Trung Quốc đóng cửa một loạt báo quân sự
Lực lượng vũ trang Trung Quốc đóng cửa các tờ báo do 7 quân khu phát hành, một phần trong kế hoạch cắt giảm biên chế và tổ chức cho hợp lý đội quân thường trực lớn nhất thế giới.
Việc đóng cửa các báo là một phần trong kế hoạch cắt giảm 300.000 nhân sự trong quân đội 2,3 triệu thành viên của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Theo AP, các báo như War Flag, Vanguard và People’s Armed Forces dần dần không còn được những trang tin chính thức, đài truyền hình tuyên truyền và trang web cho các binh sĩ sử dụng nữa.
Báo People’s Liberation Army Daily cho biết họ đã dừng xuất bản tuần trước. Trong các báo đóng cửa có Soldiers News là báo lâu đời nhất, ra đời từ năm 1930.
Việc đóng cửa các báo khiến PLA Daily và báo liên kết với nó là China Defence Newspaper trở thành hai nhật báo duy nhất còn lại của quân đội Trung Quốc, dù đài truyền hình quốc gia CCTV dành riêng một kênh cho lực lượng vũ trang, với nhân viên là các sĩ quan không mặc đồng phục.
Trung Quốc đang trong quá trình cắt giảm 300.000 nhân sự trong đội quân 2,3 triệu thành viên, tái tổ chức cơ cấu chỉ huy và bỏ đi những chức năng không thiết yếu như các đoàn văn công.
Cuộc cải cách diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhiều hoạt động đòi hỏi yêu sách chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng.
Trọng Giáp
Video đang HOT
Theo VNE
Trung Quốc cải tổ quân đội để mở rộng sức mạnh ra nước ngoài
Bằng chính sách cải tổ hệ thống chỉ huy kiểu Mỹ đối với quân đội, ông Tập muốn tăng cường sức mạnh ở nước ngoài cũng như quyền kiểm soát đối với PLA.
Quân đội Trung Quốc phóng rocket trong một cuộc tập trận hồi tháng 9. Ảnh: 81.cn
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố bắt đầu cuộc cải tổ quân lớn nhất trong hàng chục năm qua để giúp quân đội nước này tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và triển khai sức mạnh ra nước ngoài, theo Blomberg.
Trong cuộc gặp với các quan chức quân sự ở Bắc Kinh hôm 26/11, ông Tập khẳng định sẽ đặt tất cả các nhánh của lực lượng vũ trang Trung Quốc dưới quyền chỉ huy của một cơ quan chỉ huy quân sự chung, giống như mô hình chỉ huy của quân đội Mỹ, theo Xinhua.
Theo đó, 7 đại quân khu hiện nay của Quân giải phóng Trung Quốc (PLA) sẽ được rút gọn xuống còn 4 chiến lược khu. Các lực lượng lục quân, hải quân, không quân và quân đoàn tên lửa chiến lược đều được đặt dưới một cấu trúc chỉ huy hợp nhất, một số nguồn tin giấu tên của Trung Quốc cho hay. Lực lượng bộ binh truyền thống cũng sẽ bị giảm bớt quy mô, giúp nâng cao vai trò của không quân và hải quân, nhằm nhanh chóng triển khai lực lượng trong một cuộc xung đột hiện đại.
Một hệ thống chỉ huy hợp nhất được xem là cầu thiết để cải thiện khả năng liên lạc và phối hợp các lực lượng hiện đại giữa nhiều bộ phận trong quân đội. Các chuyên gia phân tích cho rằng những thay đổi về mặt tổ chức sẽ hỗ trợ cho Trung Quốc chuyển đổi từ một lực lượng quân sự gần bờ sang một lực lượng có đủ khả năng triển khai quân ra xa bờ biển của mình.
"PLA hiện là một đội quân đội hoạt động chủ yếu ở trong nước, với khả năng tác chiến hợp đồng quân binh chủng còn hạn chế", Andrew Scobell, nhà khoa học chính trị ở cơ quan tư vấn RAND, Mỹ nói. "Với việc Trung Quốc ngày càng chú trọng vào các lợi ích đang tăng lên ở nước ngoài, mô hình quân đội kiểu Mỹ rất hấp dẫn họ".
Hệ thống chỉ huy kiểu Mỹ
Quân đội Trung Quốc là một trong những lực lượng quân sự lớn nhất thế giới hiện nay, với 2,3 triệu quân nhân, trong đó lục quân chiếm số lượng rất lớn, theo số liệu công bố năm 2013.
