Trung Quốc lo Trump mở trận chiến mới trước thềm bầu cử
Đòn công kích Trump nhằm vào Trung Quốc ban đầu chỉ ở lĩnh vực thương mại, nhưng đã lan sang nhiều “mặt trận” khác, khi bầu cử Mỹ cận kề.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang tới gần và triển vọng tái đắc cử của Trump chưa rõ ràng, các học giả có ảnh hưởng ở Trung Quốc ngày càng lo ngại rằng ông chủ Nhà Trắng sẽ cố gắng phát động một cuộc đối đầu mới nhằm tăng cơ hội chiến thắng cuộc bầu cử.
Những đòn công kích mới nhắm vào Trung Quốc còn giúp Trump phân tán sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước như tình trạng thất nghiệp hay cáo buộc phản ứng sai lầm trước Covid-19, khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới.
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại bữa ăn trưa ở Nhà Trắng ngày 15/1 sau khi hai bên ký một thỏa thuận thương mại. Ảnh: Washington Post.
“Những gã đó điên thật rồi. Chẳng có việc gì mà họ không dám làm để gây tổn hại cho Trung Quốc, để phá hủy Trung Quốc”, Giả Khánh Quốc, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, bình luận. “Khi khả năng tái đắc cử của Trump giảm đi, chúng tôi sợ rằng ông ấy sẽ tìm cách tạo ra một cuộc khủng hoảng khác với Trung Quốc”.
Trump luôn bác bỏ những lời chỉ trích về cách ông ứng phó với Covid-19, liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc che giấu thông tin khi dịch mới bùng phát, khiến virus lan ra khắp toàn cầu. Ông thậm chí còn gọi nCoV là “virus Vũ Hán” hay “virus Trung Quốc”.
“Sự cạnh tranh chiến lược và đảo ngược toàn cầu hóa đã diễn ra từ trước nhưng Covid-19 khiến nó bị thúc đẩy nhanh hơn”, Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, nhận xét. “Trump là một người cực kỳ đặc biệt. Rất khó có thể tìm ra bất kỳ cơ sở lý luận hay nền tảng kiến thức nào cho những gì ông ấy đã làm”.
Mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ là vấn đề của lưỡng đảng Mỹ mà giờ đây, nó đã lan rộng sang dư luận nước này. Cuộc thăm dò mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện về quan điểm của người Mỹ với Trung Quốc cho thấy 73% số người được hỏi có suy nghĩ tiêu cực về Trung Quốc, tăng 26 điểm phần trăm so với năm 2018.
Khi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden thường xuyên dẫn trước trong các cuộc thăm dò về khả năng đắc cử, giới phân tích ở Trung Quốc cho rằng Tổng thống Trump có thể dùng đến “chiêu” khơi dậy sự phẫn nộ của tinh thần dân tộc.
Trên thực tế, những lời chỉ trích của Trump nhắm vào Trung Quốc gần đây không còn dừng lại ở lĩnh vực thương mại hay Covid-19. Chính quyền Trump đã có những động thái cứng rắn với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Hong Kong hay Tân Cương, làm dấy lên những đồn đoán rằng vấn đề Đài Loan và Biển Đông sẽ nằm trong danh sách mục tiêu công kích tiếp theo của Trump.
Dựa trên mức độ quyết liệt ngày càng tăng trong cách tiếp cận chống Trung Quốc của Trump, các học giả Trung Quốc thậm chí vẽ ra kịch bản rằng Tổng thống Mỹ có thể ra lệnh cho quân đội tung đòn “tấn công hạn chế” nhằm vào các thực thể Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông, hay viễn cảnh chính quyền Trump thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với đảo Đài Loan.
Video đang HOT
“Những khả năng này vẫn ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, trước đây chúng là những kịch bản khó tưởng tượng, còn nay là có thể”, giáo sư Thời Ân Hoằng nói.
Mỹ lâu nay vẫn công nhận chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh, nhưng chính quyền Trump đang thách thức ranh giới của chính sách này. Họ bán vũ khí với số lượng ngày càng lớn cho Đài Loan và mới đây còn cử Bộ trưởng Y tế Alex Azar tới thăm hòn đảo, biến ông trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất gặp lãnh đạo Đài Loan trong 4 thập kỷ.
Tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach cũng tới thăm Đài Loan, động thái khiến Trung Quốc lập tức điều số lượng lớn tiêm kích, oanh tạc cơ rầm rộ tiến hành các cuộc diễn tập gần eo biển Đài Loan, dường như nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới hòn đảo và cả Mỹ.
Trên Biển Đông, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận với sự tham gia của máy bay ném bom tầm xa và các loại chiến đấu cơ khác. Tàu chiến của họ cũng nhiều lần chạm trán tàu hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Hải quân Mỹ gia tăng hoạt động quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không cũng như thể hiện cam kết của Washington đối với các đồng minh và sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, nó cũng làm gia tăng nguy cơ đối đầu với Trung Quốc, dù cố ý hay tình cờ.
