Trung Quốc “làm thân” Ấn Độ: Hoa hồng hay dao găm?
Sau khi Tân Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, Trung Quốc đã có nhiều động thái ngoại giao hữu hảo đến mức… đáng hồ nghi
Chuyến đi sứ của Vương Nghị
Sau khi Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức hôm 26/5/2014, Trung Quốc liên tiếp có những động thái làm thân một cách vồn vã với nhà lãnh đạo mới này của nước láng giềng.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đích thân điện đàm chúc mừng và bày tỏ tấm thịnh tình về việc sẽ có những hợp tác trên mối quan hệ song phương tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển. Ông Lý bày tỏ sự thịnh vượng, phát triển của Ấn Độ là một cơ hội, một niềm vui đối với Trung Quốc.
Để minh chứng cho tấm chân tình của Bắc Kinh, ngày 8/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 2 ngày với mục đích “thiết lập liên lạc với chính quyền mới.” Ông Vương Nghị đi sứ lần này với vai trò là đại diện đặc biệt của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người đã có mặt tại Ấn Độ để bắt đầu chuyến “đi sứ” của mình
Sự nồng nhiệt của Trung Quốc khiến giới quan sát phải đặt một dấu hỏi rất lớn. Bởi mới chỉ hồi tháng 2/2014, trong khi vận động tranh cử, ông Modi đã thẳng thừng chỉ mặt, yêu cầu Trung Quốc phải từ bỏ chủ nghĩa dân tộc bành trướng. Còn bản thân Bắc Kinh cũng đã có những phản pháo không hề nhẹ nhàng.
Trong hàng chục năm qua, đặc biệt từ sau cuộc chiến tranh biên giới Trung – Ấn năm 1962, mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á này chưa lúc nào yên bình. Trong bối cảnh hiện tại, khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, ông vẫn luôn duy trì chủ nghĩa dân tộc cứng rắn trong các đường lối, chính sách của mình. Tư tưởng này của ông Modi không hứa hẹn gì sẽ có một sự xuống nước hay ngoại giao ru ngủ trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Video đang HOT
Vậy Trung Quốc trông mong gì vào chuyến đi sứ này, thiết lập liên lạc gì, truyền đi thông điệp gì? Với bản tính của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rất có thể, viên sứ thần Vương Nghị này sẽ phải mang tới “đóa hồng” trên tay và “con dao găm” trong túi áo.
Bằng chứng Ấn Độ vượt mặt Trung Quốc về quốc phòng
Đóa hồng của Trung Quốc
Có thể thấy, Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện sự quan tâm đặc biệt nào như vậy với một nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ. Giữa hai quốc gia luôn tồn tại những bất đồng, nhưng trên hết, Bắc Kinh hiểu rằng những cái bắt tay với Ấn Độ cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho quốc gia này.
Muốn hiểu về đóa hồng mà sứ thần Vương Nghị mang đến, trước hết cần phải hiểu về vị Tân Thủ tướng Narandra Modi. Ông là một nhà lãnh đạo có tư tưởng thực dụng. Khi còn là Thủ hiến bang Gurajat, ông Modi đã 4 lần công du Trung Quốc, mỗi lần như vậy, ông đều mang về những thỏa thuận hợp tác, những khoản đầu tư lớn cho bang của mình.
Tân Thủ tướng Narendra Modi
900 triệu USD của Trung Quốc vào Ấn Độ năm 2013 có phần lớn dồn về bang Gurajat của Modi. Đường lối của ông Modi như muốn biến cả đất nước thành một “đại Gurajat”, với vai trò của Trung Quốc như một đối tác cỡ lớn mang tính chiến lược.
Đổi lại, khi đầu tư vào Ấn Độ, Trung Quốc chắc chắn sẽ có được những lợi nhuận không nhỏ. Ấn Độ là một thị trường rộng lớn không thua kém gì Trung Quốc, những nguồn tài nguyên, nguyên liệu thô của Ấn Độ cũng khiến Bắc Kinh thèm khát. Làm ăn với Ấn Độ, có thể thấy rằng đôi bên cùng có lợi. Đã có một vị lãnh đạo có truyền thống làm ăn với Trung Quốc, không có lý do gì Bắc Kinh không đưa thêm những lời mời chào hấp dẫn để tiếp tục hưởng lợi ích.
Chiến lược kinh tế của Trung Quốc từ lâu đã xác định Ấn Độ là một trong những điểm then chốt trong hành lang kinh tế hướng Tây.
