Trung Quốc đưa luật cấm đánh bắt mới trên Biển Đông với mưu đồ gì?
Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải nhận được sự đồng ý của giới chức trách địa phương nước này mới được đánh bắt hoặc khảo sát ở 2/3 Biển Đông từ ngày 1/1/2014. Động thái chắc chắn sẽ tạo ra những đối đầu mới giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng có chủ quyền trên Biển Đông.
Quy định ngạo ngược mới, nhưng không công bố rộng rãi
Lệnh mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay, sau khi được giới chức chính quyền Hải Nam đưa ra vào tháng 11 năm ngoái.
Theo những quy định mới mà chính quyền Hải Nam đưa ra, toàn bộ tàu cá nước ngoài đi vào vùng quản lý mới của Hải Nam trên Biển Đông, khu vực bao phủ 2/3 trong tổng số 1,5 triệu dặm vuông của Biển Đông, phải được sự đồng ý của giới chức trách Trung Quốc.
Biện pháp mới được đưa ra vào ngày 29/11 và được công bố trên báo chí nhà nước Trung Quốc vào ngày 3/12 năm ngoái nằm một phần trong chính sách củng cố luật ngư nghiệp của Trung Quốc.
Luật của Trung Quốc tuyên bố bất kỳ tàu nào vi phạm quy định về đánh bắt sẽ bị buộc phải ra khỏi khu vực, bị tịch thu đồ đánh bắt và bị phạt tới 82.600 USD. Trong một số trường hợp tàu cá có thể bị tịch thu và thủy thủ trên tàu bị khởi tố theo luật Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm rõ một tuyên bố pháp lý áp dụng với ngư trường mà nước này tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và các quốc gia khác trong khu vực.
Nhưng quy định mới về đánh bắt của Trung Quốc trên Biển Đông đã không hề được công bố rộng rãi ở bên ngoài Trung Quốc.
Một tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã đâm một tàu cá của Việt Nam vào ngày 3/1 vừa qua, gần quần đảo Hoàng Sa trong vụ việc đầu tiên nước này áp dụng luật mới. Những người Trung Quốc đã dùng dùi cui điện khống chế các như dân và tịch thu mẻ cá 5 tấn cùng đồ nghề của họ.
Vấn đề chính ở đây là tự do hàng hải quốc tế và nỗ lực của Trung Quốc muốn chiếm và kiểm soát vùng biển vốn được biết là ngư trường dồi dào và giàu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt này.
Quy định mới Trung Quốc đưa ra giới hạn toàn bộ tàu nước ngoài đánh bắt trong khu vực bao phủ 2/3 Biển Đông.
Tháng trước, chính Trung Quốc cũng đã gây ra một “trận bão” quốc tế với Nhật, Philippines, Hàn Quốc và Mỹ khi đơn phương công bố vùng nhận dạng phòng không mới trên Hoa Đông. Nhật, Hàn, Mỹ đều không công nhận vùng này. Lầu Năm Góc phái 2 máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân B-52 bay qua vùng này để thách thức tuyên bố của Trung Quốc.
Rồi sau đó, tháng trước, một tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ đã suýt va chạm với tàu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, gần đảo Hải Nam, khi tàu Mỹ đang theo dõi cuộc diễn tập hải quân của Trung Quốc.
Tại Manila, Philippines vào ngày 17/12 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ muốn những tranh chấp biển đảo trong khu vực được giải quyết một cách hòa bình, và ủng hộ nỗ lực của ASEAN nhanh chóng đưa ra được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Video đang HOT
Ông Kerry cho rằng vùng phòng không ở Hoa Đông không nên được áp dụng và cảnh báo Trung Quốc “kìm chế có hành động đơn phương tương tự ở những nơi khác trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông”.
Báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin, do phản ứng mạnh mẽ của quốc tế đối với vùng phòng không trên Hoa Đông, Trung Quốc nhiều khả năng không tuyên bố vùng tương tự trên Biển Đông.
Trung Quốc có mưu đồ gì?
