Trung Quốc đối mặt áp lực chưa từng có từ G7
G7 đang thống nhất hơn bao giờ hết trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc và điều này tạo ra không ít áp lực lên Bắc Kinh.
G7 mới đây đã thể hiện lập trường mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ trước Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ nhân quyền đến thương mại. Tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm diễn ra ở Anh cuối tuần qua, lãnh đạo các nước G7 đã cho thấy tinh thần nhất quán trong nỗ lực gây sức ép lên Bắc Kinh. Điều này được thể hiện rõ nét hơn cả qua tuyên bố chung ngày 13/6 với ngôn từ khá quyết liệt, giới phân tích đánh giá.
Dù thừa nhận về khả năng hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, tuyên bố chung của G7 lại nêu lên nhiều vấn đề mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan. Nhóm đồng thời kêu gọi tiến hành điều tra về nguồn gốc Covid-19 trong bối cảnh giả thuyết nCoV bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc đang được quan tâm trở lại.
Không phải tất cả lãnh đạo G7 đều có lập trường cứng rắn như Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang nỗ lực tái khẳng định vị thế của Mỹ trên trường quốc tế trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự đồng thuận chưa từng có giữa họ về vấn đề Trung Quốc đang khiến Bắc Kinh không khỏi cảm thấy lo lắng.
Các lãnh đạo G7 và Liên minh châu Âu chụp ảnh chung tại Vịnh Carbis, Cornwall, Anh, ngày 11/6. Ảnh: AFP.
Nó có thể khiến Trung Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc “chen ngang” mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, khi Bắc Kinh đang đối diện mối hoài nghi ngày càng lớn từ phương Tây.
Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định G7 ngày càng thống nhất hơn trước vấn đề Trung Quốc và dành nhiều nỗ lực hơn nhằm cạnh tranh với Bắc Kinh trong các lĩnh vực như cung cấp vaccine, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và công nghệ.
“Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử G7, tuyên bố chung này thể hiện một mặt trận thống nhất mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy trước đây”, ông nói.
Li lưu ý thêm rằng nó còn cho thấy những rạn nứt trong chiến lược của Trung Quốc khi tìm cách dùng sức mạnh kinh tế để khoét sâu chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh. Trung Quốc từng ký một thỏa thuận đầu tư lớn với Liên minh châu Âu, nhưng nó đã bị đóng băng gần đây sau các động thái cứng rắn của Bắc Kinh.
“Có lẽ đã đến lúc Bắc Kinh nên thận trọng hơn một chút với tính toán rằng sức mạnh kinh tế của họ có thể ngăn chặn tâm lý bài Trung Quốc gia tăng trong các nước phương Tây này”, ông nói, đề cập đến G7.
Trong hội nghị thượng đỉnh ở Cornwall, các nước G7 cũng công bố sáng kiến phát triển mang tên “Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn” nhằm đối chọi với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung chi tiết về sáng kiến cơ sở hạ tầng của G7 chưa được hé lộ.
Video đang HOT
G7 còn cam kết hỗ trợ một tỷ liều vaccine Covid-19 cho các quốc gia đang phát triển giữa lúc Bắc Kinh đang thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine của riêng mình.
Đáp lại, đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ngày 14/6 ra tuyên bố nói rằng các lãnh đạo G7 đã “vu khống Trung Quốc” và đang tạo ra đối đầu, chia rẽ thay vì hợp tác.
Nhưng ngay cả khi thống nhất về một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc, mức độ chia rẽ trong nội bộ G7 vẫn khá rõ ràng. Tuyên bố không mạnh mẽ như Mỹ kỳ vọng khi EU, Đức và Italy được cho là không muốn lên án Trung Quốc về cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương, còn Canada, Pháp và Nhật Bản lại có vẻ ngả nhiều hơn về phía quan điểm của Mỹ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc trong phát biểu sau hội nghị và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó nói rằng G7 không phải một “câu lạc bộ” thù địch với Trung Quốc.
Dù có sự khác nhau về mức độ, theo Emilian Kavalski, giáo sư về quan hệ Trung Quốc – châu Âu tại Đại học Nottingham Ninh Ba, việc Trung Quốc là vấn đề duy nhất mà các lãnh đạo G7 dường như có thể đồng thuận nên khiến Bắc Kinh cảm thấy lo lắng. “G7 muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Tang Xiaoyang, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, nhận định việc Mỹ tiếp tục phối hợp với các đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc chắc chắn sẽ gây áp lực lớn lên Bắc Kinh.
“Rõ ràng Biden muốn củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm chống Trung Quốc và Nga khi ông chọn gặp các đồng minh châu Âu trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình”, Tang nói. “Nhiều cuộc thảo luận chính sách của họ không thể xa rời chủ đề Trung Quốc và tất cả đều là một phần trong nỗ lực tập hợp đồng minh nhằm kìm hãm Trung Quốc”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một sự kiện bên lề hội nghị G7. Ảnh: AFP .
