại của chúng ta ngày nay là sự trỗi dậy của...