Trung Quốc lôi kéo học giả nước ngoài vào tranh chấp Biển Đông
Trung Quốc đang lôi kéo các học giả quốc tế, trong đó có cả Đài Loan tham gia nghiên cứu tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Trung Quốc xây đường băng trái phép trên Đá Chữ Thập ở Biển Đông – Ảnh: AFP/Airbus
Trang tin Want China Times ngày 11.10 cho biết chính phủ Trung Quốc đang “bơm tiền” vào trường đại học Nam Kinh để thực hiện một dự án nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Với nguồn tài chính trên, trường đại học Nam Kinh đã thành lập trung tâm nghiên cứu Biển Đông.
Trung tâm này do ông Zhu Feng, từng là giáo sư của trường đại học Bắc Kinh, điều hành. Want China Times cho biết Bắc Kinh kêu gọi các học giả từ các nước đến trung tâm này và thực hiện các nghiên cứu về Biển Đông, đặc biệt là vụ tranh chấp Philippines khởi kiện Trung Quốc ở tòa án trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc từ hồi năm 2013.
Ngoài ra, việc hải quân Mỹ tuyên bố sẵn sàng xâm nhập vùng giới hạn 12 hải lý gần khu vực do Trung Quốc chiếm đoạt trái phép ở Biển Đông hay xây đường băng trên các đảo nhân tạo phi pháp cũng là vấn đề mà Bắc Kinh muốn các học giả nước ngoài tham gia phân tích.
Video đang HOT
Trung Quốc đặc biệt muốn lôi kéo các học giả lãnh thổ Đài Loan đứng về phía mình trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Lâu nay Đài Bắc vẫn thể hiện lập trường riêng ở Biển Đông. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền phi pháp trên một số hòn đảo ở Biển Đông.
Ông Wu Shicun, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông, đồng thời cũng là Phó giám đốc của trung tâm mới thành lập ở đại học Nam Kinh, không giấu ý đồ của Bắc Kinh khi muốn lôi kéo học giả Đài Loan cũng như quốc tế. “Nhận thức được những yêu cầu, Trung Quốc có thể sử dụng các học giả từ Đài Loan để tăng cường quyền của mình ở Biển Đông, dựa trên kiến thức của các học giả về lịch sử và luật pháp quốc tế”, ông Wu nói. Ông Wu cho biết Bắc Kinh cũng khuyến khích sinh viên Đài Loan tham gia nghiên cứu Biển Đông tại đại học Nam Kinh.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Indonesia tăng cường phòng thủ trên Biển Đông đối phó Trung Quốc
Indonesia đang lên kế hoạch phòng thủ, bảo vệ bờ biển của nước mình trước mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, dù Jakarta không có tranh chấp.
Tàu chiến của Indonesia - Ảnh: Bloomberg
Hãng Bloomberg hôm 8.10 đưa tin Bộ trưởng An ninh, chính trị và luật pháp Indonesia, ông Luhut Panjaitan cho biết Indonesia sẽ tăng cường sử dụng máy bay không người lái và tàu ngầm để tuần tra ở vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này, không xa so với vùng biển đang bị nhiều nước tranh chấp và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ trưởng Indonesia giải thích việc tăng cường hải quân ở khu vực bờ biển của mình là vì lo ngại trước mối đe dọa gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Indonesia, Thái Lan và Singapore là 3 nước trong khối ASEAN không có tranh chấp biển, đảo ở Biển Đông.
"Ít có người dự đoán được rằng đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc đưa ra hồi năm 2009 lại có tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự mạnh mẽ đến như vậy", Bộ trưởng Panjaitan phát biểu trong một bài viết đăng trên báo Kompas phát hành hôm 7.10 ở Indonesia, một trong những tờ báo thể hiện quan điểm của chính phủ nước này, theo Bloomberg.
"Đó là sự trở lại của một nền kinh tế phát triển nhanh cho phép Trung Quốc có ngân sách lớn chi tiêu cho quân sự và mở rộng đến vùng Biển Đông khiến Mỹ cũng phải bận tâm", ông Panjaitan viết tiếp trong bài báo.
Ông Panjaitan, người thân cận của Tổng thống Joko Widodo, nói rằng Indonesia cần phải sắp xếp lại thế trận quốc phòng trước các mối đe dọa có thể nhìn thấy được từ Trung Quốc. Mục tiêu tăng cường quốc phòng cũng đến từ nguy cơ bành trướng của lực lượng khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự phong đến quốc gia Hồi giáo đông dân nhất khu vực Đông Nam Á này.
Để trả lời câu hỏi Jakarta sẽ phòng thủ thế nào trước các mối đe dọa của Trung Quốc, Bộ trưởng Indonesia cho rằng cần xây dựng căn cứ không quân ở quần đảo Natuna, thành lập một phi đội máy bay không người lái ở quần đảo này và đặc biệt là sẽ chi ngân sách mua tàu ngầm của Nga.
Indonesia là một trong những quốc gia thành viên ASEAN lâu nay vốn rất thận trọng với các chiến lược quốc phòng nhắm vào Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Jakarta. Tuy nhiên những phát biểu của Bắc Kinh và chiến lược bành trướng quân sự ở Biển Đông khiến Indonesia không thể "trung lập" như Jakarta mong muốn.
Tirta Mursitama, giáo sư quan hệ quốc tế của trường đại học Binus ở Jakarta cho rằng phát biểu của ông Bộ trưởng cho thấy Indonesia đang rất lo ngại trước sự gia tăng ảnh hưởng cả quân sự và kinh tế của Trung Quốc. " Nó cũng mang một thông điệp gửi đến người dân trong nước rằng mặc dù Trung Quốc đầu tư nhiều ở Indonesia, nhưng chúng ta phải phòng thủ để bảo vệ chủ quyền quốc gia", ông Mursitama bình luận.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Tìm đường vòng Chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản được bàn đến nhưng giải pháp chưa thấy gần hơn trước chút nào. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp nhau bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - Ảnh: Reuters Tại cuộc gặp bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên...