Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới năm 2020
Trung Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư xuyên biên giới lớn nhất thế giới vào cuối thập niên này, với số tài sản nước ngoài trên toàn cầu tăng gấp 3 lần, từ 6.400 tỉ USD lên 20.000 tỉ USD vào năm 2020.
Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới trong 5 năm tới – Ảnh: Reuters
Tờ Financial Times vừa dẫn báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu kinh tế Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc đặt trụ sở tại Berlin (Đức) cho biết thông tin trên.
“Trung Quốc độc nhất và quan trọng vì nước này đã là một nhà đầu tư lớn trên thế giới và có tiềm năng trở thành nhân tố chủ lực trong tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) toàn cầu trong thập niên tới”, báo cáo viết.
Cụ thể, phần lớn số tài sản mà Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài sẽ ở dưới dạng dự trữ ngoại hối và danh mục đầu tư. Một phần tăng trưởng trong tài sản nước ngoài của Đại lục đến từ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước phát triển ở phương Tây.
Dựa trên những kinh nghiệm lịch sử từ các nước khác, chứng khoán toàn cầu của Trung Quốc về đầu tư trực tiếp nước ngoài (OFDI) – trong đó bao gồm đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, những vụ mua bán và sáp nhập (M&A) – được cho là sẽ tăng từ 744 tỉ USD hiện nay lên 2.000 tỉ USD vào năm 2020.
Video đang HOT
Báo cáo còn cho hay trong chưa đầy một thập niên, OFDI của Trung Quốc đã đi từ mức hầu như không có gì đến hơn 100 tỉ USD. Nước này đứng vào top 3 nước xuất khẩu và đầu tư trực tiếp hàng đầu thế giới.
Ban đầu, Trung Quốc tập trung đầu tư vào ngành năng lượng và tài nguyên thiên nhiên ở các nước đang phát triển, song các nhà đầu tư hiện ngày càng tìm kiếm những cơ hội mới tại Mỹ và châu Âu.
Châu Âu đặc biệt chào đón đầu tư từ nước này, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khu vực này còn chậm chạp. Năng lượng, tự động hóa, lương thực và bất động sản là các lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất.
Từ năm 2000 đến 2014, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chi 46 tỉ USD vào 1.047 dự án đầu tư trực tiếp tại 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Với 12,2 tỉ EUR nhận được, nước Anh là điểm đến chủ yếu của dòng tiền đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc. Đức và Pháp lần lượt là hai nước liền sau.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng việc Trung Quốc tăng đầu tư sẽ cần đến một sự thay đổi trong thái độ của các thị trường nhận đầu tư và chính trị gia của các nước này để tận dụng các cơ hội, loại bỏ những rủi ro.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
FDI chảy vào Đông Nam Á tăng kỷ lục
Dù tăng trưởng kinh tế thế giới yếu đi, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào các nước thuộc khu vực Đông và Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Singapore tăng kỷ lục.
FDI chảy vào các nước thuộc khu vực Đông và Đông Nam Á tăng kỷ lục trong năm qua - Ảnh: Reuters
Hôm nay 25.6, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã công bố báo cáo Đầu tư thế giới. Theo đó, tổng FDI đổ vào khu vực Đông và Đông Nam Á tăng 10% lên mức kỷ lục 381 tỉ USD trong năm qua, theo tờ The Jakarta Post.
Trong đó, FDI cho khu vực Đông Nam Á tăng 5% lên đến 133 tỉ USD. FDI vào Singapore chỉ tăng 4% trong khi đầu tư trực tiếp vào Indonesia và Việt Nam tăng lần lượt 20% và 3%.
Vốn FDI chảy vào thông qua nhiều hình thức như mô hình hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hoặc mô hình hợp tác công - tư (PPP).
"Một số dự án được tiến hành theo hình thức BOT đã nhận vốn nước ngoài đáng kể, đóng góp vào cơ sở hạ tầng trong các ngành công nghiệp như điện và giao thông", báo cáo cho biết.
Đơn cử ở Việt Nam, tập đoàn AES (Mỹ) hợp tác với POSCO Power (Hàn Quốc) và Tổng công ty đầu tư Trung Quốc trong việc phát triển nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 thuộc tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam).
"Với một thỏa thuận theo kiểu BOT với chính phủ Việt Nam, dự án có tổng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD và có khả năng trở thành một ví dụ cho các dự án điện lực thực hiện dựa trên hình thức PPP ở nước này", báo cáo viết.
Khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến sự gia tăng FDI nội khối. 45% vốn đổ vào ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng của các công ty đa quốc gia châu Á chảy vào các dự án nội khối. Các nước, vùng lãnh thổ và khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia và Singapore là những nguồn quan trọng nhất của hoạt động đầu tư.
Xét trên bình diện toàn cầu, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm qua lại giảm 16% so với năm 2013.
Theo các chuyên gia, FDI toàn cầu giảm là do tình hình kinh tế thế giới bất ổn, nhiều chính sách đầu tư không chắc chắn cùng hàng loạt rủi ro vì căng thẳng địa chính trị tại một số nước.
Cụ thể, tổng FDI tại các quốc gia phát triển giảm 28% xuống còn 499 tỉ USD. Trong khi đó, luồng vốn đổ vào các nền kinh tế đang phát triển tăng 2% lên đến 681 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Câu hỏi sau những dự án khổng lồ của Trung Quốc Các dự án "cơ sở hạ tầng" khổng lồ, xuyên biên giới, băng qua các châu lục, nối kết các nền kinh tế, văn hóa, tiểu vùng địa lý với nhau đang là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh dưới thời thế hệ lãnh đạo thứ 5. Hiểu theo nghĩa phần cứng, đó là bến cảng, đường cao tốc,...