Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông để ép Mỹ vào thế đối đầu?
Trung Quốc tin rằng họ sẽ đạt thế thượng phong trong cuộc đối đầu với Mỹ ở châu Á.
Hồi đầu tháng 5, khi Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam bất chấp sự phản đối của Hà Nội và sự lên án của cộng đồng quốc tế, nhiều chuyên gia vẫn không hiểu tại sao Trung Quốc lại hành xử một cách hung hăng như vậy trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Câu hỏi họ đặt ra là Bắc Kinh hy vọng sẽ đạt được điều gì thông qua việc hăm dọa, dồn ép các quốc gia láng giềng và hủy hoại ổn định trong khu vực bằng hành động “hung hăng, khiêu khích” của mình trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Giáo sư Hugh White tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc đã tìm cách lý giải hành động của Trung Quốc: Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng cái mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “một mô hình mới của quan hệ nước lớn” trong khu vực.
Giáo sư Hugh White tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc
Để hiểu được mục đích của Bắc Kinh trong các hành động ngang ngược trên, chúng ta phải biết rằng trong “mô hình mới” này, Tập Cận Bình muốn Trung Quốc thể hiện được quyền lực và ảnh hưởng đối với khu vực châu Á nhiều hơn những gì họ đã làm trong vài thế kỷ qua.
Theo quan niệm của người Trung Quốc, “một nước không thể có hai vua”, bởi vậy khi quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, vị thế của người Mỹ trong khu vực phải giảm xuống. Đó chính là điều mà Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách đạt được.
Lý do của việc Trung Quốc muốn xây dựng “mô hình mới” này vô cùng đơn giản. Họ biết rõ rằng vị thế của Mỹ ở châu Á được xây dựng dựa trên mạng lưới đồng minh và đối tác với các quốc gia trong khu vực, trong đó có nhiều láng giềng của Trung Quốc. Bắc Kinh tin rằng việc làm suy yếu các mối quan hệ này là các dễ dàng nhất để tước đoạt quyền lực của Mỹ trong khu vực.
Và họ cũng hiểu rất rõ rằng, đằng sau sự hoa mỹ của những từ ngữ ngoại giao, nền tảng của quan hệ đồng minh và đối tác giữa Mỹ và các bạn bè châu Á chính là niềm tin tưởng rằng Mỹ có khả năng và ý chí để bảo vệ họ trước mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Thế nên cách dễ dàng nhất để Bắc Kinh làm suy yếu quyền lực Mỹ ở châu Á là làm xói mòn niềm tin này của các quốc gia trong khu vực. Và cách dễ nhất để đạt được điều đó là gây sức ép với các quốc gia này trong những vấn đề không liên quan trực tiếp đến lợi ích của Mỹ, chẳng hạn như những tranh chấp tại các khu vực mà Mỹ không cảm thấy bị đe dọa ngay lập tức.
Video đang HOT
Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương
Bằng cách tạo ra sức ép trực tiếp tại các khu vực tranh chấp bằng cả tàu quân sự và tàu hải cảnh, Trung Quốc đang khiến các quốc gia láng giềng mong mỏi hơn về sự hậu thuẫn quân sự của Mỹ, đồng thời lại gây sức ép để Mỹ không muốn đưa ra sự ủng hộ này với quan ngại về nguy cơ đụng độ trực tiếp Mỹ-Trung.
Nói cách khác, bằng cách hăm dọa các bạn bè của Mỹ bằng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả vũ lực, Trung Quốc đang đẩy Mỹ vào thế phải lựa chọn giữa việc bỏ rơi bạn bè ở châu Á hoặc phải đối đầu với Trung Quốc.
Bắc Kinh đang đánh cược rằng trước hai lựa chọn này, Mỹ sẽ phải lùi bước và không có động thái gì hỗ trợ đồng minh và bạn bè trong khu vực về mặt quân sự trước sức ép đến từ Trung Quốc. Điều đó sẽ làm suy yếu quan hệ đồng mình của Mỹ trong khu vực, từ đó hủy hoại quyền lực của Mỹ ở châu Á và tăng cường quyền lực của Trung Quốc.
