Trung Quốc đồng ý tham vấn về COC: Bình mới rượu cũ?
Với đề xuất bất ngờ về việc đồng ý khởi động tham vấn COC, tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gây sự chú ý lớn. Tuy nhiên trên thực tế, đây chỉ là hành động “đổi bình cho rượu cũ”.
Trong cuộc họp báo tối 30/6 với Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul, người điều phối Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc trong khuôn khổ AMM-46 ở Brunei, ông Vương Nghị bất ngờ thông báo Trung Quốc đồng ý khởi động tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bên lề cuộc họp SOM ASEAN – Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới.
Theo đó, cuộc họp sẽ thảo luận về địa điểm, cách thức cũng như thời gian tiến tới đàm phán chính thức về COC trong tương lai.
Bộ trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Thái Lan tại cuộc họp báo chung tối 30/6.
Video đang HOT
Đây được coi là “món quà” đầu tiên mà ông Vương Nghị dành tặng cho những người đồng cấp ASEAN tại cuộc họp AMM đầu tiên mà ông tham dự kể từ khi nhậm chức tháng 3 vừa qua.
Nhiều người đã thầm mừng khi cảm thấy ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đã có những “nhúc nhích” đôi chút trong vấn đề Biển Đông, một hồ sơ khu vực luôn nóng không chỉ trên thực địa và còn trên các bàn đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian qua.
Tuy nhiên, nếu đặt tuyên bố của ông Vương Nghị trong bối cảnh các phát ngôn cũng như hành động gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông, thì có thể dễ dàng nhận thấy tân Ngoại trưởng Trung Quốc đang “đổi bình cho rượu cũ”. Ông Vương Nghị chỉ đang “làm mới một câu chuyện cũ” nhằm tránh bị quốc tế chỉ trích khi không có tiến triển trong đàm phán về COC và làm dịu cuộc “khẩu chiến” đang căng thẳng với Philippines xung quanh các hành động điều tàu tới vùng biển tranh chấp.
“Tôi nghĩ mọi người đã kỳ vọng quá đối với đề nghị mới nhất về COC của Trung Quốc”, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định.
Nhận định của Tiến sĩ Storey không phải không có cơ sở, bởi trên thực tế vấn đề này đã từng được đàm phán trong một số cuộc tham vấn và họp Nhóm hỗn hợp ASEAN-Trung Quốc cách đây không lâu mà không đạt được tiến triển thật sự nào.
“Tuyên bố mới nhất của (Ngoại trưởng) Trung Quốc chỉ lặp lại những gì quan chức của họ từng nói tại tham vấn ASEAN – Trung Quốc hồi tháng 4″, Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia phân tích, đồng thời chỉ rõ đây không phải là cơ chế chính thức để thảo luận COC.
Cũng theo Giáo sư Carl Thayer và nhiều học giả khác, Trung Quốc không bao giờ tự ràng buộc mình vào một Bộ quy tắc sẽ hạn chế hành động của chính họ ở Biển Đông. Vì thế, “Trung Quốc sẽ kéo dài đàm phán càng lâu càng tốt để khiến thỏa thuận cuối cùng (về COC) không có tác dụng thật sự”, theo lý giải của Tiến sĩ Storey .
Vậy nên hiểu tuyên bố mới của ông Vương Nghị như thế nào?
Thực chất, cuộc tham vấn về COC ở Bắc Kinh vào tháng 9 tới sẽ không có gì mới mẻ, vì tuy bên ngoài đồng ý khởi động tham vấn nhưng bên trong, Trung Quốc sẽ gây khó dễ ở các cấp không chính thức và lợi dụng sự thiếu đồng thuận trong ASEAN để tiếp tục trì hoãn tiến độ đàm phán chính thức. Vì thế, ông Vương Nghị đã “một tên bắn hai đích”: ghi điểm tại AMM-46 nhưng vẫn giữ hiện trạng đàm phán COC như cũ.
Và cách thức để Trung Quốc giữ được việc này là thông qua hoạt động của Nhóm nhân sĩ ASEAN-Trung Quốc (EPG), gồm 10 thành viên của Trung Quốc và 10 thành viên đại diện cho 10 nước ASEAN.
Nếu chỉ tính theo tỷ lệ số học, con số 10 nhân sĩ Trung Quốc và 10 nhân sĩ ASEAN xem là hoàn toàn cân bằng. Nhưng nếu đặt trong một tuyên bố khác của ông Vương Nghị cũng tại AMM-46 thì lại thấy tỷ lệ này đang nghiêng hẳn về Bắc Kinh. Ông nói: “Trung Quốc sẽ giải quyết các khác biệt cụ thể với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thông qua con đường ngoại giao”. Nói cách khác, ông Vương Nghị đang tìm cách khoét sâu sự khác biệt lợi ích giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc.
Và một “bó đũa” khi đã được tách ra chắc chắn sẽ không còn sức mạnh như con số 10 tròn trĩnh mà Bắc Kinh đang nói với các nước ASEAN. Đây cũng là điều đã được Trung Quốc áp dụng rất thành công tại AMM cách đây đúng một năm.
Tất nhiên, là nhà ngoại giao mới nhậm chức, ông Vương Nghị cũng không quên trấn an các nước ASEAN rằng “các tranh chấp trên Biển Đông không phải là vấn đề giữa Bắc Kinh với các nước ASEAN cho nên không thể ảnh hưởng các mối quan hệ rộng hơn giữa hai bên” mà ông mô tả là đang ở “bước ngoặt lịch sử” với nhiều cơ hội phát triển quan trọng phía trước.
Với tuyên bố đó, Bắc Kinh vẫn chỉ coi những tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề song phương, không thể trở thành đa phương. Chẳng qua, dưới sức ép phải tạo hình ảnh mới tại AMM, ông Vương Nghị không còn cách nào khác là phải tạo hiệu ứng sẵn sàng đàm phán để rồi sẽ “tùy cơ định liệu” trong các phòng đàm phán không chính thức vốn thu hút ít sự chú ý hơn.
Theo Dantri