Trung Quốc làm căng, tuyên bố đánh thuế 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ
Hôm 13-5, Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ tăng thuế đối với một loạt hàng hóa từ Mỹ, bất chấp cảnh báo không nên trả đũa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Reuters dẫn lời Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết họ sẽ áp thuế nhập khẩu từ 5%-25% đối với 5.140 sản phẩm từ Mỹ, trị giá khoảng 60 tỉ USD. Quyết định bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1-6.
Thông báo được đưa ra chưa đầy 2 giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bắc Kinh không nên trả đũa vụ Washington đánh thuế 25% lên số hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc. Ông Trump kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận, tránh làm tình hình tồi tệ hơn.
“Tôi muốn nói với Chủ tịch Tập Cận Bình và tất cả những người bạn của tôi ở Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ bị tổn hại nặng nề nếu không thực hiện thỏa thuận vì các công ty sẽ buộc phải rời Trung Quốc sang các nước khác” – nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo.
Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định họ “không bao giờ đầu hàng trước sức ép từ bên ngoài”.
Tổng thống Donald Trump (trái) kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận. Ảnh: Reuters
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Nhà Trắng chưa lên tiếng về tuyên bố nói trên từ phía Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo cùng ngày, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng mọi người “hãy chờ xem” động thái của nước này.
Video đang HOT
Khi được hỏi về lời đe dọa áp thuế lên số hàng hóa còn lại trị giá hơn 300 tỉ USD của Trung Quốc, ông Cảnh nhấn mạnh Bắc Kinh tự tin và đủ khả năng để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rời phòng đàm phán ở Washington hôm 9-5. Ảnh: AP
Cũng trong ngày 13-5, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố cánh cửa đàm phán của Trung Quốc luôn rộng mở nhưng Bắc Kinh quyết bảo vệ lợi ích của đất nước.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc thậm chí còn cho rằng mọi chuyện “không có gì to tát” và Trung Quốc sẽ biến khủng hoảng thành cơ hội, kiểm tra khả năng… để trở nên mạnh mẽ hơn.
Trước đó, ngày 12-5, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ (NEC), ông Larry Kudlow – một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump – cho biết Trung Quốc đã mời Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer của Mỹ tới Bắc Kinh để thảo luận.
Theo ông Kudlow, nhiều khả năng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6 sau khi hai ngày đàm phán giữa phái đoàn Trung Quốc và Mỹ ở Washington kết thúc hôm 10-5 mà không đạt được thỏa thuận.
Phạm Nghĩa (Theo Reuters)
Theo nld.com.vn
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng gay cấn
Ngày 9-5 theo giờ Mỹ, Trung Quốc và Mỹ bước vào vòng đàm phán thương mại mang tính chất "sống còn" với hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại vốn đang ở trạng thái mong manh sau khi Washington có kế hoạch áp đặt thuế quan quy mô lớn đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ngày đàm phán đầu tiên đã kết thúc, và hai bên dự kiến bước vào ngày đàm phán tiếp theo, 10-5, trong bối cảnh chưa có tín hiệu tích cực nào cho thấy cuộc đọ sức cân não này sẽ sớm kết thúc êm đẹp.
Bắc Kinh rút lại cam kết
Trải qua một loạt cuộc đàm phán quyết liệt trong nhiều tháng, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã trở lại bàn đàm phán tại Washington với vai trò đặc phái viên thương mại. Vòng đàm phán lần này diễn ra trong không khí căng thẳng sau khi các nhà đàm phán Mỹ cáo buộc Bắc Kinh rút lại những cam kết đã nhất trí trước đó. Những cam kết này là tâm điểm trong những chỉ trích của Washington cáo buộc Trung Quốc ăn cắp bí mật công nghiệp, cũng như sự can thiệp của nhà nước vào thị trường và thâm hụt thương mại gia tăng giữa hai nước.
Đài VOA của Mỹ đêm 8-5 đưa tin Trung Quốc thay đổi hầu hết các điều kiện thỏa thuận thương mại với Mỹ. Đài này lấy lại nguồn của hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn 3 nguồn tin từ Chính phủ Mỹ và 3 nguồn tin thuộc khu vực tư nhân thông thạo vấn đề cho biết, bức điện ngoại giao gửi từ Bắc Kinh tới Washington vào tối 3-5, với những sửa đổi có hệ thống trong bản dự thảo thỏa thuận thương mại dài gần 150 trang, được cho là thổi bay nỗ lực đàm phán trong nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo các nguồn tin trên, dự thảo thỏa thuận thương mại này bị phía Trung Quốc thay đổi nhiều chỗ, đi ngược lại những yêu cầu cốt lõi của Mỹ. Trong tất cả 7 chương của dự thảo, Trung Quốc đều xoá đi các cam kết thay đổi quy định để giải quyết những bất đồng cốt lõi, vốn là nguyên nhân khiến Mỹ phát động cuộc chiến thương mại, bao gồm: Đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ; Cưỡng ép chuyển giao công nghệ; Các chính sách cạnh tranh thương mại.
