Trung Quốc “khoe” đạt thoả thuận “đình chiến”, Mỹ im lặng bí hiểm
Trung Quốc khoe rằng đã đạt được thoả thuận dỡ bỏ dần mức thuế mà ông Trump đã áp trong thời gian qua. Tuy nhiên, phía Mỹ im lặng một cách bí hiểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh: REUTERS / Kevin Lamarque
Theo Reuters, Bộ thương mại Trung Quốc, dù không đưa ra thời gian chính thức, cho biết hai nước đã đồng ý hủy bỏ thuế quan theo từng giai đoạn.
Một quan chức Mỹ, phát biểu với điều kiện giấu tên, đã xác nhận việc khôi phục theo kế hoạch như là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn I mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tich Tập Cận Bình đang nhắm tới trước khi năm 2019 kết thúc.
Ông Trump đã sử dụng thuế quan áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc làm vũ khí chính của mình trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Viễn cảnh bỏ áp thuế, dù theo từng giai đoạn, đã vấp phải phản đối quyết liệt từ nhiều cố vấn của ông trong và ngoài Nhà Trắng. Chứng khoán Mỹ giảm mức tăng sau khi Reuters đưa tin kế hoạch này vấp phải sự phản đối trong nội bộ chính quyền.
Michael Pillsbury, một cố vấn của ông Trump cho biết, không có thỏa thuận cụ thể nào về việc bỏ thuế quan theo từng đợt. “Bên phía Mỹ không tiết lộ khi nào và mức thuế nào sẽ được dỡ bỏ. Người Trung Quốc mong muốn điều này và đang cố gắng xoa dịu những người dân trong nước rằng thuế quan một ngày nào đó sẽ được dỡ bỏ.”
Ông Trump tháng trước đã phác thảo giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc và đình chỉ tăng thuế, nhưng các quan chức của cả hai bên khẳng định còn rất nhiều việc cần phải được thực hiện trước khi hiệp ước “đình chiến” được hoàn tất.
Nếu nó được hoàn thành, dự kiến sẽ bao gồm một cam kết dỡ bỏ thuế của Mỹ dự kiến sẽ được áp vào ngày 15/12 lên hàng nhập khẩu trị giá khoảng 156 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi.
Hủy bỏ thuế quan là một điều kiện quan trọng đối với bất kỳ thỏa thuận nào, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói, cho biết thêm cả hai phải đồng thời hủy bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa khác để đạt được hiệp ước giai đoạn I.
Thương chiến bắt đầu bằng thuế quan, và nên kết thúc bằng việc hủy bỏ thuế quan, ông Gao nói với một cuộc họp báo thường kỳ.
Video đang HOT
Khả năng thuế quan bị hủy bỏ cho cả hai bên để đạt được một thỏa thuận trong giai đoạn I, phải như nhau, nhưng con số cụ thể có thể được thương lượng, ông nói thêm.
Trong hai tuần qua, các nhà đàm phán chính của cả hai bên đã có những cuộc thảo luận nghiêm túc và mang tính xây dựng để giải quyết các mối quan tâm cốt lõi khác nhau một cách thích hợp, theo ông Gao.
Cả hai bên đã đồng ý hủy bỏ thuế quan bổ sung trong các giai đoạn khác nhau, vì cả hai bên đều đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán của mình.
Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ đã từ chối bình luận và văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đang thúc giục chính quyền Trump ra điều kiện buộc Bắc Kinh tuân thủ một số nội dung cụ thể của thỏa thuận, để đổi lấy việc thuế quan được dỡ bỏ.
Các loại thuế quan nên được loại bỏ từng mảnh một khi Trung Quốc cũng làm đúng như thỏa thuận, nguồn tin từ quốc hội cho biết.
Lãnh đạo Mỹ – Trung gặp nhau?
Tân Hoa Xã đưa tin vào cuối ngày 7/11 rằng cơ quan hải quan và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đang xem xét gỡ bỏ các hạn chế đối với gia cầm nhập khẩu của Mỹ.
Trung Quốc đã cấm tất cả gia cầm và trứng của Mỹ kể từ tháng 1/2015 do dịch cúm gia cầm.
