Trung Quốc khẳng định việc coi trọng quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu
Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của các quan chức Mỹ rằng TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc), được sử dụng để thu thập dữ liệu, cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Biểu tượng mạng xã hội TikTok. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh rất coi trọng quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Khi được hỏi về phiên điều trần của Giám đốc điều hành (CEO) TikTok, Shou Zi Chew trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng của Hạ viện Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Mao Ninh (Mao Ning) nhấn mạnh Bắc Kinh chưa bao giờ yêu cầu cũng như chưa bao giờ đề nghị bất kỳ công ty hay cá nhân nào thu thập hoặc cung cấp dữ liệu và thông tin tình báo ở nước ngoài trái với pháp luật Trung Quốc. Bên cạnh đó, bà cho rằng mặc dù Washington “không cung cấp bằng chứng nào cho thấy TikTok đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, song nước này đã nhiều lần ép buộc và chỉ trích Tiktok”.
Trước đó, ngày 21/3, TikTok thông báo đã cập nhật điều khoản hoạt động và quy tắc sử dụng cộng đồng, đồng thời nêu thêm chi tiết về kế hoạch của công ty này nhằm đảm bảo dữ liệu của người dùng tại Mỹ.
Theo TikTok, trong tháng này, công ty đã triển khai xóa dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ bảo mật tại các trung tâm dữ liệu ở Virginia (Mỹ) và Singapore, sau khi chuyển những thông tin này sang Dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Oracle – tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia của Mỹ – hồi năm ngoái. TikTok cũng đã phối hợp với chính quyền Mỹ trong hơn 2 năm qua để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia. Công ty này đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu, đồng thời kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc “tuồn” dữ liệu người dùng ra bên ngoài. Động thái trên được đưa ra sau khi nhiều chính trị gia tại Mỹ yêu cầu cấm TikTok do lo ngại rò rỉ dữ liệu người dùng và kéo theo đó là những rủi ro đối với an ninh quốc qua.
Trong khi đó, ngày 24/3, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bày tỏ hy vọng các nhà lập pháp nước này sẽ thông qua một dự luật lưỡng đảng để giải quyết những lo ngại về ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok.
Công ty mẹ của Facebook bị phạt 390 triệu euro do vi phạm luật dữ liệu cá nhân
Ngày 4/1, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu Ireland (DPC) cho biết tập đoàn công nghệ Meta đã bị phạt 390 triệu euro (413 triệu USD) vì vi phạm luật dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu (EU) trên nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram.
Biểu tượng Meta trên màn hình điện thoại ở Moskva, Nga. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, DPC nêu rõ Meta đã vi phạm các nghĩa vụ về minh bạch dữ liệu theo Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU và vận dụng cơ sở pháp lý không chính xác để xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích quảng cáo theo hành vi mua hàng của người dùng. Do đó, cơ quan này đã quyết định phạt Meta Ireland 210 triệu euro do vi phạm dữ liệu trên Facebook và 180 triệu euro do vi phạm dữ liệu trên Instagram.
Thông báo trên được đưa ra một tháng sau khi Cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPS) áp đặt các quy định mang tính ràng buộc liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân của Meta. Một trong những quy định này có liên quan đến ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Dự kiến, DPC cũng sẽ đưa ra quyết định riêng liên quan đến WhatsApp vào tuần tới.
Trước đó, tháng 11/2022, DPC đã phạt Meta 265 triệu euro (275 triệu USD) do làm rò rỉ dữ liệu của hơn 500 triệu người dùng. Tháng 9/2022, Meta bị phạt số tiền kỷ lục 405 triệu euro vi phạm các quy định về xử lý dữ liệu liên quan đến trẻ em trên Instagram.
Các công ty truyền thông xã hội thường thu thập rất nhiều dữ liệu về thói quen sử dụng mạng của người dùng, và sau đó sử dụng dữ liệu này để bán quảng cáo hướng tới đúng đối tượng mục tiêu. Tuy nhiên, quy định của EU buộc các công ty phải đưa ra những lý do chi tiết để thu thập dữ liệu, điều mà các nền tảng truyền thông xã hội luôn phải chật vật để đáp ứng.
Trong những năm gần đây, Meta và các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ như Google, Apple và Twitter đã đối mặt với nhiều khoản phạt lớn tại EU khi khối này thắt chặt các quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu trên không gian mạng.
Trụ sở tại châu Âu của các công ty này thường đặt ở Dublin, Ireland, do đó DPC là cơ quan giám sát chính ở châu Âu chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan.
Nghị sĩ Mỹ đề xuất dự luật lưỡng đảng về cấm ứng dụng TikTok Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio ngày 13/12 thông báo một dự luật lưỡng đảng nhằm cấm ứng dụng truyền thông xã hội nổi tiếng TikTok của Trung Quốc. Động thái này làm gia tăng sức ép đối với chủ sở hữu TikTok là công ty ByteDance trong bối cảnh Mỹ lo ngại ứng dụng này có thể được sử dụng để do...