Trung Quốc lôi kéo Bhutan bỏ Ấn Độ bằng 10 tỉ USD?
Mắc kẹt trong đối đầu căng thẳng suốt 2 tháng qua ở biên giới Ấn Độ và Bhutan, Trung Quốc vừa đưa ra đề nghị hỗ trợ kinh tế cho Bhutan trị giá 10 tỉ USD để nước này mềm mỏng hơn trong tranh chấp lãnh thổ và chia tay đồng minh Ấn Độ.
Tạp chí Nikkel Asian Review của Nhật Bản dẫn một vài nguồn tin cho biết, kể từ khi nhận được lời đề nghị của Trung Quốc, phía Bhutan đã hạ giọng, không còn nói Trung Quốc vi phạm chủ quyền nước này ở cao nguyên Doklam.
Gói viện trợ kinh tế trị giá 10 tỷ USD của Trung Quốc dành cho Bhutan bao gồm các khoản vay lãi suất thấp, đầu tư trực tiếp và viện trợ không hoàn lại.
Vùng cao nguyên Doklam trên thực tế là sự tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Bhutan, tuy nhiên, nó cũng có vị trí chiến lược quan trọng với Ấn Độ, quốc gia là đồng minh thân thiết của Bhutan và được nước này yêu cầu giúp đỡ.
Trung Quốc và Ấn Độ đang mắc kẹt trong đối đầu căng thẳng ở Doklam
Những diễn biến mới làm phức tạp hóa quan hệ giữa Bhutan và đồng minh Ấn Độ. Việc lôi kéo được Bhutan có thể khiến Ấn Độ phải rút lui trong đối đầu với Trung Quốc tại Doklam.
Ngay sau khi thông tin này xuất hiện, một đại diện chính quyền Bhutan đã ra thông cáo phủ nhận với truyền thông Ấn Độ, tuy nhiên, New Delhi dường như chưa hài lòng với lời giải thích này nên đã gửi thông điệp đến Bộ trưởng ngoại giao Bhutan, Damcho Dorji, cảnh báo đồng minh giữ vững lập trường cùng Ấn Độ, không nên đi theo Trung Quốc.
Theo thông tin từ chính phủ Ấn Độ, hiện có khoảng 320 lính Ấn Độ và 500 lính Trung Quốc đối mặt nhau khu vực cao nguyên Doklam, tuy nhiên, đằng sau họ là lực lượng 12.000 binh sĩ Ấn Độ và 16.000 quân Trung Quốc sẵn sàng cho tình huống xung đột nổ ra.
Video đang HOT
Theo Đặng Vũ
An ninh thủ đô
Cuộc đối đầu chưa có lối thoát ở biên giới Trung - Ấn
Xung đột ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang rơi vào thế bế tắc khi cả hai đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Trong khi Bắc Kinh cảnh báo sẽ đưa ra "những biện pháp đối phó" quyết liệt thì New Delhi khẳng định sẽ "không bị bắt nạt".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị ở Goa, Ấn Độ vào năm 2016 (Ảnh: AP)
Biên giới Trung - Ấn vốn là một trong những mặt trận căng thẳng nhất và nay lại nóng lên sau khi binh sĩ hai nước liên tục đụng độ tại khu vực cao nguyên Doklam ở dãy Himalaya. Xung đột bùng phát từ hồi tháng 6 vừa qua sau khi Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường gần biên giới tranh chấp mà New Delhi cho rằng đã xâm phạm vào lãnh thổ của Bhutan - một quốc gia đồng minh của Ấn Độ.
Trung Quốc từng cảnh báo căng thẳng tại biên giới giữa hai nước có thể leo thang thành cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng nhất, đe dọa ổn định và hòa bình ở khu vực. Bắc Kinh yêu cầu New Delhi rút quân khỏi biên giới. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn rất cương quyết khẳng định sẽ không giảm quân số ở biên giới, đồng thời nhấn mạnh rằng việc rút quân phải được cả hai bên thực hiện.
