Trung Quốc gây sốc với cảng biển châu Phi 10 tỷ USD
Làng chài Mlingotini cùng 4 làng dọc bờ biển Bagamoyo tại Tanzania sẽ bị san bằng để xây dựng một cảng biển lớn nhất châu Phi do Trung Quốc đầu tư.
Trong chiến lược phát triển để trở thành cường quốc biển, một phiên bản “Thâm Quyến” ở Châu Phi sẽ được Trung Quốc dựng lên trong vòng 10 năm nữa.
Làng chài Mlingotini yên bình cùng với 4 làng dọc bờ biển Bagamoyo, phía Bắc Thủ đô Dar Es Salaam của Tanzania sẽ bị san bằng, để xây dựng một cảng biển lớn nhất châu Phi trị giá 10 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư xây dựng.
Thị trấn Bagamoyo từng nổi lên với hiện tượng buôn bán nô lệ và được đề cử di sản thế giới từ 12 năm trước đang được Trung Quốc xem như một Thâm Quyến mới.
Làng chài nhỏ gần Bagamoyo 10 năm tới sẽ trở thành cảng lớn nhất châu Phi
Trước khi trở thành khu kinh tế đặc biệt đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1979, Thâm Quyến cũng là một thị trấn đánh cá nhỏ. Giờ đây nó là một trong những thành phố lớn nhất thế giới và là trung tâm công nghệ cao. Còn Bagamoyo, nếu dự án được thực hiện đúng như kế hoạch, nó sẽ trở thành cảng lớn nhất châu Phi.
Thực tế, sau nhiều năm trì hoãn, Chính phủ Tanzania cho biết họ đang trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán với Công ty Nhà nước Trung Quốc Merchants Holdings International. Các đầm phá sẽ được nạo vét, cho phép tàu chở hàng khổng lồ cập bến.
Đối với khu kinh tế đặc biệt ngay sát đó do quỹ của Oman lập ra, quy hoạch ban đầu cho thấy các nhà máy cùng khu dân cư với dân số tương lai ước tính là 75.000 người.
Đề xuất khai thác vùng biển Bagamoyo mở rộng đến Đông Phi nằm trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chỉ là 1 trong nhiều dự án hợp tác lớn của Trung Quốc với châu Phi. Có thể kể ra một số dự án đình đám ở đây như:
Ethiopia có tuyến đường sắt chạy bằng điện dài 756km nối Thủ đô Addis Ababa đến cảng biển của nước láng giềng Djibouti, tổng giá trị đầu tư 3,2 tỷ USD. Và Djibouti, để đổi lấy các khoản đầu tư lớn, các khoản vay ưu đãi, 1 đường ống dẫn dầu và 2 sân bay, cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
Video đang HOT
Đáng nói là cảng mới Bagamoyo có thể giúp hồi sinh tuyến đường sắt Tazara, kéo dài từ các mỏ đồng của Zambia đến Dar Es Salaam, đánh dấu cơ sở hạ tầng có quy mô lớn đầu tiên mà Trung Quốc dựng lên ở châu Phi từ những năm 1960.
Điểm khác biệt chính là Tazara chủ yếu được chi trả bằng tiền viện trợ của Trung Quốc thời đó, còn hiện tại, hầu hết các dự án mới đều là các khoản vay thương mại của Trung Quốc.
Đã có những lo ngại về các khoản vay này. Giai đoạn từ năm 2000-2015, Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay 95,5 tỷ USD.
Trước chuyến thăm châu Phi vào tháng 3/2018, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cáo buộc Trung Quốc về các hoạt động cho vay kiểu này, hay khi còn là Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton từng cảnh báo về “chủ nghĩa thực dân mới” của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc thâu tóm các cảng biển tại Châu Âu. Bởi, các cảng biển đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của châu lục này khi có tới 70% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được lưu chuyển qua đường biển.
Các cảng biển ở châu Âu cũng đang tạo ra 1,5 triệu việc làm, xử lý khối lượng hàng hóa trị giá 1.700 tỷ euro.
