Trung Quốc hung hăng, Philippines cầu ngoại binh
Trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng và một đồng minh Mỹ chưa đủ độ quyết liệt, Philippines đã tìm cách trang bị thêm cho mình “những vũ khí mới” để giúp nước này chống lại nước láng giềng khổng lồ trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
“Vũ khí mới”
Những tháng vừa qua, người dân thế giới đã chứng kiến một cuộc đối đầu căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Với tư cách là một nước nhỏ, Manila buộc phải tìm kiếm đồng minh để có thể tự tin đối đầu với một cường quốc khu vực đang ngày càng lớn mạnh như Trung Quốc.
Trong cuộc đối đầu kéo dài suốt hai tháng 4 và 5 vừa rồi ở bãi cạn Scarborough, Philippines đã tích cực lôi kéo sự ủng hộ của Mỹ – đồng minh thân thiết của Manila cũng là cường quốc số 1 thế giới. Một mặt, Washington bày tỏ sự ủng hộ nhất định đối với Manila nhưng mặt khác nước này vẫn giữ thái độ lập lờ, nước đôi trong việc đưa ra phản ứng đủ mạnh đối với Trung Quốc. Manila cũng tìm đến sự giúp đỡ của ASEAN nhưng tổ chức này đang có bất đồng trong cách thức xử lý những cuộc tranh chấp hiện nay ở Biển Đông. Tình thế trên đã thúc đẩy Philippines tìm đến với những đồng minh mới.
Trong mấy tuần trở lại đây, Manila đã tìm được cho nước này 2 “vũ khí mới”, giúp họ có thêm tự tin để đối đầu với nước láng giềng hùng mạnh.
Hôm 24/7, Thượng viện Philippines đã thông qua một hiệp ước cho phép binh lính Australia vào nước này để tham gia tập luyện trong các cuộc tập trận chiến đấu với lực lượng Philippines. Hiệp ước này đã bị các thượng nghị sĩ Philippines cản trở suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, cuối cùng, nó đã được thông qua bởi Manila hiện giờ đang rất lo ngại về Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Loren Legarda – người ủng hộ tích cực cho hiệp ước quân sự Philippines-Australia, cho biết, hiệp ước này đã được thông qua với số phiếu ủng hộ là 17/23. Bà Legarda tin rằng, đây là hiệp ước sẽ giúp củng cố quốc phòng cho Philippines.
Video đang HOT
Sự hiện diện của quân đội nước ngoài vốn là một vấn đề gây tranh cãi rất lớn ở Philippines – một nước từng là thuộc địa của Mỹ. Hiến pháp Philippines cấm quân đội nước ngoài đóng thường trú tại nước này và Thượng viện đã phải phê chuẩn những thỏa thuận quy định rõ hoạt động của các binh lính nước ngoài có mặt trên lãnh thổ Philippines.
Manila cũng đã ký một hiệp ước quân sự tương tự với Mỹ năm 1999 và hiệp ước đó cho phép lực lượng Mỹ ở lại Philippines từ năm 2002 để đào tạo và huấn luyện cho binh lính Philippines chống lại lực lượng khủng bố.
Thượng nghị sĩ Legarda cho biết, bà đã từng bỏ phiếu phản đối hiệp ước như trên với Mỹ vào cuối những năm 1990. Tuy nhiên, lần này, bà Legarda quyết định ủng hộ hiệp ước đã bị trì hoãn 4 năm nay với Australia vì lo ngại những môi đe dọa an ninh mà Philippines đang phải đối mặt. “Hiện tại, những thách thức an ninh đòi hỏi chúng tôi phải củng cố khả năng phòng vệ qua mối quan hệ hợp tác với các đồng minh”, bà Legarda phát biểu.
Thượng nghị sĩ Eduardo Angara cũng cho biết, ông ủng hộ hiệp ước quân sự với Australia bởi Philippines cần “một mạng lưới bạn bè bảo vệ” trong bối cảnh nước này đang phải “đối mặt với mối đe dọa từ một nước rất mạnh và nước đó đang đòi chủ quyền lãnh thổ sang đến tận cửa ngõ lãnh thổ của chúng ta”. Ông Angara tin, hiệp ước với Australia cùng với các hiệp ước an ninh khác sẽ giúp tạo ra một tấm lá chắn phòng vệ cho Philippines từ bắc đến nam, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Brunei, Indonesia và Australia.
Trước khi ký hiệp ước an ninh với Australia, Philippines còn “bắt tay” với Nhật Bản để củng cố sức mạnh của nước này. Hồi đầu tháng 7, Manila đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Nhật Bản. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto ở thủ đô Tokyo hôm 2/7. Trong cuộc gặp này, hai quan chức quân sự cấp cao nhất đã ký vào Biên bản Ghi nhớ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Philippines-Nhật Bản.
Thỏa thuận kéo dài 5 năm trên cho phép hai nước thực hiện các cuộc trao đổi quân sự cấp cao, cấp làm việc và giữa các đơn vị quân đội với nhau. Hai nước cũng có thể trao đổi về chính sách an ninh, những quan ngại về quốc phòng, trao đổi thông tin hàng hải cũng như khu vực. Thỏa thuận quân sự song phương còn cho phép Philippines và Nhật Bản hợp tác với nhau trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình và củng cố lực lượng.
