Trung Quốc là bậc thầy dàn dựng đổi trắng thay đen
Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam rồi lu loa rằng tàu của ta tự lật. Không dừng ở đó, nước này còn giở mọi thủ đoạn “bẫy” tàu Việt Nam.
Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, những hành vi của phía tàu Trung Quốc càng ngày nguy hiểm hơn. Trung Quốc đáng được mệnh danh là bậc thầy trong thủ đoạn dàn dựng đổi trắng thay đen. Giới chức nước này còn có những phát ngôn bịa đặt và vu cáo trắng trợn nước ta.
Đâm chìm rồi nói tàu Việt Nam tự lật
Mới đây, báo Tin tức Bắc Kinh đã đăng tin bịa đặt rằng, tàu Việt Nam đã tự lật sau khi cố đâm vào giàn khoan Hải Dương 981. Tờ báo này còn ngang ngược viết rằng: “Trung Quốc cảnh báo Việt Nam phải dừng gây rối ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động”. Báo Thanh Niên Trung Quốc dẫn một nhận định lật lọng của Vụ phó Vụ Biên giới hải đảo – Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương khi ông này cho rằng, tuy Việt Nam “khiêu khích” nhưng Trung Quốc sẽ giữ bình tĩnh và kiểm soát. Tờ báo này còn bịa đặt cáo buộc ngược rằng, Việt Nam đã phớt lờ mọi cảnh báo và cản trở hoạt động của giàn khoan của Trung Quốc hoạt động ở biển Đông.
Trên thực tế, cả dư luận trong nước và quốc tế đều biết, 16 giờ ngày 26/5/2014, tàu cá ĐNa 90152 TS do thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cùng 9 ngư dân đang đánh bắt hải sản hợp pháp tại khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị tàu số hiệu 11209 của Trung Quốc truy đuổi, đâm chìm. May mắn, các ngư dân đã được cứu sống nhưng toàn bộ con tàu bao gồm cả tài sản, ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt trị giá trên 5 tỷ đồng đã bị chìm.
Ông Phan Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy (Đà Nẵng) đã đập tan những bịa đặt của phía Trung Quốc trên báo điện tử Infonet như sau: “Tàu ĐNa 90152 chỉ là tàu đánh cá công suất 450CV nên tổng trọng tải chỉ 50 tấn (gồm sức nặng tự thân của con tàu là 20 tấn và sức chở tối đa 30 tấn). Như báo chí phản ánh, các tàu vỏ sắt của Trung Quốc quấy nhiễu, ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận giàn khoan trái phép Hải Dương 981 cũng như uy hiếp các tàu cá của ta đều có trọng tải 200 – 400 tấn. Nghĩa là tàu ĐNa 90152 nhỏ hơn tàu Trung Quốc 4 – 6 lần. Vậy làm sao tàu này dám đâm vào tàu vỏ sắt đó?”.
Đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 nói với báo Tiền Phong: “Cả thế giới này không ai như Trung Quốc, đâm chìm tàu rồi bỏ mặc, xem thường mạng sống của ngư dân. Đây là hành động vô nhân đạo và rất tàn nhẫn”.
Phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, tàu 11209 (đâm chìm tàu ĐNa 90152) là tàu cá của ngư dân TP Đông Phương, tỉnh Hải Nam. Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng hoàn toàn bác bỏ luận điệu này và khẳng định “đó là tàu sắt Trung Quốc giả dạng tàu cá chứ hoàn toàn không phải tàu cá của ngư dân nước này”. Theo thông tin trên báo điện tử Infonet.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam hôm 28/5. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vu cáo Việt Nam, bóp méo sự thật
Đại sứ Trung Quốc Thôi Khải Miên đã bóp méo sự thật và trơ trẽn vu cáo Việt Nam dùng tàu vũ trang đâm vào tàu dân sự, tàu chấp pháp của Bắc Kinh. Ông này nói giàn khoan Hải Dương 981 được đặt trong vùng biển cách Hoàng Sa 17 hải lý, trong khi cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý. Dựa vào điều này, ông Thôi cho rằng Trung Quốc có quyền đặt giàn khoan mà không vi phạm Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS 1982 mà Bắc Kinh cũng đã ký kết. Đại sứ Trung Quốc còn vô lý nói với truyền thông Mỹ đây là “vùng biển không có tranh chấp”, “Trung Quốc chỉ có duy nhất một giàn khoan ở Biển Đông”.
