Trung Quốc gieo mưa nhân tạo để ứng phó với hạn hán
Trung Quốc đang nỗ lực bảo vệ vụ mùa trước đợt hạn hán kỷ lục bằng phương pháp gieo mưa nhân tạo.
Đập Tam Hiệp, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tháng 8/2021. Ảnh: Shutterstock
Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Đường Nhân Kiện cho biết giới chức sẽ cố gắng tăng lượng mưa bằng cách rải hoá chất vào các đám mây và phun chất giữ nước trên đồng lúa để hạn chế bốc hơi, ngăn hậu quả của hạn hán kéo dài đối với vụ mùa. Tuy nhiên, giới chức không nêu rõ sẽ thực hiện biện pháp này ở địa phương nào.
Ông Đường Nhân Kiện cho rằng 10 ngày tới là “giai đoạn then chốt để ứng phó với thiệt hại” cho vụ lúa mùa thu ở miền nam nước này. Giới chức sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo thu hoạch vụ thu, chiếm tới 75% tổng sản lượng lúa hàng năm của cả nước.
Trung Quốc đang trải qua mùa hè nóng nhất, khô hạn nhất trong 61 năm trở lại đây. Hạn hán đã đe doạ mùa màng, khiến cây cối héo úa, các hồ chứa chỉ còn lượng nước bằng một nửa bình thường. Trong khi đó, vào tuần trước, nhiều nhà máy ở tỉnh Tứ Xuyên đã phải đóng cửa tiết kiệm điện để phục vụ sinh hoạt cho các hộ gia đình, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, nhiệt độ ở nhiều nơi lên tới 45 độ C.
Các nhà máy ở Tứ Xuyên cũng đang chờ chỉ thị tiếp theo từ chính quyền về khả năng kéo dài lệnh đóng cửa. Một văn bản lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin Tứ Xuyên dự tính gia hạn chỉ thị đến giữa tuần sau, song chính quyền địa phương chưa đưa ra thông báo chính thức.
Lớp đất khô trên cánh đồng lúa ở ngoại ô Trùng Khánh, Trung Quốc hôm 21/8. Ảnh: AP
Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên và Hồ Bắc cho biết hàng nghìn hecta cây trồng đã mất trắng và hàng triệu người dân đang phải chịu thiệt hại vì hạn hán. Sản lượng lúa thấp của Trung Quốc sẽ có thể có tác động lớn đến toàn cầu. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu, làm tăng thêm áp lực lên lạm phát ở Mỹ và châu Âu, vốn đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Video đang HOT
Vào hôm 20/8, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán và cho biết giới chức sẽ hỗ trợ ngân sách cho người dân đối phó với thiên tai.
Chính quyền Tứ Xuyên cho biết 819.000 cư dân phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh này cũng thiếu điện nghiệm trọng vì 80% năng lượng phụ thuộc vào các đập thuỷ điện. Các văn phòng và trung tâm mua sắm ở tỉnh được yêu cầu tắt đèn và điều hòa nhiệt độ. Tàu điện ngầm ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên , cho biết họ đã tắt hàng nghìn chiếc đèn ở các nhà ga.
Trong khi đó, các khu vực khác đã hứng chịu tình trạng lũ quét nghiêm trọng. Chính quyền địa phương cho biết mưa lũ ở tỉnh Thanh Hải, tây bắc nước này, đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và 5 người mất tích. Theo các bản tin phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia, lở đất và lũ quét đã tấn công 6 ngôi làng ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Khoảng 1.500 người đã phải rời khỏi nhà của họ.
Đóng hàng loạt nhà máy vì thiếu điện, kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng ra sao?
Các ngành công nghiệp chính phải ngừng hoạt động trong thời gian ngắn và giới chức buộc phải cắt giảm điện trên diện rộng ở trung tâm sản xuất Tứ Xuyên của Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại một nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock/TTXVN
Theo tờ SCMP, nhiệt độ cao tới 40-42 độ C đã khiến nhu cầu điện tăng vọt và làm khô cạn các con sông và hồ chứa quan trọng. Hoạt động sản xuất công nghiệp bị đình chỉ trong 6 ngày kể từ 15/8 tại 19 trong tổng số 21 thành phố ở Tứ Xuyên.
Tứ Xuyên là khu vực kinh tế lớn thứ sáu của Trung Quốc về tổng sản phẩm quốc nội, trong đó ngành công nghiệp chiếm hơn 28%. Tỉnh này đóng vai trò hàng đầu trong sản xuất kim loại silic, nhôm điện phân, hóa chất, thiết bị điện tử và thiết bị phát điện.
