Trung Quốc khó hái ‘quả ngọt’ bằng chính sách ba con
Mặc dù chính quyền nới lỏng giới hạn về quy mô gia đình, nhiều người Trung Quốc không mặn mà sinh con thứ ba, khiến mục tiêu kinh tế có thể bị đe dọa.
Trung Quốc hôm 31/5 cho biết họ sẽ cho phép tất cả cặp vợ chồng có ba con, tăng từ giới hạn hai con trước đây, khi nước này tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm soát dân số từng được áp dụng nhiều thập kỷ khiến quốc gia rơi vào khủng hoảng nhân khẩu học. Xinhua đưa tin rằng thay đổi chính sách nhằm “duy trì an ninh quốc gia và ổn định xã hội”, đồng thời duy trì “lợi thế của đất nước về nguồn nhân lực”.
Học sinh vẽ lên tường ở tỉnh An Huy, Trung Quốc hồi tuần trước. Ảnh: AFP .
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích sinh con, số ca sinh hàng năm của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong điều tra dân số được công bố đầu tháng 5. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết các bà mẹ Trung Quốc năm ngoái sinh 12 triệu trẻ, giảm so với 14,65 triệu năm 2019, đánh dấu mức giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục xuống mức thấp nhất trong gần 6 thập kỷ.
Các chuyên gia nhân khẩu học từ lâu đã đánh giá rằng việc chỉ dỡ bỏ hạn chế về số con sẽ không cải thiện tỷ lệ sinh. Năm 2016, khi Trung Quốc chấm dứt nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, cho phép tất cả cặp vợ chồng có tối đa hai con, thay đổi này vẫn không khuyến khích được nhiều cặp vợ chồng sinh thêm, do họ lo lắng về chi phí nuôi con cao ở các thành phố.
Chính sách ba con mới “ít khả năng ảnh hưởng lớn đến nhân khẩu học”, Yong Cai, nhà xã hội học tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, nhận định.
Một số người cho rằng chính phủ nên thay đổi quy định cấm các cặp đồng tính và phụ nữ độc thân được sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản, như đông lạnh trứng và tiếp cận ngân hàng tinh trùng. “Chính sách ba con là một bước tiến, nhưng câu hỏi đặt ra là: Nếu chính sách hai con không khiến mọi người sinh nhiều con hơn thì liệu chính sách ba con có làm được điều đó không?”, Sun Xiaomei, giáo sư tại Đại học Phụ nữ Trung Quốc, nói.
Giới chức không cho biết khi nào các quy định mới sẽ được thực thi. Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 31/5 cho biết họ sẽ giảm chi phí giáo dục, cải thiện chăm sóc và bảo hiểm thai sản, cung cấp hỗ trợ về nhà ở và thuế cho các gia đình. Giới chức cũng nói rằng họ sẽ dần nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.
Video đang HOT
Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc khuyến khích công dân kết hôn và sinh con đã làm dấy lên lo ngại rằng một số biện pháp mang tính cưỡng chế có thể được áp dụng để thực thi chính sách mới. Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 31/5 hứa sẽ “tăng cường giáo dục và hướng dẫn” các cặp vợ chồng trẻ, cũng như “kiềm chế các vấn đề xã hội xấu”.
“Luật pháp nên tôn trọng và bảo vệ quyền sinh sản và quyền tự do của người dân, để công dân tự quyết định có nên sinh con hay không và bao nhiêu con”, Liu Ruishuang, phó chủ nhiệm Khoa Đạo đức Y tế và Luật Sức khỏe tại Đại học Bắc Kinh, cho biết.
Người dùng mạng Trung Quốc dường như không mặn mà với thay đổi mới về chính sách sinh đẻ. “Dù đổi chính sách thành sinh 5 con hay 8 con, giá nhà vẫn là công cụ triệt sản tốt nhất”, một người viết. “Chủ yếu là do tôi cảm thấy mệt mỏi. Làm thế nào tôi đủ khả năng nuôi con khi áp lực cuộc sống quá cao?”.
“Không có gì sai khi thay đổi chính sách, tôi chỉ hy vọng họ không ép buộc thực hiện”, một người khác viết.