Gần đây, các cảng biển ở châu Âu thu hút sự chú ý của các tập đoàn Trung Quốc, khi Trung Quốc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường” – (BRI).
Trong thập niên qua, các công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc đã mua cổ phần tại 8 cảng biển ở Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha. Nhìn chung, các công ty nhà nước của Trung Quốc vẫn nắm vai trò chủ đạo trong chiến lược đầu tư vào hệ thống cảng biển ở châu Âu.
Cùng với tham vọng thâu tóm cảng biển thì “bẫy nợ” của Trung Quốc cũng đang khiến nhiều quốc gia đang mắc vào chiếc thòng lọng của chiến lược “Một vành đai, một con đường”.
Với mồi câu là các dòng tín dụng cho vay dễ dãi của Trung Quốc, nhiều quốc gia như Argentina, Namibia, Sri Lanka, Djibouti, Nepal, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Hy Lạp, Ý, Úc… Những cái tên xuất hiện trải dài từ tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông, đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, châu Phi, thậm chí sang châu Âu đã khó thoát khỏi chiếc bẫy nợ của Bắc Kinh.
Những quốc gia này sẵn sàng mời gọi và liên doanh với công ty Trung Quốc để làm dự án cảng biển, đặc khu kinh tế… bất chấp thực tế đang đặt các vùng chiến lược của đất nước trước nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc.
Làn sóng đầu tư của Trung Quốc đã gây ra nhiều nghi ngại cho các nước châu Âu. Pháp và Đức là điển hình trong số các quốc gia còn do dự khi tham gia BRI.
Liên minh châu Âu đã phải gia tăng các biện pháp kiểm soát hoạt động đầu tư của Trung Quốc. EU hiện đang tích cực để đề ra khuôn khổ cơ chế sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hoàng Nam
Theo baodatviet
Vì sao Trung Quốc xuất khẩu vũ khí ồ ạt sang châu Phi?
Một diễn biến đáng chú ý trong thời gian qua là ngoài các hoạt động đầu tư và "ngoại giao đường sắt", Trung Quốc còn đang tăng cường bán vũ khí đến châu Phi.
Trung Quốc đang thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các nước ở "lục địa đen" khi vào ngày 26/6, Bắc Kinh đã tổ chức Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Trung Quốc - châu Phi, quy tụ đại diện của 50 quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi.
Theo ông Yang Mian, một chuyên gia phân tích chính trị của Trung tâm Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Truyền thông Trung Quốc, trong bối cảnh khủng bố và bạo lực cực đoan đang diễn ra ở nhiều nơi tại châu Phi, các tổ chức khủng bố cực đoan địa phương như Boko Haram và Al-Qaeda ở khu vực Maghreb Hồi giáo (AQIM) đang hoạt động mạnh, chính phủ các nước trong khu vực cần tăng cường khả năng phòng thủ và Trung Quốc hoàn toàn có thể hỗ trợ điều này.
Ông Mian cũng cho rằng Trung Quốc và châu Phi có thể hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn nạn cướp biển. Theo đó, Bắc Kinh có thể cử các tàu tuần tra đến vùng biển của Somalia và Vịnh Aden để hộ tống các tàu biển, giúp các quốc gia trong khu vực chống cướp biển.
Xe tăng VT4 do Trung Quốc sản xuất thường được xuất khẩu đến châu Phi. Ảnh: Norinco
Ông Yang Mian nhấn mạnh cơ sở hậu cần của Trung Quốc ở Djibouti không những đủ khả năng hỗ trợ quân sự cho châu Phi, mà còn có thể trợ giúp đội tàu chiến chống cướp biển dọc bờ biển Đông Phi cũng như tiến hành các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ).
Cũng theo nhà phân tích Trung Quốc Yang Mian, hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Trong thế kỷ 20, Bắc Kinh đã hỗ trợ các nước châu Phi trong cuộc chiến giành độc lập từ các chính quyền thực dân.