Song vùng cấm đánh bắt trên 2/3 Biển Đông được giới phân tích đánh giá là một mưu đồ khác của Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này đối với vùng biển.
Giới phân tích cho rằng quy định đánh bắt mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ kéo cò cho những tranh chấp lớn hơn giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. “Điều này rất nghiêm trọng, nhưng không phải là không dự đoán được”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và là chuyên gia về quan hệ với Trung Quốc John Tkacik nhận định.
John Tkacik cho rằng vùng hàng hải mới của Hải Nam có vẻ như là một phần trong chính sách của Trung Quốc nhằm dần dần thâu tóm kiểm soát ở khu vực. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã đơn phương tuyên bố toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của mình theo cái gọi là “đường chín đoạn” rất mơ hồ, bao phủ vùng biển mà Bắc Kinh gọi là vùng đặc quyền kinh tế.
“Bắc Kinh giờ đây đang bước lên trên sự mơ hồ trước đó, bằng đưa ra hình thức pháp lý của “đường chính đoạn”, để công bố một “biện pháp cấp tỉnh”", ông nhận định.
Tuyên bố về vùng đánh bắt mới của Hải Nam cũng có vẻ như nhằm để dần dần ép các nước Đông Nam Á, Nhật và Mỹ chấp nhận sự xâm lấn trên biển của Trung Quốc.
Nhà phân tích chỉ ra rằng, Việt Nam và Trung Quốc đã đụng độ về quân sự nhiều lần trong suốt 30 năm qua trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo nằm trong vùng đánh bắt mới của Hải Nam. Tàu Trung Quốc đã bắn 2 tàu cá Việt Nam vào năm 2005, khiến 9 người thiệt mạng.
Ngoài ra, tàu hải quân Trung Quốc cũng đã đối đầu với tàu Philippines trong tranh chấp bãi cạn Scarbourouh, cũng nằm trong vùng cấm đánh bắt mới của Hải Nam.
Trung Quốc còn uy hiếp các tàu thu thập thông tin tình báo của Mỹ ở Biển Đông trong suốt 7 năm qua.
Biển Đông cũng là nơi xảy ra vụ đối đầu quân sự Mỹ-Trung vào ngày 5/12 khi một tàu đổ bộ hải quân Trung Quốc cắt qua trước mặt và dừng ngay trước mũi tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường Cowpens của Mỹ có vài trăm mét. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc Trung Quốc “vô trách nhiệm” trong vụ việc và cho rằng vụ việc có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu quân sự lớn hơn.
Chuyên gia Tkacik cho rằng các nước Đông Nam Á có thể thách thức vùng cấm đánh bắt mới của Trung Quốc qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
“Trung Quốc rõ ràng là đang coi thường công ước với tuyên bố này”, ông khẳng định.
Trung Quốc chắc chắn sẽ phản pháo với chỉ trích đối với vùng cấm đánh bắt mới bằng lý giải khu vực là do một chính quyền cấp tỉnh đưa ra, chứ thực chất không phải là chính sách quố gia. Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc sẽ không bãi bỏ những quy định trên và có thể đưa ra những giới hạn đánh bắt tương tự ở Hoa Đông.
Nhân chuyện vùng cấm đánh bắt mới của Hải Nam, chuyên gia Tkacik cho rằng các nhà lập pháp Mỹ có vẻ như tin rằng hải quân Mỹ đủ khả năng duy trì và bảo vệ quyền trên biển của Mỹ theo luật quốc tế, mà không cần công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Ông viện dẫn là trong khi Nhật đã ký công ước, nhưng Mỹ không ký. “Khi hải quân Trung Quốc phát triển mạnh hơn, trong khi hải quân Mỹ lại bị thu hẹp lại, lựa chọn của Washington chỉ còn vài năm nữa”, ông nhận định. Ông cũng tỏ ra thất vọng khi cho rằng “không ai ở Washington hay Bộ ngoại giao hoặc Lầu Năm Góc đang nghĩ rằng thách thức này lại chỉ là trên một năm. Thật không may là Mỹ không còn nhà chiến lược biển thực sự nào.”
