Trung Quốc kiểm soát chặt quân đội
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình siết chặt quyền kiểm soát đối với quân đội thông qua cuộc cải tổ sâu rộng.
Ông Tập Cận Bình trao quân kỳ cho Tư lệnh lục quân Lý Tác Thành – Ảnh: SCMP
Tháng 11.2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thị trấn Cổ Điền ở tỉnh Phúc Kiến, nơi cách đây hơn 80 năm nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông lần đầu tiên đề ra học thuyết rằng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phải là lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
Trước hàng trăm tướng lĩnh tại Cổ Điền, ông Tập nhấn mạnh rằng PLA vẫn phải là quân đội của đảng, phải duy trì “truyền thống cách mạng” và trung thành tuyệt đối với CPC. Những phát biểu của ông Tập tại hội nghị quân chính được mệnh danh Tân Cổ Điền đã mở đầu cho một cuộc cải cách sâu rộng PLA kể từ đó đến nay.
Tăng cường vai trò quân ủy
Theo giới phân tích, ông Tập Cận Bình hạ quyết tâm cải tổ PLA do rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, người bị cho là không nắm được quyền kiểm soát quân đội. Chẳng hạn vào năm 2011, PLA bất ngờ thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình J-20 trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Trong hồi ký của mình, ông Gates tiết lộ bản thân ông Hồ Cẩm Đào cũng sửng sốt khi hay tin về vụ thử nghiệm.
Tờ South China Morning Post cũng từng dẫn các nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho hay hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) thời ông Hồ Cẩm Đào là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng từng nhiều lần gạt cấp trên ra rìa trong các quyết định quân sự. Hai nhân vật này đã lần lượt bị điều tra tham nhũng trong chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Tập
Theo tờ The Economist, cuộc cải tổ của PLA bao gồm hai mục tiêu chính: tăng cường sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội và biến PLA thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả hơn.
Vào ngày 11.1, CMC mà ông Tập Cận Bình nắm chức chủ tịch đã thông báo giải thể Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Trang bị của PLA để phân chia và sáp nhập thành các cơ quan khác trực thuộc CMC. Các cơ quan này từng là những tổ chức đầy quyền uy của PLA và gần như là những lãnh địa độc lập, do hai ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng kiểm soát và lũng đoạn. Bằng cách giáng cấp các cơ quan trên, CMC sẽ có nhiều quyền hạn hơn trong các vấn đề quân sự.
Video đang HOT
Trong cấu trúc mới, 4 cơ quan cấp tổng cục sẽ được đổi tên và trở thành 4 trong 15 “cơ quan chức năng” thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của lãnh đạo CMC, gồm Bộ Tham mưu liên hợp, Cục Công tác chính trị, Cục Bảo đảm hậu cần, Cục Phát triển trang bị. 11 cơ quan còn lại bao gồm Văn phòng CMC, Cục Quản lý huấn luyện, Cục Động viên quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, Ủy ban Chính pháp, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Văn phòng Quy hoạch chiến lược, Văn phòng Cải cách biên chế, Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế, Văn phòng Kiểm toán, Văn phòng Quản lý sự vụ.
Đáng chú ý là Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của PLA trước đây thuộc Tổng cục Chính trị nay được đôn lên ngang hàng với Cục Công tác chính trị trong cấu trúc mới.
Những lực lượng mới
Mũi nhọn cải tổ thứ hai là cân bằng vai trò giữa các quân chủng của PLA.
Trong lịch sử, lục quân của PLA là lực lượng quyền thế bậc nhất. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trước những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ý định thách thức ưu thế hải quân và không quân của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Vào ngày 31.12.2015, CMC thông báo thành lập Bộ Tư lệnh lục quân, qua đó xếp ngang hàng quân chủng này với hải quân và không quân, vốn đã có bộ tư lệnh trước đó.