Trong chuyến thăm đến Nhật Bản hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng đã thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda về sự cần thiết trong việc củng cố mối quan hệ giữa lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân hai nước.
Trong thỏa thuận vừa ký hồi đầu tháng 7, Tokyo cũng đã cam kết cung cấp cho Manila 12 tàu tuần tra được trang bị hệ thống điện tử hiện đại để nước này củng cố sức mạnh trên biển.
Philippines tự tin với sức mạnh mới?
Không hiểu có phải là do tự tin với sức mạnh mới của mình, Philippines trong những ngày qua tiếp tục thể hiện thái độ thách thức đầy ngạo nghễ trước nước láng giềng to lớn của mình.
Hôm 3/8, giới chức Philippines tuyên bố, nước này nước này đang tăng tốc thực hiện các bước đi pháp lý nhằm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dù Bắc Kinh “có hợp tác hay không”. Cụ thể, Manila sẽ đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế dù Trung Quốc có muốn hay không.
Động thái trên của Manila chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức giận bởi nước này luôn miệng khẳng định mong muốn giải quyết những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với các nước láng giềng trên cơ sở đàm phán song phương trực tiếp. Với tư cách là nước lớn, Trung Quốc tin rằng họ có thể dễ bề “áp chế” các nước láng giềng nhỏ bé hơn trong các cuộc đối đầu song phương.
Trước đó, hôm 31/7, Philippines cũng đã có hành động thách thức Trung Quốc khi tiến hành mời thầu quốc tế thăm dò và khai thác tại 3 lô dầu khí ở Biển Đông, trong đó có hai lô dầu khí đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước.
Philippines vừa có cuộc đối đầu căng thẳng và quyết liệt kéo dài hơn 2 tháng với Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Cuộc khủng hoảng này được châm ngòi từ vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với 2 tàu hải giám Trung Quốc hôm 10/4. Kể từ cuộc đối đầu đó đến nay, người ta đã chứng kiến một Manila ngày càng cứng rắn, quyết liệt và không ngại đối đầu trực tiếp với một nước lớn như Trung Quốc.
Khác với những lần đụng độ trước, lần này, Philippines tỏ ra mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nước này nhiều lần tuyên bố sẽ không lùi bước trong cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay với Trung Quốc. Điều đó được thể hiện rất rõ qua các động thái của giới lãnh đạo ở Manila trong thời gian qua. Tổng thống Beningo Aquino III cũng như nhiều quan chức cấp cao khác của Philippines không ngần ngại chỉ trích, tố tội Trung Quốc bằng những ngôn từ mạnh mẽ, sắc nhọn. Sự cứng rắn của Manila khiến nhiều nước láng giềng Châu Á bất ngờ.
Ngoài dùng ngôn từ mạnh, Philippines còn có những hành động cứng rắn khác như đưa tàu thuyền ra vùng tranh chấp, cấp tập mua sắm thêm vũ khí hiện đại để sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.
Một số nhà phân tích nhận định, sự thách thức của Philippines đối với Trung Quốc xuất phát một phần từ sự tự tin của nước này khi có sự ủng hộ của Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Theo VNMedia
Trung Quốc phản đối can thiệp quân sự Biển Đông?
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) hôm qua (31/7) đã lên tiếng bác bỏ tin đồn cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị gây chiến ở Biển Đông. PLA tuyên bố chống lại bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào khu vực.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trước thềm lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập PLA, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc - ông Geng Yansheng vẫn tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ông này nói: "Trung Quốc có các quyền chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Biển Đông và những vùng lãnh hải xung quanh".
Khi được hỏi về khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông, ông Geng đã trả lời: "Quân đội Trung Quốc phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào khu vực này".
Trong những phát biểu của mình, ông Geng cũng tiếp tục làm rõ, Bắc Kinh muốn giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay thông qua đàm phán. Tuy nhiên, những động thái gần đây của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông dường như đang đi ngược lại với mong muốn mà giới chức nước này thể hiện.
Một trong những động thái gây sóng gió lớn nhất ở Biển Đông trong thời gian qua của Trung Quốc là việc nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" kèm theo một loạt những hoạt động dựng chính quyền, triển khai quân đội ở nơi này.
Hồi tháng 6, Trung Quốc đã thông báo thành lập cái gọi là thành phố "Tam Sa" với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau khi dựng lên chính quyền ở đây, Trung Quốc tiếp tục thông báo kế hoạch đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là "thành phố Tam Sa" này.
Hành động trên của Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau khi ASEAN vừa lên tiếng kêu gọi tất cả các bên giải quyết xung đột ở Biển Đông thông qua con đường hòa bình.
Trong khi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam, Trung Quốc vẫn khẳng định, hành động của họ là nhằm để "bảo vệ chủ quyền quốc gia và các quyền hàng hải".
Theo VNMedia
Trung Quốc lộ rõ bản chất hai mặt Philippines muốn tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh giữa lúc Trung Quốc đang ngày càng hung hăng khẳng định chủ quyền ở biển Đông Các nước có liên quan trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông đang có những động thái đối phó mạnh mẽ trước những hành động hung hăng và sai trái...