Trung Quốc im lặng bất thường dịp 65 năm lập quan hệ với Triều Tiên
Không một tờ báo chính thống nào của Trung Quốc đưa tin về lễ kỷ niệm, cũng không có bất cứ hoạt động kỷ niệm nào ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ với Bình Nhưỡng.
Bưu điện Hoa Nam ngày 7/10 đưa tin, Trung Quốc ngày hôm qua đã duy trì một sự im lặng bất thường vào ngày kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên mà các nhà ngoại giao và các nhà phân tích cho biết nó phản ánh sự suy giảm nhanh chóng của quan hệ Trung – Triều.
Bắc Triều Tiên và Trung Quốc thiết lập mối quan hệ chính thức ngày 6/10/1949 và hình thành một liên minh chặt chẽ “môi hở răng lạnh”, Trung Quốc đã đưa quân sang láng giềng chiến đấu cùng Bình Nhưỡng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Không một tờ báo chính thống nào của Trung Quốc đưa tin về lễ kỷ niệm, cũng không có bất cứ hoạt động kỷ niệm nào ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Các nhà phân tích cho rằng sự im lặng bất thường phản ánh sự suy thoái của quan hệ đồng minh. Căng thẳng trong quan hệ Trung – Triều thể hiện rõ trong những năm gần đây khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân, Bắc Kinh ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ông Vương Tân Thanh, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại đại học Bắc Kinh cho biết, kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên thường là một sự kiện lớn ở Trung Quốc, sự im lặng năm nay là điều không bình thường. Vào những năm có số năm chẵn hay bội số của 5, các lễ kỷ niệm được Bắc Kinh coi trọng hơn.
Vương Tân Thành cho biết, động thái này cũng có thể là chỉ dấu của những bất ổn chính trị tại Bắc Triều Tiên trong bối cảnh dấy lên những tin đồn gần đây về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị lật đổ.
Video đang HOT
Năm 2004, dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Triều, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Giang Trạch Dân đều trao đổi điện mừng với Kim Jong-il, cha đẻ và là người tiền nhiệm của Kim Jong-un.
Đổng Triệu, một nhà nghiên cứu từ chương trình hạt nhân tại Carnegie cho rằng, với những khó khăn trong thực tế, không có nhiều khả năng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có thể ăn mừng 1 bữa tiệc với nhau.
Benjamin Herscovitch, một nhà nghiên cứu độc lập tại Úc cho biết Bắc Kinh đã rất buồn bởi thực tế cho thấy Kim Jong-un ít khả năng sẽ cải cách và Bình Nhưỡng không có dấu hiệu nào sao chép mô hình kinh tế của Trung Quốc.
Theo Giáo Dục
Trung Quốc trả giá vì ngang ngược ở Biển Đông
Bất chấp mọi sự chỉ trích, lên án và cảnh báo của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngày một lấn tới, hung hăng trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Hành động coi thường dư luận, chà đạp lên luật pháp và đi ngược lại mọi cam kết của Trung Quốc sẽ khiến nước này phải trả cái giá rất đắt.
Tàu Trung Quốc hung hăng bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam.
Trung Quốc đã lấn tới trong tranh chấp Biển Đông như thế nào?
Có một điều rất dễ nhận thấy là trong những năm gần đây, khi Trung Quốc ngày một lớn mạnh thì cũng là lúc người ta thấy nước này ngày một quyết liệt hơn, hung hăng hơn trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Trong tranh chấp với Philippines, khởi đầu từ một cuộc đối đầu giữa tàu thuyền của hai nước Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough, Trung Quốc dần dần giành luôn quyền kiểm soát bãi cạn này. Tiếp đó, Trung Quốc lại có cuộc đối đầu gay gắt với Philippines ở bãi cạn Second Thomas. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa lực lượng ra chặn không cho tàu thuyền Philippines vào tiếp tế cho người của họ ở khu vực này.
Hành động của Trung Quốc đã khiến Philippines buộc phải đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra giải quyết ở toà án quốc tế bất chấp việc Bắc Kinh dùng đủ mọi cách để ngăn cản bước đi này. Manila giải thích rằng, họ đã dùng đủ mọi biện pháp hoà bình nhưng không có hiệu quả và vì thế, họ phải dùng đến "thanh gươm pháp lý".
Trong cuộc tranh chấp với Việt Nam, Trung Quốc cũng liên tiếp gây sóng gió ở những vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Một trong những động thái hung hăng đáng chú ý đầu tiên ở Biển Đông trong những năm gần đây của Trung Quốc là việc nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" kèm theo một loạt những hoạt động dựng chính quyền, triển khai quân đội ở nơi này. Năm 2012, Trung Quốc đã thông báo thành lập cái gọi là thành phố "Tam Sa" với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và nhanh chóng đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là "thành phố Tam Sa" này.