Ngoài ra, hai bộ tư lệnh mới cũng được thành lập là Bộ Tư lệnh tên lửa (nâng cấp từ Lực lượng pháo binh số 2), chịu trách nhiệm kiểm soát các tên lửa chiến lược, và Bộ Tư lệnh chi viện chiến lược, phụ trách các hoạt động không gian và chiến tranh mạng. Theo tờ The Diplomat, khác với trước, Bộ Tư lệnh tên lửa hiện nay không chỉ kiểm soát các tên lửa hạt nhân chiến lược trên bộ mà còn tiếp quản hai thành tố khác trong bộ ba hạt nhân của Trung Quốc là các tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm và các oanh tạc cơ chiến lược.
Những thay đổi lớn cũng diễn ra tại các đại quân khu của Trung Quốc. Theo tờSouth China Morning Post, 7 đại quân khu hiện tại sẽ được chia lại thành 5 khu chiến lược. Các đại quân khu ở Trung Quốc vốn là những tổ chức tương đối độc lập và có thực quyền, việc chia sẻ hoặc luân chuyển binh sĩ, vũ khí, khí tài, giữa các đại quân khu hiếm khi xảy ra. Theo cơ chế mới, các binh sĩ sẽ được tuyển mộ, huấn luyện bởi các quân chủng khác nhau trước khi biên chế về các khu chiến lược. Điều này sẽ giúp siết chặt quyền kiểm soát của trung ương đối với các đại quân khu.
Theo The Economist, những cải tổ trên thậm chí còn sâu rộng hơn cả những gì mà giới quan sát nước ngoài trông đợi sau hội nghị ở Cổ Điền. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vaily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow mô tả cuộc cải tổ quy mô lớn của PLA là chưa có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc. “Nếu thành công, cải tổ quân đội sẽ giúp hiện đại hóa hệ thống quản lý của PLA và khắc phục những vấn đề về tổ chức đang hiện hữu”, ông Kashin nói.
Theo nhận xét của nhà quan sát Bạc Trí Dược trên tờ The Diplomat, nếu lãnh đạo của 15 cơ quan mới thành lập cùng với chỉ huy của 5 bộ tư lệnh nói trên đều trở thành ủy viên CMC thì số lượng thành viên ủy ban này sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 10 lên đến 23. Và bởi ông Tập Cận Bình là kiến trúc sư của cuộc cải tổ, những chỉ huy mới được đề bạt chắc chắn sẽ biết đặt lòng trung thành của họ vào ai.
Công Chính
Theo Thanhnien
Bốn khu quân sự chiến lược của Trung Quốc
Bảy đại quân khu của Trung Quốc được tái cấu trúc thành 4 vùng quân sự chiến lược, theo kế hoạch cải tổ quân đội nước này.
Các binh sĩ Trung Quốc duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn - Ảnh: Reuters
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), kế hoạch cải tổ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được công bố chính thức tại hội nghị toàn thể của Tiểu tổ lãnh đạo về cải cách quốc phòng và quân đội trực thuộc Quân ủy Trung ương ngày 24.11.
Phiên họp do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, với sự tham dự của các lãnh đạo 4 tổng cục PLA, 7 đại quân khu, các quân chủng hải lục không quân, tên lửa chiến lược và cảnh sát vũ trang.
Bộ chỉ huy liên quân
Một nguồn thạo tin của tờ SCMP cho biết tại cuộc họp, các tư lệnh và chính ủy của 7 đại quân khu được thông báo rằng có 3 đại quân khu sẽ được xóa bỏ để hợp thành 4 khu quân sự chiến lược trong nỗ lực chuyển hướng cấu trúc quân đội từ mô hình của Liên Xô trước đây sang mô hình bộ chỉ huy tác chiến liên quân của Mỹ.