Những lo ngại rằng chính quyền Trump sẽ leo thang mạnh mẽ các hành động chống lại Trung Quốc trước thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 3/11 đã làm thay đổi các tính toán của Bắc Kinh.
Bắc Kinh thường thích các tổng thống Mỹ tái đắc cử vì nó không làm thay đổi quá nhiều chiến lược đối phó mà họ đề ra, Đào Cảnh Châu, luật sư kiêm nhà quan sát chính trị Trung Quốc, nhận định. Nhưng trong tình hình hiện nay, quan điểm của Trung Quốc đối với Trump đã rẽ sang một hướng khác.
“Nếu Trump tái đắc cử, nguy cơ về một cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ dễ xảy ra hơn và một cuộc chiến tranh nóng không nằm ngoài khả năng”, Đào nói.
Trong một bài bình luận gần đây trên tờ Global Times, tổng biên tập Hồ Tích Tiến viết: “Nguy cơ Trung Quốc đại lục bị kéo vào một cuộc chiến tranh đang dâng cao”.
“Trung Quốc phải là một quốc gia dám chiến đấu. Điều này cần dựa trên cả sức mạnh và ý chí. Chúng ta có sức mạnh trong tay, chúng ta có lẽ phải và chúng ta đứng lên bảo vệ lợi ích của mình mà không sợ hãi. Bằng cách đó, dù Trung Quốc có tham chiến hay không, chúng ta vẫn giành được sự tôn trọng của thế giới”, Hồ Tích Tiến nhấn mạnh.
Lo ngại từ ý tưởng Trung Quốc cắt dược phẩm xuất sang Mỹ
Ý tưởng hạn chế xuất khẩu dược phẩm để trả đũa Mỹ được cho là sẽ mang lại nhiều hại hơn là lợi đối với Trung Quốc, chuyên gia đánh giá.
Những tuần gần đây, khi Mỹ gia tăng đòn tấn công nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc và nguy cơ hai nước tách rời kinh tế ngày một lớn dần, những cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh đã bắt đầu tranh luận về một lựa chọn trả đũa: Cắt đứt khả năng tiếp cận dược phẩm của Mỹ.
Từ thuốc giảm đau đến thuốc điều trị HIV, Mỹ đều phụ thuộc vào nguồn dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhờ hoạt động gia công quy mô lớn từ những năm 1990.
Một nhà máy sản xuất dược phẩm ở Vũ Hán. Ảnh: Bloomberg.
Dù ỳ tưởng vũ khí hóa xuất khẩu dược phẩm và tiền chất không nhận được sự ủng hộ chính thức, các cuộc thảo luận về nó đang gây lo lắng ở cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Hồi cuối tháng trước, Lý Đạo Quỳ, giáo sư tài chính tại Đại học Thanh Hoa, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, tuyên bố rằng việc hạn chế xuất khẩu thuốc có thể là đòn trả đũa hợp pháp trước các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với các công ty công nghệ và phần mềm nước này.
Trong một văn bản trả lời South China Morning Post, Lý cho biết quan điểm của ông rất rõ ràng, rằng Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc mật thiết vào nhau và hai bên không thể tách rời về kinh tế. Nhưng hồi năm 2019, ông cũng từng gợi ý rằng Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu kháng sinh sang Mỹ như một cách để trả đũa chiến tranh thương mại,
Các chuyên gia khác cho rằng ý tưởng trên không phù hợp về mặt đạo đức mà còn tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng.
"Nó không thể giúp ích gì cho Trung Quốc trong việc trả đũa Mỹ, trái lại, nó còn thúc đẩy các nỗ lực nhằm hạn chế hơn nữa những công ty công nghệ cao Trung Quốc", Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét.
An ninh chuỗi cung ứng dược phẩm đã nổi lên như một chủ đề được quan tâm lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cả Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đều hứa sẽ giải quyết vấn đề này sau khi đại dịch Covid-19 làm lộ ra các lỗ hổng trong ngành dược phẩm và thiết bị y tế của Mỹ.
Trong khi các hãng dược phẩm Mỹ vẫn duy trì các cơ sở nghiên cứu tại quê nhà, những nhà máy sản xuất các loại thuốc generic giá rẻ đang dần biến mất. Nhiều thành phần chính của thuốc kháng sinh không còn được sản xuất trong nước. Nhà sản xuất nguyên liệu penicillin cuối cùng có trụ sở tại Mỹ đã đóng cửa vào năm 2004.
Thuốc generic là bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau, tuy nhiên, thuốc generic chỉ có thể được sản xuất sau khi thuốc biệt dược hết thời hạn bảo hộ phát minh (thường là từ 10 đến 20 năm kể từ ngày dược chất được tìm thấy).
Năm ngoái, khoảng 40% lượng thuốc kháng sinh nhập khẩu vào Mỹ đến từ Trung Quốc, bao gồm 90% là chloramphenicol, 93% tetracyclines và 52% penicillin, theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ.