Sự kình địch giữa hai nước lớn
Với dân số mỗi nước lên tới hơn 1,3 tỉ người, Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ là hai nước có đông dân nhất thế giới mà cả hai còn đang tham gia tích cực vào cuộc đua trở thành "siêu cường" ở khu vực Nam Á.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng việc đưa ra sáng kiến "Vành đai và con đường" nhằm thúc đẩy các tuyến giao thông giữa châu Á, châu Phi và châu Âu. Ngoài việc triển khai một phần dự án "Con đường tơ lụa" mới qua Pakistan, Trung Quốc còn bắt tay kết thân với các quốc gia Bangladesh, Sri Lanka, Nepal và Bhutan, những quốc gia nằm xung quanh Ấn Độ về mặt địa lý.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn so với những người tiền nhiệm. Ông Modi công khai phản đối sáng kiến "Vành đai và con đường" của Bắc Kinh, cho rằng dự án này xâm phạm vào lãnh thổ của Ấn Độ và bày tỏ sự hoài nghi về ý định của Trung Quốc.
Cùng lúc đó, Ấn Độ cũng âm thầm tăng cường năng lực quân sự, tăng số bộ binh và cả quân sự bị, đưa xe tăng tới khu vực Ladakh ở biên giới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang sở hữu quân đội mạnh hơn với hơn 2 triệu quân, gấp đôi Ấn Độ và sở hữu số xe tăng, tàu ngầm, máy bay chiến đấu vượt trội.
Bùng phát căng thẳng
Căng thẳng bùng phát từ hồi đầu tháng 6 vừa qua khi các lực lượng Trung Quốc, trong đó có binh sĩ của Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc, tới Dolam và bắt đầu dự án mở đường. Binh sĩ Ấn Độ tại khu vực này đã ngăn cản phía Trung Quốc, cho rằng con đường sắp mở xâm phạm vào lãnh thổ Dolam.
Dolam là khu vực nằm ở biên giới giữa Trung Quốc và Buhtan mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Hai nước đã trải qua 24 vòng đàm phán song vấn đề chủ quyền Dolam hiện vẫn còn đang bỏ ngỏ. Ấn Độ không phải một bên tranh chấp Dolam nhưng vẫn luôn ủng hộ Buhtan - quốc gia đồng minh của New Delhi.
Tính đến nay đã hai tháng trôi qua song hàng trăm binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc vẫn không rút quân, trong khi chính phủ hai nước liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng nếu đặt lên bàn cân, năng lực quân sự của Ấn Độ yếu hơn rõ rệt. Tờ Thời báo hoàn cầu viết với giọng điệu đe dọa: "Nếu chính phủ Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục phớt lờ những cảnh báo và đẩy tình hình vượt tầm kiểm soát, những biện pháp đối phó mạnh mẽ từ Trung Quốc là điều không tránh khỏi".
Nguy cơ xung đột
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới (Ảnh: NDTV)
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cung cấp một tài liệu có lưu giữ tuyên bố của Bắc Kinh về quyền sở hữu khu vực tranh chấp trong hiệp ước năm 1980 với Anh. Viện dẫn tài liệu này, Trung Quốc đã cáo buộc Ấn Độ xâm phạm trái phép lãnh thổ Trung Quốc. Bất chấp cáo buộc và đe dọa của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn cương quyết không rút quân ở biên giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley ngày 16/8 tuyên bố: "Có những người đang nhăm nhe xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của chúng ta, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng những binh sĩ dũng cảm có đủ khả năng để bảo vệ đất nước".
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không có lợi nếu xảy ra xung đột quân sự. Các chuyên gia dẫn nguồn cho biết hai nước đã nhất trí cùng rút quân khỏi khu vực biên giới, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng. Có ý kiến cho rằng việc New Delhi công khai phản đối các tham vọng của Bắc Kinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột tại khu vực Nam Á.
"Nếu Trung Quốc tự coi mình là bất khả chiến bại thì Ấn Độ có thể trở thành một mục tiêu cố định. Không có kết thúc có hậu nào cho cuộc chiến này", Giám đốc Viện nghiên cứu Carnegie Ấn Độ C. Raja Mohan cho biết.
Nhật Minh
Theo LA Times
Bhutan quay lưng với Ấn Độ, ngả theo Trung Quốc? Căng thẳng leo thang trên khu vực cao nguyên Doklam cùng với tham vọng và chủ nghĩa quốc gia có thể kéo Trung Quốc và Ấn Độ vào một cuộc chiến tranh, lặp lại những ký ức đẫm máu của cuộc chiến biên giới 1962. Với sức mạnh quân sự hiện tại của cả Trung Quốc và Ấn Độ, hậu quả chiến tranh...