Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận dân số giảm
Chính phủ Trung Quốc dự kiến sớm công bố dân số lần đầu tiên giảm kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949.
Số liệu điều tra dân số mới nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ cho thấy sự sụt giảm xuống dưới 1,4 tỷ người, dù hiện chưa rõ giảm bao nhiêu, theo Financial Times. Số liệu được cho là sẽ được công bố đầu tháng này, nhưng đã bị hoãn. Các bộ ngành của Trung Quốc đã sử dụng con số 1,4 tỷ dân kể từ năm 2018.
Theo giới phân tích, dân số sụt giảm có thể gây ra những hậu quả lớn đối với kinh tế Trung Quốc và cả cách các nước khác, gồm Mỹ, nhìn nhận nước này.
“Các nhà kinh tế và quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số một thế giới, và sẽ cạnh tranh với Mỹ”, Fuxian Yi, nhà khoa học cấp cao tại Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ, cho biết. “Nhưng trên thực tế, Trung Quốc không mạnh như họ nghĩ”.
Người dân tập trung trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc mừng năm mới hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters .
Video đang HOT
Giới phân tích nói rằng các dấu hiệu rõ ràng cho thấy một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập Trung Quốc, và quan chức nước này bị cho là không phải lúc nào cũng trung thực về số liệu dân số mà họ công bố. “Nếu dữ liệu sai, đồng nghĩa hoạch định chính sách sai. Trung Quốc đối mặt vấn đề độ tuổi dân số rất nghiêm trọng”.
Tháng trước, một nhà nghiên cứu hàng đầu của chính phủ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ dần nâng tuổi nghỉ hưu cho công nhân, dấu hiệu cho thấy lực lượng lao động nước này không đủ lớn để cho phép người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi thông thường. Trong 4 thập kỷ qua, tuổi nghỉ hưu bắt buộc của Trung Quốc không thay đổi, 60 đối với nam và 55 đối với nữ, hoặc 50 đối với nữ lao động phổ thông.
Năm 2015, đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chấm dứt chính sách một con, được thực hiện từ cuối những năm 1970 buộc hầu hết các gia đình chỉ sinh một con, nếu không sẽ bị phạt, và cho phép các gia đình sinh hai con.
“Xu hướng nhân khẩu học ở Trung Quốc đã rõ ràng hơn trước, nhưng tin tức này khẳng định lo ngại rằng dân số Trung Quốc tiếp tục giảm dù chính sách dân số được nới lỏng”, Mary Gallagher, Giám đốc Viện Quốc tế của Đại học Michigan, Mỹ, nhận định. “Tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực sản xuất và dân số già hóa nhanh chóng của Trung Quốc đã được chú ý gần hai thập kỷ trước. Đó là điều nhạy cảm vì nhiều người đổ lỗi cho chính phủ chậm hủy bỏ chính sách một con”.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc cũng lo ngại bị phân biệt đối xử trong công việc, và ít quyền hơn trong hôn nhân và ly hôn.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất phải vật lộn với những thay đổi nhân khẩu học đáng lo ngại. Cục Điều tra Dân số Mỹ tuần này bắt đầu công bố dữ liệu điều tra dân số năm 2020 và thông báo dân số Mỹ tăng với tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1930, với nguyên nhân lớn nhất là tỷ lệ sinh giảm. Theo cơ quan này, dân số Mỹ hiện chỉ còn khoảng 331,5 triệu người.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc khuyến khích người dân đẻ để cạnh tranh với Mỹ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho rằng quốc gia nên "tự do hóa hoàn toàn và khuyến khích việc sinh con" để gia tăng lực lượng lao động, từ đó giúp Bắc Kinh cạnh tranh thành công với các nước khác, bao gồm Mỹ và Ấn Độ về mặt kinh tế.
PBOC hối thúc chính phủ cho phép các gia đình "sinh ba trở lên" để gia tăng dân số. Ảnh: CCO
Dẫn kết quả thăm dò công bố vào đầu tuần trước, đài Sputnik đưa tin PBOC dự đoán trong 30 năm tới, dân số Trung Quốc có thể giảm khoảng 32 triệu người, trong khi số lượng cư dân ở Mỹ có thể tăng thêm 50 triệu người trước khi hết năm 2049, đặc biệt là do làn sóng nhập cư ồ ạt.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo lực lượng lao động ở Trung Quốc sẽ bị thu hẹp lại trong vài thập kỷ tới trong khi Mỹ dự kiến chứng kiến sự gia tăng về lực lượng này.
"Để thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong bốn thập kỷ qua, Trung Quốc dựa vào lao động giá rẻ và dân số lớn. Chúng ta sẽ dựa vào điều gì trong 30 năm tới? Điều này đáng để chúng ta suy nghĩ ", các nhà nghiên cứu chỉ ra trong kết luận thăm dò.
Họ dự đoán vào năm 2030, dân số Trung Quốc có thể đạt đỉnh cao nhất vào khoảng 1,46 tỷ người và sau đó giảm mạnh xuống còn 1,40 tỷ người vào năm 2050.
Trong khi đó, Ấn Độ tăng trưởng về cả số dân lẫn lực lượng lao động. Cuộc khảo sát chỉ ra "gã khổng lồ" Nam Á có thể trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027.
Theo đó, các tác giả hối thúc Chính phủ Trung Quốc nên "nhận ra những thay đổi rõ ràng của tình hình" và nhanh chóng sửa đổi các chính sách kế hoạch hóa gia đình bằng cách cho phép "sinh ba trở lên" cùng các sáng kiến khác.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi tạo ra một "môi trường sinh sản tốt" ở Trung Quốc, nơi phụ nữ nên được khuyến khích sinh nhiều con hơn so với những năm trước đây.
Trung Quốc hiện vẫn nắm danh hiệu là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,43 tỷ người. Trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ nước này áp dụng các chính sách kiểm soát sinh đẻ chặt chẽ. Vào năm 2013, chính sách một con khắc nghiệt đã được nới lỏng, khi chính phủ cho phép các gia đình có tối đa hai con.
Vào tháng 2, Bộ Công an Trung Quốc công bố báo cáo ghi nhận trẻ sơ sinh ở nước này giảm ít nhất 15% vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng.
10 triệu dân Australia bị lũ lụt kỷ lục đe dọa Gần một nửa trong tổng số 25 triệu dân Australia được đặt dưới cảnh báo thời tiết khắc nghiệt, giữa tình trạng lũ lụt tồi tệ nhất 50 năm qua. Cơ quan thời tiết quốc gia Australia hôm nay đăng cảnh báo thời tiết khắc nghiệt tại hầu như toàn bộ các bang và vùng lãnh thổ trên đất liền, ảnh hưởng tới...