Phillip Saunders, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân đội Trung Quốc ở Đại học Quốc phòng Mỹ cho biết khó khăn trong việc kết hợp nhiều lực lượng khác nhau là một điểm yếu đối với PLA khi tiến hành các hoạt động tác chiến. Đây được coi là một trong những lý do buộc ông Tập phải cải tổ lại hệ thống chỉ huy của quân đội.
"Đây là cuộc cải tổ quân đội lớn nhất kể từ thập niên 1950", Yue Gang, một đại tá nghỉ hưu từng công tác tại Bộ Tổng Tham mưu PLA cho biết. "Cuộc cải cách này sẽ chuyển đổi mọi nền tảng quân sự kiểu Liên Xô của Trung Quốc sang cấu trúc chỉ huy hợp nhất kiểu Mỹ, biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng vũ trang chuyên nghiệp hóa có thể triển khai sức mạnh ra thế giới".
Cấu trúc chỉ huy được coi là một điểm yếu lớn hiện nay của quân đội Trung Quốc. Ảnh: 81.cn
"Việc thiết lập các cơ chế chỉ huy và kiểm soát chung nhằm mục đích khắc phục điểm yếu này", Saunders nói. " Tuy nhiên, quân đội Mỹ sẽ mất nhiều năm để thực sự nắm được cách thức liên lạc giữa các lực lượng và tiến hành các hoạt động chung trong thực tế. Cho nên PLA có lẽ sẽ cần thời gian lâu hơn".
PLA mới chỉ bắt đầu tổ chức sử dụng hệ thống chỉ huy hợp nhất trong các cuộc diễn tập quân sự cấp quốc gia cách đây không lâu.
Hải quân Trung Quốc là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực hiện đại hóa của nước này, với các chiến dịch tuần tra chống cướp biển ở Vịnh Aden và sơ tán công dân khỏi các khu vực xung đột ở Libya và Yemen. Hôm 26/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận đã thương lượng với Djibouti về việc xây dựng các căn cứ hậu cần để giúp các tàu quân sự tiếp tế hoạt động ngoài khơi bờ biển Đông Phi.
Tăng cường quyền lực
Quân đội Trung Quốc đang là mục tiêu chính của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, và các chuyên gia phân tích nhận định rằng với cuộc cải tổ lớn này, ông sẽ tăng cường đáng kể quyền lực đối với PLA.
"Cuộc cải cách này tăng cường quyền lực cho Quân ủy Trung ương và người đứng đầu là ông Tập", Yue nói. "Đây cũng là một bài học rút ra từ thế hệ lãnh đạo quân đội trước đây, bởi cựu chủ tịch Quân ủy Trung ương trước đó có rất ít quyền lực thực tế đối với các lực lượng vũ trang".
Ông Tập (giữa) và các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc. Ảnh: 81.cn
Ông Tập được cho là đang chuẩn bị công bố đề xuất quyền lãnh đạo của ông đối với PLA và ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Mục tiêu của ông là biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng "có đủ khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hiện đại".
Ông Tập "chủ yếu sử dụng chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội để tạo dựng quyền lãnh đạo tuyệt đối của ông với quân đội, vì vậy kế hoạch tái cấu trúc quân đội của ông có thể được thúc đẩy sau thời gian đầu bị đình trệ", đại tá Yue nhấn mạnh. "Giờ đây, quyền lực của ông trong quân đội đã đủ vững chắc để tiến hành cải tổ quân đội và sẵn sàng cạnh tranh với Mỹ".
Trong lần cải tổ PLA gần đây nhất vào năm 1985 dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã giảm số lượng các đại quân khu từ 11 xuống còn 7, dẫn đến việc cắt giảm khoảng một triệu quân nhân. Trong báo cáo thường niên gửi Quốc hội Mỹ hồi tháng 5, Lầu Năm Góc cho rằng việc thành lập các cấu trúc chỉ huy hợp nhất kiểu Mỹ "là thay đổi quan trọng nhất với PLA kể từ năm 1949".
Duy Sơn
Theo VNE
Trung Quốc kiểm soát chặt quân đội Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình siết chặt quyền kiểm soát đối với quân đội thông qua cuộc cải tổ sâu rộng. Ông Tập Cận Bình trao quân kỳ cho Tư lệnh lục quân Lý Tác Thành - Ảnh: SCMP Tháng 11.2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thị trấn Cổ Điền ở tỉnh Phúc Kiến, nơi cách đây hơn...