Dù vậy, theo các nhà phân tích, hội nghị thượng đỉnh G7 vẫn đưa ra được một tầm nhìn tích cực về hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực y tế toàn cầu và cơ sở hạ tầng.
Chin-Hao Huang, phó giáo sư về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Yale-NUS, Singapore, cho rằng “cạnh tranh lành mạnh” là điều tốt đối với cộng đồng quốc tế và cả Bắc Kinh lẫn Washington đều cần phải điều chỉnh lại để đáp ứng những thách thức toàn cầu.
Theo ông, kết quả mà hội nghị thượng đỉnh đạt được phản ánh rõ nét nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy G7 thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Nó đồng thời cho thấy những khó khăn ngày càng tăng của Bắc Kinh trước áp lực quốc tế trong những vấn đề như Tân Cương, Hong Kong hay Đài Loan.
“Những vấn đề Trung Quốc coi là công việc nội bộ thực tế rất khó tránh tác động từ quốc tế”, Huang đánh giá. “Khi bạn trở nên có ảnh hưởng hơn trên trường quốc tế, đây không còn là vấn đề của riêng Trung Quốc nữa mà là những vấn đề được toàn cầu quan tâm”.
Khoảng trống bà Merkel để lại cho G7
Năm 2007, ngay lúc vừa bước vào nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên, Angela Merkel trở thành lãnh đạo nữ duy nhất tại hội nghị G8 ở Đức.
Giữa 8 người đàn ông mặc vest tối màu, Thủ tướng Đức Angela Merkel nổi bật với chiếc áo màu xanh lá cây khi tiếp đón họ tại khu nghỉ dưỡng Heiligendamm bên bờ Biển Baltic. Tại thời điểm đó, Nga vẫn còn là thành viên của nhóm các nước phát triển, hay còn gọi là G8.
Theo bình luận viên Melissa Eddy và Steven Erlanger của NYTimes , bà Merkel đã báo hiệu tầm ảnh hưởng trong tương lai, ghi dấu ấn tại hội nghị bằng cách thuyết phục được tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush, người có quan hệ mật thiết với ngành công nghiệp dầu mỏ ở Texas, đồng ý công nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa toàn cầu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) cùng các lãnh đạo thế giới tại hội nghị G8 ở Heiligendamm, Đức, hồi năm 2007. Ảnh: Deutsches Historisches Museum.
14 năm sau, khi G8 trở thành G7, bà Merkel đến bờ biển Cornwall, phía tây nam nước Anh, để dự hội nghị thượng đỉnh cuối cùng với các lãnh đạo của nhóm trước khi rời nhiệm sở vào tháng 9. Một vài điều đã thay đổi, như việc các lãnh đạo không còn bất đồng về mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có những thực tế vẫn giữ nguyên, như việc bà Merkel vẫn là nữ lãnh đạo dân cử duy nhất trong nhóm.
"Thử tượng tượng xem tình hình sẽ như thế nào khi bà ấy rời đi", Katja Iversen, cố vấn nhóm Các Nữ Lãnh đạo Chính trị, đặt vấn đề.
Các hội nghị thượng đỉnh thường thiên về nghi thức và hoạt động chụp ảnh. Trong khi đó, bà Merkel tận dụng sự kết hợp giữa tầm ảnh hưởng và sức thu hút của mình, sẵn sàng thảo luận cặn kẽ vấn đề trong khoảng thời gian dài, thúc đẩy những vấn đề lâu nay bị coi nhẹ, bao gồm khí hậu, phát triển bền vững và bình đẳng giới.
Trong hội nghị đầu tiên tại Heiligendamm năm 2007, bà Merkel thúc đẩy tăng cường quản lý thị trường tài chính toàn cầu và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, một năm trước khi thị trường nhà đất Mỹ sụp đổ khiến thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc. Ngoài ra, Thủ tướng Đức còn hướng sự chú ý vào vấn đề y tế toàn cầu, giúp đảm bảo ngân sách để chống lại sự lây lan bệnh AIDS, sốt rét và lao ở châu Phi.
8 năm sau, lần thứ hai đóng vai trò chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 2015, bà Merkel đã khai mạc hội nghị bằng cách đề cập đến vấn đề rác thải nhựa đang gây ô nhiễm đại dương. Các nước dự hội nghị đã cam kết hướng tới giảm 40-70% phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2050, tiền đề cho Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sau đó.
"Bà Merkel có những ý tưởng vô cùng cụ thể về mong muốn đạt được từ các cuộc họp", Claudia Schmucker, chuyên gia địa kinh tế tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, đánh giá.