Quan điểm này của Trung Quốc được thể hiện rất rõ trong các hành động gần đây của họ.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố về chính sách “xoay trục châu Á”, Trung Quốc đã tìm cách thử thách quyết tâm ủng hộ đồng minh của Mỹ bằng cách gây sức ép cả trên bãi cạn Scarborough của Philippines và nhóm đảo Senkaku của Nhật Bản, hai đồng minh thân cận của Mỹ.
Trong cả hai khu vực tranh chấp này, Mỹ dường như có chiều hướng lùi bước trước sức ép quá lớn đến từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, trong chuyến công du châu Á gần đây, Tổng thống Obama lại thể hiện quyết tâm “xoay trục” châu Á bằng những lời lẽ quyết liệt rằng Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh đến cùng trước mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Sự ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông
Trước những lời lẽ cứng rắn đó của ông Obama, Bắc Kinh lại muốn đưa ra một phép thử nữa để xem Mỹ “nói đi đôi với làm” đến đâu, và chuyên gia White cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến họ kéo giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam.
Với hành động ngang ngược này, Trung Quốc đang muốn chứng tỏ rằng ông Obama chỉ biết “mạnh miệng” mà không dám làm gì trong thực tiễn. Bởi vậy, ông White dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm gia tăng sức ép lên cả Philippines và Nhật Bản trong thời gian tới.
Tất nhiên hành động hung hăng này của Trung Quốc không hẳn là không ẩn chứa rủi ro. Trung Quốc không muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ, thế nên họ phải tính toán rằng Mỹ sẽ phải lùi bước và từ bỏ đồng minh trong khu vực chứ không phải bước lên để đối đầu với Trung Quốc, ngay cả khi hành động lùi bước đó làm suy yếu đáng kể vị thế của Mỹ ở châu Á. Niềm tin này phản ánh hai nhận định chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.
Thứ nhất, họ tin rằng chiến lược chống tiếp cận mới của họ có thể khiến Mỹ không thể giành được chiến thắng nhanh chóng và dễ dàng trong các cuộc đụng độ trong khu vực ven biển ở Đông Á.
Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ học thuyết Chiến tranh Không-Biển của Mỹ, và họ biết được rằng Mỹ không thể chiếm được ưu thế trong các vùng biển nông đó nếu không phát động một chiến dịch không kích cực lớn vào lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng hành động không kích đó có thể gây nguy cơ leo thang căng thẳng thành một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt.
Bởi vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng những người đồng cấp Mỹ sẽ không muốn đẩy nước mình vào một cuộc chiến tranh không thể giành chiến thắng trước Trung Quốc mà không phải trả cái giá quá đắt.
Trung Quốc tin rằng Mỹ không dám tấn công toàn diện Trung Quốc
Thứ hai, giới chóp bu Bắc Kinh tin rằng cán cân quyền lực hiện nay đang nghiêng về phía Trung Quốc. Mỹ rõ ràng là muốn duy trì vị thế của họ ở châu Á, thế nhưng Bắc Kinh còn muốn giành được ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này nhiều hơn, và điều đó đặt Trung Quốc ở thế “trên cơ” so với Mỹ.
Cách hành xử của Trung Quốc chứng tỏ một điều là Bắc Kinh tin rằng Mỹ đang hiểu rõ thế chênh lệch quyền lực này. Điều đó khiến người Trung Quốc tự tin rằng giới lãnh đạo Mỹ không dám chắc Trung Quốc sẽ chịu nhượng bộ trước trong trường hợp khủng hoảng nổ ra.
Lối suy nghĩ và hành xử này của Trung Quốc có vẻ như đã khiến cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều chiến lược gia ở Washington bất ngờ. Từ trước tới nay, nhiều người vẫn tin rằng Trung Quốc không dám thách thức địa vị thống trị của Mỹ ở châu Á vì người Mỹ tin rằng Trung Quốc không mạo hiểm đối đầu với Mỹ trong một cuộc chiến mà họ biết chắc là sẽ thua.