Những mối quan hệ lịch sử này đã đặt nền móng cho sự tin cậy lẫn nhau và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Phi trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường". Bắc Kinh có lợi thế tại châu Phi khi vũ khí và trang thiết bị của nước này rẻ hơn so với của phương Tây nhưng không có nghĩa kém hơn về mặt chất lượng. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không can thiệp vào các vấn đề nội địa của các nước châu Phi.
Đây là lý do khiến lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang châu Phi đã tăng 55% từ năm 2013 đến năm 2017, so với giai đoạn 5 năm trước đó, từ năm 2008 đến năm 2012 (theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm). Mặc dù trong thời gian này châu Phi đã giảm tổng lượng nhập khẩu vũ khí xuống 22%, nhưng thị phần vũ khí mà Trung Quốc cung cấp cho châu Phi tăng từ 8,6% lên 17%. Kết quả là Trung Quốc đã vượt Mỹ - nước chỉ chiếm 11% lượng vũ khí xuất khẩu sang châu Phi.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể doanh số bán vũ khí, cả về số lượng các nước châu Phi tham gia các thỏa thuận mua sắm và các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự đang được bán. Trung Quốc đã cung cấp xe tăng và xe bọc thép cho Tanzania, Chad, Gambia, Namibia, Rwanda, Burundi, Mozambique và Gabon.
Trong khi đó, một số nguồn tin tương tự cũng cho biết Bắc Kinh đã bán máy bay chiến đấu và các máy bay không người lái (UAV) cho Nigeria, Tanzania, Zambia, Namibia, Zimbabwe và Ghana; tên lửa và các bệ phóng tên lửa cho Maroc, Sudan, Yemen; trong khi Congo, Ghana, Sudan, Cameroon, Tanzania, Niger và Rwanda đã nhập khẩu hệ thống pháo từ Trung Quốc.
Ông Nikolai Shcherbakov, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi thuộc Viện Lịch sử Tổng hợp, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS), cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách củng cố vị thế của một nhà cung cấp vũ khí lớn cho lục địa Đen.
Ông cho biết theo truyền thống, phần lớn các nước châu Phi chủ yếu nhập khẩu thiết bị quân sự từ các cường quốc thực dân cũ trong khu vực, hoặc từ Nga và các nước Đông Âu. Tuy nhiên, hiện giờ Trung Quốc cho rằng "cần gây sức ép đối với các nhà cung cấp vũ khí truyền thống ở châu Phi từ chính thị trường, đồng thời khẳng định mình lợi thế hơn trong vai trò là nhà xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị".
Nguyên nhân dẫn đến điều này khá dễ hiểu bởi thực tế Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ tài sản và các dự án cơ sở hạ tầng tại "lục địa Đen". Bắc Kinh có nhiều khoản đầu tư ở châu Phi và các dự án đường sắt quy mô lớn trong khu vực . Ông Shcherbakov lý giải đây có thể coi là sự "phòng thủ trực tiếp" giống như tại khu vực Darfur của Sudan, với sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, hoặc sự "bảo vệ gián tiếp" khi Trung Quốc nhận thấy sự cần thiết của việc giành được ảnh hưởng tại các nước châu Phi nhất định.
Vì vậy, Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Trung Quốc - Châu Phi gần đây là một công cụ hiệu quả để đạt được các mục đích nói trên. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, các nước tạo ra một bầu không khí hoàn toàn mới cho việc hợp tác. Thêm vào đó, điều này cũng giúp Bắc Kinh theo đuổi lợi ích kinh tế của mình ở châu Phi và đẩy mạnh bán vũ khí.
Theo TTXVN/Báo Tin Tức
Đặc khu kinh tế: Được và mất: "Khu thí điểm" cho thuê 99 năm trả giá Dự án ước tính trị giá 3,8 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Koh Kong - Campuchia đang nổi lên như một khu vực kinh tế khép kín cho lao động, các nhà đầu tư và du khách Trung Quốc Đặc khu kinh tế Koh Kong đang được Trung Quốc xây dựng trên một khu đất 45.000 ha của Campuchia...