Trung Quốc “giương móng vuốt bắt con hổ họ Chu”
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức thông báo điều tra một trong những chính trị gia quyền uy nhất, cựu lãnh đạo an ninh Chu Vĩnh Khang, Carrie Gracie, biên tập viên Trung Quốc của BBC News mở đầu bản tin.
Chu Vĩnh Khang bị hạ bệ chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng ở Trung Quốc, hay chỉ là sự đấu đá cá nhân mượn danh tổ chức? Ảnh Reuters
Trong động thái chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình đã chiến thắng trong trận đấu khó khăn giành quyền chỉ huy tối cao, Tân Hoa xã nói ông Chu sẽ bị điều tra do các vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, một cách nói để ám chỉ tội tham nhũng.
“Không cần biết con hổ to như thế nào, một khi vi phạm pháp luật… và vi phạm luật lệ đảng, con hổ đó sẽ khó có thể thoát được lồng sắt.”
Đây là phán quyết từ cơ quan ngôn luận của đảng, Nhân dân Nhật báo, khi đưa tin về vụ điều tra ông Chu Vĩnh Khang.
Nhưng với sự bẽ bàng của ông ta, chính trị Trung Quốc bước vào giai đoạn chưa từng có. Ông Chu là chính trị gia cấp cao nhất bị làm nhục theo cách này trong nhiều thập niên qua.
Trong giai đoạn đổi mới từ 35 năm qua, có bộ quy tắc không thành văn rằng những người mới lên nắm quyền không tấn công những người đã rời chức, nỗ lực nhằm tránh tình trạng thanh trừng chính trị man rợ trong thời Mao.
Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu sau khi điều hành mạng lưới an ninh đầy quyền lực cùng lúc với ông Tập Cận Bình được thăng chức lãnh đạo Đảng năm 2012.
Nhưng với thông báo về vụ điều tra ông Chu, Chủ tịch Tập đã xé bỏ bộ quy tắc dành riêng cho chính giới cấp cao Trung Quốc, và các chính trị gia quyền lực một thời khác đang lo lắng mình có thể là người tiếp theo.
Biến mất trước công chúng
Chu Vĩnh Khang nổi lên từ một gia đình nghèo và trở thành kỹ sư ngành dầu khí, dần thăng tiến qua các cấp bậc trong đảng để lên nắm công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc rồi sau đó dẫn dắt Tứ Xuyên, tỉnh lỵ có 80 triệu dân.
Đỉnh cao sự nghiệp của ông là chiếc ghế trong đội ngũ chính trị cao nhất của đảng, Ủy viên thường trực Bộ chính trị.
Ngoài ngôi làng ở quê nhà, khó có thể nói ông là người được yêu quý ở Trung Quốc, nhưng tới năm 2012, ông có thể đạt được cái tiếng là người đáng sợ nhất.
Thông báo từ cơ quan thông tấn chính thống của Trung Quốc không ghi rõ chi tiết các cáo buộc đối với ông Chu.
Video đang HOT
Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng, số phận của ông đã được định đoạt khi người mà ông bảo trợ, Bạc Hy Lai, thất thế sau việc vợ ông liên quan tới vụ sát hại một doanh nhân người Anh đầy tai tiếng.
Rõ ràng là ông Chu Vĩnh Khang đã gặp rắc rối khi bỗng biến mất trước công chúng từ năm ngoái.
Trong những tháng sau đó, tên tuổi ông không được truyền thông Trung Quốc nhắc tới, nhưng lần lượt các đồng minh chính trị của ông, trong ngành dầu khí, ở tỉnh Tứ Xuyên hay trong bộ máy an ninh, đều trở thành con mồi cho chiến dịch chống tham nhũng ngày càng khốc liệt.
Các thành viên gia đình, tài xế, vệ sỹ, và những người được ông bảo trợ cũng bị sa lưới. Thông báo điều tra ông chỉ là vấn đề thời gian.
&’Cả hổ lẫn ruồi’
Hệ thống chính trị độc đảng của Trung Quốc thiếu hệ thống bầu cử để có chỗ cho người mới và ý tưởng mới và chiến dịch chống tham nhũng thường được coi là phương thức tiện lợi để lãnh đạo mới khống chế đối thủ và củng cố quyền lực.
Nhưng khi làm nhục một nhân vật cấp cao đến thế, ông Tập Cận Bình đang đánh tín hiệu cho thấy chiến dịch của ông rất khác.
Suốt nhiều năm, các lãnh đạo Đảng Cộng sản đã cảnh báo rằng tham nhũng tràn lan là mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống còn của đảng. Khó phóng đại nghi ngờ sâu sắc của dân chúng đối với tầng lớp lãnh đạo.
Khi kinh tế phát triển mạnh, các quan chức cấp cao vơ vét hàng tỷ từ tài sản công, rất nhiều trong số đó giấu của trong các tài khoản và tài sản ở nước ngoài.
