Trung Quốc hủy mua, nguy cơ ế hàng vạn tấn, nông dân lo sợ
Ảnh hưởng từ dịch viêm phổi do virus corona gây ra, một doanh nghiệp Trung Quốc hủy mua 6.000 tấn thanh long ở Long An. Dự báo tiêu thụ thanh long sẽ khó khăn do loại quả này đang vào vụ thu hoạch, sản lượng đạt gần 90.000 tấn.
Hủy mua 6.000 tấn thanh long ruột đỏ
Trao đổi với báo chí về tình hình giá thanh long tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt là Long An, đang có dấu hiệu lao dốc do Trung Quốc đóng biên, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, Trung Quốc đang kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vì lo ngại dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng cho cán bộ công nhân viên nghỉ đến hết Rằm tháng Giêng âm lịch (tức ngày 8/2 dương lịch).
Ông Toản cho rằng thực trạng này sẽ tác động mạnh đến hàng hóa nông sản của Việt Nam. Do hệ thống nhà hàng khách sạn của Trung Quốc giảm nhu cầu ăn uống nên sức mua giảm.
Trong khi đó, trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam (Quảng Tây) – đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc – hiện nghỉ giao dịch đến hết ngày 8/2.
Doanh nghiệp Trung Quốc hủy mua 6.000 tấn thanh long vì dịch viêm phổi do virus corona
Tương tự, việc giao dịch các cặp chợ biên giới – phương thức giao dịch phổ biến của Việt Nam từ trước đến nay với hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam cũng hạn chế đến hết ngày 8/2.
Vì vậy, một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập hàng nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng.
“Đã có doanh nghiệp Trung Quốc chuyên cung ứng mặt hàng nông sản trái cây cho TP. Vũ Hán giảm mua, như Tập đoàn Hồng Thái Dương vốn là đơn vị nhập 40% lượng thanh long của tỉnh Long An nay đã hủy một số đơn hàng khoảng 300 container – tương đương khoảng 6.000 tấn – đã đặt trước đó”, ông Toản nói. Dù doanh nghiệp này đã hỗ trợ đền bù 50 triệu đồng/container nhưng theo ông Toản, so với giá trị vẫn chưa tương xứng.
Lo tiêu thụ 90.000 tấn sắp thu hoạch
Ông Toản cho biết, thanh long ruột đỏ là mặt hàng cung ứng chủ đạo cho thị trường Trung Quốc nhưng đang gặp khó khăn, tốc độ tiêu thụ hiện nay chậm. Tình hình này cũng đã được Bộ NN-PTNT dự báo từ trước.
Video đang HOT
Qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An sẽ có một đợt thu hoạch khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đến đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn.
Song vấn đề đáng lo ngại là các cửa khẩu quốc tế quay lại làm việc từ mùng 3/2, hàng hóa vẫn thông quan được nhưng các chợ đầu mối giao thương chưa mở cửa trở lại. Đây là nút thắt do có sự chênh lệch về thời gian mở cửa.
Dự báo tình hình cung cục bộ của thanh long sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh của một số địa phương trọng điểm, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, công suất chưa lớn. Riêng Long An có 150 cơ sở sơ chế, đóng gói, nhưng kho lạnh chỉ giải quyết được khoảng 12.000 tấn, ông Toản cho hay.
Gần 90.000 tấn thanh long đến kỳ thu hoạch, dự báo sẽ khó tiêu thụ
Trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản gửi các địa phương sản xuất trọng điểm để rà soát lại từng cơ cấu sản phẩm trái cây theo lịch thời vụ cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực chế biến, tăng cường thu mua, chế biến, lưu kho.
Đầu tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với Bộ Công Thương, hệ thống các siêu thị để thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Trong đó, Bộ sẽ đề nghị Bộ Công Thương làm việc với hệ thống logistics để phát huy hết khả năng của hệ thống kho lạnh để chia sẻ khó khăn với bà con, gia tăng các giải pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn các cơ quan của Bộ, các Sở NN-PTNT địa phương bám sát tình hình tới từng huyện, xã, vùng trọng điểm để phối hợp với các cơ quan chức năng cùng bà con nông dân giải quyết khó khăn.
“Tinh thần không phải giải cứu vì giải cứu là phi thị trường. Đây là cơ hội để tập trung vào chế biến, nâng cao năng lực các doanh nghiệp chế biến, tăng cường liên kết giữa bà con nông dân và doanh nghiệp thu mua”, ông nói. Về giải pháp lâu dài, chúng ta cần rà soát cơ cấu mùa vụ có lịch thu hoạch đảm bảo hợp lý. Vào cuộc chủ động, không chủ quan. Bộ trưởng cho rằng, “dịch bệnh là bất khả kháng, cần thích ứng với dịch bệnh. Bà con nông dân hết sức bình tĩnh”.
