Trung Quốc đưa trở lại chế độ tem phiếu để đối phó với cuộc khủng hoảng thịt lợn
Nhiều địa phương của Trung Quốc phát hành tem phiếu mua thịt lợn giá rẻ để đối phó với cơn khát thịt lợn đang ngày càng nghiêm trọng.
Giá thịt lợn trong tháng 8 tại Trung Quốc tăng gần 50% so với một năm trước đó trong bối cảnh thị trường thịt lợn nước này lâm vào khủng hoảng do dịch tả lợn châu Phi.
Mức giá cao ngất này đang đẩy giá thực phẩm tăng bình quân 10% và khiến lạm phát của Trung Quốc trong tháng 8 lên 2,8%.
Hàng loạt các biện pháp đang được giới chức trung ương và địa phương đưa ra đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Một trong số đó là áp dụng chính sách tem phiếu từng tồn tại từ suốt thập niên 50 tới những năm 80 ở nước này.
Tem phiếu thịt lợn ở Nam Ninh. (Ảnh: Weibo)
Tại Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, các phiếu giảm giá bắt đầu được phân phát từ đầu tháng 9, cho phép người dân mua thịt ở mức bình ổn giá, tức là thấp hơn 10% so với giá bình quân trên thị trường 10 ngày trước đó.
Tuy nhiên, mức giá này chỉ được áp dụng tại 10 địa điểm thí điểm và mỗi người dân chỉ được mua tối đa 1 kg/ngày sau khi xuất trình giấy tờ tùy thân.
Hình thức tem phiếu này cũng được ghi nhận ở một vài thành phố phía Nam của tỉnh Phúc Kiến và dự kiến sẽ duy trì tới hết năm.
Tại thành phố Phủ Điền thuộc Phúc Kiến, chính quyền trợ cấp cho mỗi người dân 4 NDT cho 1 kg thịt lợn và giới hạn ở mức 2 kg/người.
Người tiêu dùng ở Hạ Môn, một thành phố khác ở Phúc Kiến cũng bị hạn chế, chỉ được mua 2,5kg thịt lợn mỗi ngày từ dầu tháng 8.
Ngoài Nam Ninh và Phúc Kiến, chính quyền các tỉnh Giang Tô, Giang Tây, Hải Khẩu, Tứ Xuyên, Quảng Đông cũng ban hành giới hạn giá và mức mua cho phép đối với thịt lợn.
Video đang HOT
Feng Yonghui, nhà phân tích tại cổng thông tin công nghiệp Soozhu cho rằng số thịt lợn giảm giá có thể là thịt lấy từ kho đông lạnh của chính phủ mặc dù người dân từng khẳng định họ sẽ không mua thịt đông lạnh dù giá được giảm.
“Chúng tôi thích ăn thịt tươi, chúng tôi không chấp nhận thịt đông lạnh”, ông Li Liqiong, 65 tuổi cho hay. Li cho biết ông phải bỏ thói quen lân la qua các hàng thịt mỗi ngày vì giá cả quá đắt đỏ và lo ngại virus tả lợn châu Phi vẫn còn sót lại trong thịt.
Trung Quốc dừng chế độ tem phiếu mua thực phẩm từ những năm 1980. Riêng chỉ một trường hợp giới hạn mua thịt lợn được báo cáo tại thành phố Hạ Môn năm 2011.
“Giới hạn mua hàng cho thấy dự trữ thịt lợn của chính phủ không lớn lắm và cả chính phủ và thị trường đều thiếu nguồn cung thịt lợn. Đó là lý do tại sao giá cả lại đắt đỏ như hiện nay“, ông Feng phân tích.
Tờ SCMP từng dự báo, kể cả khi Trung Quốc có sử dụng hết lượng thịt lợn đông lạnh của mình và nhập khẩu tất cả thịt lợn giao dịch trên thế giới để đối phó với đợt khủng hoảng này, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn sẽ chịu cảnh thiếu hụt 6 triệu tấn thịt lợn.
Bài toán thịt lợn vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu của giới chức Trung Quốc khi lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đang đến rất gần.
Bắc Kinh gần đây đang phải tăng cường nhập khẩu thịt từ Đan Mạch, Brazil và EU.
Hôm 16/9, Trung Quốc thông báo sẽ trợ cấp 5 triệu NDT (khoảng 700.000 USD) cho người dân tới cuối năm 2020 để sửa sang các trang trại chăn nuôi.
Chính quyền trung ương cũng yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính khuyến khích người dân và các nhà sản xuất nhân giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Bắc Kinh đang thảo luận về kế hoạch tăng trợ cấp, hỗ trợ cho vay và bảo hiểm cho các nhà sản xuất thịt lợn trên toàn quốc.
Trung Quốc mới đây cũng miễn áp thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nông sản Mỹ, bao gồm đậu tương và thịt lợn. Dù Bắc Kinh khẳng định đây là động thái đáp trả thiện chí từ việc lùi áp thuế với hàng hóa Bắc Kinh của Washington, các chuyên gia cho rằng nó một phần xuất phát từ “cơn khát thịt” hiện nay.
(Nguồn: SCMP)
SONG HY
Theo VTC
Mở kho thịt lợn đông lạnh quý giá, Trung Quốc vẫn khó lòng hạ nhiệt cơn khủng hoảng thịt lợn
Cuộc khủng hoảng thịt lợn ở Trung Quốc đang tồi tệ tới mức một số thành phố của nước này bắt đầu phải tìm tới kho thịt lợn đông lạnh quý giá.