Theo Dantri
Đông Bắc Á 2013: Năm của những bất ổn
Mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực năm 2013 căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn mới trong năm 2014.
Sau những cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ tại hầu hết các nước/vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á năm 2012, bước vào năm 2013, nhiều người hy vọng tình hình an ninh ở khu vực này sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, trái ngược với những hy vọng đó, tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á đang xấu đi nghiêm trọng do các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Nhiều nhân tố bất ổn mới đã xuất hiện và đang đe dọa sự ổn định của khu vực này.
Mặc dù vậy, Đông Bắc Á đã bước qua năm 2013 trong hòa bình. Từ Bắc Kinh tới Seoul và Tokyo, tất cả các nhà lãnh đạo đều hiểu rằng các tranh chấp và khác biệt đó không thể giải quyết một sớm một chiều và các hành động quân sự sẽ không giúp giải quyết tranh chấp mà chỉ đẩy khu vực và thậm chí cả thế giới tới bên bờ vực chiến tranh.
Bất ổn gia tăng
Có thể nói, 2013 là một trong những năm đầy bất ổn đối với Đông Bắc Á khi mâu thuẫn giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực được đẩy lên những nấc thang mới. Dưới thời các chính quyền mới, các cuộc khẩu chiến giữa Nhật Bản với Trung Quốc và với Hàn Quốc, giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc và với Nhật Bản đã diễn ra một cách thường xuyên hơn và ngày càng quyết liệt hơn. Tâm điểm của các cuộc khẩu chiến đó vẫn là vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Sourcefednew)
Bước vào năm 2013, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã nóng lên sau khi các nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) của Liên Hợp Quốc ngày 22/1 đã thông qua Nghị quyết 2087 lên án cái gọi là "vụ phóng vệ tinh" của Bình Nhưỡng hồi giữa tháng 12/2012. Sau đó, HĐBA đã tiếp tục thông qua Nghị quyết 2094 ngày 7/3 về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt tài chính chống Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba hôm 12/2.
Để thể hiện sự phản đối các hành động cứng rắn của Liên Hợp Quốc cũng như cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn sau đó, Triều Tiên đã cắt đứt đường dây liên lạc quân sự với Hàn Quốc - kênh liên lạc trực tiếp cuối cùng giữa hai miền.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng đơn phương hủy bỏ Hiệp định đình chiến tạm thời chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), đồng thời cảnh báo sẽ tiến hành các đòn tấn công phủ đầu chống các thế lực thù địch. Sau đó, Triều Tiên lại tiến hành vụ thử tên lửa vào tháng 5. Các hành động đó của Triều Tiên đã đẩy tình trạng căng thẳng trong quan hệ liên Triều lên một nấc thang mới.
Cùng với các vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, trong năm 2013, vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông cũng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận thế giới. Các tranh chấp này bao gồm tranh chấp giữa Nhật Bản, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang quản lý, tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokdo mà Seoul đang quản lý, tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga đối với quần đảo Kuril do Moscow đang quản lý mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, và tranh chấp giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đối với bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu do Seoul đang quản lý. Đáng chú ý, vấn đề tranh chấp lãnh thổ Nhật-Trung đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết do các hành động quyết đoán hơn của Trung Quốc.
Quần đảo Kuril-tâm điểm tranh chấp giữa Nga và Nhật (Ảnh: Ria)
Quan hệ Nhật-Trung đã trở nên căng thẳng từ tháng 9/2012 sau khi Tokyo quyết định mua lại ba trong số năm đảo nhỏ thuộc quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư từ một thương nhân của nước này.
Kể từ sau đó, bất chấp các nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Nhật-Trung vẫn không được cải thiện. Trung Quốc vẫn thường xuyên cử các tàu thuyền và máy bay xâm nhập vùng biển và vùng trời quanh quần đảo mà Nhật Bản đang quản lý. Điều này đã dẫn tới các cuộc khẩu chiến giữa các nhà ngoại giao và giới chức hai nước.
