Trung Quốc khai mạc hội nghị trung ương 4, khai trừ 5 ủy viên
Trung Quốc tìm cách hạn chế ảnh hưởng của các quan chức đầu ngành, đầu tỉnh thành các địa phương, Bắc Kinh vẫn không xây dựng một nền tư pháp độc lập.
Trung Quốc khai mạc hội nghị trung ương 4 tại Bắc Kinh ngày hôm nay.
Đa Chiều ngày 20/10 đưa tin, hôm nay đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc hội nghị trung ương 4 kéo dài 4 ngày tại Bắc Kinh với mục tiêu cải cách tư pháp, điều chỉnh nhân sự cấp cao nên được dư luận đặc biệt quan tâm.
Video đang HOT
Đáng chú ý, hội nghị trung ương 4 lần này Bắc Kinh công khai quyết định thông qua báo cáo kỷ luật khai trừ 5 quan chức cấp cao khỏi Ban chấp hành trung ương, gồm Tưởng Khiết Mẫn – cựu Chủ nhiệm Ủy ban quản lý tài sản nhà nước, Lý Đông Sinh – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Lý Xuân Thành – Phó Bí thư tỉnh Tứ Xuyên, Vương Vĩnh Xuân – Phó Tổng giám đốc tập đoàn Dầu khí Trung Quốc và Vạn Khánh Lương – Bí thư thành ủy Quảng Châu.
Theo điều lệ của đảng Cộng sản Trung Quốc, việc khai trừ ủy viên trung ương chính thức/dự khuyết phải được 2/3 số ủy viên trung ương biểu quyết thông qua mới có giá trị. 5 quan chức này bị điều tra vài tháng trước đó, nhưng phải đợi tới hội nghị trung ương 4 họ mới chính thức mất tư cách ủy viên trung ương chính thức/dự khuyết. Kỳ họp này Bắc Kinh sẽ bầu bổ sung 5 ủy viên trung ương mới.
Ngoài ra còn 2 vị ủy viên trung ương dự khuyết đang bị điều tra nhưng chưa có quyết định kỷ luật, đó là Trần Xuyên Bình, Bí thư thành ủy Thái Nguyên thủ phủ tỉnh Sơn Tây và Phan Dật Dương, Phó Chủ tịch thường trực khu tự trị Nội Mông.
Theo Reuters, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc rất chờ đợi kỳ họp trung ương 4 này sẽ đẩy mạnh cải cách tư pháp như tuyên bố của ông Tập Cận Bình phải “quản lý nhà nước bằng pháp luật”.
Trước kỳ họp này, truyền thông Trung Quốc đã lưu ý rằng mục tiêu chính của hội nghị là làm dịu ảnh hưởng của chính quyền địa phương đối với hoạt động của các tòa án và xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp hơn chứ không phải công cụ của tổ chức đảng ở địa phương.
Các doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài lâu nay đã phàn nàn về những khó khăn họ gặp phải với bộ máy chính quyền địa phương, đặc biệt là trong các phiên tòa xử lý tranh chấp với các doanh nghiệp nhà nước, họ thường bị thiệt thòi do phán quyết của tòa chịu ảnh hưởng từ các quan chức đứng đầu địa phương đó.
Chính sách cải cách kinh tế của Tập Cận Bình sẽ khó có thể thành công nếu nền tư pháp Trung Quốc không có gì thay đổi.
Nguồn tin thân cận với các quan chức cấp cao Trung Quốc cho biết, cải cách hệ thống tư pháp và ngăn chặn các quan chức địa phương can thiệp vào phán quyết của tòa án là một trong những nội dung chính của hội nghị lần này.
Tuy nhiên trong khi đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách hạn chế ảnh hưởng của các quan chức đầu ngành, đầu tỉnh thành các địa phương, Bắc Kinh vẫn không xây dựng một nền tư pháp độc lập vì coi đây là vấn đề “nhạy cảm”.
Trong hội nghị trung ương 3, Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch cải cách kinh tế đầy tham vọng, báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách kinh tế của Bắc Kinh theo hướng cân bằng và bền vững. Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng, nếu không có cải cách tư pháp thì chiến dịch cải cách kinh tế của Tập Cận Bình không thể thành công.
Bưu điện Hoa Nam ngày 20/10 bình luận, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang chào đón một động thái cải cách tư pháp lớn, hội nghị trung ương 4 dự kiến sẽ tìm cách thay đổi để mang lại một mức độ công bằng hơn ở địa phương, nơi tình trạng bất ổn đã nảy sinh và bùng phát thành bạo lực, mà nguyên do xuất phát từ sự thiếu công bằng.
Oliver Meng Rui, một giáo sư chuyên nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc nói với Bưu điện Hoa Nam, một trong những thách thức lớn nhất đối với Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường là làm thế nào để chính sách cải cách của họ có hiệu lực bên ngoài Trung Nam Hải khi các quan chức địa phương vẫn còn nghe ngóng và chờ đợi.
Theo Giáo Dục