Theo Zhang Weiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phục Đán, việc Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp một số loại thuốc cơ bản thực sự là điểm yếu chết người với Washington và lợi thế lớn cho Bắc Kinh. Ông hồi đầu năm nói rằng "tất cả các bệnh viện ở Mỹ đều sẽ phải đóng cửa nếu không có nguồn cung từ Trung Quốc", do Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào thuốc kháng sinh Trung Quốc.
Trung Quốc là nhà sản xuất dược phẩm hoạt tính (API) lớn nhất thế giới. Đây là những thành phần tiền chất được sử dụng trong các loại thuốc generic. Họ sở hữu hơn 11.000 nhà sản xuất cung cấp cung cấp dược phẩm với Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản là ba thị trường xuất khẩu hàng đầu.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không có thông tin cụ thể về khối lượng API được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng trong một bức thư gửi FDA hồi tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Chuck Grassley ước tính khoảng 80% lượng API được dùng tại Mỹ do Trung Quốc và Ấn Độ sản xuất.
Ngành công nghiệp thuốc generic Ấn Độ, cung cấp khoảng 40% khối lượng thuốc generic cho Mỹ, cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Họ nhập khẩu đến 75% lương API từ Trung Quốc với lý do duy nhất là chúng rẻ hơn, theo một báo cáo được đăng trên tạp chí eHealth Online.
Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành sản xuất thuốc còn mở rộng sang cả thị trường thuốc kháng sinh, đặc biệt là penicillin, tetracycline và chloramphenicol. Họ cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu vitamin lớn nhất thế giới.
Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu 9,8 tỷ USD vật tư y tế và 7,4 tỷ USD hóa chất hữu cơ, bao gồm cả các thành phần dược phẩm hoạt tính và thuốc kháng sinh, sang Mỹ, theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh chấp nhận ý tưởng hạn chế xuất khẩu thuốc thì Mỹ gần như không thể ngay lập tức chuyển hoạt động sản xuất thuốc về nước hay tìm nguồn cung thay thế, Shi nhận định. Nhưng ông thêm rằng bản thân các công ty Trung Quốc cũng sẽ chịu thiệt hại bởi nhiều công ty phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu thuốc sang Mỹ và họ "sẽ chết" nếu đánh mất các khách hàng Mỹ.
"Nếu Trung Quốc cắt đứt nguồn cung dược phẩm, hành động đó sẽ khiến Mỹ thêm phẫn nộ", Shi nói. "Nếu cả hai quốc gia đều chọn cách phản ứng ăn miếng trả miếng, Mỹ luôn là bên có nhiều quân bài hơn so với Trung Quốc".
Việc hạn chế xuất khẩu y tế gần như chắc chắn sẽ khiến các công ty dược phẩm nước ngoài giảm mạnh hoặc chuyển hoàn toàn hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, giáo sư Zhao Daojiong từ Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, nhận xét.
"Chặn đường tiếp cận nguồn cung dược phẩm là một đề xuất sẽ khiến chúng ta tự chuốc lấy thất bại", ông nhấn mạnh. "Việc tách rời ngành công nghiệp dược phẩm một cách vô cớ và với động cơ chính trị sẽ chỉ gây tổn hại cho bên khởi xướng vì nó đồng nghĩa với việc mất đi các nguyên liệu và bí quyết của nước ngoài đã được chuyển giao".
Mỹ từ lâu đã ý thức được việc họ bị phụ thuộc quá mức vào dược phẩm Trung Quốc. Năm ngoái, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung coi đây là một "rủi ro an ninh".
Hồi tháng 7, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Elizabeth Warren đề xuất một dự luật lưỡng đảng mang tên Đạo luật Đánh giá Chuỗi cung ứng Dược phẩm Mỹ, yêu cầu nghiên cứu về sự phụ thuộc của Mỹ đối với các nguồn cung dược phẩm nước ngoài, cảnh báo nó có thể "làm giảm" năng lực trong nước và "làm trầm trọng thêm" tình trạng phụ thuộc quá mức vào các quốc gia khác.
Rachna Shah, phó giáo sư về chuỗi cung ứng và vận hành tại Đại học Minnesota, cho hay các công ty Mỹ đưa hoạt động sản xuất API ra nước ngoài với hai lý do chính là nguyên liệu rẻ hơn và quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn.
"Nếu Mỹ nhận thấy Trung Quốc định chơi khó hoặc dùng đến lựa chọn hạt nhân (hạn chế xuất khẩu dược phẩm), tôi nghĩ chính phủ có thể sẽ đưa hoạt động sản xuất dược phẩm trở về quê nhà", bà nói. "Nó sẽ mất thời gian nhưng trong dài hạn, chúng ta sẽ ổn bởi Mỹ có vốn và khả năng nghiên cứu, phát triển".
Trung Quốc nói đập thủy điện giúp giảm khô hạn, cộng đồng khoa học phản đối dữ dội Trong nghiên cứu công bố tháng 7-2020, Trung Quốc kết luận dập thủy điện Trung Quốc không gây khô hạn cho các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong. Ngay lập tức, cộng đồng khoa học lên tiếng phản bác. Sông Mekong ở biên giới Thái Lan - Lào - Ảnh: International River Nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Thanh Hoa và...