Trung Quốc: Hàng nghìn người bị lừa mua vàng giả trên mạng
Giá vàng tăng vọt thời gian gần đây đã gây ra cơn sốt vàng thỏi, nhưng cùng với đó, các vụ lừa đảo liên quan vàng ở Trung Quốc cũng ngày càng nhiều.
Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNBC ngày 2/5, chính phủ Trung Quốc cho biết có hàng nghìn người ở nước này đã bị lừa mua vàng giả, tức là vàng kém chất lượng hoặc vàng nhân tạo do tin vào lời mời chào mua “vàng 999″ trên mạng.
Vàng nguyên chất nhất thường được gọi là vàng 999, vì nó có hàm lượng vàng là 99,9%. Đôi khi loại vàng này còn được gọi là vàng 24 carat.
Ông Shaun Rein, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, cho biết: “Vàng giả đang trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc khi ngày càng nhiều người muốn bỏ tiền tiết kiệm vào vàng”.
Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu tiêu dùng vàng thỏi hàng đầu, sau khi nước này vượt qua Ấn Độ vào năm 2023 để trở thành nước mua vàng trang sức lớn nhất thế giới.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 603 tấn trang sức vàng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022.
Ông Rein nói thêm: “Do nhu cầu về vàng cao nhưng người tiêu dùng và nhà đầu tư Trung Quốc lại thiếu hiểu biết, không phân biệt được giữa vàng 24 carat và vàng chất lượng thấp nên đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều”.
Báo chí Trung Quốc và các trang web bảo vệ người tiêu dùng đã đưa tin nhiều về tình trạng gia tăng các vụ lừa đảo liên quan vàng.
Có một người đã mua 5 mặt dây chuyền vàng với giá khoảng 280 USD trên nền tảng thương mại điện tử trực tuyến Taobao. Anh này cho biết đã phát hiện ra mặt dây chuyền vàng là giả sau khi thử bằng lửa. Vàng giả sẽ chuyển màu sẫm hơn hoặc lộ ra màu xanh lục khi đặt dưới ngọn lửa, trong khi vàng nguyên chất sẽ sáng hơn khi tiếp xúc với nhiệt.
Video đang HOT
Một người khác cho biết đã mua một sản phẩm vàng từ nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo, nhưng nó lại bị rỉ sét. Người này đã mang sản phẩm đến một thợ kim hoàn để thẩm định và được cho biết đó là vàng giả.
Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những kẻ lừa đảo, chính phủ Trung Quốc gần đây đã ban hành hướng dẫn về cách phân biệt vàng thật và vàng giả. Các mẹo phân biệt gồm nghe âm thanh khi ném vàng xuống sàn hoặc nhỏ axit nitric lên đồ bằng vàng. Nếu giọt axit có màu xanh lục thì món đồ đó được làm bằng kim loại khác hoặc được mạ vàng. Nếu không có gì xảy ra thì sản phẩm có khả năng đó là vàng thật.
Ngoài ra, người ta có thể phát hiện ra vàng giả dựa trên trọng lượng và kích thước.
Theo ông Nikos Kavalis, đối tác sáng lập của công ty tư vấn nghiên cứu kim loại quý Metals Focus, cho biết: “Tùy thuộc vào thiết kế, người ta cũng có thể phát hiện ra đồ trang sức giả bằng độ cứng vì vàng 999 rất mềm”. Điều đó nói lên rằng ngoài các dấu hiệu và một số cách kiểm tra để nhận biết, vẫn khó có thể biết chắc chắn liệu một món đồ được làm bằng vàng thật hay giả.
Ông Kavalis khuyến cáo: “Điều chính mà người tiêu dùng có thể làm để tự bảo vệ mình là mua hàng từ các nguồn có uy tín, cho dù đó là mua trên mạng hay tại cửa hàng”.
Hàng giả không phải là hiện tượng mới ở Trung Quốc. Theo ông Rein, hàng giả tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, từ vàng đến túi xách Chanel.
Dù bán vàng trên mạng đang ngày một gia tăng nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng tiêu thụ vàng ở Trung Quốc vì hầu hết vẫn thích mua vàng tại cửa hàng.
Hội đồng Vàng Thế giới khuyến cáo người tiêu dùng không đánh đổi sự an toàn khi mua vàng với mức giá thấp đáng ngờ.
