Trung Quốc kích thích chuyển hóa vũ trang Nhật Bản
Năm 2013, Trung Quốc tăng chi tiêu dành cho quân sự lên hơn 10%, đạt mức 119 tỉ USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng con số thực tế có thể lên tới 200 tỉ USD. Trước tình hình đó, Ngân sách quốc phòng Nhật trong năm 2013 đã tăng lên mức 48 tỉ USD và nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 3% vào năm 2014 để đối phó với Trung Quốc.
Những con số mà Trung Quốc chi tiêu dành cho quân sự khiến giới chức quân sự Nhật ăn ngon ngủ yên trong bối cảnh căng thẳng tại các khu vực tranh chấp ngày càng gia tăng. Hôm 25/11 vừa qua, Trung Quốc đã thông báo thiết lập Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.
Trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong đó gay gắt nhất là từ phía Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu “hủy bỏ ngay lập tức khu vực ADIZ” theo yêu cầu của Nhật Bản.
Ngoài việc tăng ngân sách quốc phòng, ngày 27/11, Quốc hội Nhật thông qua một dự luật cho phép thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật (NSC).
Video đang HOT
Vùng ADIZ bao gồm cả quần đảo mà Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP
Đây được cho là một động thái của chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm đối phó với sự thay đổi môi trường an ninh ở khu vực châu Á.
NSC sẽ trao cho thủ tướng Nhật Bản quyền tối cao trong việc xây dựng chính sách đối ngoại và quốc phòng thông qua việc tập trung thông tin từ các bộ, ngành, theo hãng tin Kyodo.
Người đứng đầu NSC có nhiệm vụ hoạch định các chính sách và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong chính phủ, và văn phòng của NSC sẽ nằm trong Văn phòng Nội các Nhật.
Theo Kyodo, việc thành lập NSC là một chính sách trọng tâm của chính quyền ông Abe nhằm tăng cường nền an ninh Nhật Bản trước những mối đe dọa từ Trung Quốc trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và nguy cơ bị tấn công tên lửa từ Triều Tiên.
Được biết, để chuẩn bị cho bản kế hoạch “chiến lược an ninh quốc gia”, Nhật Bản đã có một loạt những chuyển động trong quốc phòng từ khi ông Shinzo Abe “vững vàng” trong cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 21/7.
Cụ thể, để tiếp thêm sinh lực cho ngành công nghiệp quốc phòng trong nước vốn đang gặp nhiều khó khăn, ông Shinzo Abe cho phép các công ty đối tác bán cùng một loại thiết bị cho SDF cũng như cho các chính quyền địa phương và các cơ sở phi quốc phòng, việc này sẽ làm giảm chi phí sản xuất.
Ngoài ra, Nhật Bản đang xem xét xóa bỏ lệnh cấm vận “ba nguyên tắc” trong xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản được cố Thủ tướng Eisaku Sato đưa ra vào năm 1967 và các nguyên tắc này được đưa vào trong một lệnh cấm hồi năm 1976 khi thực hiện nới lỏng các quy định đấu thầu trong quốc phòng.
Không những thế, Nhật Bản còn đang xem xét kế hoạch sửa đổi Hiến pháp 1946 doThủ tướng Shinzo Abe khởi xướng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Theo ông Abe, ý định sửa đổi Hiến pháp nhằm xác định Lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành một đội quân chính quy và cho phép lực lượng này can dự vào phòng vệ tập thể, theo đó lực lượng vũ trang Nhật Bản sẽ tham gia bảo vệ một đồng minh khi bị tấn công vũ trang.
Những thay đổi của Nhật Bản được thể hiện trong sự gia tăng vai trò của Lực lượng Phòng vệ cũng như nỗ lực của các chính trị gia hàng đầu nhằm chỉnh sửa Hiến pháp và quan điểm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng nhấn mạnh rằng, Nhật Bản, ngay cả khi đang dần ngả về hữu khuynh, vẫn chưa thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực quân sự.
Theo họ, Nhật mới đang chỉ chuyển dần sang trung dung, sau nhiều thập niên là một quốc gia tha thiết theo đuổi hòa bình.
Theo Đất Việt