Trung Quốc đối diện nguy cơ ùn tắc xuất khẩu do thiếu vỏ container
Đà phục hồi mẽ sau đại dịch COVID-19 của nền kinh tế Trung Quốc gặp trở ngại mới: Thiếu hụt vỏ container ở cấp độ toàn cầu, đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao kỉ lục, khiến các nhà sản xuất, xuất khẩu không thể đáp ứng các đơn hàng đang hồi phục nhanh.
Tàu hàng di chuyển qua vùng biển Hong Kong. Ảnh: Reuters
Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng 21% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, khi đầu tàu sản xuất của thế giới xuất đi hàng núi đồ thiết bị điện tử, đồ chơi, quần áo, đồ bảo hộ cá nhân và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác đang có nhu cầu cao trên thế giới.
Nhưng do mất cân đối về cán cân thương mại liên quan đến cơ cấu xuất, nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – cứ gần 4 container xuất đi mới có 1 container nhập khẩu về, cùng với việc nhiều container về Trung Quốc bị ách lại do đại dịch, nên đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt trầm trọng vỏ container vốn đang là rào cản cho dòng xuất khẩu hàng hóa.
Nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu tại Trung Quốc cho biết đang phải đối diện với thực trạng nhận được nhiều đơn hàng, nhưng không thể xuất được. Các thùng hàng được chất đầy, các nhà máy, nhà kho sắp không còn chỗ chứa. Lý do là rất khó để đặt được container, khi mọi người đều chạy đôn tìm nguồn cung ứng với mức giá cao.
Theo dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc, khoảng 60% hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, đóng trong các container, với tổng số khoảng 180 triệu vỏ container trên toàn thế giới. Hiệp hội Container Trung Quốc (CCIA) cho biết, thời gian quay vòng trung bình của một container đã vọt lên 100 ngày, so với mức 60 ngày trước đây mà nguyên nhân là do đại dịch COVID-19. Nhiều vỏ container nằm lại ở châu Âu, Bắc Mỹ vì thiếu nguồn hàng xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc, do mất cân đối về xuất nhập khẩu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Việc nhiều máy bay chuyên vận tải hàng hóa nằm bến vì dịch bệnh cũng lại gây thêm sức ép cho vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Tổng hợp các nhân tố này khiến giá cước tàu biển tăng mạnh. Chi phí để vận chuyển một container từ Trung Quốc đi Bờ Đông nước Mỹ trong tuần đầu tháng 12 đã lên mức kỉ lục, 4.928 USD/container, tăng 85% so với thời điểm ngày 1/6. Mức cước phí đó sang châu Âu và Địa Trung Hải qua kênh đào Suez lần lượt tăng 142% và 103% so với cùng kỳ.
Những nhà chế tạo vỏ container cũng đã điều chỉnh, thích ứng theo hướng mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu, nhưng chưa thấm vào đâu. Sản lượng vỏ container/tháng tại Trung Quốc – chiếm khoảng 96% sản lượng toàn cầu, đã vọt lên mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, với 300.000 vỏ trong tháng 9, theo dữ liệu của CCIA.
Sản lượng này sau đó còn đứng ở mức cao, nhưng việc thiếu hụt nguồn thép, sàn gỗ công nghiệp và thợ hàn trình độ cao sẽ là rào cản mới. Đây là sản phẩm đòi hỏi thông số kĩ thuật, bảo đảm an toàn cao, vì tiềm ẩn nguy cơ gãy, vỡ trong quá trình bốc xếp hàng hóa.
Thị trường chợ đen và mức giá tăng vọt
Nhiều vỏ container bị ách lại tại Mỹ, châu Âu vì không có hàng xuất ngược trở lại thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa, nguồn: Bloomberg
Nhận thấy cơ hội kiếm tiền, một số công ty tư nhân Trung Quốc tìm cách tích trữ vỏ container để cho thuê lại với mức giá cao nhất, tạo ra một ngành kinh doanh mới.
“Mọi thứ như chợ đen. Bạn phải trả thêm tiền để có được các container từ những xưởng tư nhân, chứ không phải các công ty chuyên về giao nhận hàng hóa. Mỗi container phải đội thêm chi phí 500 USD, trong khi giá cước vận chuyển đã cao gấp 3 lần bình thường. Mọi người ai cũng tìm cách kiếm được tiền, chỉ có những người như chúng tôi thì không”, đại diện một nhà cung ứng đồ da dụng, đồ chơi và văn phòng phẩm có trụ sở ở Yiwu, Chiết Giang chia sẻ.
