Trung Quốc gia tăng kiểm soát Tây Tạng, kêu gọi chống Đạt Lai Lạt Ma
Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường cuộc chiến chống chủ nghĩa ly khai, trấn áp các hoạt động đòi độc lập cho Khu tự trị Tây Tạng, đồng thời kêu gọi chống lại nhà sư Đạt Lai Lạt Ma.
Trung Quốc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Khu tự trị Tây Tạng – Ảnh: Reuters
Tờ China Daily cho biết ông Du Chính Thanh, Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 8.9 đã đại diện cho Bắc Kinh tham dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Khu tự trị Tây Tạng. Ông Du cho biết hoạt động tôn giáo vẫn được khuyến khích ở Tây Tạng theo đúng tinh thần luật pháp.
“Mọi hoạt động tôn giáo phải được quản lý đúng luật, các vấn đề (liên quan đến tôn giáo) cũng được phản ảnh trên tinh thần đó và trật tự thờ phượng Phật giáo Tây Tạng cũng phải được duy trì”, ông Du, người đồng thời là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc, nói.
Bên cạnh việc khuyến khích Phật giáo Tây Tạng theo đúng luật pháp, ông Du cho rằng Trung Quốc sẽ không nhẹ tay với những phần tử đòi ly khai cho Tây Tạng, và chiến dịch trấn áp những nhóm chống phá vẫn sẽ được Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh, theoChina Daily.
Nhân dịp này, ông Du cũng kêu gọi chống lại nhà sư Đạt Lai Lạt Ma, người mà Bắc Kinh gọi là “phần tử ly khai bạo động”, trong khi thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng, hiện sống lưu vong tại Ấn Độ, vẫn khẳng định con đường ôn hòa đòi quyền tự trị lớn hơn cho người Tây Tạng ở Himalaya, theo Reuters.
“Người dân của mọi sắc tộc (ở Tây Tạng) phải kiên định trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa ly khai, chống lại “bè lũ” Đạt Lai và hoạt động chống phá, đòi độc lập của lực lượng thù địch nước ngoài”, Reuters dẫn lời ông Du phát biểu trước Cung điện Potala, từng một thời là nơi ở của Đạt Lai Lạt Ma nằm giữa những rặng núi cao.
Các nhà sư Tây Tạng trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập khu tự trị này – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Ông Du là nhân vật cao cấp thứ 4 trong đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách vấn đề tôn giáo và người dân tộc. Hôm 7.9, ông Du đã chỉ đạo quân đội, cảnh sát và nhân viên tư pháp ở Tây Tạng chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc chiến chống lại bè lũ Đạt Lai Lạt Ma thứ 14″, theo Tân Hoa xã.
Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại ở Tây Tạng, như sinh nhật lần thứ 80 của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, người từng được trao giải Nobel Hòa bình, kỷ niệm 50 năm Trung Quốc đưa quân đội lên vùng đất này để làm cuộc “giải phóng hòa bình” và 20 năm Ban Thiền Lạt Ma mất tích.
Một cậu bé 6 tuổi tên Gedhun Choekyi Nyima được Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong ở Ấn Độ chọn là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 nhưng mất tích hồi năm 1995. Sau đó cuối năm 1995, chính quyền Trung Quốc chọn Gyaltsen Norbu, năm nay 26 tuổi, làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11. Tuy nhiên Đạt Lai Lạt Ma không công nhận lựa chọn này của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cũng không công nhận lựa chọn Ban Thiền Lạt Ma của Đạt Lai Lạt Ma.
Ngày 6.9, Trung Quốc tuyên bố Gedhun Choekyi Nyima tức “Ban Thiền Lạt Ma” do Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn “hiện sống cuộc đời bình thường” và “không muốn bị quấy rầy”.
Reuters cho biết nhân sự kiện 50 năm thành lập Khu tự trị Tây Tạng, giới truyền thông Trung Quốc nói xấu Đạt Lai Lạt Ma và gọi thủ lĩnh rất được người Tây Tạng kính trọng là “kẻ lừa đảo”. Tổ chức người Tây Tạng tự do phản đối buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập khu tự trị. Tây Tạng hiện bị quân đội và cảnh sát Trung Quốc kiểm soát rất chặt, theo Reuters.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Trung Quốc: Linh đồng Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ định 20 năm trước vẫn còn sống
"Đứa bé đầu thai làm Ban Thiền Lạt Ma mà bạn đề cập đang được giáo dục, sống cuộc sống bình thường, lớn lên khỏe mạnh và không muốn bị quấy rầy."
