Trung Quốc hướng trọng tâm cải cách vào đất đai và thuế
Theo ông Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) – văn bản Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 (diễn ra từ 9-12.11) của Trung Quốc (TQ) đề cao cải cách kinh tế. Về mặt chi tiết của cải cách có 2 điểm mới và là lựa chọn TQ: Không cải cách ồ ạt, mà lựa chọn những lĩnh vực dễ thực hiện nhất, nóng nhất là cải cách đất đai và thuế để đưa vào chương trình trọng tâm.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc VCES (Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR).
Ông Phạm Sỹ Thành nhận định:
Trên thực tế, cho đến nay, tất cả những gì chúng ta tiếp xúc chỉ là văn bản tóm tát tinh thần chính và nội dung chính của Hội nghị. Về văn bản, còn chưa có nhiều cơ sở để hiểu hết nội dung của hội nghị. Nếu chỉ dựa vào văn bản kết luận đó để xem các chính sách này có “mang tính chất bước ngoặt lịch sử” hay không thì vẫn còn hơi sớm.
Cá nhân tôi cảm thấy hơi thất vọng, vì hội nghị lần này nhấn mạnh nhiều về cải cách, nhấn mạnh đến những chính sách “chưa từng có”. Song một vế khác là “mở cửa” thì không để lại ấn tượng mạnh như từ “cải cách”. Nếu 2 vấn đề này không được chú trọng như nhau, nó sẽ tác động lớn đến quá trình cải cách thực chất của TQ. Hiện nay, khu vực kinh tế ngoài nhà nước ở TQ đang đứng trước điểm nghẽn phát triển.
Theo số liệu của chúng tôi, 70% tín dụng của ngân hàng thương mại TQ là dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chỉ có 30% dành cho DN tư nhân. Một áp lực khác không được đề cập đến trong văn bản hội nghị T.Ư 3 TQ lần này là cạnh tranh từ khu vực kinh tế nước ngoài. Đó là lý do vì sao tôi nói những cải cách của TQ từ đây về sau nếu không được chú trọng vào các khu vực thể chế bên ngoài này, thì sẽ không tạo ra được cải cách thực chất.
Đâu là những điểm mới tại hội nghị lần này, theo quan điểm của ông?
Về mặt đường lối thì điều mới nhất là cụm từ “để thị trường đóng vai trò mang tính quyết định”. Hội nghị T.Ư 3 khóa 16 dưới thời nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào chỉ nhắc đến “thị trường đóng vai trò cơ sở, nền tảng”. Nhìn từ một góc độ khác, cách biểu đạt này ẩn chứa việc chính quyền trung ương muốn thị trường tham gia sâu hơn nữa vào các hoạt động kinh tế – xã hội thay cho vai trò điều phối quan liêu của chính quyền địa phương và bộ ngành.
Cách biểu đạt này tạo ra tư duy mới về điều hành kinh tế TQ từ trung ương đến cấp thấp hơn. Về mặt chi tiết của cải cách có 2 điểm mới và là lựa chọn TQ: Không cải cách ồ ạt, mà lựa chọn những lĩnh vực dễ thực hiện nhất, nóng nhất là cải cách đất đai và thuế đã được đưa vào chương trình trọng tâm. Nhưng lĩnh vực khác là DNNN và tài chính chưa được nhắc đến cụ thể. Bản thân tôi cho rằng đây là một sự đánh đổi hay thỏa thuận giữa các nhóm lợi ích trong phe cải cách của TQ.
Video đang HOT
Theo RFI, thông cáo hội nghị nêu rõ “các khu vực kinh tế do Nhà nước kiểm soát cũng như các khu vực không do Nhà nước kiểm soát đều là “những thành tố quan trọng của nền kinh tế thị trường XHCN”. Phải chăng là sự thừa nhận vai trò ngang bằng giữa kinh tế tư nhân với DNNN?
Những nội dung biểu đạt về lĩnh vực này, cá nhân tôi thấy đây là bước lùi so với những tiến triển mà TQ đạt được. Vì văn kiện Đại hội 18 TQ đã thay đổi rất lớn so với Đại hội 17, đồng thời cải cách DNNN đã đạt được tiến triển quan trọng về phương hướng cải cách ở Đại hội 18 khi nhấn mạnh cải cách trọng tâm là chống độc quyền hành chính.
Đó là bước tiến lớn so với những gì văn kiện Đại hội 17 đề ra. Nhưng đến hội nghị T.Ư 3, tôi thấy sự trở lại của tinh thần văn kiện Đại hội 17 trong cách biểu đạt về vai trò của kinh tế nhà nước cũng như phương hướng cải cách DNNN. Văn bản lần này cho rằng trọng tâm của DNNN là hoàn thiện chế độ DN hiện đại. Thậm chí nó làm tôi nhớ đến biện pháp cải cách DNNN của TQ năm 1992 mà kết quả rất hạn chế là “xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện đại”. Quyết tâm cải cách DNNN dường như mờ nhạt hơn so với không khí thảo luận ban đầu trước hội nghị này.