Trước đó, do virus corona hoành hành ở Trung Quốc, nhiều nhà kho mua thanh long tại Tiền Giang và Long An đã họp bàn cách khắc phục khó khăn trong việc phân phối và tiêu thụ thanh long sang thị trường này. Hiện Trung Quốc là nơi tiêu thụ khoảng 90% thanh long của Việt Nam.
Dù không nhận thanh long từ nhà vườn và thương lái, các nhà kho thu mua thanh long ở Tiền Giang và Long An thống nhất hỗ trợ cho nhà vườn và thương lái đã ký hợp đồng và có thời gian thu hoạch từ ngày 27/1 đến 3/2 là 5.000 đồng/kg.
Tâm An
Theo vietnamnet.vn
Ảnh hưởng dịch cúm Corona, Long An bàn cách mua dự trữ thanh long
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An vừa cho biết, để giải cứu thanh long cho nông dân trên địa bàn, tỉnh đang nhắm đến kế hoạch thu mua dự trữ thanh long.
Cũng theo ông Trịnh, hiện Trung Quốc đã đóng giao dịch tại các cửa khẩu biên giới để kiểm soát dịch Corona, trong khi hiện trên địa bàn tỉnh Long An vụ thanh long này sẽ thu hoạch khoảng 20.000 tấn.
Long An cần phải giải cứu khoảng 20.000 tấn thanh long trong vụ thu hoạch này.
"Thương lái Trung Quốc đã bỏ hầu hết các hợp đồng thu mua thanh long với nông dân. Nếu thị trường Trung Quốc không ăn hàng, chỉ còn cách bán cho thị trường trong nước. 80% thanh long đang trồng ở Long An để xuất đi Trung Quốc. Một số ít còn lại bán sang thị trường nước ngoài khác", ông Trịnh thông tin.
Mới đây, những nhà kho trong Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đã họp và thống nhất sẽ cố gắng tiếp tục thu mua thanh long của nông dân với mức giá bình quân khoảng 10.000 đồng/kg.
"Đây đều là các doanh nghiệp đã có hợp đồng bao tiêu với nhà vườn. Do tình hình tiêu thụ khó khăn, nên hiện tại phải giảm giá", ông Trịnh thổ lộ.
Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá thanh long lên đến gần 40.000 đồng/kg loại I.
Nhiều kho thu mua thanh long tại huyện Châu Thành đã đóng cửa.
Theo ông Nguyễn Văn Thình, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, một địa phương trồng thanh long chủ lực của Long An, hiện huyện có hơn 9.000 ha thanh long, trong đó hơn 8.000 ha thanh long ruột đỏ. Thời điểm này có khoảng 1.500 ha đang vào vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 9.000 tấn.
"Việc thu mua thanh long đang gặp rất nhiều khó khăn, giá thấp. Huyện đã làm việc với các doanh nghiệp để thu mua thanh long trong dân nhưng không thể theo giá đặt cọc trước tết. huyện cũng đề nghị doanh nghiệp thỏa thuận với người dân sao cho hài hòa giữa bên mua và bên bán", ông Thình chia sẻ.
Liên quan đến việc giải cứu thanh long trước dịch Corona, ông Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên (một công ty chuyên thu mua nông sản xuất khẩu) cho biết, thanh long tại Tiền Giang đã "bế tắc đầu ra".
"Mới đây, một vài nông dân trồng thanh long ở Tiền Giang liên hệ với công ty để bán thanh long. Nhưng rõ ràng, nếu mua thanh long xuất đi Trung Quốc thì bất khả thi, khi Trung Quốc đã đóng giao dịch tại các cửa khẩu biên giới", ông Cung bộc bạch.
Không chỉ thanh long, các loại trái cây chủ lực lâu nay xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng đang ùn ứ.
Thậm chí, ông Cung còn cho rằng, một số thị trường khác Trung Quốc cũng đang rất e dè việc nhập nông sản do sợ sức tiêu thụ kém.
"Công ty vừa thất bại trong việc xuất 2 contenner bưởi đi Đức. Lý do họ không lấy hàng là nghi ngại người dân hạn chế tiêu thụ", ông Cung cho biết.
Hiện, tại Tiền Giang, không chỉ có thanh long, mà sầu riêng và mít cũng chung cảnh dồn ứ, giá khá thấp do không xuất khẩu sang Trung Quốc được.
Ngày 29/1, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết đang theo dõi sát sao tình hình bệnh dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới (nCoV) gây ra để đánh giá khả năng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu đã khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.
Bộ Công Thương nhận định, nếu dịch virus Corona mới kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Theo Danviet
Chưa đến Tết, hàng loạt trái cây đã tăng giá mạnh Hàng loạt trái cây như thanh long, bưởi, quýt đường, mít... đã tăng giá mạnh ngay trước Tết Nguyên đán 2020. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, thời điểm gần Tết Nguyên đán, thị trường trái cây khá sôi động với nguồn cung có xu hướng tăng đáp ứng nhu cầu lớn vào thời điểm này. Thị...