Trung Quốc lắp tháp chỉ huy tàu sân bay thứ ba
Chiến hạm Type-003 đang được hoàn thiện tháp chỉ huy và có kích thước nhỏ hơn một chút so với siêu tàu sân bay lớp Ford của Mỹ.
Những bức ảnh chụp tàu sân bay Type-003 của Trung Quốc tại nhà máy đóng tàu Giang Nam Thượng Hải, được công bố trên mạng xã hội ngày 6/7, cho thấy chiến hạm đã được lắp tháp chỉ huy. Type-003 là tàu sân bay lớn thứ nhì thế giới, sau siêu tàu sân bay lớp Ford và Nimitz của hải quân Mỹ.
Chuyên gia H. I. Sutton trong bài viết đăng trên Naval News ngày 2/7 cho rằng có thể gọi Type-003 là “siêu tàu sân bay”, cụm từ thường được sử dụng cho các tàu sân bay có lượng giãn nước từ 100.000 tấn trở lên. Ảnh do vệ tinh Kompsat chụp ngày 22/6 cho thấy Type-003 có chiều dài khoảng 320 m, ngắn hơn 13 m so với tàu sân bay lớp Ford của Mỹ.
Sàn đáp phẳng trên Type-003 có chiều rộng khoảng 73 m, hẹp hơn chiến hạm lớp Ford và tương đương tàu Liêu Ninh cùng Sơn Đông trong biên chế hải quân Trung Quốc. “Kích thước ụ nổi có thể ảnh hưởng đến điều này, hoặc các quan chức hoạch định chương trình tàu sân bay của Trung Quốc hài lòng với chiều rộng của các chiến hạm”, Sutton cho biết.
Ảnh vệ tinh chụp tàu sân bay Type-003 ngày 22/6 (trái) và so sánh kích thước cùng vị trí các hệ thống với chiến hạm lớp Ford của Mỹ. Ảnh: Naval News .
Tàu sân bay Type-003 dự kiến trang bị hệ thống máy phóng điện từ (EMALS), cho phép máy bay cất cánh từ chiến hạm mang theo nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn thiết kế cầu nhảy kiểu tàu Liêu Ninh và Sơn Đông. Type-003 dự kiến trang bị hai hệ thống EMALS ở mũi tàu và một ở giữa tàu, ít hơn một hệ thống so với tàu sân bay lớp Ford và Nimitz.
Video đang HOT
Diện tích sàn đáp của tàu sân bay Type-003 vào khoảng 19.500 m2, lớn hơn một chút so với siêu tàu sân bay lớp Ford của Mỹ, do chiến hạm Trung Quốc có ít thang nâng hơn. Type-003 được trang bị hai thang nâng vũ khí nằm phía bên phải sàn đáp, trong khi lớp Ford được trang bị ba hệ thống.
“Có thể coi đây là sự đánh đổi thiếu khôn ngoan, do thủy thủ Trung Quốc sẽ mất thêm thời gian để chuyển máy bay khỏi khoang chứa”, Sutton viết. “Câu trả lời có thể nằm ở di sản từ thiết kế tàu chiến thời Liên Xô. Type-003 dường như thừa hưởng thiết kế thang nâng vũ khí đôi từ khu trục hạm hạng nặng lớp Đô đốc Kutzenov”.
Tháp chỉ huy của Type-003 dường như thấp hơn so với các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, dự kiến được lắp radar mảng pha kích thước lớn tương tự chiến hạm lớp Ford. Tháp chỉ huy của Type-003 nằm ở khoảng giữa chiến hạm, trong khi tàu sân bay lớp Ford đặt bộ phận này lùi về phía đuôi.
Tàu sân bay Type-003 với tháp chỉ huy trong ụ nổi tại nhà máy ở Thượng Hải ngày 6/7. Ảnh: Twitter/RupprechtDeino .
Chuyên gia Sutton nhận định tàu sân bay Mỹ là “bước nhảy vọt mang tính tiến hóa mạnh dựa trên kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ vận hành”, trong khi tàu sân bay của Trung Quốc là “bước tiến thận trọng hơn nhiều của lực lượng vận hành thiếu kinh nghiệm hơn”.
