Trung Quốc không phủ nhận kế hoạch bê tông hóa Trường Sa
Cùng trong ngày 9/6, cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Philippines đều tổ chức họp báo và đề cập tới vấn đề Trường Sa. Trong khi Bắc Kinh không phủ nhận kế hoạch xây dựng tại đây thì Manila đã phản kích tuyên bố từ Trung Quốc những ngày qua rằng đây không phải chuyện của Philippines.
Ảnh do Bộ Ngoại giao Philippines công bố cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma. Ảnh: Inquirer
Khi được phóng viên hỏi về việc liệu Trung Quốc có đang xây dựng tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã không xác nhận nhưng cũng không phủ nhận. Đồng thời, bà còn tiếp tục đưa ra tuyên bố trắng trợn rằng Trung Quốc có “chủ quyền không tranh cãi” với Trường Sa, để sau đó khẳng định Bắc Kinh có kế hoạch gì thì cũng là “hợp pháp”.
Đây chính là mối lo ngại đang đặt ra đối với tình hình Biển Đông trong thời điểm này. Bởi theo các nhà phân tích, việc hoàn thiện một sân bay tại Trường Sa có thể giúp Trung Quốc chuyển từ phòng thủ sang tấn công. Hơn nữa, cộng với sân bay sẵn có mà nước này ngang nhiên xây tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, Bắc Kinh sẽ có cớ để thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tiến thêm một bước nhằm soán đoạt vùng biển quan trọng hàng đầu thế giới.
Video đang HOT
Theo các chứng cứ từ Philippines, hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã bắt đầu. Thậm chí kế hoạch chi ra 5 tỷ USD để hoàn thiện công trình trong vòng 10 năm đã được đệ trình lên chính phủ trung ương. Trước phản ứng từ Trung Quốc khi cho rằng đây không phải việc của Philippines, ngày 9/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định đây chính là mối quan tâm của Manila. “Bất kỳ động thái khiêu khích và hành động đơn phương nào đều gây tổn hại tới hòa bình, ổn định và tình hình giao thương trên khu vực”, người phát ngôn Charles Jose nhấn mạnh.
Cũng trong buổi họp báo, phía Philippines một lần nữa khẳng định sẽ trao công hàm phản đối Trung Quốc nếu các báo cáo mà họ có được xác thực bởi đây là hành động đi ngược lại với UNCLOS và DOC.
Theo ABS-CBN News, trong bài phát biểu tại trường Đại học De La Salle có chủ đề “Yếu tố lịch sử, những dối trá về lịch sử và quyền lịch sử ở Biển Đông”, Thẩm phán của Tòa án Tối cao Philippines Antonio T. Carpio đã dùng chính bản đồ Trung Quốc để bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của chính quyền Bắc Kinh trên khu vực. Một lần nữa, các bằng chứng lịch sử cho thấy phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc luôn luôn chỉ đến đảo Hải Nam.
Theo Vietbao
Giàn khoan Hải Dương 981 tiếp tục di chuyển
Theo tin tức mới nhất từ Cục Kiểm ngư Việt Nam, ngày 10/6, giàn khoan Hải Dương 981 có dấu hiệu di chuyển không ổn định theo hướng Đông - Đông Nam.
Ngày 10/6, các tàu Kiểm ngư của Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Lực lượng Kiểm ngư tiếp tục tổ chức hoạt động đấu tranh với cường độ cao trên khu vực cách giàn khoan 7-10 hải lý để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tàu cá Việt Nam vẫn bám trụ tại ngư trường cách khu vực giàn khoan khoảng 30-40 hải lý, tổ chức đánh bắt thủy sản, đấu tranh đòi ngư trường và phản đối hành động ngang ngược của tàu cá, tàu hải cảnh của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu cá ra khỏi khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 10/6, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 119 tàu, trong đó có 38 tàu hải cảnh, 13 tàu vận tải, 19 tàu kéo, 43 tàu cá và 6 tàu quân sự bố trí bảo vệ giàn khoan. Các tàu quân sự được Trung Quốc bố trí xung quanh giàn khoan gồm: phía Đông 2 tàu, phía Tây 2 tàu, trong đó có 1 tàu có số hiệu 756, phía Nam có 2 tàu mang số hiệu 842 và 839.
Giàn khoan Hải Dương 981
Trong ngày, có 3 máy bay trinh sát Y-8 hoạt động tại khu vực giàn khoan ở độ cao khoảng 300-500m và 1 máy bay chiến đấu hoạt động tại khu vực.
Đặc biệt, theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư, trong ngày, giàn khoan có dấu hiệu di chuyển không ổn định theo hướng Đông - Đông Nam.
Tại khu vực giàn khoan, các tàu của Trung Quốc gồm: tàu hải cảnh, hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải đã tổ chức thành từng nhóm cách giàn khoan 7-8 hải lý và 9-11 hải lý để ngăn cản quyết liệt và sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam, nhằm đẩy phạm vi hoạt động của các tàu Kiểm ngư Việt Nam ra xa khu vực giàn khoan.
Khi các tàu cá của ta đang khai thác ở ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan, tàu cá Trung Quốc (khoảng 43 chiếc), dưới sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh đã hung hăng, manh động tiếp tục vây ép. Đồng thời, chủ động vượt lên trước và chạy máy lùi vào tàu cá của ngư dân Việt Nam để tạo hiện trường giả là tàu cá Việt Nam đâm vào sau tàu cá Trung Quốc.
Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, trước hành vi hung hăng, manh động của tàu Trung Quốc, các tàu Kiểm ngư và tàu cá của ngư dân ta vẫn an toàn và kiên trì bám sát hiện trường, bám ngư trường để thực hiện nhiệm vụ.
Theo Khampha
Việt Nam nên gửi công hàm mới cho Chính phủ Trung Quốc Vấn đề Công hàm 1958 của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận khác nhau trong tuần qua. PV đã có cuộc trò chuyện với Luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) và Luật gia Trần Đình Thu (Chuyên gia pháp lý...