Nếu so với nội dung phương án cải cách có tên 383 do Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện TQ đưa ra trước hội nghị – theo đó cải cách chống độc quyền bằng cách nới lỏng hạn chế gia nhập ngành cho các khu vực kinh tế khác cạnh tranh với DNNN – thì cụm từ này không xuất hiện trong văn bản của hội nghị T.Ư 3. Có thể đó là lựa chọn mang tính đánh đổi, có những lợi ích tạm thời phải “nhượng lại” để có đồng thuận chung về cải cách, Trong khi đó, cải cách đất đai, thuế và tài chính được đề cập đến đầu tiên và rõ nét trong văn bản.
Có nghĩa những cải cách đưa ra không thực sự mang tính bước ngoặt như dư luận kỳ vọng trước Hội nghị TƯ, thưa ông?
Tôi nghĩ có lẽ nó đã không đạt kỳ vọng như phương án 383. Nhưng điều này cũng dễ hiểu, vì mọi cải cách đều có 2 rủi ro lớn: Một là nói nhưng không làm gì, hai là làm tất cả cùng lúc. Trong khi đó, TQ luôn tránh làm mọi cái cùng lúc, mà làm từng phần hay “dò đá qua sông”. Cách làm của TQ vẫn rất truyền thống: Đó là tiến hành tự do hóa chứ không phải tư nhân hóa.
Cách làm này là để thị trường đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong phân bổ nguồn lực thay vì phân định lại ngay lập tức về quyền tài sản. Trong bối cảnh DN tư nhân TQ chưa đủ lực để thay thế DNNN, TQ đã lựa chọn chính xác khi không đi theo cách Nga hay Đông Âu cải tổ, vì nếu như vậy TQ không có lực lượng bên ngoài khu vực nhà nước đủ sức nắm được các nguồn lực mà DNNN đang nắm giữ. Ở thời điểm TQ gia nhập WTO, TQ đã đứng trước cơ hội chuyển giao thực chất hơn nữa vai trò và quyền lực cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước, vì sức ép và vị thế.của khu vực này lên khu vực “trong thể chế” đã đủ mạnh. Tuy nhiên, TQ dưới thời nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào đã bỏ lỡ điều này.
Vậy còn cải cách quyền sở hữu đất nông nghiệp thì sao thưa ông?
Do văn kiện HN TƯ 3 TQ giống như một văn bản chỉ đạo đường lối và khuôn khổ nên biểu đạt về sở hữu đất đai tại TQ chưa thực sự rõ. Điểm lựa chọn để cải cách là thể chế quản lý đất đai hiện hành. Theo cách truyền thống, TQ dựa vào thị trường nhiều hơn để phân bổ nguồn lực đất, trao nhiều quyền lợi hơn cho nông dân. Song cách làm mà hội nghị lần này nêu lên cũng giống như cách cải cách DNNN, bởi TQ chưa đụng đến vấn đè cốt lõi của quyền tài sản – đó là quyền sở hữu – mà chỉ chạm đến các quyền lợi phái sinh từ quyền sở hữu.
Cụ thể là quyền chuyển nhượng – làm gia tăng vai trò thị trường trong điều tiết thị trường đất đai ở nông thôn. Tuy nhiên, điều này sẽ vấp phải trở lực từ địa phương và nó giống như một biện pháp là hạn chế bớt quyền lực địa phương. Lợi ích từ thu nhập đất đai của chính quyền địa phương rất lớn, khi đến năm 2012 có 3.500 tỉ NDT hay khoảng 75% thu nhập của chính quyền địa phương là từ đất đai, tăng mạnh từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Như vậy, các quyết sách mới của TQ sẽ đụng chạm nhiều đến quyền lợi của chính quyền địa phương. Theo ông cuộc mặc cả lợi ích giữa chính quyền trung ương và địa phương TQ sẽ diễn ra như thế nào sau hội nghị này?
Những biểu đạt của bản tóm tắt không đề cập quan hệ giữa địa phương và trung ương, trong lúc nhắc lại nhiều lần cụm từ “để thị trường đóng vai trò mang tính quyết định” trong vấn đề mang tính kinh tế của TQ. Rõ ràng, có thể hiểu gián tiếp đó là sự biểu đạt chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò khác đi so với các giai đoạn điều hành kinh tế trước đây, khi thị trường chỉ “đóng vai trò nền tảng”. Có nghĩa chính quyền địa phương sẽ phải nhượng bộ lợi ích cho khu vực thị trường. Vì vậy, một trở ngại có thể lường trước là sự không hợp tác của chính quyền địa phương, vì đây là chủ thể được nhắm đến cho cả lộ trình cải cách đất đai và thuế theo hướng để thị trường quyết định.