Sau khi tăng lên mức cao kỷ lục, giá vàng thế giới quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 2/5, khi thị trường và giới đầu tư hướng chú ý tới khả năng lãi suất Mỹ có thể sẽ ở mức cao trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, giới đầu tư cũng dự báo rằng dữ liệu kinh tế có thể ảnh hưởng đến lộ trình chính sách của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/5, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 2.306,69 USD/ounce. Còn giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ hạ 0,1%, xuống 2.309,6 USD/ounce.
Ông David Meger, Giám đốc đầu tư tại công ty thương mại hàng hóa kỳ hạn High Ridge Futures, nhận định: “Với môi trường lạm phát dai dẳng và sức mạnh tương đối của đồng USD, chúng ta đã chứng kiến một số áp lực lên thị trường vàng trong vài tuần qua. Chúng tôi tin rằng đợt giảm giá này vẫn chưa diễn ra đúng hướng”.
Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 1/5, trong khi báo hiệu rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục hướng tới giảm lãi suất. Tuy nhiên, Fed cho biết việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% đang ít tiến triển.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích thị trường cấp cao của chuyên trang về thị trường vàng Kitco, cho rằng diễn biến của giá vàng phiên 2/5 là đúng theo biểu đồ kỹ thuật bình thường sau mức tăng phiên trước đó, dựa trên quan điểm cho rằng tuyên bố của Fed không quá mạnh mẽ như một số người lo ngại.
Lạm phát 'ghìm chân' lãi suất
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và các nhà đầu tư, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản trong lần thứ năm liên tiếp.
Triển vọng đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu mờ mịt được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới quyết định mới nhất này.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 5,25% - 5,5%, vốn được duy trì từ tháng 7/2023 và là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này trong hơn 20 năm qua.
Tuyên bố sau cuộc họp, các quan chức FOMC nhấn mạnh tới sự thiếu tiến triển trong lộ trình giảm lạm phát, đồng thời khẳng định Fed không vội vàng tính tới kịch bản giảm lãi suất cho tới khi nhận thấy lạm phát đang hạ nhiệt một cách bền vững về ngưỡng mục tiêu 2%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nhiều lần tuyên bố ngân hàng trung ương Mỹ chủ trương giữ lãi suất cao cho đến khi lạm phát hạ nhiệt dần về mức 2%/năm, chứ không mạo hiểm vội vàng cắt giảm lãi suất. Fed đạt tiến bộ đáng kể trong nỗ lực giảm lạm phát từ mức cao kỷ lục trong 40 năm hồi năm 2022. Tuy nhiên, tiến trình này đã "giậm chân tại chỗ" trong năm nay khi lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao đáng báo động và thậm chí có nguy cơ đảo ngược, cùng với đó là giá các mặt hàng chủ chốt như nguyên liệu, xăng dầu đều tăng trong nửa cuối năm 2023.
Chỉ số Chi phí việc làm (ECI), một thước đo tình hình thị trường lao động quan trọng, tăng 4,2% trong quý I/2024 và cao hơn mức mong đợi để giảm lạm phát. Bên cạnh đó, giá nhà đất tại hầu hết các bang cũng tăng trong mấy tháng đầu năm và trở thành cú sốc đối với nỗ lực giảm lạm phát về dài hạn của Fed.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của FOMC, Chủ tịch Powell thừa nhận lạm phát năm nay cao hơn dự báo của Fed, lên tới 2,7% hồi tháng 3 vừa qua, một phần vì chi tiêu tiêu dùng tăng trong vài quý gần đây bất chấp lãi suất cao. Ông một lần nữa nhấn mạnh rủi ro từ cả hai kịch bản, theo đó duy trì lãi suất cao quá lâu có thể làm suy yếu nền kinh tế, nhưng nới lỏng quá vội vàng có thể khiến lạm phát tăng trở lại. Tâm lý thận trọng này phản ánh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách của Fed khi quyết định thêm một lần "án binh bất động" về lãi suất.
