Trung Quốc không đủ khả năng quân sự để bảo vệ lợi ích của mình ở Iraq
Truyền thông Mỹ vừa công khai kêu gọi chính phủ nước này nhường “miếng bánh” Iraq cho Trung Quốc, bởi vì “dù sao, lợi ích của Bắc Kinh ở đây cũng lớn hơn Washington rất nhiều”.
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc không có khả năng tác chiến
Tờ Thời báo Hoàn Cầu vừa lên tiếng cho rằng, mục đích Washington kêu gọi Bắc Kinh can thiệp vào Iraq rất rõ rệt là muốn đẩy cho Trung Quốc mớ hỗn độn ở nước này, ngăn cản sự phát triển bình thường của Trung Quốc. Dẫm vào vũng lầy hậu chiến ở Iraq, Trung Quốc cũng không thể yên tâm và thực sự cũng không đủ khả năng can thiệp vào Iraq.
Video đang HOT
Thời báo Hoàn Cầu phân tích, giới truyền thông Mỹ phóng đại tầm quan trọng của dầu mỏ Iraq đối với Trung Quốc. Với Bắc Kinh, Baghdad chỉ là một trong số nhiều nguồn cung dầu mỏ khác nhau, chỉ chiếm vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nước cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc.
Năm 2013, lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Iraq vào khoảng 25 triệu tấn, còn xếp sau Saudi Arabia, Angola, Nga, Oman. Vì vậy, nhìn vào thực tế hiện nay, khủng hoảng Iraq tạm thời không ảnh hưởng lớn đến việc nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc, lợi ích của Trung Quốc ở Iraq không lớn đến mức để Bắc Kinh phải can thiệp vào nước này.
Tuy nhiên hiện nay, nguồn cung dầu mỏ quay đi quay lại vẫn chỉ có bằng ấy nước, tự nhiên bị cắt đứt nguồn cung 25 triệu tấn dầu/năm là một khoản thiếu hụt không dễ bù đắp của Trung Quốc. Hơn nữa, tình hình Iraq xấu đi sẽ ảnh hưởng lớn tới các quốc gia xung quanh, trong đó có Saudi Arabia – nước cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc.
Vì thế, không thể nói rằng hỗn loạn ở Iraq không ảnh hưởng lớn tới Trung Quốc, Bắc Kinh hẳn cũng muốn giải quyết được vấn đề này, vừa giúp bảo đảm an ninh năng lượng cho mình, vừa “lấy le” với Nga, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong vấn đề này, quả thực là Trung Quốc “lực bất tòng tâm”
Nói một cách khách quan, hiện nay Trung Quốc vẫn chưa hề có khả năng đảm nhận các nhiệm vụ tác chiến quy mô lớn ở những khu vực địa lý cách xa đất nước. Cục diện rối loạn của Iraq nhắc nhở một điều là năng lực hiện có của Trung Quốc vẫn chưa đủ để đảm bảo tài sản và lợi ích của họ ở nước ngoài.
Thời báo Hoàn Cầu buộc phải thừa nhận, năng lực tác chiến toàn cầu của nước này không thể so sánh với Mỹ, hải/không quân Trung Quốc không thể tác chiến lâu dài ở những khu vực cách Đại Lục vài nghìn km vì thiếu tàu sân bay, tiêm kích hạm chuẩn, tàu vận tải tổng hợp cỡ lớn.
Hơn nữa, các chiến hạm tác chiến của nước này không có khả năng tấn công mặt đất tầm xa như tàu ngầm hạt nhân và khu trục hạm, tuần dương hạm của Mỹ. Sự thiếu thống các căn cứ hải/không quân ở hải ngoại khiến máy bay ném bom và máy bay chiến đấu nước này chịu chết không thể tiến hành các phi vụ tác chiến tầm xa.
Trung Quốc không có loại máy bay nào đủ khả năng tác chiến tận Iraq, kể cả máy bay ném bom “chiến lược” H-6K
Vì vậy, trong kịch bản Trung Quốc muốn can thiệp quân sự ở nước ngoài họ chỉ có cách đổ quân trực tiếp. Tuy nhiên, thiếu sự hỗ trợ của máy bay, tàu chiến, tên lửa hành trình, lực lượng mặt đất không thể tác chiến được. Vì thế, kể cả có muốn can thiệp quân sự vào Iraq thì Trung Quốc cũng không đủ lực.
Xem xét tình hình hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, đầu tư ngoài nước và lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc cũng ngày một tăng lên, và nguy cơ chịu ảnh hưởng từ cục diện rối ren của các nước đó cũng tăng lên, vì thế, Trung Quốc cần phát triển năng lực tương ứng để duy trì lợi ích đó.
Làm thế nào để phát triển thêm năng lực tác chiến, đồng thời sử dụng các biện pháp tổng hợp, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài là vấn đề quan trọng mà Bắc Kinh cần phải xem xét trong thời điểm hiện nay.
Theo Báo An Ninh Thủ Đô