Xin cảm ơn ông!
Theo Loadong
Trung Quốc công bố cải cách kinh tế quan trọng
Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay bế mạc kỳ họp trung ương ba, tuyên bố sẽ tiếp tục cải cách nền kinh tế và để thị trường nắm giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực.
Các lãnh đạo Trung Quốc tại Hội nghị toàn thể lần thứ hai khóa 18 hồi tháng 3. Ảnh: Xinhua
Hội nghị toàn thể lần thứ ba tức Kỳ họp Trung ương ba khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay bế mạc tại Bắc Kinh. Kỳ họp có sự tham dự của toàn bộ 205 ủy viên trung ương đảng cùng với 171 ủy viên dự khuyết và có truyền thống thiết lập các chính sách kinh tế cho chính phủ mới.
"Vấn đề cốt lõi là xử lý hợp lý mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường để cho phép thị trường phát huy vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực và chính phủ thực hiện vai trò của mình được tốt hơn", hãng thông tấn nhà nướcXinhua trích thông cáo của kỳ họp cho biết, tuy nhiên không nói rõ các biện pháp cụ thể là gì.
Trung Quốc "sẽ thúc đẩy cải cách ruộng đất và cấp thêm quyền sở hữu cho nông dân", bao gồm một thị trường đất đai phát triển ở cả thành phố và nông thôn, hãng thông tấn cho hay.
"Cả hai khu vực quốc doanh và ngoài quốc doanh đều là thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và là những căn cứ quan trọng cho sự phát triển của kinh tế và xã hội", thông cáo của kỳ họp viết.
Văn bản không nhắc đến chính sách một con hoặc các nội dung khác được dự đoán cải cách ví dụ như chế độ hộ khẩu, được cho là hạn chế quyền lợi của những người lao động ngoại tỉnh làm việc tại thành phố.
Một ủy ban an ninh quốc gia sẽ được thành lập "để cải thiện hệ thống và chiến lược cho nền an ninh quốc gia", và cần phải "ngăn ngừa một cách hiệu quả, chấm dứt các tranh chấp xã hội, đồng thời cải thiện an ninh công cộng", Xinhua dẫn nguồn thông cáo viết, hai tuần sau vụ tấn công khủng bố tại quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm thủ đô.
"Đảng sẽ phát huy tích cực vai trò lãnh đạo chủ chốt trong mọi tình hình và phối hợp với mọi thành phần và nâng cao trình độ lãnh đạo để đảm bảo sự thành công cho cải cách", thông cáo viết thêm.
Đài truyền hình trung ương CCTV cũng phát đi hình ảnh các ủy viên trung ương trong hội trường, giơ tay thông qua nghị quyết của kỳ họp. 25 thành viên Bộ Chính trị ngồi hàng đầu, Tổng bí thư Tập Cận Bình ở chính giữa.
Hội nghị lần này được coi là kỳ họp thiết lập phương hướng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong vòng một thập kỷ tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết Trung Quốc dường như chưa thống nhất được các chi tiết của cải cách.
"Họ có nhắc đến một số cải cách ví dụ như tài chính, sử dụng đất ở nông thôn và đô thị nhưng nội dung rất rộng, làm cho mọi người cảm giác như thỏa thuận cụ thể có thể đã không đạt được", Wang Qinwei, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại London, nói với AFP.
Một số người dùng mạng xã hội của Trung Quốc cũng cho rằng thông báo thực ra không mới mẻ. "Chẳng có cải cách gì ở đây cả", một người dùng mạng xã hội Sina Weibo viết. Một người khác nói rằng: "Chẳng phải vẫn như cũ sao?"
Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định hội nghị "sẽ là một bước ngoặt với việc ban hành các chính sách kinh tế mạnh mẽ". Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sức ép phải thay đổi chưa thực sự lớn để Trung Quốc đưa ra cải cách triệt để nền kinh tế như trong Hội nghị trung ương ba năm 1978 thời ông Đặng Tiểu Bình.
Theo VNE
Chọn hạt nhân lãnh đạo cho một thập kỷ tới Hôm nay, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) lần thứ 18 (Đại hội 18) khai mạc. Các đại biểu ngồi kín Đại lễ đường Nhân dân trong phiên trù bị. Đại hội được đánh giá là cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra 10 năm một lần ở TQ, trong bối cảnh Đảng...