Trung Quốc giải phóng lượng tồn khổng lồ, ngành gạo chịu áp lực lớn
Việc Trung Quốc tung ra lượng gạo lớn để giải phóng lượng tồn kho khổng lồ đã khiến những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Thái Lan, Việt Nam chịu sức ép lớn.
Trung Quốc bung hàng
Theo hãng tin Reuters, Thái Lan – nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, đã xuất khẩu 4,2 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2019, với đơn đặt hàng trong hai tháng 5 và 6 giảm còn 600.000 tấn/tháng. Khối lượng này dưới mức trung bình tháng là 800.000 tấn.
Thái Lan đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu gạo. Ông Chookiat Ophaswongse – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho hay, đầu năm nay, Hiệp hội đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo, giảm từ mức 11 triệu tấn trong năm 2018. Tuy nhiên, hiện tại để đạt được 9 triệu tấn gạo xuất khẩu cũng là một điều khó khăn do những khoảng cách về giá.
Bốc xếp gạo xuống tàu để xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: T.L
Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng không mấy sáng sủa khi khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2019 ước đạt 625.000 tấn với giá trị đạt 275 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Việc Trung Quốc tung ra thị trường lượng gạo tồn kho khổng lồ với ước tính khối lượng lên đến 200 triệu tấn đã khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam gặp khó.
Ông Chookiat thừa nhận, Thái Lan đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đẩy lượng tồn kho khổng lồ ra thị trường. “Thương mại của Trung Quốc với hai đối tác lớn Thái Lan và Việt Nam đã chậm lại trong năm nay vì lượng dự trữ quốc gia lớn, và họ đã bán lượng tồn gạo cũ sang các thị trường châu Phi, vốn bị Thái Lan chi phối” – ông Chookiat chia sẻ.
“Trung Quốc hạn chế mua gạo trong năm nay, Việt Nam có một lượng gạo lớn để cạnh tranh với chúng tôi trên mọi thị trường. Cùng với đó, Trung Quốc đang chiếm lấy thị trường châu Phi của chúng tôi” – ông Chookiat nói thêm.
Video đang HOT
Trong khi giá trị xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái thì Trung Quốc cũng bật khỏi danh sách những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập từ Việt Nam 289.000 tấn gạo, giảm khoảng 75% so với cùng kỳ năm 2018.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Sự khó khăn ở thị trường Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuyển hướng sang những thị trường khác. Theo Bộ Công Thương, trong tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy nắm bắt sự thay đổi về chính sách nhập khẩu gạo của Chính phủ Philippines. Nhờ mở rộng được thị trường này, nên dù lượng gạo xuất khẩu giảm nhưng không giảm mạnh như một số nước khác.
Bộ Công Thương cũng cho biết, từ khi Nghị định 107 được ban hành (ngày 15/8/2018) đến nay đã có thêm 41 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo lên 177. Nhiều thương nhân được cấp mới tuy có quy mô không lớn nhưng chú trọng khai thác các thị trường mới, thị trường ngách.
Dù vậy, những khó khăn của ngành chế biến, xuất khẩu gạo vẫn còn ở phía trước. Theo ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, khó khăn hiện nay trong xuất khẩu gạo và tiêu thụ lúa trong nước là cung nhiều hơn cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ NNPTNT và các địa phương phải ngồi lại tính toán để xem sản xuất lúa bao nhiêu là phù hợp. Diện tích đất lúa cần 3,8 triệu ha hay 2,5 triệu ha? Đồng thời cũng phải xem xét lại lịch thời vụ. Trước đây gieo sạ đồng loạt để hạn chế dịch bệnh, nay nên sắp xếp lịch thời vụ sao cho hợp lý, phù hợp thị trường.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đặt vấn đề cần xem lại mặt hàng lúa gạo có còn là chiến lược xuất khẩu của quốc gia, khi mà kim ngạch xuất khẩu thua thủy sản và rau quả.
TS Đào Thế Anh – Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ NNPTNT) cho rằng, chúng ta không nên vui mừng khi lọt thống kê top 10 quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn nhất thế giới năm 2016 của tờ World Map, bởi mục tiêu lớn nhất của Việt Nam phải là làm thế nào để tăng được giá trị từ sản phẩm gạo.
Theo TS Đào Thế Anh, cách thức sản xuất và xuất khẩu gạo của chúng ta có thể nói đã quá “cổ lỗ sĩ”, mô hình này đã được vận hành từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, đến nay không còn phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn còn tư duy sống dựa vào các thỏa thuận của Chính phủ để cứu đói, bảo vệ an ninh lương thực cho một số nước thiếu gạo.
“Nếu cứ trông chờ các hợp đồng của Chính phủ thì sẽ không thể làm được gạo chất lượng. Gạo Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu chất lượng cao thường bị “chê” chất lượng thấp. Một thời gian dài chúng ta đã cố làm ra thật nhiều gạo, rồi không tiêu thụ hết đành “bán đổ, bán tháo”, dẫn đến giá thấp là điều đương nhiên” – TS Anh thẳng thắn.
Theo Danviet
Giá lúa hè thu giảm, lại nỗi lo giải cứu
Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch vụ lúa hè thu 2019. Do tình hình xuất khẩu không mấy khả quan, giá lúa trong nước bắt đầu giảm khiến nhiều người lo lắng tái diễn tình trạng phải "giải cứu".
