Trung Quốc “lập trung tâm xử lý khủng hoảng Hong Kong”
Bắc Kinh lập một trung tâm nhằm kiểm soát khủng hoảng Hong Kong và xem xét thay thế người phụ trách vấn đề này, theo nguồn tin thân cận với Bắc Kinh.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận với Bắc Kinh cho biết lãnh đạo Trung Quốc trong những tháng gần đây đã theo sát và xử lý khủng hoảng Hong Kong từ một biệt thự ở ngoại ô Thâm Quyến, được xem như một trung tâm kiểm soát khủng hoảng Hong Kong.
Suốt hai thập kỷ qua, Bắc Kinh giữ liên lạc với trung tâm tài chính châu Á thông qua Văn phòng Liên lạc của chính phủ trung ương Trung Quốc tại Hong Kong (Văn phòng Liên lạc). Trụ sở văn phòng này nằm trong một tòa nhà chọc trời ở Hong Kong với dày đặc camera giám sát, bao quanh bởi hàng rào thép và một quả cầu thủy tinh được đặt trên nóc tòa nhà.
Trung tâm xử lý khủng hoảng được đặt tại biệt thự Bauhinia ở vùng ngoại ô hẻo lánh của Thẩm Quyến, nơi giáp ranh giữa Hong Kong với đại lục. Biệt thự thuộc sở hữu của Văn phòng Liên lạc này từng là trung tâm xử lý khủng hoảng Hong Kong năm 2014, khi diễn ra các cuộc biểu tình được gọi là “phong trào ô dù”.
Theo 6 người được tiếp cận vấn đề, các quan chức hàng đầu của đại lục và lãnh đạo Hong Kong thường xuyên hội họp ở đây, nhằm đưa ra các biện pháp đối phó với biểu tình Hong Kong. Lãnh đạo Hong Kong được triệu tập tới Bauhinia gồm trưởng đặc khu Carrie Lam, quan chức cảnh sát Hong Kong, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc các chính trị gia ủng hộ chính quyền.
Hai quan chức Bắc Kinh thường có mặt ở biệt thự này gồm Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính và Trưởng Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau Trương Hiểu Minh. Các biên bản cuộc họp diễn ra ở Bauhinia Villa sau đó được gửi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Video đang HOT
Một doanh nhân Thâm Quyến có quan hệ mật thiết với quan chức Trung Quốc mô tả biệt thự Bauhinia giống như một “trung tâm chỉ huy”, nơi các nhà chức trách sử dụng làm căn cứ để điều phối, giám sát tình hình Hong Kong hiện nay.
Giám đốc Văn phòng Liên lạc Vương Chí Dân trong một sự kiện hồi tháng 2. Ảnh: SCMP.
Hai người được tiếp cận với nguồn tin còn cho hay, Bắc Kinh đang xem xét khả năng thay thế Giám đốc Văn phòng Liên lạc Vương Chí Dân. Đây được xem như dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng của chính quyền đại lục về cách xử lý cuộc khủng hoảng Hong Kong của cơ quan này. Vương được xem là quan chức cấp cao nhất của đại lục tại Hong Kong.
“Văn phòng chỉ liên lạc với những người giàu có và thượng lưu ở Hong Kong và tự cô lập với người dân”, một quan chức Trung Quốc cho hay. “Điều này cần phải được thay đổi”.
Văn phòng Liên lạc cũng phải đối mặt với áp lực gia tăng khi phe dân chủ Hong Kong giành chiến thắng tại 17/18 hội đồng quận ở Hong Kong trong cuộc bầu cử hôm 24/11.
Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau, Văn phòng Liên và Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam từ chối bình luận về thông tin trên.
Hong Kong chứng kiến các cuộc biểu tình bùng phát từ tháng 6, ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Sau khi chính quyền Hong Kong tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu cầu khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát, tổ chức bầu cử dân chủ và trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.
Theo VNE
Hàng nghìn người Hong Kong tiếp tục biểu tình đòi bà Carrie Lam từ chức
Hàng nghìn người Hong Kong đã mặc đồ đen xuống đường biểu tình vào hôm 16-6-2019 nhằm yêu cầu lãnh đạo đặc khu Carrie Lam từ chức. Hoạt động này diễn ra bất chấp việc bà Carrie Lam mới tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ.
Theo Reuters, những nhà tổ chức đã dùng loa kêu gọi bà Carrie Lam từ chức và được đám đông hò reo cổ vũ. Những người biểu tình đã tuần hành qua trung tâm mua sắm Sogo và đường Hennessy, trong khi các rào chắn do cảnh sát dựng lên từ cuộc biểu tình trước đã được dỡ bỏ.
Nhiều người biểu tình khẳng định, họ vẫn muốn Hong Kong từ bỏ hoàn toàn dự luật và đòi trưởng đặc khu phải từ chức thay vì chỉ hoãn lại dự luật này.
Người Hong Kong vẫn muốn đặc khu trưởng phải từ chức
Trong tuyên bố vào hôm 15-6, bà Carrie Lam đã thừa nhận dự luật dẫn độ đã gây ra sự chia rẽ xã hội và bày tỏ rằng, bản thân vô cùng buồn và nuối tiếc.
Dự luật dẫn độ mới cho phép lãnh đạo Hong Kong có quyền đưa các nghi phạm bị truy nã về Trung Quốc, Macau, Đài Loan cũng như các nước có ký kết hiệp ước về dẫn độ.
Những người chỉ trích dự luật này quan ngại dự luật dẫn độ có thể ảnh hưởng tới hệ thống tư pháp độc lập và danh tiếng của đặc khu này như một trung tài chính quốc tế. Một vài tài phiệt Hong Kong được cho là đã bắt đầu di chuyển tài sản của mình khỏi Hong Kong do lo sợ các tác hại khó lường trước của dự luật.
Theo ANTD
Lãnh đạo Hong Kong tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ Ngày 15-6, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam vừa tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ, sau khi vấp phải sự phản đối của của người dân bằng các cuộc biểu tình quy mô lớn. Bà Carrie Lam cho biết, hội đồng lập pháp đặc khu Hong Kong sẽ dừng các hoạt động liên quan tới dự luật dẫn độ...