Video đang HOT
Trước những lập luận sai trái trên, Trung tá Đặng Hồng Quân, phòng Tuyên huấn, Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định với báo giới trong nước: “Chưa bao giờ có chuyện tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc dùng các tàu hải giám, hải cảnh, kiểm ngư, tàu cá bọc sắt chủ động đâm, va, húc tàu Việt Nam với tốc độ cao, gây nhiều hư hỏng cho tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam”.
Tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, vạch mặt luận điểm tráo trở của Trung Quốc như sau: “Trung Quốc tiếp tục giở trò đánh tráo khái niệm. Đây hoàn toàn không phải vấn đề tranh chấp, bởi nó rõ ràng nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được cả thế giới công nhận. Dưới góc độ pháp lý, Trung Quốc không bao giờ dám đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế, bởi họ không có trong tay bằng chứng nào, ngoài việc lu loa về chủ quyền”. Đài truyền hình VTV đưa tin.
Hôm 28/5, trả lời trên CNN, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường đã bác bỏ những luận điệu sai trái của phía Trung Quốc. Theo đó, tại buổi phỏng vấn, bà Amanpour dẫn lời ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ tuần trước cho rằng, nước này có duy nhất một giàn khoan, trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn. Đại sứ Việt Nam phản bác: “Trung Quốc đang tìm cách tạo ra thực tế mới, thay đổi nguyên trạng, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và điều này là không thể chấp nhận được. Về việc khai thác dầu khí, chúng tôi đã làm nhiều thập kỷ qua, nhưng nó nằm trong vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không phải trong vùng biển tranh chấp. Nhiều công ty nước ngoài đang hợp tác làm ăn với Việt Nam để khai thác dầu khí. Bà có tin họ sẽ làm điều đó nếu họ nghĩ nó nằm trong khu vực tranh chấp hay không?”.
Tàu Kiểm ngư 761 đang hoạt động trong khu vực gần giàn khoan của TQ. (Ảnh: Infonet)
Tự phun vòi rồng để dàn dựng vu cáo bị tàu Việt Nam phun
Theo thông tin từ Cục Kiểm ngư Việt Nam, hôm 29/5, chúng ta phát hiện một hiện tượng lạ, đó là tàu hải cảnh Trung Quốc và một tàu khác của nước này khi chạy song song gần giàn khoan Hải Dương 981 đã liên tiếp phun nước vào nhau. Các lực lượng của Việt Nam đang xác minh mục đích hành động này của phía Trung Quốc.
Chuẩn đô đốc, thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, bình luận trên báo Tuổi Trẻ về hành động đáng ngờ trên của Trung Quốc: “Sự kiện hai tàu Trung Quốc tự phun nước vào nhau cũng đáng chú ý. Rất có thể họ đang thử áp lực nước của loại vòi rồng mới, bơm nước, súng phun nước kiểu mới, hoặc hệ thống chống phun nước mới được lắp đặt. Cũng có thể, họ đang tạo nên hiện tượng giả để đánh lừa sự phán đoán của các tàu chấp pháp Việt Nam”.
Ngoài ra, lực lượng của ta phát hiện, trên vị trí phun nước của tàu hải cảnh 31101 của tàu Trung Quốc, có lắp thêm đường ống và vòi màu đen.
Tính đến sáng 30/5, vẫn có hơn 100 tàu Trung Quốc tại khu vực mà nước này hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Giở mọi thủ đoạn để tạo bằng chứng vu cáo với quốc tế
Báo giới trong nước cũng đưa tin nhiều về những “cái bẫy” mà Trung Quốc tạo ra hòng tạo chứng cứ giả, tù đó vu cáo với quốc tế. Có thể kể đến việc nước này cho tàu lao với tốc độ cao sượt qua mũi tàu của ta, nếu tàu Việt Nam không phản ứng nhanh và lùi kịp sẽ đâm phải. Trong tình huống đó, phía tàu Trung Quốc luôn có sẵn người ghi hình ở trên tàu. Chỉ cần chúng ta sập bẫy này là chúng sẽ ghi hình và “la làng”, làm thay đổi bản chất sự việc.
Trung Quốc còn dùng tàu cá bám sát tàu kiểm ngư Việt Nam nhằm thả lưới và các vật dụng khác gây cản trở cho tàu của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Đồng thời cho tàu cá đi sát tàu Kiểm ngư Việt Nam nhằm tạo ra những cú đâm va để thu bằng chứng vu cáo với quốc tế tàu Kiểm ngư Việt Nam tấn công tàu cá Trung Quốc – báo điện tử Vietnam Plus viết.