Lược đồ 4 vùng chiến lược quân sự - Ảnh: SCMP
Cụ thể, thông tấn xã Đài Loan CNA dẫn lời chuyên gia quân sự Lương Quốc Lương ở Hồng Kông cho hay kế hoạch tái cấu trúc sẽ chứng kiến việc sáp nhập hai đại quân khu Nam Ninh và Tế Nam thành đại chiến khu Đông bộ. Hai đại quân khu Thẩm Dương và Bắc Kinh sẽ bị sáp nhập thành đại chiến khu Bắc bộ. Đại quân khu Lan Châu sẽ kết hợp với phần phía tây của đại quân khu Thành Đô để trở thành đại chiến khu Tây bộ. Phần còn lại của đại quân khu Thành Đô cùng đại quân khu Quảng Châu sẽ hình thành đại chiến khu Nam bộ.
Chuyên gia Lương nhận định mỗi đại chiến khu sẽ có một trung tâm chỉ huy liên hợp, hợp thành từ các đơn vị hải lục không quân, tên lửa chiến lược, lực lượng không gian và cảnh sát vũ trang. Các đại chiến khu sẽ được lãnh đạo bởi một "tiểu quân ủy", bao gồm phái viên của Quân ủy Trung ương kết hợp với chỉ huy địa phương. Một nguồn tin khác của SCMP cho hay kế hoạch cải cách cũng bao gồm việc xóa bỏ 3 tổng cục chính trị, hậu cần và trang bị. Chức năng của các tổng cục này sẽ được chuyển giao cho Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng.
Dấu hiệu kháng cự
Theo SCMP, Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã thúc giục các lãnh đạo quân sự tuân thủ kế hoạch tái cấu trúc sâu rộng PLA. "Đó là một cuộc cải tổ được các binh sĩ cấp thấp chờ đợi từ lâu vì nó là một bước tiến thiết thực để biến PLA thành quân đội hiện đại phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng nó cũng là một bước lùi đối với một số sĩ quan cấp cao bị tước mất quyền lực trong cuộc cải tổ. Đó là lý do ông Tập ra lệnh cho họ tuân thủ kỷ luật", một nguồn tin nhận xét.
Vào tháng 9, ông Tập đã thông báo kế hoạch cắt giảm 300.000 binh sĩ của PLA. Theo SCMP, sẽ có 170.000 quân nhân phải "về vườn" vì kế hoạch cắt giảm này.
Hiện có dấu hiệu về sự kháng cự trong nội bộ quân đội. Vào tuần trước, tờ PLA Daily đã đăng tải bài viết của hai nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc phòng Tôn Khoa Giai và Hàn Tiếu cảnh báo giới lãnh đạo trung ương rằng kế hoạch cải cách sẽ gây bất ổn trong quân đội và xã hội nếu được thực thi mà không tính đến các vấn đề lương và trợ cấp. Hai tác giả chỉ ra rằng quá trình cải cách quân đội của Mỹ vào thập niên 1970 diễn ra êm thắm nhờ sự chú ý đến lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả việc tăng lương và trợ cấp.
Mặc dù bài báo sau đó được xóa bỏ trên website của tờ PLA Daily, nhưng giới quan sát nhận xét sự xuất hiện của nó là một điều bất thường. "Nó có thể được diễn dịch như một dấu hiệu xích mích, một sự miễn cưỡng cải cách trừ khi một số vấn đề nhất định được giải quyết", giáo sư về hành chính công Nghê Lạc Hùng thuộc Đại học Chính trị và luật pháp Thượng Hải nói với tờ Financial Times.
Thượng tá về hưu Nhạc Cương nói bài báo có lẽ nhằm vận động cải thiện vấn đề phúc lợi, trợ cấp và lương của các quân nhân phải giải ngũ. Tuy nhiên, ông Nhạc nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì nếu thuận theo yêu cầu đó thì những quân nhân về hưu trước kia cũng sẽ đòi được đối xử công bằng.
Công Chính
Theo Thanhnien
Lý do thật sự trong quyết định cắt giảm quân của Trung Quốc Tuyên bố cắt giảm mạnh quân số vừa được Trung Quốc đưa ra gần đây xuất phát từ toan tính trái ngược với lý giải "chung tay cùng thế giới duy trì hòa bình" của nước này, theo bài viết đăng trên chuyên san quốc phòng The Diplomat. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự tại một sự...