Một nguồn tin trước đó nói với Reuters rằng các nhà đàm phán Trung Quốc đang hối thúc Washington giảm thuế 15% đối với khoảng 125 tỉ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9. Họ cũng muốn được giảm mức thuế 25% với khoảng 250 tỉ USD hàng xuất khẩu gồm máy móc, chất bán dẫn đến đồ nội thất.
Một người quen thuộc với cuộc đàm phán phía Trung Quốc, cho biết họ đang thúc ép Washington phải loại bỏ tất cả các mức thuế ngay khi có thể.
Một thỏa thuận có thể được ký kết trong tháng này bởi hai nhà lãnh đạo tại một địa điểm chưa được xác định.
Hàng chục địa điểm đã được đề xuất, ban đầu được dự kiến sẽ diễn ra bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Chile, một quan chức chính quyền cấp cao của Trump nói với Reuters hôm 6/11.
Một địa điểm khác có thể là London, nơi các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau sau hội nghị thượng đỉnh NATO mà ông Trump dự kiến sẽ tham dự vào ngày 3-4/12, quan chức này cho biết./.
Theo thoidai.com.vn
Thế giới có thể tổn thất 1.200 tỉ đô la nếu đàm phán Mỹ - Trung tại G20 thất bại
Một kết quả xấu từ cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung tại hội nghị G20 có thể khiến hai nước tung thêm đòn thuế vào hàng hóa của nhau, dự kiến gây thiệt hại 1.200 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế toàn cầu vào năm sau.
Các nhà kinh tế của Bloomberg Economics dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ mất mát 1.200 tỉ đô la Mỹ nếu cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở Osaka, Nhật Bản thất bại, dẫn đến cuộc chiến thương mại leo thang. Ảnh: Bloomberg
Ngày 29-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tiến hành cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, theo thông báo của Nhà Trắng.
Các đối tác thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc gặp này, đặc biệt là những đối tác nằm trong chuỗi cung ứng châu Á, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng từ cuộc chiến thuế Mỹ-Trung dù một số ít nước được hưởng lợi nhờ làn sóng di chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.
Một kịch bản đình chiến thương mại lặp lại giống kết quả của cuộc gặp Mỹ - Trung bên lề hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina vào cuối năm 2018 sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Các đòn thuế sẽ ngưng lại và Mỹ có thể nới lỏng một số biện pháp trừng phạt nhằm vào hãng thiết bị viễn thông và smartphone Huawei.
Trái lại, một kết quả thất bại hoặc những quyết định sai lầm từ cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở Osaka có thể kích hoạt cho các đòn thuế 25% áp vào tất cả hàng hóa của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nếu kịch bản này xảy ra kết hợp với sự suy giảm mạnh của thị trường chứng khoán, GDP toàn cầu sẽ mất mát 1.200 tỉ đô la Mỹ, theo tính toán của nhà kinh tế Dan Hanson ở Bộ phận nghiên cứu kinh tế Bloomberg Economics của hãng tin Bloomberg.
Dù con số thiệt hại này chưa đủ lớn để gây suy thoái cho nền kinh tế toàn cầu nhưng sẽ khiến tăng trưởng GDP toàn cầu thụt lùi mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Dell Technologies, HP, Intel, Microsoft đã lên tiếng phản đối kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump nhằm vào hơn 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc chưa bị đánh thuế bao gồm các mặt hàng như laptop, máy tính bảng. Họ cho rằng tăng thuế sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao cho những sản phẩm này cũng như gây tổn thương cho các doanh nghiệp và các nhà sản xuất.