Hơn 2.000 người dùng đã trả lời một cuộc thăm dò do Xinhua đăng tải rằng sinh con thứ ba là điều “chắc chắn không cân nhắc”. Cuộc thăm dò này nhanh chóng bị xóa, theo ảnh chụp màn hình và bình luận từ người dùng Internet.
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Điều tra cho thấy người trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% dân số nước này, tăng từ mức 8,9% vào năm 2010. Trong khi đó, số người 15-59 tuổi giảm xuống dưới 900 triệu, chiếm khoảng 63% dân số vào năm 2020, giảm khoảng 7% so với một thập kỷ trước đó. Trẻ dưới 14 tuổi hiện chiếm 18% dân số, chỉ tăng nhẹ so với mức 17% của một thập kỷ trước.
Dân số vốn là một trong những thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc dựa vào vô số lao động trẻ sẵn sàng làm việc với mức lương thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngày nay, khi dân số già hóa, giá nhân công đang tăng cao, một phần do thiếu lao động. Các chủ xưởng ở thành phố Quảng Châu, miền nam nước này đang chật vật tìm người làm. Một số công ty còn chuyển sang sử dụng robot vì không thể tìm đủ nhân công.
Khi dân số già đi, họ cũng sẽ gây áp lực lớn lên các bệnh viện và hệ thống hưu trí. Trung Quốc cũng tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa nam giới độc thân, đã dẫn đến các vấn đề như buôn bán cô dâu – hệ quả không mong muốn từ các quy định kế hoạch hóa gia đình.
Các chuyên gia đánh giá lực lượng lao động Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới trước khi giảm khoảng 5% trong thập kỷ tiếp theo. “Động lực nhân khẩu học đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây sẽ nhanh chóng tiêu tan”, Yue Su, nhà kinh tế học tại Economist Intelligence Unit ở London, nhận xét.
Điều đó có thể là trở ngại cho các mục tiêu chính sách kinh tế lớn mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra. Ông đã đặt ra tham vọng GDP Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035.
Trong khi một số nhà dự báo nói rằng Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này, họ vẫn cần thu hẹp khoảng cách lớn về mức độ thịnh vượng. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc ở mức 17.000 USD, trong khi Mỹ là hơn 63.000 USD, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
“Việc khuyến khích mức sinh, tự do hóa hơn nữa các giới hạn sinh có thể chỉ giúp ích một cách hạn chế cho tỷ lệ sinh và tăng trưởng dân số nói chung ở Trung Quốc”, các nhà phân tích tại Goldman Sachs viết trong một báo cáo nghiên cứu vào tuần trước. “Dân số ở Trung Quốc có vẻ sẽ đạt đỉnh trong 5 năm tới, còn dân số trong độ tuổi lao động sẽ tiếp tục giảm”.
Người Trung Quốc hoài nghi hiệu quả chính sách cho sinh con thứ ba
Người dân và học giả Trung Quốc cho rằng nới lỏng chính sách là đúng đắn, nhưng còn nhiều trở ngại với kế hoạch tăng tỷ lệ sinh con.
"Để chủ động ứng phó tình trạng già hóa dân số, một cặp vợ chồng có thể có ba con. Các chính sách về sinh đẻ sẽ được cải thiện hơn nữa. Chính sách cho phép một cặp vợ chồng có ba con sẽ được ban hành cùng các biện pháp hỗ trợ. Điều này sẽ cải thiện cơ cấu dân số của Trung Quốc", Xinhua đưa tin, dẫn thông báo tại cuộc họp hôm nay của Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì.
Nhiều người dân và học giả Trung Quốc đã nêu quan điểm sau thông báo, trong đó chủ yếu khẳng định đây là chính sách hợp lý và mang tính tích cực, nhưng chưa đủ để khuyến khích các cặp vợ chồng có thêm con.
"Phụ nữ phần lớn phải gánh trách nhiệm nuôi dạy con cái, trong khi xã hội chưa thực sự hỗ trợ họ. Nếu đàn ông có thể góp sức nhiều hơn và gia đình chăm lo hơn cho các phụ nữ mới sinh, nhiều người sẽ nghĩ đến đẻ con thứ hai. Nhưng nhìn vào bức tranh tổng thể, tôi thực sự không muốn có đứa con thứ hai chứ chưa nói đến đẻ ba con", Zhang Xinyu, bà mẹ một con ở Trịnh Châu, cho hay.