Về những động thái trên, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhận định, việc tàu Trung Quốc tắt đèn, thả trôi, vây ép, cắt mặt… rõ ràng nhằm mục đích để tàu Việt Nam đâm vào, tạo chứng cứ giả. Đây là các hành động vi phạm quy định an toàn hàng hải một cách rất nghiêm trọng, có thể coi là những hành động thiếu suy nghĩ, liều lĩnh khiêu khích của những người đang tức tối đến mất trí.
Theo Tri Thức
Nga và Trung Quốc: Đối tác hay đồng minh?
Theo tạp chí The Diplomat, Mỹ cần cẩn trọng trong từng bước đi để tránh kích động Nga và Trung Quốc thiết lập mối quan hệ đồng minh mặc dù trong tương lai gần liên minh Moscow - Bắc Kinh chưa thể trở thành hiện thực.
Trong chuyến tăm 2 ngày tới Trung Quốc hồi tuần trước của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bắc Kinh và Moscow đã tiến hành ký kết bản hợp đồng mua bán khí đốt lịch sử với tổng trị giá lên tới 400 tỷ USD.
Thương vụ đôi bên cùng có lợi này sẽ giúp Trung Quốc yêu tâm về nguồn cung cấp năng lượng trong 30 năm tới và Nga có thể giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu cũng như củng cố sức mạnh cho Moscow chống đỡ trước các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.
Thỏa thuận mua bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD có khả năng tạo đà thiết lập quan hệ đồng minh giữa Nga và Trung Quốc.
Ngoài ký kết các bản hợp đồng thương mại, Nga và Trung Quốc còn tổ chức một cuộc tập trận hải quân trên biển Hoa Đông. Hành động này đã gửi đi một thông điệp mang tính "hăm dọa" tới cả Nhật Bản và Mỹ. Điều đó cũng cho thấy Nga đang dần sát cánh cùng Trung Quốc trong cuộc chiến giành chủ quyền lãnh thổ tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Thậm chí, hồi tuần trước, Nga và Trung Quốc đã đồng lòng bác bỏ bản dự quyết của Liên Hợp Quốc đưa Syria ra Tòa án Hình sự quốc tế để xét xử tội ác chiến tranh. Trước đó, Moscow và Bắc Kinh cũng đã 3 lần phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an kết tội Syria.
Trong tuyên bố chung của giới lãnh đạo Nga - Trung hồi tuần trước, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới, tăng cường vị thế và tầm ảnh hưởng của hai nước trên trường quốc tế. Điều quan trọng hơn là bản hợp đồng mua bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD đã giúp Nga và Trung Quốc thắt chặt thêm mối quan hệ, dẫn tới Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) - một khuôn khổ an ninh mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương song không có sự góp mặt của Mỹ và Nhật Bản.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao Nga và Trung Quốc lại tăng cường mối quan hệ trong thời điểm này? Rõ ràng, lý do quan trọng nhất là cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, do đó Moscow đã quyết định thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, mối quan hệ Nga - Trung còn có mang tính chiến lược lớn hơn. Cả Moscow và Bắc Kinh đều có nhu cầu chiến lược song phương khi tạo lập một thế giới đa cực mà không chịu sự chi phối của Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ khối liên minh của Mỹ tại châu Á.
Trước đó, trên tạp chí The Diplomat, nhà báo Zachary Keck từng nhận định cơ hội chiến thắng của Trung Quốc trước các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Nhật Bản phụ thuộc một phần vào việc duy trì mối quan hệ tốt với Nga.
Về phía Nga, sức mạnh ngày càng lớn của NATO cũng đang là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia buộc Moscow phải đưa ra phương án đối phó. Trong khi đó, năng lực của Nga ở thời điểm hiện tại và tương lai đều bị giới hạn, do vậy Nga cần tới một đối tác chiến lược đáng tin cậy và đó là Trung Quốc.
Một câu hỏi lớn khác là liệu Nga và Trung Quốc đang dần tạo lập mối quan hệ đồng minh với nhau? Một số chuyên gia cho rằng mối quan hệ đồng minh Nga - Trung đang dần được hình thành và dẫn tới một trật tự thế giới đa cực. Tuy nhiên, một số người lại phản đối ý tưởng này khi chỉ ra những vấn đề trong mối quan hệ Nga - Trung như bất đồng lịch sử, không cùng chung một kẻ thù và giao tranh lợi ích tại Trung Á. Thậm chí, việc hình thành liên minh Moscow - Bắc Kinh cũng sẽ tạo ra làn sóng tranh luận dữ dội trong dư luận Trung Quốc.
Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ cho việc thiết lập mối quan hệ đồng minh Nga - Trung là giáo sư Yan Xuetong tại Đại học Qinghua. Ông Yan đã giành nhiều năm để nghiên cứu những mấu chốt dẫn tới mối quan hệ đa cực trên. Theo ông Yan, yếu tố quan trọng nhất quyết định việc Nga - Trung có nên gây dựng tình đồng minh hay không phụ thuộc vào việc liệu hai quốc gia này có cùng chia sẻ các lợi ích chiến lược và quá trình chia sẻ các lợi ích chiến lược sẽ kéo dài bao lâu.
Ông Yan cho rằng đầu tiên, cả Nga và Trung Quốc đều không thể trở thành một thành viên trong khối các quốc gia phương Tây do Mỹ đứng đầu. Bởi các đồng minh của Mỹ đều cảm thấy Moscow và Bắc Kinh là những mối đe dọa. Nói cách khác, phương Tây không bao giờ tin tưởng Nga do đó Moscow không còn lựa chọn nào khác là liên minh với Trung Quốc. Thậm chí, với vị thế cường quốc thứ hai trên thế giới, Trung Quốc cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ Mỹ trong phần lớn vấn đề mang tính quốc tế.
Ngoài ra, trước nguy cơ suy yếu, Mỹ sẽ lựa chọn chiến lược cân bằng từ bên ngoài khi dựa vào mối quan hệ đồng minh với các quốc gia châu Á và châu Âu để tăng áp lực lên Nga và Trung Quốc. Khi áp lực ngày càng lớn, chúng sẽ trở thành mối quan ngại chung cho cả Nga và Trung Quốc. Do đó, ông Yan nhận định liên minh Moscow - Bắc Kinh sẽ mang lại lợi ích lớn cho 2 quốc gia trong vòng 10 - 20 năm tới. Giáo sư Yan cũng bác bỏ ý kiến cho rằng liên minh Nga - Trung để chống lại Mỹ sẽ dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Tàu tuần tra của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (phải) áp sát một tàu đánh cá Trung Quốc cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 200 km về phía tây nam hồi năm 2013.
Trong khi đó, những người phản đối nhấn mạnh việc thành lập liên minh Nga - Trung sẽ phải trả một cái giá đắt. Theo đó, Trung Quốc có thể phải sát cánh với Nga trong một cuộc chiến không cần thiết. Thậm chí, Nga cũng không quan tâm tới ý tưởng thiết lập liên minh do Moscow không sẵn lòng trở thành đối tác mới của Trung Quốc trong mối quan hệ này.
Về phía mình, Nga mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả quốc gia châu Á và sẽ không đứng về phía Trung Quốc trong cuộc chiến giành chủ quyền tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo. Toàn bộ những lý do trên cho thấy liên minh Nga - Trung sẽ không trở thành hiện thực và mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ là lựa chọn linh hoạt và tốt hơn cho Bắc Kinh.
Theo tạp chí The Diplomat, trong tương lai gần, việc thành lập mối quan hệ liên minh chính thức giữa Nga và Trung Quốc là chưa thể xảy ra. Nếu quân đội Mỹ không đồng thời khiêu khích cả Moscow và Bắc Kinh, khối liên minh Nga - Trung sẽ chưa thể thành lập. Tuy nhiên, Mỹ cũng nên cẩn trọng trong từng bước đi để tránh mắc lỗi, tạo đà cho việc thiết lập liên minh Nga - Trung.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Diplomat - một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tờ báo chính thức ra mắt từ năm 2002.
Theo Infonet
Báo Hoa ngữ: Bắc Kinh đang cân nhắc "bắt đầu một cuộc chiến" Trang Duowei News của người Trung Quốc ở hải ngoại nhận định, Bắc Kinh có thể sẽ xem xét việc bắt đầu một cuộc chiến. Bắc Kinh đang xem xét việc bắt đầu một cuộc chiến. Minh họa ghép từ ảnh chụp mành hình Theo tin tức từ Duowei News, chính sách Biển Đông của Bắc Kinh trước giờ vẫn luôn cứng rắn...