Tiếp sau đó, Trung Quốc còn nhiều lần thông báo chào thầu quốc tế tại các lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam cũng như thường xuyên kéo một đội tàu hùng hậu đủ loại vào các vùng biển của Việt Nam để quấy nhiễu, gây rối.
Hành động hung hăng gây chú ý lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay chính là việc nước này đưa cả một giàn khoan và hàng chục tàu thuyền, trong đó có cả tàu chiến, vào vùng biển của Việt Nam. Đây được xem là một bước lấn tới cực kỳ nghiêm trọng trong tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan 981 cùng các tàu ở vùng biển của Việt Nam rõ ràng là hành động cố tình và có chủ ý nhằm xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cũng như đã vi phạm các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, và trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Hành vi và thái độ của Trung Quốc cũng đi ngược lại các thỏa thuận và nhận thức chung giữa Lãnh đạo hai nước và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Các văn kiện này đều nhấn mạnh việc các bên cần kiềm chế, không làm phức tạp thêm tranh chấp và tiến hành đàm phán, thương lượng để giải quyết bất đồng.
Trung Quốc sẽ phải trả cái giá đắt như thế nào?
Những hành động ngày một hung hăng, lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông không tránh khỏi việc nước này phải trả giá. Gần đây, một tờ báo quốc tế từng đăng tải một bài bình luận có nhan đề: "Bạn bè Châu Á của Trung Quốc đã đi đâu hết rồi?". Bài báo này đã chỉ ra rằng, chỉ trong mấy năm qua, tình hình ở Châu Á đã có nhiều thay đổi rất lớn, và chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân Trung Quốc. Từ một quốc gia mà luật pháp cấm sử dụng chiến tranh như là một cách để giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế, Nhật Bản bắt đầu tăng cường chú trọng đến việc phát triển năng lực quân sự. Từ chỗ không mấy mặn mà với Mỹ, Philippines đang ra sức thắt chặt quan hệ liên minh với Mỹ, mở rộng vòng tay đón quân Mỹ vào nước này. Indonesia bắt đầu thay đổi lập trường trung lập trong khi Malaysia bắt đầu phát triển quan hệ với Mỹ sau 48 năm.
Người ta từng nói, "bán anh em xa mua láng giềng gần" để nhấn mạnh tầm quan trọng của những người láng giềng xung quanh. Một nước có những người bạn láng giềng tốt, thân thiện sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn và ngược lại. Việc Trung Quốc gần đây có nhiều hành động ngang ngược trên Biển Đông sẽ khiến các nước láng giềng tức giận, quay lưng lại với họ. Điều đó đã được thể hiện rất rõ qua việc một loạt nước Châu Á gần đây có xu hướng ngả về phía Mỹ, thiết lập quan hệ gắn bó hơn, thân thiết hơn với Mỹ. Nhật Bản không còn muốn "đá" quân Mỹ ra khỏi quần đảo Okinawa như cách đây một vài năm. Philippines ký thoả thuận quân sự mới với Mỹ, cho phép Mỹ tiếp cận một loạt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ. Quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn cũng được củng cố thêm. Quan hệ giữa Mỹ và Malaysia cũng được tăng cường trong khi Myamar bắt đầu đón nhận "cái chìa tay" từ phía Washington.
Cùng với việc ngả về phía Mỹ, người ta cũng thấy bắt đầu có những dấu hiệu lập liên minh giữa các nước Châu Á để đối phó với Trung Quốc như liên minh Nhật Bản-Philippines.
Những diễn biến trên hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc bởi thế giới ngày nay đang toàn cầu hoá, các nước phụ thuộc lẫn nhau. Một quốc gia bị cô lập sẽ khó lòng mà phát triển được.
Mất mát thứ hai mà Trung Quốc phải hứng chịu khi có cách hành xử hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông là uy tín, là niềm tin, là danh dự.
Với sự lớn mạnh không ngừng của mình, Trung Quốc rõ ràng cũng muốn có được vị thế xứng đáng với sức mạnh của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể trở thành một cường quốc, Trung Quốc cần phải xây dựng cho mình hình ảnh một quốc gia có uy tín và trách nhiệm.
Việc Trung Quốc bất chấp dư luận quốc tế, coi thường luật pháp quốc tế và chà đạp lên chính những cam kết mà họ từng đưa ra đã khiến hình ảnh của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kiệt Linh
Theo_VnMedia