Tại một cuộc điều trần tham vấn về kế hoạch áp đòn thuế mới với các quan chức thương mại Mỹ, ông Rick Muskat, Chủ tịch Công ty giày Deer Stags Concepts ở New York, nói ông có thể sa thải một số nhân sự trong số 35 người đang làm việc cho công ty này tại Mỹ hoặc thậm chí phải đóng cửa công ty vì doanh nghiệp gia đình này không thể nhanh chóng di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Dù ông Trump và ông Tập nhất trí không gia tăng áp thuế thì các biện pháp áp thuế hiện nay cũng đã gây thiệt hại lớn cho Mỹ và Trung Quốc lẫn tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Một phân tích của hai nhà kinh tế Maeva Cousin và Tom Orlik của Bloomberg Economics cho thấy do hàng ngàn mặt hàngTrung Quốc bị áp thuế nên trong quí 1-2019, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các đối tác thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc gặp Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 29-6 tới. Ảnh: AAP/EPA
Trong quí 1, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ của Đài Loan, Việt Nam và Hàn Quốc ở những hạng mục hàng hóa mà Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế, lần lượt tăng 30%, 20% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, tính theo giá trị đồng đô la Mỹ, giá trị nhập khẩu tăng thêm của Mỹ từ 10 nước nằm trong chuỗi cung ứng châu Á chỉ bù đắp chưa đến 50% giá trị nhập khẩu sụt giảm từ Trung Quốc.
Điều này không gây ngạc nhiên vì ngay cả những sản phẩm tương đối đơn giản như hàng may mặc cũng cần phải được sản xuất theo các yêu cầu khắt khe nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ. Do vậy, các công ty khác ở châu Á bên ngoài Trung Quốc phải đào tạo công nhân, mua thêm máy móc, bảo đảm các nguồn cung, siết chặt kiểm tra chất lượng trước khi tính đến việc xuất khẩu hàng sang Mỹ để thay thế cho nguồn cung từ Trung Quốc. Các thay đổi này không thể tiến hành trong ngày một ngày hai.
Những "phần thưởng" khiêm tốn mà các nước thứ ba có được nhờ doanh thu xuất khẩu tăng ở các mặt hàng mà Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cần phải xem xét trong một bối cảnh rộng lớn hơn, đó là những tác động nặng nề từ tình trạng nguồn cung bị gián đoạn và từ nhu cầu đang suy yếu đi của Trung Quốc và Mỹ.
Một dấu hiệu đáng lo ngại đã xuất hiện: 8 trong số 10 nền kinh tế có GDP phụ thuộc vào dòng chảy thương mại Mỹ-Trung ở các mức cao nhất như Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Thái Lan... đang chứng kiến chi tiêu đầu tư suy giảm kể từ quí 3-2018. Chi tiêu đầu tư giảm không chỉ tác động xấu đến tăng trưởng hiện tại mà cả tăng trưởng trong tương lai.
Nếu ông Trump và ông Tập tập trung các lợi ích thương mại tại G20 hay những ngày sau đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn có cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại. Nếu cuộc đàm phán của họ tại G20 mở rộng ra các vấn đề địa chính trị, hai bên sẽ khó đạt được thỏa thuận.
Các động lực để ông Trump duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc đang gia tăng sau khi ông chính thức phát động chiến dịch tái cử tổng thống vào tuần trước. Bài học từ các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đây cho thấy công kích Trung Quốc thường là chiến lược hiệu quả để giành phiếu của cử tri. Tình huống này cũng đúng với ông Tập bởi nếu muốn củng cố sự ủng hộ chính trị ở trong nước, ông Tập phải cứng rắn với Mỹ.
Cuộc khảo sát mà Bloomberg thực hiện với 35 nhà kinh tế cho thấy có 50% ý kiến cho rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ nhất trí đình chiến thương mại tại cuộc gặp của họ ở G20. Trong đó 20% ý kiến cho rằng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhỏ giúp rút giảm các đòn thuế, trong khi đó 25% ý kiến nhận định họ sẽ không đạt được tiến triển nào và điều này dẫn đến Mỹ tung đòn thuế mới nhằm vào Trung Quốc và các hành động trả đũa của Bắc Kinh.
Theo Bloomberg
Lý do chính của sự sụp đổ các đàm phán thương mại Mỹ - Trung Về bản chất, cuộc chiến thương mại không phải là về các thặng dư thương mại. Đó là một nỗ lực của Hoa Kỳ để thay đổi cách Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành các hoạt động kinh tế của quốc gia ở trong và ngoài nước. giáo sư Shi Yinhong. Theo giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong, Hoa Kỳ...