Trung Quốc giúp “thế lực mới nổi” Campuchia xây loạt kho trữ gạo
Khoảng 12 cơ sở lưu trữ gạo và 10 máy sấy lúa công suất lớn sẽ được xây dựng trên khắp 11 tỉnh, thành ở Campuchia. Dự án này nhằm đẩy mạnh năng lực sản xuất và xuất khẩu gạo của Campuchia – “thế lực mới nổi” trên thị trường gạo trong thời gian tới.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia đã hợp tác với Công ty CITIC (Trung Quốc) thực hiện dự án xây dựng kho trữ gạo và máy sấy trên khắp Campuchia.
Cụ thể, hợp đồng Kỹ thuật, Mua sắm và Xây dựng (EPC) đã được ký kết giữa ông Pan Sorasak – Bộ trưởng Thương mại Campuchia và ông Chen Xiaojia – Chủ tịch Công ty Xây dựng CITIC (Trung Quốc).
Campuchia sẽ xây khoảng 12 cơ sở lưu trữ gạo và 10 máy sấy lúa công suất lớn. Ảnh minh họa
Dự án được thực hiện theo khoản vay ưu đãi từ chính phủ Trung Quốc dành cho chính phủ Campuchia. Theo hợp đồng, công ty Trung Quốc sẽ xây dựng 12 cơ sở lưu trữ gạo với tổng công suất 827.000 tấn và 10 máy sấy lúa với tổng công suất 13.000 tấn/ngày tại 11 tỉnh của Campuchia.
Những tỉnh này là Pursat, Battambang, Takeo, Banteay Meanchey, Siem Reap, Kampong Thom, Kampong Cham, Prey Veng, Kandal, Kampong Speu, và Preah Sihanouk.
“Với dự án này, chính phủ hy vọng Campuchia sẽ đủ năng lực để gia tăng xuất khẩu gạo ra thị trường quốc tế và nâng cao danh tiếng gạo Campuchia”, đại diện Chính phủ Campuchia thông tin.
Video đang HOT
Việc xây dựng các kho gạo và máy sấy này sẽ giúp Campuchia đạt được mục tiêu xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo mỗi năm trong tương lai. Ảnh: Thuận Hải.
Ngoài ra, việc xây dựng các kho gạo và máy sấy này sẽ giúp Campuchia đạt được mục tiêu xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo mỗi năm trong tương lai. Hiện tại, Campuchia được xem là “đối thủ” mới nổi đáng gờm của một số nhà xuất khẩu gạo ở khu vực châu Á. Ngoài việc đẩy mạnh sản lượng, Campuchia cũng chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo xuất khẩu.
Theo dữ liệu của Chính phủ Campuchia, nước này đã xuất khẩu tổng cộng gần 250.200 tấn gạo xay trong 5 tháng đầu năm 2019, trong đó hơn 109.200 tấn (tương đương 43,6%) được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, gạo Campuchia cũng đã có mặt tại Pháp với sản lượng 31.800 tấn, Hà Lan (7.600 tấn), Tây Ban Nha (6.200 tấn), Đức (hơn 5.100 tấn), Malaysia (hơn 12.700 tấn) và nhiều nước khác.
Bộ Nông nghiệp Campuchia cũng cho biết, trong năm 2018 Campuchia đã sản xuất 10,8 triệu tấn gạo, tăng 3,3% so với năm trước đó.
Campuchia đang nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Vy
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Võ Nguyên Nam, dự báo thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2019 có thể tiếp tục gặp khó khi Trung Quốc (thị trường nhập khẩu chính của gạo Việt Nam) vừa giảm hạn ngạch nhập khẩu gạo thêm 1 triệu tấn (từ 4,5 triệu tấn xuống còn 3,5 triệu tấn). Trong khi đó, Campuchia lại được xuất khẩu 300.000 tấn gạo mang thương hiệu Campuchia sang Trung Quốc.
“Campuchia đang nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam mất lợi thế hơn khi chưa xây dựng được thương hiệu gạo, trong khi Campuchia đã có thương hiệu”, ông Nam phân tích.
Theo Danviet
Mưa liên miên, giá lúa giảm, nông dân mất lời
Hoạt động xuất khẩu gạo đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Mưa nhiều khiến chất lượng lúa giảm, việc thu hoạch của nông dân ĐBSCL thêm khó khăn trong khi giá lúa hè thu đang giảm khiến bà con càng thêm lo lắng.
Giá lúa rớt theo mưa
Vụ lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang chuẩn bị vào thu hoạch rộ. Tuy nhiên, mưa nhiều trong mấy ngày qua làm nông dân trồng lúa không khỏi lo lắng. Nhiều ruộng lúa chín vàng mà tiến độ thu hoạch khá ì ạch, giá lúa cũng đang giảm.
Ông Đinh Thế Vũ (ở huyện Tân Hồng) cho biết, lúa trong vùng sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 7. Bản thân ông cũng đang có lúa sắp thu hoạch nhưng trời cứ mưa và giá lúa liên tục giảm trong những ngày qua khiến việc thu hoạch lúa tốn nhiều công sức, chi phí để thuê máy gặt đập liên hợp cũng tăng hơn.