“Không thể phủ nhận rằng về tổng thể, Type-003 là tàu sân bay lớn nên cực kỳ mạnh mẽ. Tuy nhiên, chiến hạm có thể bị kìm hãm đôi chút vì lựa chọn thiết kế tương đồng với kiểu tàu chiến Liên Xô”, Sutton cho biết.
Căn cứ hải ngoại Trung Quốc có thể tiếp nhận tàu sân bay
Căn cứ hải quân Trung Quốc tại Djibouti đã được mở rộng và xây thêm cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu sân bay của nước này.
"Trung Quốc vừa mở rộng căn cứ quân sự ở Djibouti với việc xây thêm một cầu cảng lớn có thể hỗ trợ tàu sân bay nước này trong tương lai", đại tướng Stephen Townsend, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM), nói trong phiên họp với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 20/4. Ông cho hay đây là căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc tại châu Phi.
Trung Quốc thành lập căn cứ tại Djibouti, quốc gia ở vùng Sừng châu Phi, và triển khai lực lượng tại đây vào năm 2017. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết họ thiết lập căn cứ này "nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, đồng thời bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của mình, chứ không tìm cách tăng cường hiện diện quân sự" ở châu Phi.
Tuy nhiên, tướng Townsend nhận định căn cứ tại Djibouti đang trở thành "nền tảng để Trung Quốc phát huy sức mạnh trên khắp lục địa và vùng biển" của châu Phi, đồng thời nước này đang tìm kiếm các địa điểm có thể mở căn cứ khác.
Hoạt động xây dựng cầu cảng tại căn cứ Trung Quốc ở Djibouti tháng 3/2020. Đồ họa: Forbes, Twitter/d-atis .
Tờ Forbes hồi tháng 5/2020 công bố ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động mở rộng căn cứ của Trung Quốc tại Djibouti. Chuyên gia quân sự H.I. Sutton cho biết căn cứ có một cầu tàu dài khoảng 300 m, đủ khả năng "tiếp nhận tàu sân bay, tàu sân bay trực thăng và các chiến hạm cỡ lớn khác của Trung Quốc".
Hải quân Trung Quốc đang sở hữu hai tàu sân bay, gồm Liêu Ninh và Sơn Đông, đều là những loại hàng không mẫu hạm kiểu cũ. Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ ba với kích thước lớn hơn cùng trang bị hiện đại hơn, bao gồm hệ thống máy phóng điện từ.
Trung Quốc cũng đang chế tạo hàng loạt tàu sân bay trực thăng Type 075 có thể chở theo trực thăng tấn công để hỗ trợ lực lượng đổ bộ, cùng các tàu đổ bộ đệm khí, xe tăng chủ lực và thiết giáp.
Binh sĩ Trung Quốc tại căn cứ ở Djibouti tháng 8/2017. Ảnh: AFP .
Djibouti giáp các tuyến đường thủy chiến lược và là nơi nhiều quốc gia đặt căn cứ quân sự, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Căn cứ của Mỹ mang tên Lemonnier chỉ cách cơ sở Trung Quốc vài km. Cựu đại tướng Thomas Waldhauser, từng giữ chức chỉ huy AFRICOM, năm 2017 cho biết việc căn cứ Mỹ gần cơ sở của Trung Quốc "gây ra một số lo ngại đáng kể về an ninh trong hoạt động tác chiến".
Hồi năm 2018, tờ Wall Street Journal đưa tin binh sĩ Trung Quốc bị cáo buộc chiếu tia laser công suất cao nhằm vào phi công Mỹ bay qua Djibouti.
Châu Phi là một trong những khu vực cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. "Trung Quốc là mối quan tâm lớn, họ thật sự có mặt ở khắp nơi trên lục địa này. Họ đặt cược rất nhiều và chi rất nhiều tiền cho khu vực này. Họ đã xây dựng rất nhiều hạ tầng quan trọng", tướng Townsend nói.
Ba chiến hạm Mỹ bám đuôi tàu sân bay Trung Quốc trên Biển Đông Thủy thủ Mỹ đăng video tiêm kích đáp xuống tàu sân bay Liêu Ninh, trong khi ảnh vệ tinh cho thấy 3 chiến hạm Mỹ bám theo tàu Trung Quốc. Video chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 17/4 cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển trên Biển Đông, dường như được quay từ tàu khu trục...