Trung Quốc hứng đòn trừng phạt từ Mỹ vì mua tên lửa, chiến cơ của Nga
Chính quyền Tổng thống Trump hôm 20/9 áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì mua máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa từ Nga, vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Washington đang áp đặt lên Matxcơva.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt với Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và giám đốc EDD Li Shangfu sau khi cơ quan này tham gia vào các giao dịch quan trọng với Rosoboronexport, công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.
Các biện pháp trừng phạt có liên quan tới thương vụ EDD mua 10 máy bay chiến đấu Su-35 vào năm 2017 và các thiết bị liên quan tới hệ thống phòng không S-400 của Nga vào năm 2018, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Một cơ quan quân sự Trung Quốc bị trừng phạt vì mua máy bay, tên lửa Nga. (Ảnh: Reuters)
Với các lệnh trừng phạt tới đây, EDD sẽ không được xin giấy phép xuất khẩu hay tham gia vào hệ thống tài chính của Mỹ. Giám đốc EDD cùng với đó bị cấm thực hiện các giao dịch với nước ngoài và không được cấp thị thực Mỹ. Một số cá nhân ở EDD cũng sẽ bị liệt vào danh sách cấm làm ăn kinh doanh cùng công dân Mỹ.
Video đang HOT
“Mục tiêu cuối cùng của các biện pháp trừng phạt này là Nga. Các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh này không nhằm mục đích làm suy yếu khả năng phòng thủ của bất cứ quốc gia nào cụ thể. Thay vào đó, chúng nhắm vào các điều khoản áp đặt lên Nga”, ông này cho hay.
Tại Matxcơva, đại diện Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga Franz Klintsevich cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới các thương vụ mua bán S-400 và Su-35 giữa Nga với Trung Quốc.
“Tôi chắc chắn rằng hợp đồng này sẽ được thực hiện theo đúng lịch trình. Việc sở hữu các thiết bị quân sự này là quan trọng với Trung Quốc”, Interfax dẫn lời ông Klintsevich cho biết.
Các biện pháp trừng phạt Mỹ đang áp đặt với Nga liên quan cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Các thành viên trong Quốc hội Mỹ nhiều lần kêu gọi chính quyền có những biện pháp cứng rắn hơn để chống lại Matxcơva. Washington cho rằng việc áp đặt lệnh trừng phạt với EDD sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng tới những nước đang cân nhắc mua S-400 của Nga.
Theo Guardian, đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra trừng phạt theo Đạo luật chống đối thủ Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAASTA), trong đó ngăn chặn một quốc gia, tổ chức hay công ty thuộc bên thứ ba giao dịch hoặc có liên đới với các cá nhân, tổ chức hay công ty Nga bị liệt vào danh sách đen.
Các cá nhân và tổ chức bị đưa vào danh sách đen không bị trừng phạt ngay lập tức, nhưng bất kỳ ai có giao dịch với những cá nhân hoặc tổ chức này sẽ phải chịu trách nhiệm dưới đạo luật CAASTA.
Theo VTC
Mỹ cảnh báo Ấn Độ mua S-400 của Nga
Một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cảnh báo Ấn Độ rằng không có gì đảm bảo để New Delhi sẽ được hưởng quyền miễn trừ đặc biệt trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu quyết định mua vũ khí Nga, AFP cho biết.
Hệ thống S-400 của Nga (Ảnh: Reuters)
Washington đang tỏ ra khá lo ngại về việc Ấn Độ, một đồng minh ngày càng quan trọng với Mỹ và cũng là nước nhập khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới, bằng mọi giá sẽ mua các hệ thống vũ khí mới của Nga, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.
Theo một đạo luật của Mỹ, bất cứ quốc gia thứ 3 nào giao dịch với Nga trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo đều có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Tuy nhiên, sau nỗ lực vận động của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Quốc hội Mỹ đã trao quyền cho Tổng thống và Ngoại trưởng được xem xét miễn trừ trừng phạt với những trường hợp nhất định, ví dụ khi một đồng minh của Nga ngả về phương Tây.
Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, cho biết, điều khoản miễn trừ này đã tạo ra quan điểm cho rằng Washington sẽ miễn trừ trừng phạt Ấn Độ trong mọi trường hợp. "Ở đây có một chút hiểu lầm. Chúng tôi vẫn rất quan ngại nếu Ấn Độ theo đuổi các thương vụ mua vũ khí mới của Nga", ông Schriver nói.
Ông Schriver cho rằng, việc Ấn Độ có thể mua S-400 của Nga rất "đáng lo ngại" vì nhiều lý do khác nhau.
Bình luận của ông Schriver được đưa ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại New Delhi vào tuần tới giữa Ấn Độ và Mỹ. Vào dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ gặp gỡ hai người đồng cấp của Ấn Độ.
Những năm gần đây, Mỹ tăng cường quan hệ hợp tác quân sự, ngoại giao với Ấn Độ trong một động thái được cho là tạo đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ mặc dù vẫn mua lượng lớn thiết bị quốc phòng từ Mỹ và Pháp, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các khí tài quân sự của Nga.
Minh Phương
Theo Dantri/ AFP
Mỹ trừng phạt Nga vì nghi án đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal Chính phủ Mỹ vừa cho biết, lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở Anh, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27-8 tới. Lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga vì vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh ở Anh được chính quyền Washington tuyên bố từ hồi đầu...