Trung Quốc lần đầu tiên bán đấu giá đảo
Một hòn đảo ở ngoài khơi tỉnh Chiết Giang đã được bán với giá 20 triệu nhân dân tệ (3,15 triệu USD) trong phiên đấu giá ngày 11/11. Đây là hòn đảo đầu tiên được đem bán đấu giá tại Trung Quốc.
Bà Yang Weihua, tổng giám đốc Ningbo Gaobao, tham gia cuộc đấu giá.
Công ty đầu tư Ningbo Gaobao, chuyên về phát triển du lịch và bất động sản, đã giành chiến thắng trong cuộc đấu giá kéo dài 3 vòng để sở hữu quyền sử dụng đảo Dayangyu, ngoài khơi thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc trong 50 năm và xây dựng một khu nghỉ dưỡng sang trọng.
“Tôi nghĩ 20 triệu nhân dân tệ là một cái giá hợp lý”, bà Yang Weihua, tổng giám đốc Ningbo Gaobao nói. “Đảo Dayangyu giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là thực vật và hải sản và dó là một địa điểm lý tưởng để đi du thuyền trên biển”.
Video đang HOT
Bà Yang cho hay công ty bà sẽ đầu tư khoảng 500 triệu nhân dân tệ vào dự án, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.
Đảo Dayangyu, rộng 258.000m2, từng là một vườn cây ăn quả rộng lớn và điạ điểm săn bắn.
Dayangyu là nhóm đầu tiên trong số 176 đảo không có người ở mà Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc đem bán đấu giá cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Đảo chỉ nằm cách đất liền 300m, điều đó có nghĩa là đảo này thích hợp với việc phát triển nếu tính tới chi phí cơ sở hạ tầng như nước sạch, điện, đường xá”, Jin Tengyong, một quan chức biển và nghề cá tại huyện Tượng Sơn, Ninh Ba, nói.
Bà Yang trong vòng vây của báo giới.
Giới chức thực hiện vụ đấu giá chỉ mời những công ty có số vốn đăng lý trên 50 triệu nhân dân tệ tham gia. Những công ty nổi tiếng đã thua cuộc gồm Tập đoàn du lịch Tượng Sơn và Công ty phát triển phim Tượng Sơn.
Vì đây là cuộc đấu giá đầu tiên về một hòn đảo tại Trung Quốc, sự kiện đã gây căng thẳng cho các quan chức và chuyên gia tại Nhà đấu giá Huacheng, nôi tổ chức cuộc đấu giá.
“Đó là phiên đấu giá đầu tiên như vậy. Các nhà chức trách lo lắng rằng phiên đấu giá có thể diễn ra không chuyên nghiệp… Nhưng cuối cùng, cuộc đấu giá đã diễn ra thành công”, Li Lianmei, một người tham gia đấu giá, nói.
Theo một luật mới của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 3/2010, các cá nhân và công ty chỉ có thể sở hữu một hòn đảo tối đa 50 năm sau khi nhận được sự ủng hộ từ các chính quyền và các nhà sinh thái học địa phương.
Tuy nhiên, không phải có được giấy phép đó là nhà đầu tư tự do được làm bất kỳ điều gì họ muốn.
“Tôi đã nhận được điện thoại từ một người quan tâm hỏi về chuyện biến hòn đảo thành một khu công nghiệp. Tôi đã từ chối”, ông Jin Tengyong nói.
Tỉnh Chiết Giang có khoảng 2.900 hòn đảo, mỗi đảo rộng từ 500-1.00m2. Hơn 90% đảo không có người ở.
Mặc dù Cục Hải dương quốc gia cho phép các nhà đầu tư sở hữu đảo nhưng cho tới nay rất ít chính phủ địa phương có thể thực hiện thành công các giao dịch.
“Chúng tôi đã rao bán 10 đảo kể từ tháng 4 nhưng chẳng có ai thuê”, Ni Dingkang, một quan chức biển và nghề cá tại Chu San, thành phố cấp quận duy nhất tại Trung Quốc được tạo nên hoàn toàn bằng các hòn đảo.
“Lý do chính là do giá thuê cao và điều kiện nghèo nàn tại các đảo này”, quan chức trên giải thích.
Theo Dân Trí