Trung Quốc khẳng định duy trì chính sách ‘Không COVID’
Ngày 19/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì chính sách “Không COVID” trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 cộng đồng gia tăng.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 6/4/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn NHC Mễ Phông cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 là vấn đề y tế khẩn cấp, mối nguy lớn đối với sức khỏe cộng đồng khiến cả thế giới quan ngại. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia hạn các biện pháp chống dịch nhằm giảm các ca lây nhiễm trong cộng động và các ca nhập cảnh. Chiến lược “Không COVID” của Trung Quốc bao gồm việc tiến hành xét nghiệm, truy vết và cách ly tập trung các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo dữ liệu chính thức do NHC thống kê, ngày 18/4 Trung Quốc đã ghi nhận 3.297 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng và 18.187 ca mắc không có triệu chứng.
Cùng ngày, thành phố Thượng Hải đã yêu cầu người dân tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong chiến dịch xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng. Thành phố đông dân nhất Trung Quốc đang nỗ lực “quét sạch” các ca mắc cộng đồng sau gần 3 tuần áp đặt các biện pháp giãn cách.
Video đang HOT
Theo giới chức Thượng Hải, việc tiến hành các xét nghiệm PCR hàng loạt sẽ giúp phát hiện các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 từ sớm, theo đó nhanh chóng giảm tối đa số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Giới chức thành phố này đã nới lỏng biện pháp chống dịch tại một số khu vực nguy cơ thấp, song phần lớn dân cư tại thành phố 25 triệu dân này vẫn phải tuân thủ biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.
Ngày 18/4 Thượng Hải đã ghi nhận 3.084 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có 17.332 ca mắc không triệu chứng.
Cùng ngày, truyền thông địa phương đưa tin hãng sản xuất xe điện Tesla (Mỹ) đã nối lại hoạt động sản xuất tại nhà máy của hãng ở Thượng Hải sau 3 tuần phải tạm dừng. Khoảng 8.000 nhân viên đã được yêu cầu quay trở lại làm việc.
Lý do Trung Quốc cấm xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong phòng chống COVID-19
Nhiều nước phương Tây đã bắt đầu phân phát bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) miễn phí cho người dân.
Tuy nhiên, riêng Trung Quốc vẫn bảo lưu quan điểm PCR là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm tại quốc gia này.
Trung Quốc thường kích hoạt xét nghiệm axit nucleic diện rộng mỗi khi xuất hiện một ổ dịch COVID-19 mới. Ảnh: Tân Hoa xã
Trong bối cảnh Omicron tiếp tục lây lan nhanh trên toàn thế giới, nhu cầu thực hiện xét nghiệm RAT cũng tăng theo. Tháng trước Nhà Trắng ra thông báo sẽ cấp miễn phí RAT cho người dân Mỹ bắt đầu từ ngày 19/1, sau khi chính quyền đã mua đủ một tỉ bộ xét nghiệm dạng này.
Các nước phương Tây có xu hướng dựa vào xét nghiệm nhanh, coi đây là giải pháp thay thế đối với phương pháp PCR vốn lâm vào tình trạng quá tải. Thế nhưng Trung Quốc vẫn là nước dựa tuyệt đối vào xét nghiệm PCR để xác định ca dương tính với SARS-CoV-2. Thông thường, PCR cho kết quả chính xác hơn so với xét nghiệm nhanh, do độ nhạy tốt hơn.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc (NMPA), tính đến thời điểm cuối năm 2021, nước này đã phê chuẩn, cấp phép sử dụng đối với 68 loại mẫu xét nghiệm, trong đó có 34 mẫu xét nghiệm nucleic acid, 31 mẫu xét nghiệm kháng thể và chỉ có ba mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Nhiều mẫu RAT do Trung Quốc sản xuất chưa được cấp phép trong nước. Nhưng có ít nhất 10 mẫu xét nghiệm dạng này được cấp phép sử dụng tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức, Canada, Hy Lạp. Nhiều chuyên gia nhận định lý do khiến Trung Quốc chưa huy động xét nghiệm RAT trên diện rộng là do Bắc Kinh vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero-Covid (không COVID).
"Việc Trung Quốc giương cao chính sách zero-Covid trong tương lai trung hạn đưa đến luận điểm xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể không hiệu quả ở giai đoạn hiện nay", Xi Chen, giáo sư chuyên ngành kinh tế và chính sách y tế tại Đại học Y khoa Yale, nhận định.
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng ý với quan điểm này, bởi RAT không đạt độ nhạy với mẫu có tải lượng virus thấp, trong khi PCR là xét nghiệm được ưa chuộng và phù hợp để xác định mọi ca mắc trong một cộng đồng. Theo Mei-Shang Ho, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Y sinh tại Học viện Sinica (Đài Loan/Trung Quốc), do cần xác định tất cả những người bị nhiễm, kể cả trường hợp nhiễm không triệu chứng, nên việc nhà chức trách Bắc Kinh dựa vào PCR là hoàn toàn phù hợp nhằm đạt mục tiêu zero-Covid.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng đặt ra những thách thức mới đối với độ chính xác của RAT. Theo Chunhuei Chi, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Oregon (Mỹ), một số nghiên cứu gần đây cho thấy tải lượng của Omicron có xu hướng tập trung ở vùng họng và miệng trong giai đoạn đầu ủ bệnh, nên trong cách lấy mẫu từ mũi theo phương pháp RAT, độ nhạy của xét nghiệm có thể giảm xuống. Chưa rõ nguyên nhân thực chất, nhưng rõ ràng RAT kém hiệu quả hơn trong phát hiện ca mắc Omicron.
Giới chuyên gia đồng thuận rằng chừng nào còn theo đuổi Zero-Covid, Trung Quốc ít có khả năng bắt tay sử dụng RAT trên quy mô lớn. Ông Xi Chen nhìn nhận khác với Trung Quốc, các nước chuyển hướng sang sử dụng RAT là do họ đã chuyển đổi biện pháp phòng chống dịch, từ ngăn chặn lây nhiễm sang ngăn chặn những ca bệnh nặng và tử vọng, số ca nhập viện gây quá tải hệ thống y tế. Khi đó, mức độ chính xác của RAT vẫn là một tiêu chí, nhưng không còn là vấn đề cốt yếu nhất.
Cuối cùng, phải kể đến năng lực vượt trội của Trung Quốc trong xét nghiệm PCR. Do PCR vẫn là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá, xác định ca nhiễm COVID-19, nên ít có khả năng RAT được lựa chọn trong bối cảnh năng lực xét nghiệm PCR của Trung Quốc ở mức còn dư.
NPMA mới đây khẳng định Trung Quốc đã đạt năng lực xét nghiệm cho 51,3 triệu dân/ngày, hỗ trợ đắc lực cho công tác kiểm soát đại dịch trên phạm vi toàn quốc. Đơn cử, thành phố cảng Thiên Tân trong tháng 1 vừa qua đã triển khai nhiều vòng xét nghiệm cho toàn bộ 14 triệu dân trong vài ngày sau khi phát hiện ổ dịch Omicron.
COVID-19 tới 6h sáng 20/4: Trung Quốc quyết theo 'Zero Covid"; Dịch bùng trở lại ở Mỹ Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 550.000 ca mắc COVID-19 và gần 1.900 ca tử vong. Trung Quốc quyết theo đuổi chính sách "Zero Covid", trong khi số ca nhiễm mới tăng trở lại tại 50% số tiểu bang Mỹ. Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Stuttgart, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN Theo...