Trẻ sơ sinh trong một nhà hộ sinh Trung Quốc hồi năm 2018. Ảnh: AP .
Gan Yuyang, 30 tuổi, cho biết người trẻ Trung Quốc hiện nay phải tập trung mua nhà, tạo ra áp lực không nhỏ với cuộc sống của họ. "Sinh đẻ và nuôi dạy con cái càng đặt thêm nhiều gánh nặng tài chính. Tôi nghĩ chính sách này sẽ khó áp dụng", anh nói.
Zhiwei Zhang, nhà kinh tế học thuộc công ty Pinpoint Asset Management, cho rằng quyết định mới của Bắc Kinh sẽ có tác dụng tích cực trong tức thời, nhưng không tạo ra nhiều ảnh hưởng ở tầm vĩ mô. "Tác động dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc chính phủ có thể cắt giảm chi phí nuôi dạy trẻ em, đặc biệt là nhà ở và giáo dục, hay không", ông nhận định.
"Đây là bước đi đúng hướng, nhưng vẫn còn khá nhỏ. Chính phủ Trung Quốc cần nới lỏng hoàn toàn chính sách sinh con, nhưng điều đó cũng khó tăng đáng kể tỷ lệ sinh. Thay đổi đáng lẽ phải diễn ra từ 5 năm trước, dù muộn còn hơn không", Shuang Ding, nhà kinh tế học hàng đầu của tổ chức Standard Chartered, cho hay.
Xu Hongcai, phó giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, cho rằng cho phép sinh con thứ ba là động thái lớn và đúng đắn, nhưng rất khó để đảo chiều tỷ lệ sinh đang suy giảm hiện nay.
"Cần có thêm chính sách khuyến khích sinh con, tỷ lệ sinh 1,3 con/phụ nữ quá thấp và cũng là tín hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì phương án cải cách từng bước để đạt thành tựu trong khi vẫn bảo đảm ổn định. Mỗi gia đình có 3 con là giải pháp hợp lý. Một số gia đình nông thôn muốn có nhiều con hơn mức này, đó có thể trở thành vấn đề", ông Xu nói.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích sinh con, số ca sinh hàng năm của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong điều tra dân số được công bố đầu tháng này. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết các bà mẹ Trung Quốc năm ngoái sinh 12 triệu trẻ so với 14,65 triệu năm 2019, đánh dấu mức giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục xuống mức thấp nhất trong gần 60 năm.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,3 con/phụ nữ, thấp hơn mức 2,1 cần thiết để đảm bảo dân số ổn định. Số con trung bình mà một phụ nữ Trung Quốc muốn có trong năm ngoái là 1,8.
Trong gần 40 năm, Trung Quốc thực thi "chính sách một con" gây tranh cãi, một trong những quy định về kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Nước này dỡ bỏ chính sách một con từ năm 2016 do lo ngại lực lượng lao động bị già hóa và kinh tế trì trệ.
Kết quả điều tra dân số năm 2020 cũng cho thấy dân số Trung Quốc tăng với tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1960, đạt 1,41 tỷ người. Cùng với tốc độ tăng dân số chậm, số người trong độ tuổi lao động cũng giảm mạnh, một lần nữa làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập.
Sự thay đổi nhân khẩu học ở Trung Quốc có ý nghĩa kinh tế và chính trị đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính phủ Trung Quốc cuối năm ngoái ước tính dân số đạt mức cao nhất vào năm 2027. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học tin rằng dân số Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu giảm trong vài năm tới.
He Yafu, chuyên gia độc lập về nhân khẩu học của Trung Quốc, tháng trước dự đoán dân số sẽ bắt đầu giảm ngay trong năm tới, khi số lượng sinh giảm xuống dưới 10 triệu và số người chết vượt quá 10 triệu. Các chuyên gia cho rằng đến năm 2050, Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ hàng trăm triệu người già.
Người trẻ Thái Lan hô hào nhau bỏ xứ Hàng trăm nghìn thanh niên Thái Lan tham gia nhóm Facebook thảo luận cách rời khỏi đất nước do bất bình với cách chính quyền xử lý Covid-19. Một nhóm kín trên mạng xã hội Facebook có tên "Lên đường", nơi thảo luận về những lộ trình có thể giúp rời khỏi Thái Lan, đã thu hút hơn 800.000 thành viên trong chưa...