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của truyền thống Phật giáo Tây Tạng, ngài Ogyen Trinley Dorje. Ảnh: SCMP.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/9 đưa tin, Norbu Dunzhub, một thành viên Ban Công tác Mặt trận thống nhất khu tự trị Tây Tạng hôm qua tham dự họp báo của chính phủ giới thiệu về tình hình Tây Tạng. Xung quanh những phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma gần đây rằng đảng Cộng sản Trung Quốc không hiểu gì về khái niệm "luân hồi" của Phật giáo Tây Tạng, quan chức này tuyên bố: "Bất kể Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nói gì và làm gì đều không thể phủ định được quyền nhận định của chính phủ trung ương về Phật sống tái sinh".
Norbu Dunzhub tuyên bố, Ban Thiền Lạt Ma mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập là bất chấp định chế lịch sử, phá hoại nghi quỹ tôn giáo là "phi pháp, vô hiệu". Về thông tin Linh đồng do Đức Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn 20 năm trước để trở thành Ban Thiền Lạt Ma bị mất tích, quan chức này khẳng định Linh đồng này vẫn đang được đào tạo và không muốn bị bên ngoài quấy rầy.
Theo South China Morning Post ngày 6/9, trong cuộc họp báo phóng viên Reuters đã hỏi về số phận cậu bé Gendun Choekyi Nyima 20 năm trước khi mới 6 tuổi được Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ định làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 (người sẽ tìm kiếm, đào tạo và bảo vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viên tịch, theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng) mất tích, đại diện chính quyền Tây Tạng nói rằng: "Đứa bé đầu thai làm Ban Thiền Lạt Ma mà bạn đề cập đang được giáo dục, sống cuộc sống bình thường, lớn lên khỏe mạnh và không muốn bị quấy rầy."
Cũng theo quan chức này thì việc Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chỉ định Gendun Choekyi Nyima làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 được thực hiện "mà không có sự cho phép" của Bắc Kinh là bất hợp pháp, không hợp lệ. Tờ báo Hồng Kông lưu ý, mặc dù chính thức khẳng định vô thần, nhưng Bắc Kinh vẫn cho rằng Geundun Choekyi Nyima không phải Ban Thiền Lạt Ma thật sự.
Năm 1995 để chiếm cảm tình của người Tây Tạng, Bắc Kinh đã chỉ định Gyaltsen Norbu làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, người sẽ chọn, đào tạo và bảo vệ Đạt Lai Lạt Ma thứ 15. Tuy nhiên nhiều người dân Tây Tạng không chấp nhận và gọi Gyaltsen Norbu là "Lạt Ma giả".
Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 do Bắc Kinh chỉ định năm 1995, Gyaltsen Norbu. Ảnh: SCMP.
Theo Reuters, ngày 16/4 năm nay Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã tuyên bố sẽ chấm dứt truyền thống tái sinh của Phật sống Tây Tạng bởi chỉ có ngài mới tự quyết định được sự tái sinh của mình trong tương lai. Chính phủ Trung Quốc mặc dù thừa nhận ngài Ogyen Trinley Dorje là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nhưng không "cho phép" ngài từ chối tái sinh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng người kế vị ông do họ chọn thông qua Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 do họ dựng lên để chia rẽ Phật giáo Tây Tạng, bởi một khi ngài qua đời sẽ có hai Đạt Lai Lạt Ma thứ 15, một là của những người Tây Tạng, hai là của chính phủ Trung Quốc.
Trong tài liệu tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc về Tây Tạng đã cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 "âm mưu đòi độc lập cho Tây Tạng", tuy nhiên ngài phủ nhận đòi hỏi độc lập. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng ngài chỉ muốn người dân Tây Tạng được tự trị theo đúng nghĩa, đúng tinh thần trung đạo.
Quân đội Trung Quốc đã tiến vào Tây Tạng năm 1950 và kết thúc hoạt động của bộ máy chính quyền tôn giáo ở Tây Tạng, thành lập bộ máy chính quyền mới của người Hán, buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và chính phủ của ngài phải sống lưu vong tại Ấn Độ.
Hồng Thủy
Theo giaoduc
Top những cái nhất của các ông hoàng bà chúa Trung Quốc Trong các hoàng đế Trung Quốc, Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất, Chu Ôn là ông hoàng hoang dâm nhất, Minh Thần Tông là vua lười nhất, Càn Long sống thọ nhất Võ Tắc Thiên (624-705) là nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Đây là hoàng đế Trung Quốc lớn tuổi nhất lịch...