Chuyên gia Stephen Rich, Giám đốc điều hành Quỹ Mutual of America Capital, đánh giá: "Fed giữ nguyên lãi suất cho thấy ưu tiên và quyết tâm hạ nhiệt lạm phát, song việc trì hoãn cắt giảm lãi suất sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới ngân sách của người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp. Chi phí hàng hóa và dịch vụ hiện nay, như thực phẩm và khí đốt, đều cao hơn đáng kể so với trước đại dịch COVID-19 và điều này đang trực tiếp gây áp lực lên tài khoản ngân hàng của người dân Mỹ".
Chia sẻ quan điểm trên, ông Ernie Tedeschi, Giám đốc kinh tế tại Yale Budget Lab, nêu rõ lãi suất cao có thể không ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực dịch vụ nhưng sẽ là trở ngại đáng kể với những người đang có kế hoạch vay tiền mua nhà hay ô tô.
Viễn cảnh ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất xuống dưới ngưỡng 5,25% - 5,5% trong ngắn hạn cũng khá mờ mịt. Chủ tịch Powell đã từ chối trả lời câu hỏi liệu Fed có hiện thực hóa lộ trình giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 như từng đề cập hồi đầu năm hay không. Thay vào đó, người đứng đầu Fed khẳng định các quan chức FOMC muốn thấy tiến triển vững chắc trong nỗ lực kéo lạm phát về 2% trước khi quyết định nới lỏng dòng tiền. Theo ông Powell, khả năng Fed giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6 tới là rất thấp.
Thống đốc Fed Michelle Bowman, người được đánh giá là tiếng nói cứng rắn nhất trong FOMC, thậm chí còn tuyên bố bà ủng hộ tiếp tục tăng lãi suất nếu cuộc chiến chống lạm phát không có tiến triển hay bị đảo ngược.
Ông Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cho rằng "kiên nhẫn và kiên nhẫn" dường như đang là khẩu hiệu của Fed trong bối cảnh nguy cơ không thể đạt mục tiêu giảm lạm phát một cách bền vững đang tăng lên mỗi tuần.
Giới quan sát và đầu tư tại Phố Wall cũng ít nhiều hụt hẫng sau quyết định của Fed, một bước đi khác xa với kỳ vọng hồi đầu năm rằng ngân hàng này sẽ thực hiện tới 6 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Theo công cụ FedWatch của CME, chỉ có 42,4% khả năng Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9 tới, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm, và đó sẽ là đợt giảm lãi suất duy nhất trong năm nay.
Đồng tiền mệnh giá 100 đô la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Song song với việc giữ nguyên lãi suất, sau cuộc họp chính sách lần này, Fed cũng có động thái được nhìn nhận là xoa dịu thị trường, khi tuyên bố giảm tốc độ thắt chặt định lượng (hay còn gọi là thu hẹp bảng cân đối kế toán). Theo đó, từ ngày 1/6 tới, mỗi tháng Fed chỉ để tối đa 25 tỷ USD trái phiếu chính phủ đáo hạn mà không tái đầu tư, giảm từ mức từ 60 tỷ USD hiện nay. Fed vẫn giữ nguyên mức 25 tỷ USD đối với chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp. Bước đi này nhằm đảm bảo hệ thống tài chính của Mỹ không thiếu nguồn dự trữ, giảm nguy cơ căng thẳng và biến động thị trường như từng xảy ra vào năm 2019 khi Fed thắt chặt định lượng.
Dù vậy, việc Fed giảm tốc độ thắt chặt định lượng không đồng nghĩa đây là tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ. Kết quả cuộc chiến chống lạm phát vẫn là yếu tố quyết định ảnh hưởng tới kế hoạch giảm lãi suất của Fed. Chuyên gia Whitney Watson, đồng Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs Asset Management, cho biết "giới đầu tư kỳ vọng xu thế giảm lạm phát chỉ bị chậm lại, chứ không trật bánh và việc giảm dần thắt chặt định lượng chỉ giúp tăng khả năng thanh khoản trong hệ thống tài chính, chứ không phải là một sự thay đổi về đường lối của Fed".
Đồng yen 'phấn chấn' sau quyết sách mới nhất của Fed Đồng yen của Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong ngày 153,10 yen/USD vào phiên giao dịch 1/5, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất. Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại thành phố Yokosuka, quận Kanagawa (Nhật Bản). Ảnh: AFP/TTXVN Quyết sách mới nhất của Fed chỉ ra rằng dữ liệu lạm phát...