Trung Quốc lên tiếng sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa
Trung Quốc thúc giục Triều Tiên kiềm chế tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng sau khi nước này phóng thử tên lửa liên lục địa thứ hai.
Người dân tại một sân ga ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc xem tin tức qua TV về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào ngày 4/7. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc hôm nay thúc giục Triều Tiên tôn trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và không có những hành động làm trầm trọng thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Reuters đưa tin.
Sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ( ICBM) thứ hai của Triều Tiên, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan thận trọng, tránh các hành động và lời nói khiêu khích làm tình hình căng thẳng leo thang, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công ICBM thứ hai chỉ trong một tháng. Tên lửa Hwasong-14, được phóng tối 28/7, “nhắm đến khoảng cách tối đa”, bay trong 47 phút 12 giây, khoảng 1.000 km và đạt được độ cao tối đa là hơn 3.700 km, theo hãng tin KCNA.
Quả tên lửa này bay cao và xa hơn tên lửa Hwasong-14 được phóng hôm 4/7. Các nhà phân tích cho rằng ICBM này có khả năng bắn tới những thành phố lớn của Mỹ như Los Angeles, Chicago hay thậm chí là New York.
Mỹ lên án vụ thử tên lửa này của Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản trước mối đe dọa từ tên lửa của Bình Nhưỡng.
Video đang HOT
An Hồng
Theo VNE
Toan tính của Triều Tiên khi phóng tên lửa liên lục địa
Củng cố khả năng răn đe để đối phó Mỹ hay bảo vệ quyền lực của lãnh đạo là những toan tính Triều Tiên hướng đến khi thử ICBM.
Việc Triều Tiên ngày 4/7 lần đầu tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được đánh giá là một "bước ngoặt nguy hiểm" bởi nó tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh khu vực và thế giới, theo NBC News.
Triều Tiên lâu nay vẫn kiên quyết theo đuổi chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, bao gồm cả ICBM, bất chấp sự phản đối từ quốc tế cũng như các biện pháp trừng phạt mà nước này phải gánh chịu. Bình Nhưỡng đưa ra lý do một mực gắn chặt với vũ khí hạt nhân chủ yếu nhằm tự vệ.
Triều Tiên cho biết họ muốn sở hữu bom nguyên tử vì đã chứng kiến những gì xảy ra khi Iraq và Libya từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt: Họ bị phương Tây kiểm soát. Vì thế, Triều Tiên muốn ngăn cản kẻ khác, đặc biệt là chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm điều tương tự với mình.
"Họ rút ra bài học từ Libya và Iraq rằng cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công là thực sự sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt chứ không phải chỉ rêu rao về nó", John Nilsson-Wright, chuyên gia tại viện chính sách Chatham House, trụ sở ở London, nhận xét.
Củng cố khả năng răn đe
Hồi tháng một năm ngoái, Triều Tiên thừa nhận Iraq và Libya là lý do chính khiến họ dồn sức cho chương trình vũ khí.
"Lịch sử đã chứng minh rằng năng lực răn đe hạt nhân mạnh mẽ chính là thanh kiếm báu sắc bén nhất chống lại sự can thiệp từ những kẻ bên ngoài", kênh truyền hình trung ương Triều Tiên KCNA lúc bấy giờ tuyên bố. "Chính quyền Saddam Hussein ở Iraq và chính quyền Gaddafi ở Libya không thể thoát khỏi số phận hủy diệt sau khi bị tước đoạt khả năng phát triển hạt nhân và từ bỏ chương trình hạt nhân".
Mặt khác, Triều Tiên cũng hiểu rõ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa bao giờ thôi cân nhắc việc sử dụng vũ lực đối với Bình Nhưỡng. Thoát khỏi chính sách kiên nhẫn chiến lược từ thời tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi tháng 3 khẳng định khả năng hành động quân sự "vẫn trên bàn thảo luận".
Vì thế, phát triển ICBM "rõ ràng là một bước đi có thể đoán trước và hợp lý đối với chương trình quân sự Triều Tiên", Andrea Berger, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California, bình luận. "Triều Tiên tin đặt lục địa Mỹ vào tầm nguy hiểm là cần thiết để kiềm chế Mỹ hay ngăn cản Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột bằng cách này hay cách khác".
Ông Trump cùng đội ngũ của mình đến nay vẫn thể hiện một giọng điệu hiếu chiến hơn nhiều so với người tiền nhiệm Obama trước vấn đề Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 3 còn nhấn mạnh nỗ lực ngoại giao suốt 20 năm quá đã "thất bại".
Nếu trong quá trình xây dựng khả năng phòng vệ nhờ năng lực hạt nhân, Triều Tiên kích động Nhà Trắng, bên đang chiếm ưu thế, đây sẽ là nước đi kém khôn ngoan. Nhưng một số chuyên gia, ví dụ như Nilsson-Wright, cho rằng Triều Tiên dường như đã "nắm được tẩy" của Tổng thống Mỹ.
Theo ông, chiến tranh ít có cơ hội xảy ra trên bán đảo Triều Tiên nếu Mỹ cân nhắc tới mức độ thương vong. "Tôi sẽ thấy bất ngờ nếu ông Trump thật sự tính đến hành động quân sự", Nilsson-Wright nói. "Các cố vấn cho Trump kiểu gì cũng khuyên ông ấy rằng một cuộc xung đột sẽ tàn phá khủng khiếp bán đảo".
Rõ ràng các động thái Triều Tiên đưa ra "không phải tính toán sai lầm mà giống như hành động được phân tích kỹ lưỡng lợi ích - thiệt hại", Nilsson-Wright nhấn mạnh.
Bảo vệ quyền lực lãnh đạo
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp giám sát vụ phóng hôm 4/7. Ảnh: KCNA.
Một lý do khác khiến Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa là bởi nhà lãnh đạo nước này muốn bảo vệ quyền lực, cây bút Alexander Smith từ NBC News nhận định.
Mục tiêu chính mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn hướng tới là "duy trì quyền lực" của dòng họ Kim, Cristina Varriale, nhà nghiên cứu tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, trụ sở tại London, nhận xét.
Kim Jong-un dường như đang lãnh đạo đất nước bằng những biện pháp cứng rắn nhưng ông lại nhận được ít sự ủng hộ từ công chúng hơn cha và ông mình, theo Nilsson-Wright.
"Bằng cách hứa giữ cho đất nước an toàn rồi sau đó phát triển những vũ khí đó, ông ấy đang cố gắng chứng tỏ rằng mình đủ sức thực hiện mọi lời hứa của mình", Nilsson-Wright nói.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Hàn Quốc chuẩn bị biện pháp riêng đối phó Triều Tiên Hàn Quốc thông báo nước này sẽ chuẩn bị các biện pháp độc lập để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo. Ảnh: Yonhap. "Song song với những nỗ lực phối hợp đối phó mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, chúng tôi sẽ chuẩn bị biện pháp độc lập...