Các chỉ trích gia cáo buộc ông Tập là người giả nhân giả nghĩa khi một số người trong gia đình ông trở nên giàu có hơn trong những năm gần đây.
Nhưng tuyên bố quyết tâm trị “cả hổ lẫn ruồi” của ông đã được sự ủng hộ của dân chúng và gửi tín hiệu tới hệ thống đảng và chính quyền rằng ông thực sự nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề tư lợi, đặc biệt là với những ai có thể có ý định cản trở kế hoạch đổi mới kinh tế của ông.
Hàng ngàn quan chức đã bị điều tra và không có dấu hiệu cho thấy chiến dịch này sẽ ngưng lại.
Nhân dân Nhật báo viết hôm 29/07: “Tình hình vẫn dữ dội và phức tạp… Đấu tranh chống tham nhũng sẽ không kết thúc. Lôi được Chu Vĩnh Khang ra không phải là hết. Đây chỉ là một bước, một giai đoạn. Bất kỳ ai tham nhũng cũng sẽ bị trừng phạt.”
Với ông Tập Cận Bình, đây là chiến thắng cá nhân quan trọng. Ông đã kết liễu những nghi ngại về việc liệu ông có thể hạ một trong những “con hổ” lớn nhất này và chứng tỏ mình là người đứng đầu mạnh mẽ không ai địch nổi.
Nhưng một bình luận trên mạng xã hội đưa ra vào đêm có thông báo điều tra rằng liệu ông Chu có thực sự là “vua của bầy hổ hay cũng chỉ là một con hổ thường mà thôi?” Và rất nhiều người Trung Quốc khác đồn đoán về “bầy hổ” còn lại vẫn đang tự do, những cựu lãnh đạo hay lãnh đạo đương chức che chắn cho các đế chế doanh nghiệp tham nhũng của người trong gia đình.
Hơn nữa, thông báo này chẳng có gì là cứu vãn danh tiếng của Đảng cả.
Cú đánh chính trị trọng đại lại chỉ được chuyển tải bằng một dòng ngắn gọn trên các cơ quan thông tấn và truyền thông nhà nước cho thấy người Trung Quốc hay công chúng thế giới vẫn chỉ được phép biết ít ỏi về các vấn đề nội chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Theo NTD/Bizlive
Loại nhóm Chu Vĩnh Khang, lãnh đạo Trung Quốc "cài cắm" bạn thân vào Quân ủy trung ương
Trong nỗ lực nắm trọn quyền kiểm soát Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc (PLA), Chủ tịch quân ủy trung ương Tập Cận Bình "cài cắm" bạn thân vào tổ chức quân sự cao nhất này: thượng tướng Lưu Nguyên, 62 tuổi có thể được được chỉ định làm một trong hai phó chủ tịch quân ủy trung ương (CMC).
Hai nguồn tin cấp cao cho Reuters biết: tướng Lưu là chính ủy Tổng cục hậu cần, và là con trai cả của cố chủ tịch TQ Lưu Thiếu Kỳ.
Hai nguồn tin này cho biết việc ông Tập đề cử ông Lưu vào CMC tại hội nghị trung ương 4 khóa 18 của đảng Cộng sản TQ (CPC) vốn sẽ có 205 ủy viên trung ương CPC họp vào tháng 10 tới. Một nguồn tin khẳng định tướng Lưu có thể trở thành ủy viên hoặc phó chủ tịch CMC.
Hai nguồn tin này đều giấu tên để tránh bị làm khó dễ vì tiết lộ chuyện chính trị cấp cao với nhà báo nước ngoài khi chưa được phép, gồm một người thân cận với lãnh đạo, người còn lại thân cận với quân đội.
Họ nói tướng Lưu có năng lực lãnh đạo, cùng "có gan" chống tham nhũng, và việc đưa ông vào CMC sẽ góp phần đẩy mạnh bài trừ tham nhũng trong PLA vốn đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, tức sẽ có "những phần tử cơ hội" dở trò "rút ruột" ngân sách quốc phòng.
Ngày 30.7, khi thị sát các đơn vị quân ở tỉnh Phúc Kiến, chủ tịch CMC Tập tuyên bố sẽ tấn công quyết liệt vào nạn hối lộ, tham nhũng trong quân đội vốn có 2,3 triệu quân. Ông cũng chỉ đạo quân đội phải "tắm sạch" và sẵn sàng chiến đấu.
Hàng chục năm qua, TQ chưa đánh trận lớn nào, luôn tuyên bố muốn lập quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, nhưng vài năm qua lại có những hành động ngang ngược đòi độc chiếm hầu hết biển Đông, gây ra tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Đài Loan và với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Ông Tập từng nhiều lần công khai tình bạn với tướng Lưu, một người dám "tuýt còi" tố cáo tham nhũng nghiêm trọng trong PLA, đến độ nhà ông Lưu đã được bảo vệ kỹ lưỡng sau khi ông bị dọa giết, theo 3 nguồn tin khác.