Theo ông Scott Kennedy, chuyên gia kinh tế và thương mại Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), dường như Bắc Kinh đã bắt đầu rút lại những cam kết đã đưa ra trước đây. Ông Kennedy cảnh báo rằng điều này có thể gây ra những nguy cơ cao là cả hai bên đều sẽ có tính toán sai lầm.
Ảnh tư liệu
Mỹ tăng cường áp lực
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bị "sốc" vì mức độ thay đổi trong dự thảo nói trên. Hai quan chức này hôm 6-5 nói với các phóng viên rằng việc Trung Quốc quay lưng lại với các cam hết đã thúc đẩy lệnh áp thuế của Tổng thống Donald Trump, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về phạm vi các sửa đổi. Trên trang Twitter, ông Trump hôm 5-5 đã dọa sẽ tăng mức thuế từ 10% đến 25% đối với lượng hàng hoá trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào ngày 10-5 theo giờ Mỹ. Đòn thuế quan này có thể có hiệu lực ngay giữa lúc ông Lưu Hạc và giới chức thương mại hàng đầu của Mỹ tiến hành đàm phán tại Washington. Lời đe dọa này khiến Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả bằng "những đòn trả đũa cần thiết." Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 9-5 tuyên bố nước này đã chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ các lợi ích của mình trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, song hy vọng Washington có thể giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại thay vì các bước đi đơn phương.
Gần đây đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó, song sự rạn nứt sâu sắc bùng phát hồi cuối tuần qua liên quan ngôn ngữ được sử dụng trong dự thảo thỏa thuận. Hãng tin AFP cho biết, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh thực hiện những thay đổi sâu sắc và sâu rộng đối với nền kinh tế, ví dụ để các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo nguyên tắc thị trường, giảm trợ cấp nhà nước, và chấm dứt nạn ăn cắp công nghệ của Mỹ. Thậm chí, ông Trump còn tuyên bố hùng hồn trước người dân bang Florida rằng "thời đại đầu hàng về mặt kinh tế đã qua rồi," đồng thời tuyên bố quyết không chịu nhượng bộ.
Những quân bài trả đũa của Trung Quốc
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh vẫn nắm giữ những quân bài đáp trả Washington ngay cả khi ông Trump chơi bài tăng thuế.
Theo ông Vương Dũng - Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, trả đũa việc Mỹ tăng thuế không phải là một lựa chọn khôn ngoan cho Trung Quốc, bởi Bắc Kinh đang hết dần các mặt hàng của Mỹ có thể đánh thuế, và việc làm đó sẽ ngăn cản nỗ lực thúc đẩy nhu cầu trong nước của Bắc Kinh. Tuy nhiên, vẫn có các lựa chọn khác để đối phó với những căng thẳng leo thang trong cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung hiện nay. Một trong số đó là Trung Quốc có thể hạn chế hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, đồng thời "cấm cửa" đối với các doanh nghiệp Mỹ. Khi đó, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những đòn đáp trả này của Bắc Kinh sẽ là các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, năng lượng và chế tạo của Mỹ.
Một chuyên gia thương mại khác của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, các nguyên vật liệu và thiết bị trung gian mà các nhà chế tạo của Mỹ phụ thuộc vào. Theo chuyên gia này, "Mỹ dựa vào những bộ phận được sản xuất ở Trung Quốc và họ sẽ không thể tìm thấy nguồn cung thay thế. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu tổn thương".
Tuy nhiên, ông Brock Silvers, Giám đốc quản lý Kaiyuan Capital, cho rằng Trung Quốc có thể quá lạc quan về khả năng mặc cả của mình. Theo ông, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã ổn định nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ lại vẫn cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ. Vì vậy, một ván bài thương mại trong cuộc đàm phán kéo dài hai ngày sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn đối với Trung Quốc hơn là đối với Mỹ.
Hồng Phúc
Theo Phapluat&xahoi
Bắc Kinh "phản đòn", ông Trump tung chiêu thức mới Hiện vẫn còn phải chờ xem liệu lời đe dọa của ông Trump có đem lại một thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ hay không, hay lại khiến Bắc Kinh "phản pháo" bằng cách đẩy căng thẳng vào tình thế nguy kịch hơn. Ngày hôm nay (9/5), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn quay lại Mỹ để tiếp tục...