Ít nhất 4 tỉnh/thành phố Trung Quốc bắt đầu tính tới phương án xả kho thịt lợn đông lạnh trong nỗ lực ổn định giá và tăng nguồn cung cho thị trường.
Động thái bất đắc dĩ này là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc khi đất nước tỷ dân đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thịt lợn. Nhưng phương án này cũng có thể không đủ để giải quyết vấn đề.
Thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới năm ngoái bị oanh tạc bởi đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi, 100 triệu con lợn bị tiêu hủy trước khi đến tay người tiêu dùng. Nguồn cung giảm khiến giá thịt lợn tăng gần 50% trong năm 2018.
Hôm 12/9, thành phố Tề Nam trở thành địa phương mới nhất tuyên bố xả kho thịt đông lạnh dự trữ, ngay trước lễ Trung Thu. Chính quyền thành phố này thông báo sẽ xả kho một đợt nữa vào cuối tháng này trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10). Tề Nam cũng đang lên kế hoạch cung cấp 1.500 tấn thịt đông lạnh trong tháng 10 tới.
Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thịt lợn. (Ảnh: CNN)
Trước Tề Nam, tỉnh Hải Nam và Quảng Đông cũng có bước đi tương tự.
Trung Quốc bắt đầu dự trữ thịt lợn đông lạnh từ những năm 1970. Số thịt lợn "chiến lược" được coi là phương án đối phó với các trường hợp khẩn cấp và ổn định giá khi cần thiết. Ngoài thịt được giữ trong kho lạnh, chính phủ Trung Quốc cũng đang dự trữ một kho thịt sống. Chúng sẽ đến tay nông dân nếu họ thiếu thịt lợn trầm trọng.
Bắc Kinh không công bố số liệu thường xuyên về lượng thịt mà họ trữ trong kho. Nhưng ông Chen Wen, một nhà phân tích của Wanlian Securities, ước tính nó có thể lên tới hàng trăm nghìn tấn.
Trong khi chính quyền các địa phương bắt đầu phải động tới kho dự trữ của họ, kho thịt lợn ở trung ương vẫn chưa có dấu hiệu suy suyển.
Các chuyên gia cho rằng, kho dữ trự này sẽ chỉ được mở nếu cuộc khủng hoảng thịt lợn đi tới mức đặc biệt nghiêm trọng. Lần cuối cùng Bắc Kinh khai thác nguồn cung thịt lợn trong kho dự trữ trung ương là vào tháng 1 năm nay, 10.000 tấn thịt lợn được bung ra thị trường ngay trước Tết.
Một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của đất nước hôm 11/9 cho biết chính phủ đang lên kế hoạch cung cấp thịt lợn trong vài tháng tới. 1 ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định chính phủ sẽ mở kho thịt đông lạnh vào đúng thời điểm để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Đào sâu vào kho thịt dự trữ không phải là lựa chọn duy nhất hiện nay của Trung Quốc. Giới chức nước này đang trợ cấp 3,2 tỷ NDT (452 triệu USD) cho các gia đình có thu nhập thấp, không thể tiếp cận với thịt lợn đang ở mức giá trên trời như hiện nay.
Chính quyền trung ương cũng yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính khuyến khích người dân và các nhà sản xuất nhân giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Bắc Kinh đang thảo luận về kế hoạch tăng trợ cấp, hỗ trợ cho vay và bảo hiểm cho các nhà sản xuất thịt lợn trên toàn quốc.
Cùng với nỗ lực bình ổn giá và kiếm tìm nguồn cung mới, chính quyền cũng đang âm thầm thuyết phục người tiêu dùng rời xa món thực phẩm mà họ yêu thích.
Life Times, tờ báo có liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bài viết mới đây có tiêu đề "Ăn ít thịt lợn: Tốt cho cả ví tiền và cơ thể bạn" nhấn mạnh ăn quá nhiều thịt lợn không tốt cho sức khỏe.
Ngoài nguồn cung trong nước, Trung Quốc cùng đang tìm cách tăng mua thịt lợn từ Mỹ, Brazil châu Âu. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt lợn từ đầu năm cho tới nay.
Bất chấp hàng loạt nỗ lực này, các nhà phân tích vẫn cảnh báo chừng đó là chưa đủ để giải quyết vấn đề.
"Sự thiếu hụt thịt lợn sẽ còn tồi tệ trong phần còn lại của năm, nhưng chính phủ không có biện pháp hiệu quả để lấp đầy khoảng trống trong ngắn hạn", bà Chen, nhà phân tích của Wanlian Securities nhận định.
Bà dẫn lại ước tính mới đây cho thấy Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 10,8 triệu tấn thịt lợn trong năm nay. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang phải đau đầu giải quyết vấn nạn "lợn dịch" từ các quốc gia khác.
Hôm 11/9, Bắc Kinh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Philippines, quốc gia đang đối đầu với dịch tả lợn châu Phi. Trung Quóc cũng cấm nhập khẩu thịt lợn từ Slovakia vào tháng trước vì lý do tương tự.
(Nguồn: CNN)
SONG HY
Theo VTC
Trả lương thấp cho binh sĩ, Nhật Bản đối mặt khủng hoảng nhân lực Mức lương thấp, chế độ đãi ngộ cho thân nhân kém hấp dẫn, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang đối mặt với khủng hoảng vì tỷ lệ nhập ngũ ngày càng thấp. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Nó không liên quan đến phần cứng thiết bị quân sự, mà là khủng...