Chính quan niệm này đã khiến Mỹ không chú ý đúng mức đến sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc của châu Á.
Theo chuyên gia Brad Glosserman, châu Á ngày nay chứa đựng rất nhiều nguy cơ gây ra thảm họa từ những hiểu lầm lẫn nhau. Cả Mỹ và Trung Quốc đang dần dần đẩy sự đối địch của họ trong khu vực lên đến đỉnh điểm khi hành vi khiêu khích của Trung Quốc đối với đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực ngày càng lộ liễu hơn.
Cả hai cường quốc đều tin rằng họ có thể “làm tới” trong khu vực này với niềm tin rằng đối phương sẽ phải nhượng bộ nhằm tránh nguy cơ nổ ra xung đột. Chính thực tế này đang ẩn chứa nguy cơ rằng cả Bắc Kinh và Washington đều đang tính toán sai, dẫn đến một hiểm họa khôn lường trong khu vực.
Theo Khám phá
Trung Quốc mượn diễn đàn khu vực cảnh báo châu Á về liên minh quân sự
Chủ tịch Trung Quốc hôm nay đã đưa ra một lời cảnh báo đối với Mỹ và các nước khác, nói rằng các quốc gia không nên tăng cường các liên minh quân sự để chống lại Trung Quốc, dù Bắc Kinh có mâu thuẫn với các quốc gia láng giềng về tranh chấp lãnh thổ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) ở Thượng Hải ngày 21/5, Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay một Trung Quốc đang lớn mạnh cần các biện pháp "hòa bình" để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Trung Quốc đã tìm cách chống lại chính sách "xoay trục" sang châu Á của Washington nhưng Bắc Kinh cũng khiến các đồng minh của Mỹ nổi giận với các động thái ngày càng hung hăng trong các tranh chấp lãnh thổ.
"Tăng cường liên minh quân sự nhằm vào một bên thứ 3 không có lợi trong việc duy trì an ninh chung", ông Tập nói, nhưng không nhắc tới cái tên cụ thể nào.
Trong chuyến thăm châu Á hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm cách đảm bảo với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Philippines rằng chiến lược "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương mà ông cam kết từ lâu, được xem là nhằm chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh, là có thật.
Trước đó, hãng tin Xinhua của Trung Quốc đã hối thúc các quốc gia bên ngoài châu Á không làm gia tăng các căng thẳng.
"Các quốc gia từ những nơi khác trên thế giới cần đóng một vai trò tích cực. Họ không nên đổ thêm dầu vào lửa", một bài xã luận của Xinhua viết ngày 20/5.
Trung Quốc vướng vào tranh chấp lãnh thổ với một loạt các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông. Trung Quốc và Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Hoa Đông.
Nhưng ông Tập nói: "Trung Quốc cam kết tìm kiếm cách giải quyết hòa bình trong cách tranh chấp với các quốc gia khác về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi và lợi ích hàng hải".
Ông Tập cũng phát biểu tại diễn đàn rằng Trung Quốc quan tâm tới một bộ quy tắc an ninh khu vực, nhưng không nói chi tiết.
Hồi đầu tháng này, các lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng" về các tranh chấp lãnh thổ đang xấu đi ở Biển Đông, kêu gọi một giải pháp hòa bình và thể hiện một lập trường đoàn kết chống lại Bắc Kinh.
Theo Dantri
Khủng hoảng Ukraine: Nga còn quân át chủ bài Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang leo thang lên đến đỉnh điểm vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong thế bị dồn ép, gây áp lực, Nga có thể tung ra quân át chủ bài khiến phương Tây choáng váng, không thể chống đỡ. Đó là chiêu cung cấp tên lửa siêu tinh vi mà Nga từng đe dọa sẽ bán...