Trung Quốc lại ngang nhiên cấm đánh bắt ở Biển Đông
Trung Quốc vừa công bố kế hoạch thực hiện lệnh cấm đánh bắt kéo dài 2 tháng rưỡi trong phạm vi gồm cả Hoàng Sa và một phần vịnh Bắc bộ.
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông. ẢNH: REUTERS
Lệnh cấm đánh bắt phi pháp nói trên bắt đầu được áp dụng từ 12 giờ ngày 16.5 đến 12 giờ ngày 1.8, theo tờ Tam Á báo. Cũng như những năm trước, phạm vi cấm đánh bắt năm 2016 trải dài từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN.
Tam Á báo trích nội dung kế hoạch từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay trong thời gian cấm đánh bắt, giới chức sẽ tiến hành tuần tra trên biển và tổ chức các cuộc “kiểm tra chấp pháp bất ngờ”, theo dõi động thái của tàu đánh cá, kiểm tra giấy phép hoạt động…
Lệnh cấm đánh bắt phi pháp lần này được đưa ra khoảng 2 tháng sau khi Trung Quốc thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 – 2020). Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tăng cường bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường biển bằng các lệnh cấm đánh bắt, nâng cao khả năng “chấp pháp trên biển”, dùng tất cả phương tiện “bảo vệ lợi ích biển”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang tăng cường xây dựng cơ sở phi pháp trên 7 bãi đá nước này chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhằm tăng cường hiện diện ở khu vực. Theo báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ vừa trình lên quốc hội, Bắc Kinh đã hoàn tất hoạt động bồi đắp quy mô lớn ở những bãi đá nói trên từ tháng 10.2015 và đang tập trung xây cơ sở hạ tầng, trong đó có những đường băng dài 3 km, đủ lớn cho tất cả chiến đấu cơ hoạt động, theo CNN.
Video đang HOT
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm qua 15.5 lên tiếng phản đối báo cáo trên và tuyên bố nó làm tổn hại nghiêm trọng “niềm tin của đôi bên”, theo Tân Hoa xã. Ông Dương khẳng định báo cáo “thổi phồng mối đe dọa quân sự của Trung Quốc và thiếu minh bạch”. Chưa có thông tin về phản ứng của Mỹ đối với chỉ trích của ông Dương.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Đánh bắt ở Biển Đông, ngư dân sợ tàu Trung Quốc hơn hải tặc
Ngày nay, khi đánh bắt trên Biển Đông, các ngư dân Đông Nam Á không lo hải tặc mà lại lo sợ tàu cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc.
Ngư dân Philippines đi về tay không sau khi đến gần khu vực bãi cạn Scarborough và bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng và súng xua đuổi - Ảnh: Reuters
Ông Jamali Basri, người đứng đầu hội nghề cá ở thành phố Miri (bang Sarawak, Malaysia), cho biết khoảng 1.000 ngư dân bang Sarawak sống trong nỗi lo sợ trước những tàu tuần duyên và hải cảnh bảo vệ tàu cá Trung Quốc, bởi vì tàu cá Trung Quốc bành trướng vào ngư trường truyền thống của Malaysia ở Cụm bãi cạn Luconia, cách bờ biển của Miri khoảng 100k.
"Chúng tôi nghe thông tin về tàu tuần duyên Trung Quốc đâm húc tàu cá Philippines và Việt Nam. Chúng tôi lo sợ và hải quân của chúng tôi thì chẳng làm gì", ông Basri nói.
"Nếu hải quân cắm cờ ở Cụm bãi cạn Luconia và duy trì sự hiện diện tại đó thì ngư dân chúng tôi mới có đủ can đảm ra đánh bắt", ông Basri cho biết thêm.
Nhưng cắm cờ khẳng định chủ quyền không đủ để ngăn chặn Trung Quốc, bởi vì nhu cầu về cá ngày càng gia tăng và các quốc gia trong khu vực ngày càng kiên quết bảo vệ quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Do dân số ở Trung Quốc và Đông Nam Á liên tục tăng, nhu cầu tiêu thụ hải sản ngày càng cao. Trước áp lực này, nhiều ngư dân trong khu vực phải mở rộng phạm vi đánh bắt và thậm chí đánh bắt trái phép, dẫn đến các ngư trường ngày càng khan hiếm cá.
Kể từ cuối năm 2014, Indonesia đã bắt 153 tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này, bao gồm 50 tàu cá Việt Nam, 43 tàu cá Philippines và một tàu cá Trung Quốc, và Jakarta thường đánh chìm tàu cá đánh bắt trái phép bị bắt.
Gần đây, vào ngày 19.3, các tàu tuần duyên Indonesia đã truy đuổi và bắt giữ một tàu cá Trung Quốc được cho đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia. Trong lúc lực lượng tuần duyên Indonesia áp giải tàu cá Trung Quốc đi, một tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận và định đâm vào tàu Indonesia để giải cứu tàu cá. Jakarta đã phải thả tàu cá sau khi một tàu hải cảnh khác có kích thước lớn hơn của Trung Quốc xuất hiện và can thiệp.
Bộ Ngoại giao Malaysia hồi tuần rồi cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia sau khi 100 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện trong vùng biển ngoài khơi Sarawak.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc ước tính thương mại nghề cá toàn cầu hồi năm 2015 đạt đến 130 tỉ USD.
"Hải sản tươi sống đánh bắt ngoài biển sẽ ngày càng trở nên hiếm ở Đông Nam Á trong tương lai và ngày càng có nhiều cá nuôi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng", chuyên gia nghề cá Simon Funge-Smith của FAO nhận xét.
Theo một nghiên cứu của Đại học British Columbia (Canada) năm 2015, sản lượng cá đánh bắt ở Biển Đông mỗi năm ít nhất 10 triệu tấn, tương đương 12% sản lượng cá toàn cầu, nhưng con số thật có thể cao hơn do số liệu này không tính đến đánh bắt trái phép.
Nhu cầu người tiêu dùng càng cao, cùng với nạn đánh bắt trái phép như dùng thuốc nổ đánh bắt cá đang đe dọa ngư trường cá ở Biển Đông. Và cuộc chiến tranh giành ngư trường ngày trở nên gay gắt trên Biển Đông, theo The Straits Times.
"Cá ngày càng trở nên khó đánh bắt. Chúng tôi giờ phải đi xa hơn", ngư dân Trung Quốc Li Zhongming từ tỉnh Hải Nam cho hay. Ở Philippines, 10 trong số 13 ngư trường truyền thống đã bị đánh bắt quá mức.
Sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012, ngư dân Philippines liên tục bị tàu tuần duyên và hải cảnh rung Quốc chĩa súng đe dọa, dùng vòi ròng xua đuổi khỏi ngư trường này. Nay có trên 300 tàu cá Trung Quốc hoạt động tại ngư trường quanh bãi cạn Scarborough.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Tàu cá Trung Quốc hối hả chuẩn bị đổ ra Biển Đông Hàng chục nghìn tàu cá Trung Quốc chuẩn bị lương thực, nhiên liệu để đổ ra Biển Đông, khi lệnh cấm đánh bắt nước này đơn phương đưa ra hết hiệu lực vào 12h hôm nay. Báo điện tử HiNews tỉnh Hải Nam cho hay các tàu cá của ba tỉnh ven biển Trung Quốc là Hải Nam, Quảng Tây và Quảng Đông...