Những tố cáo của tướng Lưu đã góp phần buộc tội tham nhũng đối với tướng Từ Tài Hậu, 71 tuổi, cựu phó chủ tịch CMC và cựu ủy viên Bộ chính trị CPC, và trung tướng Cốc Tuấn Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần PLA.
Theo nhiều nguồn tin, trong một cuộc họp kín của các lãnh đạo cấp cao hồi năm 2012 (trước khi ông Tập trở thành tổng bí thư ở đại hội đảng CPC khóa 18 hồi cuối năm ấy), tướng Lưu đã tố cáo Cốc và "ô dù" của ông ta tham nhũng.
Ảnh: Tướng Lưu Nguyên
Tướng Lưu tuyên bố ông sẽ đấu tranh chống tham nhũng đến cùng, dù có bị mất chức chăng nữa. Kết quả, hồi đầu năm, Cốc chính thức bị truy tố tội tham nhũng, biển thủ, lạm dụng công quỹ và lạm dụng quyền lực, trở thành sĩ quan cao cấp nhất phải đối mặt với tòa án binh TQ kể từ năm 2006.
Hồi tháng 6.2014, TQ nói Từ (về hưu năm 2013) đã bị khai trừ đảng, bị điều tra tham nhũng và lạm quyền khi "ăn bẩn" từ các sĩ quan muốn "chạy chức, lên lon". Giới thạo tin nói "đệ tử" Cốc khi bị điều tra đã "phun" hết tất cả những sai trái của "ông anh" Từ.
Reuters không thể gặp hai ông tướng "ăn bẩn" này, tướng Lưu và người thân từ chối bình luận.
TQ đã tăng cường truy quét nạn tham nhũng nghiêm trọng trong PLA từ cuối thập niên 1990. PLA bị cấm tham gia kinh doanh, nhưng vài năm qua, quân đội TQ "bung ra làm ăn lớn" do thiếu sự kiểm tra-giám sát rốt ráo.
Chuyện "chạy chức" trong quân đội cũng là "niềm riêng mà ai cũng biết", nhưng giới truyền thông TQ thường phải "lượn ngay và luôn cho lành". Các sĩ quan đều chọn cách "đút lót" để "đầu tư có lãi cao".
Vì thế, việc ông Tập cất nhắc người bạn Lưu có thể là những "điềm xấu", theo chuyên gia Huang Jing về PLA ở đại học quốc gia Singapore.
"Vì ông ấy là người nổi tiếng chống tham nhũng, việc đưa tướng Lưu lên có thể là một bước lùi, khi cơ cấu chính trị TQ là thế", ông Huang nói ám chỉ "văn hóa tham nhũng" bắt rễ sâu trong PLA.
"Lãnh đạo TQ nên cẩn trọng, nếu họ muốn đưa tướng Lưu vào CMC", ông Huang nói.
Tướng Lưu gần đây tố cáo mạnh mẽ nạn tham nhũng trong quân đội, qua một bài viết đăng trên báo Qiushi của CPC: ông kêu gọi loại bỏ lập tức "những phần tử suy thoái đạo đức" ra khỏi đảng, và cần đưa các đảng viên tích cực đấu tranh chống tham nhũng lên cấp lãnh đạo.
Tướng Lưu viết: "Dám phê bình, kiên quyết xóa tan nỗi sợ từ việc lo ngại phê phán cấp trên thì chỉ gây ra rắc rối".
Tướng Lưu từng thu hút sự chú ý hồi năm 2010, khi ông viết một tiểu luận dài như lời nói đầu cho một cuốn sách của một người bạn. Trong bài viết này, ông kêu gọi TQ loại thải các mô hình chính trị "nhập khẩu" gồm nền dân chủ phương Tây và chủ nghĩa cực hữu, cực tả. Ông cũng dùng ngôn ngữ đan xen nhau để xem ra gợi ý về một hệ thống chính trị "cởi mở" hơn, cho phép tranh luận thoải mái mà không thách thức lãnh đạo CPC.
Tướng Lưu lập binh nghiệp trễ: ông từng thuộc Lực lượng công an nhân dân vũ trang, làm đến chính ủy ở tuổi 41 thì mới chuyển ngành qua quân đội.
Tại đại hội CPC cuối năm 2012, tướng Lưu không được cất nhắc vì bị xem là thân cận cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người bị tù chung thân vì tham nhũng và lạm quyền, bao che vụ vợ Cốc Khai Lai chủ mưu đầu độc doanh nhân Neil Heywood người Anh.
Theo Một Thế Giới
Chu Vĩnh Khang cho xe biển quân sự tông chết vợ cả? Truyền thông Trung Quốc đột ngột đưa tin về số phân người vợ cả và cuộc sống đời tư của Chu Vĩnh Khang có thể là một phần của chiến dịch bôi nhọ ông. Ông Chu Vĩnh Khang. The Telegraph ngày 1/8 đưa tin, sau khi Chu Vĩnh Khang, một trong những người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc bị điều tra...