Bức ảnh mang tính biểu tượng từ hội nghị G7 năm 2015 là khi bà Merkel đứng đối diện tổng thống Mỹ Barack Obama và dang rộng tay, đằng sau là dãy Alps, báo hiệu sự hồi sinh quan hệ hợp tác sau khi hai bên bỏ qua những khác biệt về vấn đề tình báo, cũng như hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ tại châu Âu.
Thủ tướng Đức Merkel (trái) và cựu tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị G7 ở Elmau, Đức, hồi năm 2015. Ảnh: NY Times.
Tuy nhiên, khi chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 hai năm sau đó ở Hamburg, bà Merkel lại đối mặt với Donald Trump, người kế nhiệm Obama, một lãnh đạo không quan tâm đến chủ nghĩa đa phương. Thủ tướng Đức đã phải đấu tranh để đưa nội dung về Hiệp định Khí hậu Paris vào tuyên bố cuối cùng của hội nghị, trong khi Trump rời cuộc họp từ sớm.
"Tại thời điểm mọi người thắc mắc tại sao chúng ta cần tổ chức những sự kiện tốn kém như vậy, bà Merkel đã giải cứu hội nghị, bất chấp sự phản đối dữ dội từ chính quyền Trump", Schmucker nhận định.
"Khi nhìn vào Merkel, nhiều người chỉ thấy rằng bà ấy là lãnh đạo giúp duy trì sự ổn định. Nhờ phong cách, kiến thức và kinh nghiệm, Merkel thực sự có thể tạo dựng niềm tin. Tuy nhiên, rất nhiều người không nhận ra vai trò dự đoán tương lai đầy quan trọng của bà ấy đối với việc định hình các chủ đề trong tiến trình của G7", Stormy-Annika Mildner, giám đốc Viện nghiên cứu Aspen của Đức, cho biết.
Viễn cảnh thiếu vắng bà Merkel trên bàn họp G7 trong tương lai được coi là một sự thay đổi lớn. Đối với nhiều người phương Tây, Thủ tướng Đức thường được coi là người bảo vệ nền dân chủ tự do, từng nhiều lần đối đầu với Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Giờ đây, châu Âu sẽ dựa vào các lãnh đạo mới để định hình chính sách đối ngoại trong những vấn đề như chi tiêu quân sự, Nga, và đặc biệt là Trung Quốc.
"Merkel không còn nắm vai trò quyết định những động thái chính sách lớn, tầm ảnh hưởng chính trị giảm sút", Stefan Kornelius, một trong những người viết tiểu sử của Thủ tướng Đức, đề cập đến giai đoạn "hoàng hôn nhiệm kỳ" hiện nay của bà.
Thủ tướng Đức Merkel (trái) cùng người đồng cấp Anh Boris Johnson tại hội nghị G7 ở Cornwall, Anh, hôm 12/6. Ảnh: AFP .
Theo các bình luận viên của NYTimes, Merkel chắc chắn không quan tâm đến một cuộc chia tay phô trương. Tại hội nghị G7 cuối cùng ở Cornwall, bà được cho là một lần nữa tập trung đấu tranh cho vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bình đẳng giới, vấn đề được Merkel đặt lên hàng đầu hồi năm 2015, không được thảo luận trong năm nay, ngay cả khi các nghiên cứu quốc tế cho thấy số phụ nữ mất việc ở mức kỷ lục và phải chật vật cân bằng mọi thứ, đặc biệt trong đại dịch Covid-19.
Trong hầu hết hội nghị thượng đỉnh G7 mà Merkel tham dự, bà là lãnh đạo nữ duy nhất, bên cạnh cựu thủ tướng Anh Theresa May hồi năm 2017 và 2018. Việc thiếu vắng Thủ tướng Đức trong tương lai đặt ra lo ngại rằng liệu vấn đề giới có tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự hay không.
Theo Kati Marton, tác giả một cuốn tiểu sử sắp xuất bản về Merkel, cách Thủ tướng Đức thay đổi xã hội và sự lãnh đạo mà không cần phô trương đã tạo nên vị thế của bà. "Nhờ có bà, phụ nữ đã được công nhận trong cơ cấu quyền lực", Marton nhận xét. "Bà đã cho thấy một phụ nữ nắm quyền sẽ trông như thế nào và hành động ra sao".
"Merkel đã chứng minh rằng một người phụ nữ nắm quyền cư xử khác biệt và đạt được các thành tựu một phần chính nhờ việc bà là phụ nữ. Bà ấy có thể kiềm lại cái tôi để hoàn thành công việc. Tôi thấy không có nhiều nam lãnh đạo có phẩm chất đó", Marton nói.
Hội nghị thượng đỉnh G7: Đức cam kết viện trợ 350 triệu liều vaccine cho các nước Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra tại Anh, các nhà lãnh đạo liên tục đưa ra những cam kết viện trợ vaccine cho các nước nghèo. Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu trong ngày cuối cùng của hội nghị,...