Giá lúa xuống thấp khiến nhiều nông dân lo lắng khi thu hoạch gặp thời tiết xấu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Đầu tháng 6, nhiều người kỳ vọng giá lúa sẽ khá hơn nhưng càng gần đến thời điểm thu hoạch rộ thì giá lúa càng giảm. Hiện lúa tươi giống OM 4900 có giá 4.900 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 4.900 - 5.000 đồng/kg; OM 5451 giá 4.550 đồng/kg; IR 50404 chỉ còn 3.900 - 4.000 đồng/kg... Mức giá này giảm 500 - 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Ông Vũ kể, mỗi năm chỉ làm 2 vụ lúa nên nông dân kỳ vọng từng mùa. Không ngờ giá lúa hè thu năm nay thấp quá nên nông dân mất luôn đồng lời. Chưa kể năng suất vụ này cũng thấp hơn năm ngoái. Năm nay, lúa của nhà ông chỉ đạt 700kg/công, giảm gần 100kg/công so với năm trước. Thương lái cũng ít đến thu mua lúa làm nông dân thêm lo.
Tại An Giang, ông Trần Ngọc Ngời trồng 4ha lúa ML202 cũng đang hết sức lo lắng khi mùa vụ đang tới gần mà giá lúa còn rất thấp. Ông Ngời kể, do xuống giống vào thời điểm không phù hợp dẫn đến lúa trổ gặp mưa giông, khiến năng suất thấp hơn so với những vụ mùa trước. "Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó nên giá lúa trên đồng ở vụ hè thu thấp. Nông dân vừa mất mùa, vừa mất giá, nên vụ 3 sắp tới, tôi đang tính toán xem có nên trồng lúa không" - ông Ngói nói.
Theo Cục Trồng trọt, tính đến cuối 6/2019, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống vụ hè thu được 1,54 triệu ha; đã thu hoạch được khoảng 288.000ha với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha; sản lượng đạt khoảng 1,67 triệu tấn lúa.
Chờ tín hiệu tốt vào cuối năm
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, việc tiêu thụ lúa đang gặp khó do tình hình xuất khẩu tiểu ngạch bị ngưng trệ từ vụ đông xuân vừa qua. Điều này dẫn đến lượng lúa của các doanh nghiệp còn tồn kho nên chậm thu mua cho nông dân. Tuy nhiên, nhìn sang các nước châu Á khác, mùa mưa cũng đang chi phối đáng kể đến thu hoạch và thị trường.
Tại Thái Lan, các thương nhân cho biết nhu cầu gạo vẫn yên ắng kể từ đầu năm, và các nhà xuất khẩu chỉ bán cho khách hàng thường xuyên của họ. Nguồn cung sẽ tiếp tục giảm trong suốt mùa mưa ít nhất là đến tháng 8, khi có nguồn cung mới gia nhập thị trường. Tương tự, Myanmar cũng ghi nhận người mua hạn chế giao dịch, trong khi thương nhân cũng hạn chế xếp hàng để thu mua trong mùa mưa, thường kéo dài cho đến tháng 10.
Trong nước, tình hình xuất khẩu gạo đang chịu nhiều áp lực do đang trong thời gian thu hoạch và nhu cầu xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định tình hình sẽ cải thiện tốt hơn sau áp lực mùa vụ. Hiện các bên tham gia thị trường vẫn mua vào do giá gạo nguyên liệu giảm sâu.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch VFA đề nghị các doanh nghiệp vẫn nên chủ động thu mua tạm trữ lúa gạo hàng hóa, nhất là khi chất lượng lúa hè thu đang tốt lên. Việc chủ động thu mua tạm trữ là nhằm có sẵn lượng gạo tồn kho có thể đáp ứng được ngay những đơn hàng lớn khi xuất hiện nhu cầu trên thị trường. "Thực tế cho thấy trong những năm qua, một số nước thường tuyên bố không cần phải nhập khẩu thêm gạo, nhưng rồi cuối cùng họ vẫn phải mua với khối lượng lớn" - bà Tâm nói.
Còn theo ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong nửa cuối năm nay vẫn có nhiều hy vọng tốt cho gạo Việt Nam. Ông Khánh cho biết hiện các nhà nhập khẩu lớn của Trung Quốc vẫn dành sự quan tâm cho gạo Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt được những cơ hội mới mẻ từ thị trường Philippines khi nước này thay đổi chính sách nhập khẩu gạo.
Việt Nam và Hàn Quốc vừa đàm phán xong về hạn ngạch xuất khẩu gạo sang nước này với giá tốt. Hiệp định EVFTA vừa ký kết cũng sẽ giúp gạo Việt có thêm nhiều cơ hội để xâm nhập vào thị trường này".
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương
Theo Danviet
Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh: Chậm thay đổi sản xuất sẽ "chết" nhanh Một biến động nhẹ từ thị trường Trung Quốc, cộng với nhu cầu ở nhiều thị trường đang giảm do nguồn cung đang dồi dào đã khiến xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều khó khăn. Rõ ràng sự biến động này sẽ còn tiếp diễn, nếu cơ cấu sản xuất không thay đổi, doanh nghiệp không thay đổi thì...