Nhân vật giấu tên này cho biết sẽ phải đợi từ 2-4 tuần mới mong có được một container, mà chưa biết chắc chắn hay không. Còn theo một nhân viên lại tại hãng vận tải đường biển Southwest Logistics ở Ninh Ba, Chiết Giang, giá cước cho một container xuất từ Trung Quốc đi Nam Mỹ trước đây kịch trần cũng chỉ 3.000 USD, nhưng nay ngay cả mức giá 6.000 USD/container cũng chưa chắc đã đặt được chỗ trên tàu.
Không chỉ tại Trung Quốc, hiệp hội vận tải đường biển ở Hàn Quốc, Malaysia và nhiều nước đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ đề bù cho mức cước phí cao. Một số nhà xuất khẩu chọn cách khác là khai thác thị trường nội địa, bán hàng trong nước. Tuy nhiên, đa phần đều phải chấp nhận giải pháp trả giá cao hơn. Bởi không ai đủ kiên nhẫn đề đợi giá xuống. Không có container, không thể xuất hàng và không thu được tiền, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Giới quan sát ngành vận tải đường biển cho rằng tình trạng khan hiếm container sẽ còn tiếp diễn cho đến khi vaccine ngừa COVID-19 được phân phối rộng rãi, hoạt động di chuyển toàn cầu bằng đường hàng không được nối lại một cách cơ bản.
Báo Trung Quốc nêu bài học từ xung đột Nagorno-Karabakh
Truyền thông Trung Quốc cho rằng việc UAV của Azerbaijan áp đảo lực lượng Armenia trên chiến trường là "bài học đáng báo động" với quân đội nước này.
"Dù chiếm ưu thế về lực lượng bộ binh thông thường, được trang bị xe tăng, thiết giáp và radar, quân đội Armenia vẫn dễ dàng trở thành 'mồi ngon' cho máy bay không người lái (UAV) vũ trang của Azerbaijan", tạp chí Tàu chiến và Tàu hàng thuộc Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc viết trong bài đăng gần đây.
Bài viết dẫn lời các chuyên gia quân sự nước này tổng kết các diễn biến trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh, coi đây là "bài học báo động" về việc UAV có thể thay đổi cục diện chiến trường.
UAV của Azerbaijan nhiều lần quay cảnh binh sĩ Armenia bị lộ bị trí và bị nhắm mục tiêu khi hoạt động trên mặt đất. Các UAV Bayraktar TB2 có khả năng tập kích chính xác ngay cả khi mục tiêu ẩn nấp trong chiến hào hoặc phương tiện đang di chuyển.
Ngoài UAV vũ trang, Azerbaijan còn sử dụng khí tài này trong hoạt động trinh sát để giành lợi thế trong giao tranh và buộc Armenia phải đình chiến sau khoảng 6 tuần.
UAV Orbiter của Azerbaijan trong lễ duyệt binh tại thủ đô Baku, ngày 10/12. Ảnh: AA .
"Trong xung đột Nagorno-Karabakh, lá chắn chống UAV đã không được sử dụng hiệu quả", các chuyên gia Trung Quốc nhận định. "Dù Armenia và Azerbaijan bắn rơi lượng lớn UAV của nhau, cả hai bên tham chiến đều không có khả năng ngăn khí tài này gây thiệt hại".
Bài viết cho rằng quân đội Trung Quốc (PLA) sở hữu lượng lớn UAV các loại, nhưng các đối thủ tiềm tàng cũng biên chế các hệ thống UAV tiên tiến, khó phát hiện và ngăn chặn hơn những mẫu được dùng trong xung đột Nagorno-Karabakh.
"Bởi vậy PLA cần nâng cao nhận thức về mối đe dọa từ UAV, đưa khí tài này vào chiến lược và chương trình huấn luyện", bài viết có đoạn. "Chiến thuật chống UAV vẫn là điều mới mẻ với phần lớn đơn vị cơ sở của PLA".
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng PLA cần xây dựng mạng lưới phòng không đa tầng trang bị radar chống UAV, radar bù điểm mù, các trạm phát hiện sóng vô tuyến cùng các giải pháp theo dõi bằng âm thanh hoặc hồng ngoại khác, nhằm "liên tục giám sát UAV ở nhiều vị trí trong phạm vi rộng".