Ấn Độ không phải một nền kinh tế yếu, một thị trường hẹp, vì thế khả năng chi phối, kiểm soát nền kinh tế này với Trung Quốc là hoàn toàn vô vọng. Nhưng Trung Quốc đến với người láng giềng này theo đúng lối chơi sòng phẳng giữa các nước lớn, hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Trung Quốc hi vọng rằng với một nội các mới, đóa hồng hữu nghị trong tay ông Vương Nghị hoàn toàn có thể mang tới những sự ưu đãi cho doanh nghiệp Trung Quốc như thuế, thủ tục hành chính, hành lang pháp luật…
Chiến hạm cũ TQ bao vây hạm đội siêu mạnh Ấn Độ
Dao găm trong túi áo
Tuy nhiên, kinh tế chỉ là một trong những mục đích của viên sứ thần Vương Nghị, thực chất, chuyến thăm này là cả một sự dò miếng. Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng, Bắc Kinh sẽ không thể đưa ra sách lược nào phù hợp nếu không biết trong đầu đối phương đang nghĩ gì, và vai trò của Vương Nghị là phải mang về đáp án cho câu hỏi: Narendra Modi là ai?
Khi vừa bài bố nội các mới, Tân Thủ tướng đã có quan điểm sẽ ngoại giao chủ động hơn với Trung Quốc. Trong bối cảnh Bắc Kinh sử dụng cả quyền lực cứng và mềm để tranh thủ sự ủng hộ của một số quốc gia tại Ấn Độ Dương, nhằm đảm bảo sự hiện diện cho hải quân của mình ở một số căn cứ trên vùng biển này, thì Ấn Độ của ông Modi lại tuyên bố về một chiến lược hướng Đông với trọng tâm là Biển Đông.
Có thể nhận thấy, Ấn Độ Dương là sân trước của Ấn Độ, nhưng Biển Đông lại bị Trung Quốc coi là ao nhà. Những chiến lược chồng chéo của hai quốc gia hứa hẹn sẽ có những mâu thuẫn được đẩy lên cao trào.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới
Trung Quốc ngày càng khao khát Biển Đông thì những hợp đồng hợp tác song phương giữa Ấn Độ với Việt Nam về năng lượng chẳng khác gì cái gai trong mắt với Trung Quốc, chưa kể đến mối quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia Nam Á và Đông Nam Á này. Một khi Việt Nam đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa Biển Đông thì Trung Quốc không chỉ vướng phải sự cản trở của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc mà còn cả Ấn Độ.
Thứ hai, Thủ tướng Modi phải đối mặt với một thách thức không nhỏ là cần tìm ra điểm khác biệt với người tiền nhiệm. Điều này thể hiện qua chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vừa qua. Chính quyền tiền nhiệm vẫn giữ một thái độ khá trung lập với các vấn đề trên thế giới, đặc biệt với vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Ấn Độ chưa thực sự quyết liệt và người dân đang cần những cú đấm thép.
Để giải quyết được thách thức này, đảm bảo cho sự duy trì quyền lực, Modi không còn cách nào khác là phải thay đổi. Ấn Độ sẽ tham gia những sân chơi trên thế giới một cách chủ động hơn, quyết liệt hơn, chỉ có điều, mỗi sân chơi mà Ấn Độ tham gia sẽ đều không phải với vai trò đồng đội của Trung Quốc.
Thứ ba, chiến lược ngoại giao của ông Modi đang khiến Bắc Kinh lo lắng. Ông Modi sẽ đi Mỹ để “làm mới quan hệ”, sẽ đi Nhật để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Điều này cho thấy đối trọng mà Ấn Độ muốn ngả theo, và Bắc Kinh đang đối diện với nguy cơ bị cô lập thực sự khi phía Đông, Nam có chuỗi đảo thứ nhất của Mỹ, phía Tây vướng vòng kim cô Ấn Độ.
Trước những thử thách ấy, Bắc Kinh cần phải lựa chọn khôn ngoan. Thay vì đối đầu và đẩy Ấn Độ tiến nhanh hơn về phía đối thủ, Trung Quốc cần phải tạo cho đối phương một cảm giác an toàn. Ấn Độ đã duy trì nguyên tắc trung lập từ khi lập quốc đến nay, và mục đích thực sự của Trung Quốc là khiến Ấn Độ trung lập càng lâu càng tốt.
Muốn làm được những điều ấy, công tác đi sứ lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị có ý nghĩa then chốt, nó là nền móng ban đầu cho những diễn tiến tiếp theo giữa hai cường quốc châu Á này.
(Theo Đất Việt)