Ám ảnh giá lúa giảm
Từ đầu tháng 6, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu. Nhưng trái với mong đợi, giá lúa bắt đầu giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Bé (ngụ huyện Thanh Bình) cho biết, lúa tươi giống IR 50404 trước đó còn ở mức 4.300 đồng/kg, tuy đã giảm thấp so với tháng trước nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện tại giá lúa chỉ còn 3.800 đồng/kg.
Tình hình xuất khẩu ảm đạm đang gia tăng áp lực thu mua lúa vụ hè thu sắp tới. Ảnh: Nguyên Vỹ
"Hy vọng từ vụ trước được đổ dồn lên vụ mùa sau. Nhưng tới lúc thu hoạch, nỗi lo giá lúa rớt lại kéo về. Hiện tại, không ai biết thị trường sẽ còn thay đổi thế nào trong những ngày sắp tới" - ông Bé than.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân khiến giá lúa tươi giảm là do thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, lượng lúa cung ứng có kích thước không phù hợp với nhu cầu thu mua của doanh nghiệp xuất khẩu.
Giá lúa bán tại ruộng hiện đã giảm 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Ngoài ra, tình trạng nắng nóng cũng khiến năng suất giảm, các doanh nghiệp muốn tìm mua lúa chất lượng cao cũng không đủ.
"Trước đó, các khó khăn trong xuất khẩu gạo của cả năm 2019 gần như đã được nhận diện đầy đủ nhưng các địa phương vẫn không có nhiều giải pháp tích cực. Việc giải cứu thời gian qua chưa mang tính chiến lược. Sắp tới cũng chưa thấy điểm sáng rõ ràng trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tự bơi là chính" - ông Nghĩa nói.
Theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương Long An, giá lúa giảm là do cung cầu bị chênh lệch quá nhiều, khiến xuất khẩu gạo trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Dù cả nước có giảm một số diện tích nhưng năng suất đạt cao nên sản lượng không hề giảm. Thị trường có thể tiếp nhận của chúng ta khoảng 5 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất tới 7 triệu tấn, 2 triệu còn dư gây áp lực lên tiêu thụ, làm giảm giá thu mua và nông dân lại gặp khó khăn.
Ông Đức cho rằng, trong bài toán nâng cao giá lúa, việc tái cơ cấu cần tính toán lại diện tích đất lúa cho hợp lý để cân đối sản lượng, nhu cầu, kể cả đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ngành nông nghiệp cũng cần xem xét lại lịch thời vụ, làm sao cho khoa học hơn. Lâu nay việc xuống giống đồng loạt có ưu điểm là hạn chế dịch bệnh nhưng cũng đưa đến chi phí tăng cao. Cụ thể, việc gieo sạ đồng loạt khiến chi phí nhân công tăng; tạo áp lực cho vấn đề kho bãi, nhà máy sấy. Và nhất là doanh nghiệp phải bỏ tiền ra thu mua một lượng lớn thóc lúa trên các cánh đồng.
Thị trường cuối năm còn khó khăn
Đánh giá tình hình nửa đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận việc sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã gặp những lúng túng sau 3 - 4 năm tương đối ổn định. Thời gian trước đó không có chuyện phải thu mua tạm trữ. Nhưng ngay từ đầu năm nay, giá lúa giảm mạnh khiến nhiều người bối rối. Tình trạng có nguy cơ lặp lại trong vụ hè thu sắp tới đây nếu không có biện pháp cụ thể.
Điều đáng lo ngại là, hiện nay các hợp đồng xuất khẩu tập trung khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường hầu như chưa có. Việc chủ động hỗ trợ thu mua lúa từ nông dân đang đặt ra kế hoạch bài bản hơn với sự chung tay từ nhiều bộ ngành.
Theo ông Khánh, thị trường nông sản thường có phản ứng chậm hơn các mặt hàng công nghiệp khác. Khi cung thiếu thì giá tăng, các nước cũng tăng cường sản xuất tại chỗ để tránh lệ thuộc nhập khẩu. Nguồn cung nhiều lên thì giá lại giảm nên thị trường nông sản luôn có tính chu kỳ hình sin.
"Hiện tại, giá lúa đang ở chu kỳ đi xuống. Việc cạnh tranh với các nước sẽ ngày càng gay gắt nên khả năng thu mua trong nội địa cũng bị ảnh hưởng theo" - ông Khánh nói.
Biện pháp trong ngắn hạn, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, trước khi vào vụ phải có cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ số lượng lớn nguồn hàng của nông dân. Đầu vụ là quãng thời gian vốn gặp nhiều khó khăn. Biện pháp cụ thể nhất là phải có lượng tiền lớn từ ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, ít nhất là theo mức giá mà Bộ Tài chính công bố để đảm bảo có lợi cho nông dân.
Bộ NNPTNT cũng nên có kế hoạch cho một cơ chế thường xuyên, ổn định chứ không phải giải pháp đặc thù cho từng vụ như vừa qua. Về lâu dài, việc giải quyết sản lượng lớn thông qua cân đối bài toán diện tích, sản lượng đã thống nhất với Bộ NNPTNT. Bài toán tối ưu giá cả cần tính toán kỹ cả trong cơ cấu 1 vụ hay nhiều vụ.
Theo Danviet
ĐBSCL: "Chóng mặt" vì dịch tả heo châu Phi không ngừng lan rộng Hiện tại, ở TP.Cần Thơ, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể kiểm soát được. Nguyên nhân là do mưa nhiều thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và gây khó khăn trong công tác tiêu hủy lợn bị bệnh. Lây lan nhanh, khó kiểm soát Ông Phạm Trường Yên - Phó Giám đốc Sở NNPTNT...