Các đề xuất chống UAV khác được đề xuất gồm gây nhiễu điện tử, sử dụng vũ khí phòng không như tổ hợp pháo-tên lửa phòng không hoặc tổ hợp phòng thủ tầm cực gần như LD-2000, hay đánh lừa UAV bằng các mục tiêu giả trên mặt đất.
UAV Azerbaijan tấn công xe tăng Armenia. Video: BQP Azerbaijan .
Trung Quốc là một trong các quốc gia tích cực sử dụng UAV trong lĩnh vực quân sự. Nước này đang phát triển các loại UAV mới có khả năng tàng hình tốt hơn, bay cao và nhanh hơn, bền hơn và có thể tự hoạt động. Trung Quốc còn phát triển UAV tự sát giá rẻ có thể phóng loạt từ một thiết giáp hạng nhẹ hoặc trực thăng.
Michael Raska, giáo sư trợ lý tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết dù UAV đã được sử dụng phổ biến trong các cuộc chiến tranh trước đây của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Armenia đã không nắm bắt kịp thời những thay đổi của công nghệ để đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.
"Chiến sự tại Nagorno-Karabakh chắc chắn sẽ làm tăng các cuộc tranh luận về việc sử dụng UAV trong giao tranh và các biện pháp đối phó hiệu quả", Raska nói.
Chuyên gia an ninh Timothy Heath của hãng phân tích RAND, có trụ sở tại Mỹ, cho biết xung đột tại Nagorno-Karabakh cho thấy về lý thuyết, các lực lượng yếu hơn vẫn có thể triển khai hiệu quả UAV vũ trang một cách hiệu quả để gây ra tổn thất nặng nề cho lực lượng bộ binh đối phương được cho là vượt trội về sức mạnh song lại thiếu chiến lược ứng phó với vũ khí không người lái.
"Cuộc xung đột cho thấy quân đội tiên tiến phải phát triển hệ thống phòng thủ chi phí thấp và đa dạng để chống lại UAV", Heath nói. "Lục quân nên được trang bị nhiều khẩu đội radar và và tên lửa phòng không di động để có thể theo kịp các đơn vị thiết giáp và bộ binh trong quá trình hành tiến".
Nagorno-Karabakh và vùng lân cận sau thỏa thuận đình chiến ngày 10/11. Đồ họa: BBC .
Malcolm Davis, chuyên gia chiến lược và năng lực quốc phòng của Viện chính sách Chiến lược Australia, nhận định xung đột Nagorno-Karabakh phần nào thể hiện diện mạo chiến tranh tương lai, trong đó vũ khí tự động hoặc UAV tự sát có thể mở ra hướng phát triển mới cho lĩnh vực quân sự của các cường quốc nhỏ và trung bình.
"Kết hợp hiệu quả với thông tin tình báo, giám sát và trinh sát, một phi đội UAV mang đến cho quân đội các nước khả năng tấn công nhanh chóng và chính xác vào các lực lượng mặt đất bị lộ hoặc không được bảo vệ", Davis nói. "Với các quốc gia không đủ khả năng trang bị không quân hiện đại, UAV trở thành phương tiện hiệu quả về chi phí trong giành quyền kiểm soát bầu trời".
Davis cho rằng để đối phó, các nước cần phát triển năng lực chống UAV. "Tôi cho rằng yếu tố quan trọng là các hệ thống chống UAV được trang bị từ cấp chiến thuật tới từng đơn vị nhỏ, trong đó xe tăng và thiết giáp được tích hợp hệ thống chống UAV ngay từ khâu thiết kế", Davis cho biết.
Armenia và Azerbaijan nhiều lần đụng độ kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh sau cuộc chiến vào thập niên 1990, khiến 30.000-40.000 người thiệt mạng. Đợt giao tranh nổ ra hồi tháng 9 được nhận định là lần đụng độ đẫm máu nhất giữa Armenia và Azerbaijan sau hơn hai thập kỷ.
Indonesia chưa thể chứng thực vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc hiệu quả 97% Công ty dược phẩm Bio Farma thuộc quản lý của chính phủ Indonesia cho biết không thể xác thực mức độ hiệu quả vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc và cần phải đợi dữ liệu hoàn chỉnh. Một container chứa vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac hạ cánh xuống sân bay quốc tế Soekarno-Hatta gần Jakarta ngày 6/12. Ảnh: Reuters Theo báo Bưu điện...