Ông Qin Yan, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Refinitiv cho biết: "Cắt giảm điện chắc chắn sẽ có một số tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng tôi nghĩ nếu tình hình điện năng được cải thiện sau vài tuần, các nhà sản xuất công nghiệp có thể bắt kịp sản lượng bị mất sau này. Hiện tại, tình hình khá khắc nghiệt khi xảy ra các đợt nắng nóng và hạn hán, do đó các cơ quan quản lý đã hạn chế tiêu thụ điện công nghiệp để đảm bảo cung cấp điện cho khu dân cư. Tôi nghĩ rằng tác động bất lợi lên tổng sản phẩm quốc nội sẽ được hạn chế nếu việc cắt giảm điện chỉ kéo dài chưa đầy vài tuần".
Tứ Xuyên dựa vào các con đập để tạo ra khoảng 80% lượng điện, nhưng lượng nước chảy vào các hồ thủy điện đã giảm 50% trong tháng này.
Giáo sư Yuan Jiahai tại khoa Kinh tế và Quản lý tại Đại học Điện lực Hoa Bắc cho biết: "Dưới nhiệt độ cao liên tục, phụ tải điện của Tứ Xuyên ngày càng tăng, nhưng do lượng nước từ sông Dương Tử xuống thấp trong mùa khô nên nguồn tiêu thụ điện chính của Tứ Xuyên là sản xuất điện từ thủy điện bị hạn chế".
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất tóc giả và các sản phẩm liên quan đến tóc xuất khẩu ở Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo ông Yuan, một số tỉnh thiếu điện đã từng bước hướng dẫn các doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện kể từ đầu tháng 8. Các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đã lường trước tình huống bị cắt giảm điện nhưng không chuẩn bị cho tình huống bị đóng cửa hoàn toàn.
Trung Quốc gần đây đã nhấn mạnh rằng sẽ không để xảy ra cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng như năm ngoái. Trong chuyến công tác đến tỉnh Vân Nam, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết nỗ lực mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng cắt điện.
Ông Lu Zhe, trưởng nhóm kinh tế vĩ mô tại công ty Topsperity Securities, cho biết: "Nhìn chung, tình hình dịch bệnh và nhiệt độ cao vẫn khiến sản xuất công nghiệp trong tháng 8 bấp bênh".
Hầu hết các công ty hàng đầu ở Tứ Xuyên bị ảnh hưởng do nhà máy phải đóng cửa đã thông báo rằng tác động dự kiến không đáng kể, đồng thời cho biết thêm rằng hoạt động sản xuất sẽ khởi động lại ngay sau khi thời gian đóng cửa kết thúc.
Tứ Xuyên là nơi đóng trụ sở của Dongfang Electric - công ty nhà nước chuyên sản xuất thiết bị phát điện. Công ty này đã đóng cửa các hoạt động cho đến ít nhất là ngày 20/8.
Henan Zhongfu Industry, công ty sản xuất và phân phối các sản phẩm nhôm và nhôm điện phân, đã xác nhận rằng hai công ty con ở Tứ Xuyên sẽ tạm dừng một phần hoạt động sản xuất trong một tuần.
Thanh tra kỹ thuật kiểm tra xe chạy bằng năng lượng mới tại nhà máy sản xuất ô tô ở Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, ông Yuan cảnh báo các biện pháp hạn chế sử dụng điện có thể mở rộng sang các khu vực khác trong bối cảnh xảy ra đợt nắng nóng gay gắt ở miền nam Trung Quốc, mặc dù các khu vực khác phụ thuộc nhiều hơn vào than để sản xuất điện. Giá than vẫn ổn định so với năm ngoái, đồng nghĩa với việc nguồn cung cơ bản tương đối đầy đủ.
Các dự án thủy điện ở Tứ Xuyên cung cấp điện cho các trung tâm công nghiệp khác dọc theo bờ biển phía đông, như các trung tâm sản xuất lớn như Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải, Trùng Khánh và Hồ Nam.
Thành phố Trùng Khánh đã ra lệnh ngừng sản xuất cho đến ngày 24/8, trong khi một số công ty ở Giang Tô bắt đầu thay đổi hoạt động sản xuất trong tuần này.
Các tỉnh Chiết Giang và An Huy cũng đưa ra các biện pháp hạn chế sử dụng điện, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như thép, kim loại màu, polyester và dệt may.
Tình trạng cắt điện diễn ra phổ biến ở Trung Quốc. Thông thường tháng 7 và tháng 8 là mùa cao điểm nhu cầu điện.
Theo số liệu từ nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc, mức tiêu thụ điện quốc gia của Trung Quốc đã tăng 6,3% trong tháng 7 so với một năm trước đó, trong khi tiêu thụ điện trong dân cư tăng 26,8% - mức cao nhất từ tháng 7/2009.
Trung Quốc hứng chịu các đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1961 Ngày 17/8, Trung tâm khí hậu quốc gia Trung Quốc cho hay các đợt nắng nóng xảy ra tại nhiều khu vực ở nước này từ ngày 13/6 vừa qua là những đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1961 khi Trung Quốc bắt đầu thu thập đầy đủ các dữ liệu khí tượng. Người dân di chuyển dưới thời tiết...