Tần suất của các cuộc đấu khẩu giữa Tokyo và Bắc Kinh đã đột ngột gia tăng vào tháng 9 sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố họ sẽ cân nhắc khả năng bắn rơi bất cứ máy bay không người lái nào xâm phạm không phận Nhật Bản. Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản đã bật đèn xanh cho kế hoạch bắn hạ bất cứ máy bay không người lái nào không tuân theo các cảnh báo phải rời khỏi không phận Nhật Bản.
Quần đảo Takeshima/Dokdo (Ảnh: AP)
Ngay lập tức, Trung Quốc đã phản ứng rất quyết liệt. Hôm 26/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh khẳng định: "Chúng tôi nhấn mạnh với các bên liên quan rằng không nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nếu Nhật Bản có các hành động mang tính áp đặt như bắn hạ máy bay như những gì họ đã nói, (chúng tôi sẽ coi) đó là hành vi khiêu khích nghiêm trọng, một hành động có thể châm ngòi chiến tranh, và Trung Quốc sẽ đáp trả quyết liệt. Bên khiêu chiến sẽ phải chịu mọi hệ quả của hành vi này".
Trong một động thái nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản, hôm 23/11, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Đáng chú ý, ADIZ của Trung Quốc bao trùm không chỉ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà còn cả bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu mà Seoul đang kiểm soát và một phần không phận xung quanh đảo Jeju của Hàn Quốc.
Những nhân tố bất ổn mới
Mặc dù theo các chuyên gia phân tích, việc thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông chỉ là một động thái của Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản nhưng nhiều người lo ngại việc Trung Quốc thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông có thể dẫn tới tình trạng căng thẳng trong quan hệ Trung-Hàn.
Vùng nhận diện phòng không ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập ngày 23/11 (Ảnh: AFP)
Bên cạnh đó, dư luận quốc tế lo ngại động thái này của Trung Quốc có thể sẽ tác động tiêu cực tới quyền tự do bay trên vùng trời nước khác và an toàn hàng không dân sự. Vì vậy, trong tuyên bố phát hành sau Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản ở Tokyo vào giữa tháng này, các nhà lãnh đạo khẳng định Nhật Bản và ASEAN "sẽ tăng cường hợp tác trong việc đảm bảo quyền tự do bay trên vùng trời nước khác và an toàn hàng không dân dụng theo các nguyên tắc được mọi người thừa nhận của luật pháp quốc tế".
Mặt khác, trong thời gian gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở khu vực Đông Bắc Á. Vào đầu tuần này, Chính phủ Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng trong giai đoạn từ tài khóa 2014-2018 lên 24.670 tỷ Yen, tăng 1.180 tỷ Yen so với giai đoạn từ tài khóa 2009-2013. Trước đó, Trung Quốc đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng để tăng cường tiềm lực quân sự. Nếu một cuộc chạy đua vũ trang như vậy diễn ra, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường an ninh khu vực mà còn đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Một nhân tố có thể gây bất ổn khác là cuộc thanh trừng "những kẻ chống đối" ở Triều Tiên của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un. Cùng với việc tử hình người chú Jang Song-thaek, nhà lãnh đạo Triều Tiên còn thẳng tay trừng trị các tay chân thân cận của ông này.
Có vẻ như một cuộc thanh lọc nội bộ trên quy mô lớn đang diễn ra ở Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, Triều Tiên có thể sẽ tiến hành các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa để làm dịu căng thẳng trong nước. Điều này báo hiệu môi trường an ninh ở Đông Bắc Á ngày càng xấu đi.
Theo Bùi Hùng
VOV
Thiết lập vùng phòng không: Trung Quốc tự đặt mình vào thế khó Với việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Hoa Đông, Trung Quốc đã giương một tên nhắm hai đích. Đầu tiên là Nhật Bản, sau tới Mỹ. Nhưng đồng thời với hành động này, Trung Quốc cũng đang tự đặt mình vào thế khó. Senkaku/Điếu Ngư nằm trong vùng phòng không Trung Quốc đơn phương thành lập. Với nước láng...